Ca sĩ Lý Hải và chuyện tình ngọt ngào với “hot girl” Minh Hà (I)

10:40, Thứ tư 31/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Lúc nhỏ Lý Hải cũng phải phụ giúp cha mẹ như bao đứa trẻ miền Tây khác. Một bữa đi học, còn một bữa Lý Hải đi mò cua, bắt ốc, đánh cá, đốn củi, bẻ cau, hái dừa…, phụ giúp cha mẹ lo bữa cơm hàng ngày. Dù cuộc sống cơ cực từ bé, nhưng không vì thế mà Lý Hải thiếu đi niềm vui của thời thơ ấu.

(Phunutoday) - Chỉ 2 tháng nữa Lý Hải sẽ lên chức bố. Để chào đón thành viên mới của gia đình, vợ chồng Lý Hải – Minh Hà đã chuẩn bị kỹ lưỡng chẳng thiếu thứ gì. Đây là thời điểm mà chàng ca sĩ “trọn đời bên em” hạnh phúc nhất: sự nghiệp thành đạt, vợ đẹp và sắp sửa có con xinh. Cũng là thời điểm mà Lý Hải có thể nhìn lại chặng đường lập nghiệp ở đất Sài thành đầy gian khổ của mình suốt hơn 20 năm qua.

Thuở hàn vi
 
Ca sĩ Lý Hải
Ca sĩ Lý Hải
Tên cha sinh mẹ đẻ của Lý Hải là Nguyễn Văn Hải. Còn cái tên Lý Hải – cũng là nghệ danh quen thuộc của Hải là do chính cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền đặt cho. Chuyện là có lần xuống lưu diễn miền Tây, Hải thấy băng rôn quảng cáo có giới thiệu một ca sĩ tên Lý Hải. Hải liền hỏi đạo diễn Huỳnh Phúc Điền: “Lý Hải là ai thế”?  Huỳnh Phúc Điền trả lời: “Là mày chứ ai”. Có lẽ vì thấy cái tên Nguyễn Văn Hải quá “quê”, không hợp để làm nghệ danh, nên Huỳnh Phúc Điền đã chọn cho Lý Hải cái nghệ danh bây giờ.
 
Dường như Huỳnh Phúc Điền là người mát tay, nên kể từ sau khi đổi nghệ danh, cái tên Lý Hải đã dần đi vào lòng khán giả. Lý Hải đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng, được tầng lớp khản giả bình dân đặc biệt yêu mến với các ca khúc trữ tình, đơn giản, mộc mạc như chính tính cách người miền Tây của anh.
 
Lý Hải là con út trong gia đình có 8 anh chị em, quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Là con út, nên Lý Hải được ba mẹ cưng chiều, yêu thương nhất nhà. Nhưng vì nhà nghèo nên tuổi thơ của Lý Hải cũng phải trải qua những ngày tháng cơ cực, nhọc nhằn không kém ai. Lúc nhỏ Lý Hải cũng phải phụ giúp cha mẹ như bao đứa trẻ miền Tây khác. Một bữa đi học, còn một bữa Lý Hải đi mò cua, bắt ốc, đánh cá, đốn củi, bẻ cau, hái dừa…, phụ giúp cha mẹ lo bữa cơm hàng ngày. Dù cuộc sống cơ cực từ bé, nhưng không vì thế mà Lý Hải thiếu đi niềm vui của thời thơ ấu.
 
 
Mới vài tuổi đầu, Lý Hải đã bơi giỏi như một con rái cá. Nhà gần sông nên chiều nào Lý Hải cũng trốn ba mẹ ra tắm sông và kết quả là chiều nào về cũng bị ăn một trận đòn. Cũng bởi Lý Hải là con út, nên ba mẹ rất lo lắng và giữ gìn, đánh đòn Lý Hải cũng là do ba mẹ Lý Hải qua lo lắng cho sự an toàn của cậu con trai nhỏ tuổi. Xung quanh nhà Hải lúc nào cũng có những vườn trái cây um tùm, sai trĩu quả, đủ để cậu bé Lý Hải và bạn bè ăn suốt cả ngày không chán.
 
Nhờ được nuôi dưỡng trong thế giới tuổi thơ tự nhiên, đầy màu mắc và vô cùng đơn giản ấy nên cũng như rất nhiều người miền Tây, Lý Hải cũng có những tính cách đặc trưng như thật thà, đơn giản, không tính toán và rất mộc mạc, chân thành với bạn bè cũng như những người xung quanh. Bây giờ Lý Hải đã là nghệ sĩ nổi tiếng, đã giàu có, thành danh, nhưng tính cách miền Tây trong con người Lý Hải thì vẫn không hề thay đổi, không bị cuộc sống bon chen và phức tạp của giới nghệ sĩ làm cho biến chất.
 
Lý Hải thừa hưởng giọng hát của cha, một người rất say mê cải lương và đờn ca tài tử, duy chỉ có một điều đáng tiếc là Lý Hải không thuộc bất cứ bài đờn ca tài tử nào như cha mình. Trong ký ức của Lý Hải, gia đình nghèo tuy cuộc sống chật vật, khó khăn nhưng luôn là nơi ấm áp và hạnh phúc nhất. Gia đình đông anh em của Lý Hải lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, lúc nào cũng yêu thương, đoàn kết và sẵn sàng chia sẻ với nhau mọi điều.
 
Những năm Lý Hải còn thất nghiệp, đi hát không đủ sống, chính ba mẹ cùng với các anh chị là người đã bao bọc, giúp Lý Hải vượt qua những ngày tháng khó khăn. Sự thành danh và giàu có mà Lý Hải có được ngày hôm nay, anh nói có một phần đóng góp không nhỏ của những người thân trong gia đình, những người đã ở bên Lý Hải trong bất cứ hoàn cảnh nào.
 
Lý Hải mê cát từ nhỏ, nhưng ban đầu dự định của Lý Hải là trở thành diễn viên. Năm 16 tuổi,  trường Nguyện thuật Sân khấu 2 (Nay là Trường Sân khấu Điện ảnh) về Mỹ Tho – Tiền Giang tuyển sinh viên cho khóa mới. Lý Hải được bạn bè rủ đi dự tuyển cũng vui vẻ đi theo. Dự định đi cho vui, nhưng không ngờ lại đỗ. Cậu học trò miền Tây nghiễm nhiên trở thành sinh viên khoa Kịch nói, Trường Nghệ thuật Sân khấu 2.
 
Để có tiền trang trải việc học, Lý Hải phải làm thuê đủ các thứ nghề. Từ đi trông xe đạp, đến đi dạy kịch cho các bé thiếu nhi ở nhà văn hóa. Làm việc cật lực nhưng như nhiều sinh viên của trường Nghệ thuật Sân khấu 2, Lý Hải cũng phải “kết bạn” thường xuyên với cơm cà, cơm mắm và canh “đại dương”.
 
Lý Hải ra trường đúng vào thời điểm sân khấu kịch xuống dốc. Những sinh viên cùng khóa với Lý Hải đều có chung một bi kịch: không biết đi đâu về đâu. Lúc đó, được Đoàn ca múa của Tỉnh Tiền Giang gọi về, Lý Hải và nhiều bạn bè mừng như vớ được vàng. Nhưng về tỉnh, xuất diễn thì không có, lương cũng không, việc cũng không nốt. Suốt ngày chỉ ngồi chơi, uống nước chè và ngẫm nghĩ sự đời. Cuộc sống không có tương lai khiến Lý Hải vô cùng thất vọng.
 
Chỉ sau một thời gian ngắn như thế, Lý Hải bỏ lên Sài Gòn với ước mơ đổi đời. Không có đất diễn ở sân khấu kịch, cũng nhờ có chút năng khiếu thanh nhạc mà Lý Hải nhảy qua ca hát. Thời gian đầu mới đi hát, Lý Hải cũng phải xoay đủ các kiểu mới kiếm đủ tiền. Chàng ca sĩ “Trọn đời bên em” đã phải trải qua quãng thời gian đi hát trên các thuyền du lịch, hát quán bar, nhà hàng với cát-xê rẻ mạt rất lâu trước khi kiếm được nhiều tiền hơn và bắt đầu có chút danh tiếng.
 
Lúc còn học trong trường, Lý Hải chơi thân với Minh Nhí và Cát Phượng. Khi đó cũng giống như Lý Hải, cả Minh Nhí và Cát Phượng đều nghèo và thất nghiệp. Ra trường, không được ở trong KTX nữa, 3 anh em rủ nhau thuê chung một cái nhà để ở. Lúc đó cả Lý Hải, Minh Nhí và Cát Phượng đều có chung một cơn ác mộng mang tên “tiền nhà”. Cứ đến cuối tháng là 3 anh em phải tìm mọi cách trốn cô chủ nhà.
 
Sáng bước ra khỏi cửa lấm la lấm lét, nhìn trước ngó sau, không thấy ai đứng ở sân mới dám đi. Đến tối về nhà, cả 3 anh em đứng đợi nhau ở đầu ngõ rồi cứ người này đùn đẩy người kia vào trước. Sống quá lâu trong cảnh sống nghèo khó, nên sau này lúc cuộc sống dễ thở hơn, mấy anh em trong nhà vẫn có những kỉ niệm cười ra nước mắt.
 
Chuyện là hồi đó Minh Nhí đi làm đã có tiền, đã bắt đầu dành dụm được và mua được một chiếc xe Dream – một tài sản quá lớn với Minh Nhí, Lý Hải và Cát Phượng lúc bấy giờ. Có xe nhưng Minh Nhí không bao giờ dám đi vì sợ mòn bánh, cứ 1 – 2 tiếng lại lấy khăn ra lau chùi bụi bẩn rồi chắp tay đi qua đi lại ngắm xe. Nhưng chỉ 1 tháng sau thì trộm ghé qua “thăm” nhà. Chiếc xe Dream bị chúng “nẫng” đi mất, khiến cả 3 anh em chỉ biết nhìn nhau khóc dở mếu dở.

Tình yêu và sự nghiệp đến từ một album
 
Con đường sự nghiệp của Lý Hải rất lắm chông gai. Ban đầu Lý Hải thành lập nhóm hát, nhưng chỉ được một thời gian là tan rã vì không gây dựng được tên tuổi. Thương cậu con trai út cực khổ, lận đận, cả gia đình Lý Hải gom góp mãi mới được 2 chỉ vàng cho Lý Hải đi học nghề may để nuôi thân. Trong cảnh thất nghiệp, Lý Hải cũng đành phải nhắm mắt gật đầu. Nhưng lúc đi học may Lý Hải mới nhận ra mình không thể sống cuộc đời của một anh thợ may, ngồi một chỗ kiên nhẫn may từ chiếc quần này sang chiếc quần khác. Thế là Lý Hải bỏ nghề may, quay lại thành phố để tìm cơ hội khác cho mình.
 
Sau này quen được nhiều mối đi hát ở các vũ trường, các quán bar và các tụ điểm âm nhạc, cuộc sống của Lý Hải dần dần trở nên dễ thở hơn. Thay bằng chiếc xe đạp cọc cạch ngày đầu mới đi hát, Lý Hải cuối cùng cũng mua được một chiếc xe Dream. Với Lý Hải khi ấy, chiếc Dream đúng là “đôi chân mơ ước”. Có nó, Lý Hải đi hát cũng dễ dàng hơn và không hiểu sao sự nghiệp của Lý Hải cũng xuôi chèo mát mái hơn.
 
Từ chiếc xe Dream ban đầu, Lý Hải đã dần mua được căn hộ chung cư đầu tiên, rồi đổi căn hộ chung cư sang một căn nhà riêng. Sau này tích cóp được tiền bạc, anh lại đổi sang một căn nhà ưng ý hơn, được đầu tư tỉ mỉ hơn về kiến trúc cũng như nội thất.
Lâm Bình
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc