Bộ trưởng Luận khéo đổ trách nhiệm bạo lực học đường

( PHUNUTODAY ) - ĐT cũng đang cố gắng hết mình để dạy dỗ các em cho thật tốt và không người thầy nào dạy các cháu côn đồ.

(Đời sống) - Trong phiên chất vấn ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có báo cáo những vấn đề liên quan đến giáo dục như giáo dục đạo đức, vấn đề bạo lực học đường.
[links()]
Tại báo cáo của mình, Bộ trưởng Luận đưa ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường tăng cao. Nguyên nhân trước hết bộ trưởng Luận cho rằng đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các cháu còn nhỏ, đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm lý, muốn tự khẳng định mình và hiếu động, như các cụ thường nói "khôn đâu đến trẻ", cho nên không đúng được điều chúng ta mong muốn.

Nguyên nhân thứ hai, liên quan đến sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường kéo theo những mặt tiêu cực tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ.

Nguyên nhân thứ ba, những hành vi bạo lực xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội, ngay trong gia đình, trong cộng đồng, xuất hiện tràn ngập trong phim ảnh, Internet, sách báo cũng tạo nên những khó khăn trong việc mà chúng ta giải quyết bạo lực và giáo dục đạo đức cho các cháu.

Với cả ba nguyên nhân Bộ trưởng Luận nêu ra đều đúng với thực tế những gì đang diễn ra hàng ngày của học sinh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích rạch ròi các nguyên nhân của bạo lực học đường
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích rạch ròi các nguyên nhân của bạo lực học đường


Vài năm qua, bạo lực học đường chưa bao giờ diễn ra phức tạp và khó quản lý. Thi thoảng người ta lại nghe tin về clip học sinh đánh nhau, học sinh đánh ghen, xé áo.. nguyên nhân chủ yếu là do xã hội phát triển, sách báo và công nghệ không còn là những thứ lạ lẫm với học sinh, ngay cả học sinh tiểu học. Nếu xét về lỗi này, Bộ GD-ĐT không phải là người chịu trách nhiệm chính trong vấn nạn học đường được. Chúng ta phải công bằng và rạch ròi trách nhiệm cho từng bộ, ngành một.

Ngành giáo dục cũng đã cố gắng dạy dỗ các cháu về mặt đạo đức lối sống và thực tế trong giáo trình, sách giáo khoa không hề có bài học về bạo lực học đường, đánh nhau... Chỉ một vài hình ảnh minh họa mang tính bạo lực đều được sửa chữa và cắt bỏ, cớ sao bạo lực học đường vẫn tăng cao. Trong cổng trường, ngành giáo dục đã làm hết trách nhiệm của mình, còn bên ngoài cổng trường học sinh đánh nhau là chuyện xã hội phải giải quyết.

Bộ trưởng Luận đã khéo léo phối hợp trách nhiệm của các bên nhà trường -  gia đình - xã hội. Trách nhiệm giáo dục con cái ngoài nhà trường là của gia đình. Gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly thân dẫn đến trẻ thường bị sang chấn tâm lý, học hành đi xuống và có thái độ bất cần đời. Điều này ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và có thể khiến học sinh trở nên bạo lực hơn khi đến trường. Nếu quy trách nhiệm thì Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng cần xem lại các biển gia đình văn hóa, làng văn hóa gắn kín mọi nơi như hiện nay.

Xét về sách báo, internet thì đây đúng là một "môn học" học sinh nào cũng nghiền. Nó càng phát triển bao nhiêu thì học sinh càng học nhanh hơn bấy nhiêu. Thiết nghĩ, sao lại bắt Bộ GD - ĐT phải đi quản học sinh bị ảnh hưởng tâm lý bởi Internet. Rõ ràng, phần này là trách nhiệm ngoài ngành giáo dục. Học sinh hư không thể đổ lỗi cho riêng ngành giáo dục mà nên xét cả mặt gia đình, xã hội đã làm hết trách nhiệm của mình chưa.

Nếu đọc kỹ báo cáo người viết sẽ hiểu mọi thứ bên trong nhà trường đều tốt. Bộ GD - ĐT cũng đang cố gắng hết mình để dạy dỗ các em cho thật tốt và không người thầy nào dạy các cháu côn đồ.

Tuy nhiên điều Bộ trưởng Luận nói có phần giấu giếm nhiều sự thật khi ông cho rằng bên trong nhà trường mọi thứ còn hạn chế nhưng nhìn chung là đã ổn. Không biết cái sự tạm coi là ổn kia của Bộ trưởng là như thế nào khi mà những câu chuyện cô giáo, thầy giáo đánh học sinh vẫn thường xuyên xuất hiện trên mặt báo.

Đầu gối các em thâm tím vì bị quỳ vỏ mít phải chăng là ảnh hưởng từ Internet
Đầu gối các em thâm tím vì bị quỳ vỏ mít phải chăng là ảnh hưởng từ Internet


Còn nhớ cách đây hai năm, dư luận bất bình trước vụ việc hai bé Đặng Ngọc Châu và Đặng Ngọc Hoàng đều lên bốn tuổi ở trại trẻ mồ côi dưới chân núi Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận bị người chủ trại trẻ mồ côi phạt quỳ trên vỏ mít. Hình phạt này khiến đầu gối của cả hai em đều sưng nề, bầm tím, hằn sâu khá nhiều lỗ thủng. Lý do những người như thầy, như cô của em phạt là vì các cháu lì phạt để răn đe, giáo dục.

Hay chuyện ở Thừa Thiên Huế, thầy giáo Trần Minh Sơn (SN 1981, GV Tin học Trường Tiểu học Thuận An, Thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) đã đánh roi vào mông học sinh Trương Viết Đăng Khoa (HS lớp 3D Trường Tiểu học Thuận An) trong giờ học ngày 20/3/2013 khi cháu Khoa đang giải bài tập trên bảng. Lý do thầy Sơn đánh cháu Khoa là do cháu giải sai bài tập. Chuyện những cô giáo, thầy giáo đánh học sinh như chuyện thường ngày ở phố huyện mà Bộ trưởng Luận lại cho rằng trong nhà trường mọi thứ đều tạm ổn.

Đối với những trường hợp học sinh bị thầy cô giáo đánh ngay trong trường học có phải lỗi do Internet hay sách báo, và đó có thực sự là một bài học thực hành về bạo lực, tính côn đồ không thưa Bộ trưởng Luận?
 

  • Ngọc My
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn