Mấy ngày qua trên mạng xã hội xôn xao clip bé gái L.T.D.H (6 tuổi, ở xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khóc lớn, ôm chặt cổ một người đàn ông không chịu theo người phụ nữ đang cố gắng bế lấy cháu bé.
Theo thông tin đăng tải kèm theo, người đàn ông trong đoạn clip là bố cháu D.H, còn người phụ nữ là mẹ. Sở dĩ có vụ việc trên vì sau khi sinh con, người mẹ bỏ đi để lại đứa bé cho bố nuôi dưỡng. Sau đó, người mẹ quay lại giành quyền nuôi con.
Hình ảnh trên clip về người mẹ cố gắng bế con gái về nuôi nhưng cháu bé vẫn theo bố. (Ảnh cắt từ clip)
Đoạn clip gây xôn xao cộng đồng mạng xã hội, nhiều ý kiến “lên án” người mẹ bỏ mặc không chăm sóc con.
PV tờ Saostar.vn đã tìm gặp chị Lê Thị Hảo (sinh năm 1979, mẹ bé gái) để tìm hiểu rõ sự việc. Trong ngôi nhà nhỏ ở xóm 1 (xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn) chị Hảo cho biết, cách đây hơn 6 năm chị đi làm ở Hà Nội và có quen với anh Lê Xuân Thanh (sinh năm 1981, ở xóm 8, xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn).
Giữa năm 2011, hai người quyết định đến với nhau và có tổ chức một đám cưới đơn giản theo phong tục địa phương, nhưng không đăng ký kết hôn. Sau khi cưới, chị về nhà chồng sống. Khi đó, anh Thanh cũng đã có một đời vợ và một người con trai riêng.
Cuối năm 2011, chị sinh con gái đầu là cháu L.T.D.H. và đến tháng 2/2013, chị sinh tiếp người con trai thứ 2 là bé L.A.H. Khi cháu L.A.H. được 29 ngày tuổi, chị bị chồng đuổi ra khỏi nhà, phải bế con trai út về nhà mẹ đẻ ở. Anh Thanh không cho chị mang con gái đầu đi theo.
“Chồng tôi cấm không cho tôi quay về gặp con gái mình. Ban đầu anh Thanh thi thoảng vẫn đưa con gái lên thăm tôi nhưng sau không thấy nữa”, chị Hảo chia sẻ.
Theo hồ sơ chị Hảo cung cấp, giấy khai sinh và sổ hộ khẩu của gia đình đều có tên đầy đủ của 2 con chung giữa chị và anh Thanh. Năm 2015, chị có mang giấy tờ đến UBND xã Hợp Tiến đề nghị trả con lại cho chị, tuy nhiên, sự việc sau đó vẫn chưa được giải quyết.
Tiếp đó, chị Hảo đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân (TAND) đề nghị được giải quyết. Ngày 14/6/2017, TAND huyện Triệu Sơn xét xử sơ thẩm và quyết định giao cháu L.T.D.H cho anh Thanh, không ai phải cấp dưỡng nuôi con chung. Các bên được quyền đi lại chăm sóc con chung, không ai được ngăn cản.
“Chồng giao con gái cho hàng xóm chăm sóc nên tôi phải giành lại quyền nuôi con”
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, chị Hảo làm đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Thanh Hóa. Trong phiên phúc thẩm, anh Thanh xin vắng mặt. Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, chị Hảo trình bày, chị và anh Thanh tự nguyện chung sống với nhau, không có đăng ký kết hôn. Hai người sống chung với nhau được hơn 1 năm thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do anh Thanh thường xuyên rượu chè, cờ bạc và đánh đuổi chị ra khỏi nhà.
Đồng thời, chị có nguyện vọng xin được nuôi cả 2 con. Về phần tài sản và công nợ chung, chị không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về phần anh Thanh, trong bản tự khai và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, anh Thanh cũng có nguyện vọng xin được nuôi cháu L.T.D.H., vì từ khi chị Hảo bỏ về nhà mẹ đẻ, chưa một lần đến thăm con.
Hơn nữa, hiện tại chị Hảo nuôi một người con riêng nên không có khả năng nuôi cháu H. Về phần tài sản và công nợ chung, anh Thanh cũng không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo kháng cáo của chị Hảo, hiện nay, anh Thanh làm thợ xây nên thường xuyên đi làm ăn xa, không có điều kiện để chăm sóc cháu H. và anh Thanh đã gửi con gái cho người hàng xóm là anh Trần Văn Tùng, ở xóm 8, xã Hợp Lý chăm sóc (có xác nhận của công an viên xóm 8 và Phó trưởng Công an xã xác nhận ngày 24/9/2017 về việc nêu trên), nên chị không yên tâm, đề nghị tòa xem xét để chị trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng cháu L.T.D.H.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Hảo trình bày: Chị làm công nhân thu nhập từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng/tháng, cộng với khoản thu nhập làm thêm khác khoảng 2 triệu đồng, tổng cộng khoảng 6 đến 6,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn có sổ tiết kiệm có kỳ hạn số tiền là 15 triệu đồng nên chị có đủ điều kiện để chăm sóc 2 con.
TAND tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Xét thấy bố hoặc mẹ phải là người trực tiếp chăm sóc con cái chưa thành niên, TAND huyện Triệu Sơn đã giao cháu L.T.D.H cho anh Thanh trực tiếp chăm sóc, nhưng anh Thanh đi làm ăn và đã giao cháu H. cho người hàng xóm chăm sóc là không đảm bảo về mọi mặt cho cháu H.
Kháng cáo của chị Hảo có căn cứ nên TAND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận, sửa bản án sơ thẩm giao cháu L.T.D.H cho chị trực tiếp nuôi dưỡng là có căn cứ, đúng pháp luật. Đồng thời, chị Hảo cũng không yêu cầu anh Thanh phải cấp dưỡng nuôi con chung nên tòa chấp nhận”.
Từ đó, TAND tỉnh Thanh Hóa quyết định sửa bản án sơ thẩm của TAND huyện Triệu Sơn. Công nhận chị Hảo và anh Thanh có hai con chung là cháu L.T.D.H và cháu L.A.H. Giao cháu L.T.D.H. và cháu L.A.H. cho chị Hảo trực tiếp nuôi dưỡng. Anh Thanh không phải cấp dưỡng nuôi con chung và được quyền thăm nom con chung không ai được cản trở.
Theo chị Hảo, đến ngày 28/12 vừa qua, Chi cục thi hành án về địa phương tiến hành bàn giao, tuy nhiên, vì cháu H khóc nên anh Thanh nói đưa cháu sang trường mầm non cho cô giáo dỗ rồi đón về sau. Chị có đưa con sang trường mầm non nhưng sau đó nhà trường không cho mang cháu về.
Chị Hảo có quay lại nhưng anh Thanh vẫn chưa chịu giao con. Về nội dung con gái không theo mẹ, gào khóc như trong đoạn clip, chị Hảo cho biết: “Bình thường khi không có bố, cháu L.T.D.H. vẫn theo tôi. Hơn nữa, từ năm 2015 đến nay, tôi có đơn kiện nên anh Thanh không cho cháu H. lên chơi nên mẹ con ít được gặp nhau”.
Được biết, chị Hảo cũng có với chồng trước một người con trai năm nay 17 tuổi, đang ở cùng chị. Hiện tại, chị Hảo ở với người mẹ già năm nay đã 79 tuổi, còn bố chị đã mất.
Chia sẻ về sự việc ồn ào mấy ngày qua, anh Lê Xuân Thanh (sinh năm 1981, bố cháu bé) cho biết, anh cũng suy nghĩ rất nhiều. Hiện tinh thần con gái anh là bé L.T.D.H. đã ổn định lại và đi học bình thường trở lại.
Theo anh Thanh, năm 2002 anh từng lập gia đình và có một người con nhưng sau đó ly hôn. Người con theo mẹ vào Bình Dương sinh sống. Đến năm 2011, anh gặp rồi tự nguyện chung sống với chị Lê Thị Hảo (sinh năm 1979, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn). Hai người có hai con chung. Tuy nhiên khi bé thứ 2 vừa tròn tháng thì vợ ôm con về nhà ngoại ở.
“Hôm con trai thứ 2 đầy tháng, tôi cũng làm vài mâm cơm mời anh em, hàng xóm. Ăn uống xong, vợ tôi xin mang hai đứa về nhà ngoại nhưng tôi không đồng ý. Sau đó cô ấy ôm đứa con thứ 2 đi bộ sang ngoại rồi không quay về đây nữa”, anh Thanh chia sẻ.
Về thông tin chị Hảo cho rằng anh đã đuổi vợ con ra khỏi nhà, anh Thanh bác bỏ: “Tôi không đuổi cô ấy đi, do cô ấy tự đi mà thôi”. Theo anh, suốt 5 năm qua, từ khi vợ về ngoại sinh sống cũng là khoảng thời gian mẹ con không gặp nhau.
“Thời gian đầu tôi có đưa cháu H. lên với mẹ 1, 2 lần nhưng sau đó tôi không lên nữa. Cô ấy cũng không về thăm con lần nào. Chỉ duy nhất cách đây một thời gian dài cô ấy gửi đơn ra tòa giành quyền nuôi con thì có đến trường gặp con 1, 2 lần”, anh Thanh nói.
Ngày 28/12 vừa qua, sau khi TAND tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao cháu bé cho mẹ nuôi dưỡng, anh Thanh cũng chấp thuận bàn giao con nhưng thấy mẹ, bé H. liên tục gào khóc.
“Tôi cũng muốn giành quyền nuôi con nhưng tòa phán quyết vậy tôi cũng đành chấp thuận nhưng thấy mẹ, con tôi lại cào cấu, giãy giụa nhất quyết không muốn lại gần nên tôi cũng không biết làm thế nào. Tôi cũng muốn được nuôi con lắm chứ”, anh Thanh bày tỏ.
Chị Hảo cho rằng, anh Thanh gửi con cho hàng xóm nuôi, không quan tâm đến con gái. Nhưng anh Thanh cho rằng: “Trong suốt 5 năm qua, tôi vẫn một mình chăm sóc con không nhờ vả ai. Có đúng đợt mẹ tôi ốm ngoài Hải Dương tôi có ra chăm sóc mẹ vài ngày nên mới gửi cháu cho hàng xóm chứ không phải gửi hàng tháng trời, bỏ rơi con. Còn công việc thợ xây của tôi cũng chỉ làm quanh quẩn ở xã. Mấy năm qua cô ấy không thăm con tôi cũng không hề trách móc, cuộc sống bố con tôi vẫn đầy đủ”.