Bộ Giáo dục quyết không để trường công ’làm kinh tế’

13:56, Thứ năm 08/08/2013

( PHUNUTODAY ) - Hoạt động đào tạo ngoài ngân sách thực chất là một dạng “lớp bán công trong trường công" ở bậc phổ thông trước đó mà Luật Giáo dục 2005 đã xóa sổ vì phạm luật.

(Đời sống) - Ngày 2/8, Trường Đại học Y Hà Nội công bố điểm chuẩn dự kiến vào trường là 28 điểm. Với mức điểm trên hàng trăm thí sinh đạt 9 điểm mỗi môn thi cũng không thể đỗ đại học.

Ngay sau đó, vì tiếc những nhân tài này, ĐH Y Hà Nội đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT xin đào tạo hệ ngoài ngân sách. Được biết, với việc đào tạo này, học phí của các bác sĩ đa khoa tương lai này cũng cao ngất ngưởng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện cho con theo học. Chính vì vậy, ĐH Y Hà Nội chỉ xin 150 chỉ tiêu đào tạo thêm. Nhiều thí sinh có mức điểm áp chót hồi hộp mong chờ thông tin thì trong cuộc họp chiều tối ngày 7/8, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Không có chỉ tiêu dành cho hệ ngoài ngân sách”.

Trước động thái này của Bộ GD& ĐT nhiều thí sinh giỏi sẽ sốc và tiếc. Nhưng nhiều người ủng hộ Bộ GD&ĐT vì biết nhìn xa trông rộng. Khi dư luận tiếc cho những em thí sinh thi đại học đạt 9 điểm 3 môn các em vẫn bị trượt đại học thì cũng có nhiều người cho rằng nên tôn trọng "cuộc chơi". Bởi trường ĐH Y Hà Nội từ trước tới nay vẫn lấy điểm cao. Khi các thí sinh tham gia cuộc đua vào trường này các em cũng biết được rõ cái đích của cuộc đua đòi hỏi những gì.

Hơn nữa, khi trường ĐH Y Hà Nội cho rằng không muốn "chảy máu chất xám", bỏ lỡ cơ hội tuyển thêm nhân tài cho đất nước mà đòi nới thêm 150 chỉ tiêu sẽ tạo tiền lệ xấu cho các trường khác. 150 chỉ tiêu này sẽ cùng học chung với các thí sinh khác nhưng các em sẽ phải chịu mức học phí cao.

Trong khi đó, những năm trước việc các trường đại học cứ đến mùa tựu trường là ồ ạt gửi đơn xin đào tạo thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách. Hoạt động đào tạo ngoài ngân sách thực chất là một dạng “lớp bán công trong trường công” ở bậc phổ thông trước đó mà Luật Giáo dục 2005 đã xóa sổ vì phạm luật.

Đại học Y Hà Nội thương người giỏi hay muốn làm kinh tế?
Đại học Y Hà Nội thương người giỏi hay muốn làm kinh tế?

Điều người ta băn khoăn nhất là một cơ sở đào tạo công lập có được phép thu 2 loại học phí khác nhau không? Nhiều người cho rằng việc tăng chỉ tiêu này là để tạo điều kiện cho thí sinh điểm cao có thể được học ở trường các em mong muốn. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng đây là một cách để trường “làm kinh tế”. Ai cũng thấy sinh viên hai hệ này hoàn toàn không có gì khác biệt về quyền lợi, bằng cấp, nghĩa vụ; điều khác nhau duy nhất là học phí hệ này cao hơn hệ kia vài lần.

Nhắc tới chuyện cùng hệ thống trường công lập mà có mức học phí cao, học phí thấp, người viết lại nhớ đến mô hình xây dựng trường công lập chất lượng cao ở Hà Nội. Khi HĐND TP. Hà Nội quyết định cho phép thành lập các trường chất lượng cao trong hệ thống các trường công lập nhiều bậc phụ huynh ngỡ ngàng về mô hình này. Đặc biệt, trường này áp dụng mức học phí cao hơn nhiều lần so với trường công lập bình thường. Cụ thể, mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao áp dụng tối đa trong năm học 2013- 2014 đối với trường mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng/tháng, trường THCS và THPT là 3 triệu đồng/tháng. Đến năm học 2014-2015, các mức học phí tương ứng là 3,2 triệu đồng và 3,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, với mức trần học phí 3 triệu đồng/tháng trong năm học 2013- 2014, mức học phí của trường CLC đang cao gấp nhiều lần so với trường công lập bình thường (mức học phí trường công bình thường hiện ở mức 20.000 đồng/học sinh/tháng với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục nông thôn và 40.000 đồng/học sinh/tháng với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục thành thị).

Ngay sau khi quy định này ra đời, Hà Nội cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng có sự phân biệt đối xử với học sinh giàu nghèo và trong cùng hệ thống công lập mà lại có mức học phí gấp cả trăm lần mức học phí hiện hành ở trường công lập.

Thiết nghĩ, Hà Nội cũng nên học theo Bộ GD&ĐT mà không tạo ra một môi trường trường học công lập mà có hai loại học phí song hành như thế là bất công với quyền lợi của học sinh.

  • Trúc Linh

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc