Ở cái tuổi 52 nhưng cô Đào ca trù ấy vẫn thật xinh đẹp, mặn mà so với khi lên hình. Chị cười không giấu vẻ tự hào: "Đó là ấn tượng buổi đầu mà anh xã đã dành cho mình và tới tận bây giờ, anh vẫn không tiếc lời khen ngợi với vợ". Với Đào nương Vân Mai đó là bí quyết để vừa thành công trong sự nghiệp cũng như trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.
[links()]
Duyên phận chồng vợ "Trúc – Mai"
Năm 1977, khi đó cô gái Nguyễn Thị Mai mới ở cái tuổi 17 đã trở thành cô văn công trẻ của Tổng cục Hậu cần, run rủi sao anh Trần Văn Trúc (sau này là chồng chị) cũng vào cùng đợt.
Khi ấy chị là cô thiếu nữ xinh đẹp, đi tới đâu cũng được anh em bộ đội yêu mến bởi tài ăn nói có duyên và nhất là giọng chèo mượt mà của quê hương Thái Bình. Anh lính trẻ Trần Văn Trúc cũng như nhiều đồng đội khác, đem lòng si mê người nữ đồng chí của mình nhưng anh không dám tỏ lời cùng ai.
Cho tới một ngày, cả hai được phân công đi hái rau ăn cho đơn vị, anh đã lấy hết can đảm nói lời yêu thương với chị ngay tại… vườn rau muống, để rồi 1 năm sau, ông Tơ, bà Nguyệt se duyên cho họ trở thành chồng vợ.
Đào nương Vân Mai |
Cuộc sống vợ chồng son qua nhanh khi cô con gái đầu lòng ra đời giữa thời bao cấp, có nhiều khó khăn vất vả cộng với những bất đồng về quan điểm sống. Chị thì đam mê được đi hát, tham gia các hoạt động đoàn thể, còn anh thì trầm lặng hơn so với sự sôi nổi của chị.
Điều ấy khiến cho vợ chồng nảy sinh những mâu thuẫn hàng ngày khi cả hai vợ chồng chưa thật sự hiểu nhau. Tuy vậy, cái ngày “chưa hiểu nhau” ấy cũng trôi nhanh qua, bởi chị đã xác định điều quan trọng nhất của mình từ đó để cân bằng công việc ngoài xã hội và hạnh phúc gia đình.
Khi ấy, vì giữ hạnh phúc của gia đình, Vân Mai gần như phải dành toàn bộ thời gian chăm sóc gia đình nhỏ bé của mình. Sự tận tụy và tình yêu của vợ khiến cho anh Trúc cảm động.
Nhất là khi chị Mai đã từ bỏ niềm đam mê của mình ở nhà để chăm sóc chồng và đứa con nhỏ rất chu đáo. Nhiều khi anh Trúc đi làm về, thấy vợ lúc nào cũng ngân nga hát mọi lúc mọi nơi, từ ru con ngủ, dỗ con khóc, đi làm,...
Anh Trúc nhận ra tình yêu nghệ thuật của vợ và sự hy sinh của vợ với gia đình nên đã "ngầm" tỏ ý để vợ có thời gian tham gia các phong trào văn nghệ ở cơ quan đoàn thể. Đào nương Vân Mai cho rằng:
“Một khi muốn làm tốt công tác xã hội, bản thân mình phải hoàn thành trọn vẹn công việc của người phụ nữ trong gia đình”, những gì chị thể hiện được đã tạo niềm tin với anh từ đó, chị có thêm hậu phương vững chắc ủng hộ đam mê nghệ thuật của mình.
Câu chuyện trở thành Đào nương ca trù của chị cũng là một duyên phận và cũng là sợi dây để vợ chồng họ trở thành những tri kỉ Trúc - Mai. Đó là vào năm 1995, trong một lần vô tình nghe bà Quách Thị Hồ hát ca trù trên Đài Phát thanh, chị như không cưỡng lại được sức mạnh của từng thanh âm, nốt nhạc cứ ngân nga trong đầu mình.
Ngay ngày hôm ấy, chị đã hỏi ý kiến Nghệ sĩ Hồng Thái, (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) về ý định học ca trù của mình thì thật bất ngờ, chị đã được sự động viên cổ vũ, vì “có giọng hát mộc và đẹp”.
Vậy là, chị quyết định bỏ chèo sang học ca trù, chị bắt đầu từ việc mày mò học ca trù “chay” qua những băng đĩa của nghệ nhân Quách Thị Hồ với đầy đủ các làn điệu, các kĩ năng hát, cách lấy hơi nhả chữ nẩy hột… đều phải rèn luyện rất vất vả.
Không chỉ học hát, chị còn phải học đánh phách, đây là một công đoạn vất vả không kém. Đánh phách đòi hỏi dùng lực từ vai và cánh tay dồn lực gõ mạnh lên phách sao cho thật dứt khoát đã khiến cho cơ thể lúc nào cũng đau nhức, bệnh thoái hóa đốt sống lưng của chị cũng bắt nguồn từ việc ngồi tập hát và gõ phách ca trù lâu ngày mà ra.
Vợ chồng Đào nương Vân Mai |
Sau 6 năm theo học ca trù, năm 2001, chị chính thức trở thành một Đào nương “vàng” của Việt Nam. Bí quyết để chị thành công thì nhiều nhưng nguồn động viên của chồng đã giúp chị có thêm sức mạnh để bám trụ với nghề.
Kể từ ngày Vân Mai theo học ca trù, anh Trúc đã tự nguyện làm “chân” mát - xa giúp cho vợ giảm bớt sự mệt mỏi sau hàng giờ ngồi bất động tập luyện, biểu diễn. Cử chỉ ấy được xem là tình yêu thương ngọt ngào nhất, mà tới tận bây giờ, anh vẫn dành cho chị.
Song, hạnh phúc nhất với ca nương ấy là việc ông xã cũng đam mê ca trù theo chị. Ngay từ thời còn là thanh niên, anh Trúc đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ từ sáo, đàn bầu, ghi ta…
Cho tới khi vợ học hát ca trù, anh vẫn chưa có sự biểu lộ gì, thậm chí anh Trúc còn "tỉnh bơ" mỗi khi nghe chị ngồi ngân nga bởi anh thích vẫn là chèo. Tuy nhiên anh Trúc vốn có năng khiếu nghệ thuật nên dần dần anh cũng dần yêu theo từng câu “hồng hồng tuyết tuyết”.
Rồi anh thấy vợ học vất vả quá, lại không có kép đàn để hát, nhiều lúc đi học phải lủi thủi một mình đi về nên anh đã quyết định học đánh đàn Đáy. Nhờ chăm chỉ luyện tập nên chỉ 2 năm sau là anh đã có thể đánh “chuẩn”, họ vừa trở thành khán giả cho nhau, góp ý như những giám khảo để có thể giúp nhau thể hiện tốt nhất.
Hạnh phúc vì luôn là người đàn bà đẹp nhất trong mắt chồng
Gần nửa đời người gắn bó với ca trù, Đào nương Vân Mai đạt được những thành quả đáng nể, chị đã đạt nhiều giải thưởng như: Đạt HCV Liên hoan các CLB ca trù toàn quốc (2007), nhận Bằng khen của Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong Đêm ca trù Việt Nam (2006); đạt giải A hát Thờ tổ nghề hay nhất trong LH Ca trù toàn quốc năm 2011…
Vân Mai được giới nghiên cứu, chuyên môn đánh giá là "một trong những số ít những Đào Nương có giọng hát, kĩ thuật thể hiện của ca trù với một số điệu mà không phải Đào nào cũng hát được như “Non mai Hồng Hạnh”, “Tì Bà Hành”…" (nhà Nghiên cứu Đặng Hoành Loan).
Không chỉ xuất sắc về nghề, Vân Mai còn được biết tới là một Đào nương tâm huyết với một loại hình nghệ thuật kén người nghe, mà hiện nay cũng không thoát khỏi số phận bị thương mại hóa và bị méo mó, biến dạng.
Chị cho rằng, người nghệ sĩ khi đến với ca trù bằng cái máu đam mê thì phải sống bằng cái tâm huyết của nghề. Chính vì vậy, không ít lần hai vợ chồng chị tự nguyện hát không có tiền mà vẫn thấy vui. Có lần nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan có điện thoại tới bảo:
"Có một nhóm các bác là cựu chiến binh rất muốn được nghe hát ca trù, nhưng tiền bồi dưỡng chỉ mấy trăm thôi, vợ chồng em đi không?". Với nhiều ca nương khác, họ có thể không nhận lời vì tiền công quá rẻ nhưng với đôi vợ chồng Trúc - Mai không có sự nề hà, chỉ cần có có người thích là hai vợ chồng đóng cửa hàng lại, rồi đèo nhau đi hát.
Vân Mai nói rằng: “Bây giờ nếu có ai đó toàn tâm toàn ý ngồi nghe ca trù thì khó lắm, dù tiền công chỉ có vài đồng thậm chí là không có nhưng mình vẫn sẵn sàng đi miễn là khán giả yêu và cảm nhận được những giá trị nghệ thuật đích thực là vui rồi".
Người ta vẫn nói, khi đời người bắt đầu bước vào cái tuổi trưa chiều dễ trái tính, chưa kể ở cái tuổi ấy, vợ chồng sẽ bị nguội lạnh về tình cảm. Nhưng ở cái tổ dân phố Bích Câu ấy, người ta luôn thấy vợ chồng chị như đôi chim, không mấy khi rời nhau.
Dù ở nhà hay đi đâu hàng xóm láng giềng cho tới bạn bè đều bắt gặp hình ảnh đôi vợ chồng ấy đi cùng nhau, ríu rít những chuyện. Vân Mai chia sẻ bí quyết giúp giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình trước hết chính nhờ tình yêu, niềm đam mê với ca trù giúp cho vợ chồng hiểu nhau nhiều hơn.
Dù rất đam mê nghề nhưng Vân Mai luôn sắp xếp thời gian làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ trong gia đình. Chỉ như thế chị mới mong giữ chân được người đàn ông.
Bí quyết làm người phụ nữ trong gia đình của chị đơn giản chỉ là những món ăn ngon thường ngày chị vẫn nấu cho anh ăn như bát phở gà, món lươn om chuối… mà anh vẫn thích. Cho nên nhiều khi bạn bè rủ đi nhậu nhẹt nhưng anh vẫn phải về nhà ăn cơm với vợ vì "nhà hàng nấu không hợp khẩu vị của mình".
Ở cái tuổi 50, hai người con, một gái một trai của vợ chồng Trúc - Mai đều thành đạt, nên Vân Mai tâm niệm cuộc sống hiện tại của hai vợ chồng dành cho nhau.
Vân Mai tạo điều kiện để hai vợ chồng được gần gũi nhau hơn bằng việc khuyên chồng cùng đi bộ thể dục, thư giãn mỗi tối, rồi về nhà lại “chồng đàn vợ hát”… Tất cả những điều nho nhỏ ấy cũng giúp họ thấy sống gắn bó và không thể thiếu nhau.
Trong mắt anh Trúc, chị vẫn là người phụ nữ đẹp nhất và lời khen ấy anh vẫn dành tặng cho vợ thường ngày. Nhưng cũng chẳng phải là anh nịnh vợ mà bất cứ ai, dù là bạn bè thân, sợ lâu ngày gặp lại Vân Mai, cũng không tiếc lời khen chị vẫn giữ được nét trẻ trung, xinh đẹp so với tuổi thực.
Chia sẻ về bí quyết này, Đào nương Vân Mai không ngại chia sẻ: trước hết đó chính là sự vui vẻ, biết bằng lòng với những gì mình có và làm giản đơn những áp lực cuộc sống khiến người phụ nữ sẽ bớt đi nhưng lo toan không đáng có.
Bên cạnh ấy, người phụ nữ cũng cần nâng cao giá trị bản thân bằng việc chăm sóc tới sắc vóc của mình dù chỉ là tự mát - xa 15 phút mỗi tối mà khỏi cần tốn tiền tới Spa cũng giúp người phụ nữ giữ gìn được vẻ đẹp thanh xuân rất nhiều.
Câu chuyện trở nên rôm rả, khi anh góp thêm những câu chuyện nhí nhảnh của đôi vợ chồng đã ở cái tuổi ngũ tuần. Chị bật mí, 10 năm qua những món mỹ phẩm chị dùng chính do anh tư vấn và anh cũng đều đặn mua về cho vợ.
Anh không có điều kiện như nhiều người bạn hay đi nước ngoài mua tặng vợ những bộ mỹ phẩm đắt tiền hàng hiệu nhưng anh lại là người đàn ông có "tâm" khi luôn để ý tới vợ dùng loại mỹ phẩm gì là hợp, là đẹp.
Thoảng trong những câu chuyện chị kể, tôi vẫn kịp nhận ra những khoảnh khắc ánh mắt tràn ngập những yêu thương chị đưa đẩy sang anh. Tôi hiểu rằng, thẳm sâu trong lòng người phụ nữ ấy đang rất mãn nguyện với những gì mình đã cố công giữ gìn và xây đắp thậm chí còn đánh đổi bằng chính sức khỏe của mình…
- Sao Chi