Biển Đông xuyên suốt các bài phát biểu của Thủ tướng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham gia nhiều hội nghị quốc tế khẳng định tiếng nói, chủ quyền của Việt Nam về biển Đông cũng như đề xuất các giải pháp giảm căng thẳng trong tranh chấp biển Đông.

Xây dựng lòng tin chiến lược

Ngày 31/5, tham dự Đối thoại Shangri-La  - diễn đàn an ninh, quốc phòng quan trọng bậc nhất khu vực châu Á lần thứ 12 được tổ chức tại Singapore, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng với tư cách là diễn giả chính.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La (Ảnh Reuters)

Trong phát biểu, Thủ tướng đánh giá bức tranh toàn cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế và hợp tác, liên kết khu vực đang diễn ra hết sức sôi động. Tuy nhiên, khu vực cũng đang chứng kiến nhiều thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp về tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn. Điều quan trọng trên hết của lòng tin chiến lược là sự thành tâm và chân thành trong quan hệ giữa các nước, trong hợp tác, xử lý các thách thức chung ở khu vực.

Trong phát biểu, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò và đóng góp không thể thiếu của một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương đối với hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm chỉnh DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ Quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực, qua đó đóng góp vào xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia, mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một khi nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp nội bộ và hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện; khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.

Bài phát biểu của Thủ tướng đã chuyển thông điệp quan trọng xuyên suốt là xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương; nhấn mạnh muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược.

Lời nhắc Biển Đông trong khát vọng thế giới không chiến tranh

Vào tháng 9/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có bài phát biểu được đánh giá rất cao tại phiên họp lần thứ 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Thủ tướng phát biểu tại Đại hội đồng LHQ

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Việt Nam đã thẳng thắn nêu lên một câu hỏi nhức nhối: “Nhân loại khao khát hòa bình, nhưng vì sao vẫn còn xung đột, chiến tranh?”. Thủ tướng Việt Nam dẫn chứng bằng những sự kiện nóng: “Vẫn còn đó bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi, gần đây  nhất là Syria; vẫn còn đó mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên; Biển Hoa Đông, Biển Đông chưa lặng sóng bởi những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ…”. 

Thủ tướng Việt Nam cho rằng, “những hành động trái với Hiến chương LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt chính trị cường quyền… phải được đấu tranh loại bỏ”; “lòng tin chiến lược phải không ngừng được vun đắp bằng thái độ chân thành và những hành động thiết thực”. Và quan trọng là, “các nước lớn hãy là những tấm gương kiến tạo hòa bình”. Nói cách khác, các nước lớn nếu không giúp ngăn chặn xung đột thì xin đừng châm ngòi cho bất cứ cuộc chiến nào.  

Rất dễ nhận thấy quan điểm nhất quán trước sau như một từ Thông điệp Việt Nam tại Shangri-La đến phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ lần này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam: Lương tri nhân loại cần phải lên tiếng mạnh mẽ vì mục tiêu hòa bình của toàn thế giới, hãy tháo gỡ mọi ngòi nổ chiến tranh, mọi kế hoạch chiến tranh và thay vào đó là các kế hoạch chống đói nghèo, từng bước đi tới phồn vinh, thịnh vượng. 

Việt Nam chưa phải là một nước lớn, càng chưa phải là một nước giàu nhưng đã chứng minh nỗ lực thực thi sứ mệnh hòa bình như nhân loại có lương tri khao khát. Đối với Biển Đông, Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), các thỏa thuận khu vực.

Không một phút nào 80 triệu người dân Việt Nam quên những phần lãnh thổ thiêng liêng đang bị nhòm ngó, không phút nào họ quên những ngư dân can trường bám biển để giữ vững chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, “còn một tín hiệu dù nhỏ nhoi của hòa bình chúng ta cũng phải tận sức để tránh chiến tranh”.  Đó là lựa chọn tất yếu của một dân tộc đã phải đổ quá nhiều xương máu để giữ vững độc lập, chủ quyền. 

“Từ những trải nghiệm thấm đẫm mồ hôi và xương máu”, dân tộc Việt Nam tha thiết mong muốn không dân tộc nào phải gánh chịu sự tàn phá lạnh lùng của chiến tranh. 

ASEAN phải tiếp tục đoàn kết phát huy vai trò chủ đạo và tiếng nói chung về biển Đông

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra vào ngày 9/10 tại Brunei với các Đối tác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có phát biểu quan trọng tại các Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hoa kỳ, đánh giá cao kết quả hợp tác đạt được, đồng thời khuyến khích các nước đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, cũng như đóng góp xây dựng vào hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Về Biển Đông, ASEAN nhất trí rằng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng vũ lực; tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và thúc đẩy xây dựng COC.

Với tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ASEAN càng cần phải tiếp tục đoàn kết, phát huy vai trò chủ đạo và tiếng nói chung về Biển Đông trên cơ sở Tuyên bố 6 Nguyên tắc của ASEAN; ủng hộ ASEAN - Trung Quốc thực hiện đầy đủ DOC và Tuyên bố chung Cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, sớm đạt được Bộ Quy tắc COC”.

Thủ tướng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đã chính thức tham vấn ở cấp SOM về COC tháng 9/2013 và đề nghị hai bên cần nỗ lực và quyết tâm để sớm đạt được Bộ Quy tắc COC, vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Thủ tướng cũng ủng hộ việc xem xét thực hiện một số sáng kiến như lập đường dây nóng, tìm kiếm cứu nạn, đối xử nhân đạo và giúp đỡ người đi biển gặp nạn và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác xây dựng lòng tin chiến lược.

Nhấn mạnh hòa bình, ổn định, an ninh và xây dựng lòng tin ở Biển Đông

Và mới đây nhất, tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8 diễn ra ngày 10/10, phát biểu tại Hội nghị về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và xây dựng lòng tin ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; đề nghị ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực thương lượng để sớm đạt COC.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao Đông Á, với tư cách là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, do vậy cần phát huy vai trò chủ động và quyết định của mình về mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN và Đông Á cần đề ra chương trình nghị sự phát triển và mục tiêu ưu tiên phù hợp với các tiêu chí mới của LHQ.

Đề nghị các nước cần đẩy mạnh các nỗ lực về ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huy diệt khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo Việt Nam sẽ sớm tham gia “Sáng kiến An ninh không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt - PSI.”

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn