Ngày nay, việc lừa đảo qua điện thoại đang ngày càng trở nên phổ biến. Kẻ xấu dùng nhiều chiêu trò khác nhau, các kịch bản liên tục thay đổi, tinh vi hơn, khiến nhiều người dân bị hại, thiệt hại về tài sản.
Có nhiều kẻ mạo danh là cán bộ cơ quan Nhà nước gọi điện thoại cho người dân, thao túng tâm lý nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy, người dân thấy những số lạ, nghi ngờ thì đừng nên bắt máy, không nên gọi lại.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện đã có 732 số điện thoại di động được các cơ quan Nhà nước đăng ký tên định danh để phục vụ công tác chuyên môn, giúp liên lạc trực tiếp với người dân và tổ chức một cách minh bạch, chính thống.
Các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, Mobifone, cùng các nhà mạng di động ảo như Itel, Mobicast, Local, VNSky và FPT đã hoàn tất việc đăng ký và cấu hình hiển thị tên định danh cho các số điện thoại này. Khi người dân nhận cuộc gọi từ các số di động đã định danh, tên cơ quan chủ quản sẽ hiện rõ trên màn hình thiết bị, thay vì chỉ hiện một dãy số thông thường như trước.

Việc triển khai định danh số điện thoại giúp người dân dễ dàng nhận biết đâu là cuộc gọi chính thống từ cơ quan Nhà nước, góp phần ngăn chặn tình trạng giả mạo để lừa đảo. Bộ TT&TT khuyến cáo, trong trường hợp nhận cuộc gọi từ các số di động thuộc các đầu số phổ biến như 03, 05, 07, 08, 09 mà không hiển thị tên định danh nhưng lại xưng là cơ quan Nhà nước, người dân cần cảnh giác. Người dân lưu ý không tiết lộ thông tin cá nhân, không làm theo bất cứ yêu cầu nào cũng người gọi tới.
Cảnh giác với 24 hình thức lừa đảo hiện nay:
Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ".
Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,...
Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…)
Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
Lừa đảo tuyển CTV online.
Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo.
Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.
Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,...
Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
Lừa đảo cho số đánh đề.