Ca sĩ Tùng Dương: Làm mới không phải là đánh mất chính mình

06:53, Thứ hai 29/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Sau 7 năm kể từ bước ngoặt cuộc đời đó, Tùng Dương đã dấn thân vào vô vàn trải nghiệm trong âm nhạc, từ Dân gian đương đại, Jazz, New Age, Electronic…,

(Phunutoday) - Cuộc đời có những vòng quay kỳ lạ mà một lúc nào đó người ta sẽ bất ngờ nhận ra khi gặp lại những cột mốc quá khứ, chỉ khác là cũng cột mốc đó thôi nhưng lúc này đã là một đoạn đời khác, một số phận đã chuyển vần. Trên con đường lấp lánh trải đầy những lời tung hô và hào quang của một nghệ sĩ, có những người không ngủ quên trong men say danh vọng mà luôn dành thời gian nhìn lại mình, tự vấn bản thân về những gì mình đã chọn, mình đang làm, liệu đó có đúng là chính mình không và ý nghĩa cuộc đời mình thực sự là gì. Và Tùng Dương là một nghệ sĩ như vậy.


Ca sĩ Tùng Dương được công chúng biết đến từ cuộc thi SMĐH năm 2004, và đã giành chiến thắng với giải thưởng danh giá nhất do Hội đồng Nghệ thuật bình chọn. Sau 7 năm kể từ bước ngoặt cuộc đời đó, Tùng Dương đã dấn thân vào vô vàn trải nghiệm trong âm nhạc từ Dân gian đương đại, Jazz, New Age, Electronic…, tìm tòi những lối đi của riêng mình mà ở đó cái Tôi cực đoan và sự quái tính trong âm nhạc của anh được bộc lộ hết mức.


Những ca khúc Tùng Dương thể hiện trong cuộc thi SMĐH, phần lớn là các sáng tác mang phong cách dân gian đương đại của Lê Minh Sơn, được anh đưa vào album đầu tay “Chạy trốn”. Không dừng chân ở một phong cách nhạc hay nói đúng hơn là “mùi nhạc”, Tùng Dương tiếp tục thử nghiệm với sáng tác của các nhạc sĩ khác như Ngọc Đại, Như Huy, Giáng Son, Lưu Hà An… và tham gia hai chương trình “Vọng nguyệt” của nhạc sĩ Quốc Trung cùng “Gió bình minh” của nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Với Đỗ Bảo, đây cũng là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi anh bắt đầu đẩy âm nhạc của mình lên mức cực đoan, đen tối và giàu màu sắc chất liệu hơn theo xu hướng của các nghệ sĩ trên thế giới. Một ca khúc không chỉ là nhạc và lời, đó còn là thanh âm cuộc sống, sự trải nghiệm trong tâm thức, là bức tranh không có khoảng cách không gian thời gian hay biên giới sáng tạo.

1
 
Và “Những ô màu khối lập phương” ra đời năm 2007 với nền hòa âm New Age trong tinh thần âm nhạc Dark Wave đưa Tùng Dương trở thành một trong những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, tiên phong trong cuộc chơi về “cái mới lạ” trong giai đoạn chuyển mình của nền âm nhạc Việt Nam. Album này đã giành chiến thắng ở hạng mục Album của năm trong “Giải Cống hiến” 2007.

Vòng tròn số phận lặp lại với Tùng Dương trong Album thứ ba theo phong cách âm nhạc điện tử trên nền nhạc giao hưởng – “Li ti” ra mắt năm 2010, đánh dấu sự cộng tác của anh với nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam và ê-kíp ở Đức, đã giúp anh nhận hai giải “Ca sĩ của năm” và “Album của năm” ở giải “Cống hiến 2010”. Một ca sĩ với tuổi đời chưa đến 30 hễ ra album là đoạt giải “Cống hiến” là điều đáng tự hào và cũng là sự khẳng định về quyền lực sáng tạo trên con đường âm nhạc của riêng anh.

Và lúc này, anh đang ngồi trên ghế BGK cuộc thi Sao Mai bên cạnh các giảng viên thanh nhạc, nghệ sĩ ưu tú của nước nhà, Giám khảo trẻ tuổi nhất trong lịch sử các kì thi của giải “Tiếng hát truyền hình” mà như BTC nói, chỉ có anh hoặc ca sĩ Mỹ Linh có thể ngồi vào vị trí này. Bảy năm là chặng đường không dài, nhưng Tùng Dương từ một thí sinh đi tìm cơ hội cho sự nghiệp âm nhạc ngày nào nay đã ở cương vị cầm cương nảy mực cho chính những bạn trẻ như anh hồi còn trẻ, khát khao khẳng định mình trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng.

Gã quái nhân tỉnh táo

Vị Giám khảo SM ngồi đó, trong tư thế thoải mái nhất, tháo giày, khoanh chân vòng tròn trên ghế và gọi một cốc nước quả. Gã quái nhân của làng nhạc Việt – bá chủ của những màn trình diễn thái quá, ma mị trên sân khấu lúc này nhìn hiền như một đứa trẻ đang trong kỳ nghỉ hè.

Gã là người tin vào đạo Phật, số phận, nhân quả và như gã tâm sự: “Chẳng có ai mà lại lành như tôi đâu”. Gã được công chúng xếp vào típ nghệ sĩ lập dị, từ cách ăn mặc đến phong cách âm nhạc, tất cả đều bộc lộ nét quái tính, đôi lúc đến mức cực đoan. Gã có những tín đồ trung thành bởi tinh thần hướng thượng trong sáng tạo âm nhạc không ngừng nghỉ và cũng chính tinh thần duy mỹ cực đoan cá nhân đó mà gã cũng thường xuyên bị ném đá.

Gã cũng nhạy cảm lắm chứ: “Có nhiều khi đọc những comment trên mạng về mình, tôi buồn không muốn hát nữa. Nhưng nếu không phải là chính mình, thì thứ nghệ thuật mà mình mang đến chỉ là sự lừa phỉnh, chiều chuộng thỏa hiệp…, khi ấy nghệ thuật chỉ với mục đích kiếm tiền thì tôi không làm được điều đó… Với những nghệ sĩ như tôi, tác phẩm làm ra không phục vụ số đông nhằm giải trí nhất thời mà để tìm những tri kỷ, chia sẻ những trải nghiệm trong tâm thức của mình bằng âm nhạc và sự đồng điệu của tâm hồn”.

Âm nhạc là con đường gã dấn thân vào để tìm kiếm bản ngã, cái Tôi đích thực của mình trong sự màu nhiệm vi diệu của cuộc đời. Tùng Dương tự nhận mình là típ nghệ sĩ vong thân, có thể chết vì đam mê của mình: “Cuộc đời có quá nhiều cám dỗ và cả những phần thưởng nhưng anh không thể có tất cả. Anh chỉ được phép chọn một và hết mình với nó. Con đường âm nhạc là điều tôi đã xác định ngay từ đầu, đi đến cùng niềm đam mê thì cũng phải hi sinh nhiều điều nhưng người ta chỉ hạnh phúc khi được là chính mình”.

Người nghệ sĩ khi đến một giai đoạn nào đó, anh ta có vẻ như không còn là chính mình nữa, lột xác hoàn toàn, tham vọng hơn với những gì mình làm được, âm nhạc không còn là sự thể hiện tâm hồn một cách hồn nhiên nữa mà anh ta đã áp đặt tư tưởng vào âm nhạc. Âm nhạc đã có sự tính toán. Tùng Dương thì sao, lí trí có phải là điều nguy hiểm trong sáng tạo không?

Tôi không nghĩ đó là sự nguy hiểm. Tôi nghĩ trong chừng mực nào đó, đây là sự chuyển hóa. Anh không thể nào bản năng mãi được, không thể trở về cái thời của SMĐH để hát những bài mộc mạc của Lê Minh Sơn. Cần có sự trải nghiệm để có một Tùng Dương như bây giờ và biết đâu tương lai tôi sẽ thay đổi hoàn toàn và phủ nhận chính Tùng Dương của hiện tại.

Con người luôn đấu tranh với bản ngã của mình, tìm kiếm, nhận định, hệ tư tưởng xuất hiện xuyên suốt đó là kiến thức, đường đi hoặc là đạo của họ. Âm nhạc cũng vậy thôi. Lúc có lí trí là lúc anh đã có kinh nghiệm, mặc dù họ chưa trưởng thành vì con người không trưởng thành được đâu, ngay cả khi đầu đã hai thứ tóc.


Họ đấu tranh cho bản ngã của mình, họ cực đoan nhưng đừng phi lý. Điều đáng tiếc của họ chính là cực đoan đến cùng. Tôi cũng là người tỉnh táo, tỉnh táo ở đây là biết đường đi nước bước của mình. Nghệ sĩ thì lí trí và bản năng rất bấp bênh, nếu anh nhút nhát và tính toán quá thì anh sẽ mất đi sự dũng cảm, làm gì cũng phải ngước lên nhìn xuống, rất khó có đột phá.

Tôi nghĩ biết nhiều không phải hay, nó khiến mình trả giá. Những nghệ sĩ thành công ở Việt Nam, được gọi là Diva… có người nào thuần túy bản năng đâu. Bản năng không đi xa được. Chị Hồng Nhung, Hà Trần rất tỉnh táo. Nhưng đừng cái nào lấn át cái nào nếu không sẽ bị khô cứng hoặc thất bại hoặc đánh mất chính mình. Cuộc sống tôi luôn cố gắng cân bằng hai điều đó. Tôi quan niệm, học bằng quan sát là quan trọng nhất. Lí trí và hệ tư tưởng đều đến từ quan sát và sự tôi luyện.

 Âm nhạc của anh không dành cho số đông và càng đi đến tận cùng cái Tôi của mình thì anh càng ít khán giả đi, anh có buồn vì điều này không? Nếu một lúc nào đó âm nhạc của anh chỉ có những nhà chuyên môn lắng nghe và không nhiều những công chúng có “gu” và đủ trình độ để cảm thụ?

Tôi không nói âm nhạc của tôi là cao siêu nhưng ý thức hệ của tôi là như thế, âm nhạc nói lên chính con người của tôi.

Tôi không muốn những công chúng dễ dãi, giống như một bức tranh trừu tượng bạn phải tư duy, phải có kiến thức và trải nghiệm để hiểu được nó. Nhưng âm nhạc của tôi luôn có tính mở, phù hợp với thời đại, đề cao tính tương tác với khán giả và gieo vào lòng họ những ý niệm mở.

Âm nhạc với tôi không phải để giải trí. Nó không dừng lại ở khoảnh khắc họ nghe. Nhiều người nói như thế rất mệt mỏi và áp đặt, sao không đơn giản, dễ hiểu dễ nghe? Nhưng mọi thứ trên đời này muôn hình muôn vẻ, và tôi biết nhiều người không cảm hóa được nhạc của tôi nhưng có một điều tôi luôn hướng đến đó là làm cho tác phẩm của mình ngày càng có tính thuyết phục cao hơn. Nghệ thuật có tính phủ nhận lẫn nhau, phủ nhận để có những sản phẩm văn minh, cấp tiến hơn.


Âm nhạc có tính mở cho người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo nhưng không phải anh làm gì cũng được. Cần phải có giới hạn và tự đo được biên độ của mình. Đó là bài toán của lí trí. Ngay cả nhạc cổ điển cũng đầy lí trí, sự lãng mạn đầy lí trí của những bản giao hưởng của Beethoven. Tự do phải trong khuôn khổ và nghệ sĩ phải luôn nhìn lại mình.

Đi sâu vào đam mê sáng tạo phải chăng khiến người ta cô đơn hơn, anh có như vậy không? Có khi nào anh phải trốn chạy vào âm nhạc không? 

Cô đơn, nỗi buồn là gia vị, là thi vị của cuộc sống. Nếu cuộc sống chỉ toàn hạnh phúc thì bạn chẳng làm được gì. Tôi chọn dấn thân, tức là chấp nhận hi sinh. Tôi xác định điều đó, còn hơn là lơ lửng không tới được điều gì nên hồn… Tôi tận hưởng cuộc đời mình, đam mê của mình từng ngày, tôi hạnh phúc khi đi trên con đường của mình dù có thể trên con đường đó nhiều người sẽ làm đau tôi nhưng có hề gì.

Khổ đau và hạnh phúc cần song hành với nhau... Khán giả của tôi không popular và không phải ai cũng yêu được Tùng Dương nhưng tôi vui vì điều đó, vì nếu họ đã yêu mình là họ đã thực sự hiểu và đồng cảm với mình, những khán giả đó không đánh lừa mình bằng sự tung hô hiệu ứng số đông, hay trào lưu...

Tuy nhiên phải tỉnh táo, khi nào anh bế tắc anh phải công nhận điều đó và anh cần có khoảng lặng để tiếp thu và tiếp tục sáng tạo. Bế tắc và cho ra những sản phẩm bế tắc là điều đáng sợ nhất của nghệ sĩ. Càng lên đỉnh cao thì càng thấy đỉnh cao hun hút, đó là điều tự nhiên. Nhiều người buộc phải thỏa hiệp với đỉnh cao vì sợ nỗi cô đơn, họ đã đánh mất mình ở trên đỉnh danh vọng. Tôi làm mới mình nhưng không đánh mất tâm hồn, bản chất thực sự của mình. Tôi thích câu nói: sống phải biết sao cho đủ. Cái đủ ở đây là vô cùng, nó cho biết tấm lòng và thái độ sống của anh ra sao.

Thiên Ca

 
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc