Mẹ đơn thân nhưng không có nghĩa đơn lẻ
Phương Thanh luôn được biết đến là mẹ đơn thân, mọi cuộc giao lưu về mẹ đơn thân, mọi ví dụ mẹ nghệ sĩ đơn thân đều có mặt chị. Phương Thanh không nói ra, không tuyên bố nhưng nhiều người biết chị đơn thân mà không đơn lẻ. Chị có một người mà người ta gọi là “người đàn ông trong bóng đêm” ở bên cạnh, đó là người mà chị được dựa dẫm.
Phương Thanh cũng tuyên bố trên các báo rằng đến năm 40 tuổi, chị sẽ công bố người đàn ông bí mật đó và khi nào chị nói đây là gia đình mình thì đó sẽ là thời điểm chắc chắn rằng chị đang hạnh phúc, rất yên ấm. Phương Thanh có phần muốn an toàn, cũng bởi chị thấy cuộc sống của mình không có gì toàn vẹn cả, nhất là người nghệ sĩ, mọi chuyện mông lung lắm. Chuyện hôm nay có thể đấy nhưng ngày mai lại không thể, rất bất ổn.
Người nghệ sĩ cũng có cuộc sống hạnh phúc và đau khổ giống như mọi người, có điều là lúc đau khổ thì giấu vào trong, đem vào tiếng hát, người bình thường giấu vào trong cảm xúc và chịu đựng. Chị quan niệm, dù buồn hay hạnh phúc cũng không thể trưng bày ra hết được, nhất là với chuyện tình cảm sâu sắc. Tính chị từ xưa tới giờ không nói ra chuyện tình cảm, yêu ai quen ai thì người thân biết thôi.
Phương Thanh bảo, ai nhìn chị đừng nhìn ở bề ngoài, dễ hiểu lầm lắm. Chị là người khi có tiền hay hết tiền cũng không ai biết được, cứ vui cho đã, quậy cho đã rồi chỉ một mình mình biết có hay không. Ngay như báo chí thường “phong” cho chị “danh hiệu anh hùng”, phát ngôn “anh hùng”, hành xử “anh hùng”, có lẽ vì trong giới nghệ sĩ không ai thích làm “anh hùng” nên chị bị “đùn đẩy” thành “anh hùng”.
Chứ thực tình chị không muốn, chị muốn được sống đúng với mình, có sự nhẹ nhàng, nữ tính và… hiền. Cũng vì tính cách đó mà người yêu của chị không bao giờ rời xa chị được, nếu có xa chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc thôi. Phương Thanh dí dủm: “Họ phát hiện ra người phụ nữ trong con người tôi rất nhẹ nhàng, dịu dàng trong cái vỏ ngoài rất đàn ông”. Nhưng vì ngay từ khi bước lên sân khấu, chị đã phải “đóng vai” cá tính rồi từ từ được tặng “danh hiệu anh hùng” nên thôi … dùng tạm.
“Con gái quá cần đối với tôi, có những khoảnh khắc trong cuộc đời này bị hụt hẫng, không phải do cái gì tác động cụ thể mà nghệ sĩ sống mông lung lắm, hôm nay “bay dương” mai “bay âm”, nó cứ lơ lửng như vậy, đến khi bay hết dương thì rớt xuống âm và tận cùng âm lại lên dương… Có thời, có vận thì sự nghiệp sẽ lao theo tận cùng của dương nhưng tận cùng của dương là đầu âm… cho nên trong những lúc mông lung như thế, con gái là chỗ dựa vô cùng tuyệt vời với tôi”.
Tuy nhiên, bà mẹ cá tính Phương Thanh vẫn thể hiện sự cá tính của mình trong cách dạy con lớn lên. Chị bảo, bé Gà giống chị, bên ngoài tướng tinh thì dữ nhưng trong tâm thì hiền lắm. Chị muốn con gái lớn lên có tính cách nhẹ nhàng nhưng nếu cái gì cũng nhẹ nhàng thì sẽ không làm được gì, người phụ nữ muốn thành công thì nhẹ nhàng là yếu tố quan trọng, nhưng không có sự mạnh mẽ, quyết đoán thì cũng không giải quyết được việc gì.
Bé Gà nhà Phương Thanh còn giống mẹ ở chỗ, nghịch y chang chị, “bố láo” y chang chị, hiền y chang chị, Phương Thanh tự nhận là… rất hiền nhưng chọc quá quắt lên là không biết… đường nào mà lần. Bé Gà cũng có “tố chất” đó, cứ như một Phương Thanh thu nhỏ lại nhưng đẹp hơn mẹ. Và khi cả hai cùng… nóng thì bà mẹ Phương Thanh lại xuống nước, bắt buộc phải… thua con thôi. Bởi Phương Thanh nghĩ, con là tương lai của mình, “con hơn cha nhà có phúc”, mẹ cứ đòi hơn con là mẹ thua rồi, con phải nghe lời mẹ vì mẹ hơn con là mẹ đã… thua. Một nguyên tắc vô cùng quan trọng trong việc dạy con của Phương Thanh chính là phải tôn trọng con, nâng niu và tôn trọng.
Tránh cho con không tiếp xúc với từ ngữ… “người lớn”
Tránh cho con không tiếp xúc với từ ngữ… “người lớn”
Tôn trọng con và được tôn trọng cũng là cái quyền của con. Bé Gà của Phương Thanh có điều đặc biệt hơn là cô bé rất biết, lại khá nhạy cảm. Từ lúc bé, cô bé thấy mẹ đi làm nhiều hay vắng nhà, bé hỏi: “Có khi nào mẹ ở nhà với con không?” Phương Thanh tâm sự với con thật nhẹ nhàng, thủ thỉ: “Mẹ nói Gà nghe nhé, mẹ là người của công chúng, mẹ phải đi đóng phim, đi hát cải lương, quay phim, mệt lắm, mình thương nhau mình phải thông cảm với nhau nhé, mẹ xong việc mẹ chạy về với em ngay”. Gà nghe xong ngồi suy nghĩ và gật đầu. Bé Gà biết chia sẻ từ những sẻ chia như thế. Đi làm về mệt, Phương Thanh bảo: “Gà ơi, cho mẹ ôm Gà một tí, mẹ mệt quá”, cô bé bảo: “Biết ngay mà”.
Trong nhà Phương Thanh, có 3 người phụ nữ giống nhau y hệt về tính cách đó là mẹ chị, chị và bé Gà. Riêng Gà được cưng chiều hơn một xíu nhưng mọi sự cưng chiều nằm trong khuôn khổ. Theo Phương Thanh thì tất cả mọi thói hư tật xấu không hay nảy sinh từ sự chiều chuộng không giới hạn. Mỗi lần quyết định không chiều con, chị cũng phải dằn lòng lắm vì mẹ nào chẳng thương con, muốn chiều con. Chị có đủ điều kiện để chiều con nhưng chiều mãi từ cái nhỏ tới cái to mãi rồi sẽ không hay cho con đường dài cho con mình.
Thực tế thì Phương Thanh cũng chiều con, bất cứ bà mẹ nào mang nặng đẻ đau không thể nói không thương con, chiều con. Nhưng, Phương Thanh biết hướng cái chiều đó thành sự hiểu con. Để làm được điều đó là cả một sự khó khăn, một nghệ thuật. Gà cũng hay đòi, rằng mẹ mua cho con món quà, con thích món quà này. Giá của món đó 10 triệu, chị đồng ý. Nhưng lần sau đó, chị nói không được, mình còn nhỏ phải xài từ từ, mẹ không chiều con hết đâu.
Gà hỏi, hôm nay con được điểm 10 mẹ có quà cho con không? Chị bảo có. Cho quà nếu cho đúng thời điểm thì sẽ rất quý nhưng phải làm sao không để thói đòi hỏi… phát triển mà phải ngăn chặn, phải cho con biết khó khăn, đau khổ, hạnh phúc… dù còn nhỏ nhưng cũng phải học để hiểu dần những điều đó. Thi thoảng, chị nói: “Gà ơi, hôm nay mẹ có quà cho con này, một cái đầm công chúa đẹp lắm này”. Lâu lâu, phải cho con cảm giác là được mẹ tặng quà chứ không phải đòi hỏi mới có.
Có một nguyên tắc của Phương Thanh là không hướng con biết đến chữ “tiền” sớm, những từ ngữ nào người lớn hiểu nhưng trẻ con không hiểu được thì chị kéo qua một bên, không để bé tiếp xúc và từ từ, từ từ mới để bé hiểu. Tuy Gà còn bé nhưng trẻ con vốn tinh ý và nhạy cảm, chuyện gì cũng sẽ hiểu, người lớn đừng coi thường. Phương Thanh còn có một “nghệ thuật giữ lửa” tình yêu với con khá đặc biệt, chị quan niệm tình yêu giữa mẹ và con, ca sĩ với khán giả cũng giống như tình yêu trai gái, phải hấp dẫn lẫn nhau, cái đó gọi là sức hút. Đừng gần quá, đừng xa quá nhưng phải làm sao trong gần có xa và trong xa có gần. Như thế tình cảm mới ngày càng sâu đậm, quấn quýt.
Phương Thanh mới vào vai cô gái điếm già đứng đường trong bộ phim “Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt”. Điện ảnh đường như là lối rẽ khá ngọt ngào khi chị liên tiếp được tham gia vào những phim nổi đình, nổi đám. Vai cô gái điếm già của Phương Thanh khá lạ, trút bỏ hình ảnh một ca sĩ trẻ trung, chau chuốt trên sân khấu, gương mặt Phương Thanh trong phim này rất nhàu nhĩ, hết thời. Phương Thanh không ngại vai diễn làm mình xấu đi, xấu đến mấy, già đến mấy chị cũng chấp nhận miễn là vai hay. Sau phim này, Phương Thanh lại trở lại với ca nhạc và hát rock.
Đi bên này, lại đi bên kia chính là cái nghệ thuật gần một chút, xa một chút của Phương Thanh. Bé Gà vẫn thường được mẹ mang DVD những bộ phim chị đóng về cho bé xem (tất nhiên là trừ những phim hơi “người lớn” như “Hotboy nổi loạn”) bé thích mẹ trên phim lắm nhưng thích nhất vẫn là bà Phương “Cam” trong “Những nụ hôn rực rỡ”. Lâu lâu, Gà lại nhìn vào mặt mẹ vào nói: “Bà Cam, bà Cam”. Phương Thanh hạnh phúc trong sự cổ động cuồng nhiệt đó của con gái yêu.
- Song Phúc