Cách cắm hoa Thược Dược đẹp ngày Tết

( PHUNUTODAY ) - Cận Tết, cách cắm những bình hoa Tết như thược dược luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo chị em.

thuoc-duoc

Hoa thược dược rất nhanh héo nên khi cắm cần cung cấp đủ dưỡng chất và nước để hoa tươi lâu. Ngoài ra, hàng ngày bạn cần thay nước để làm chậm quá trình thối rữa, phân hủy của cuống hoa, cung cấp nước mới sạch sẽ. 

Cách cắm hoa Thược Dược đẹp ngày Tết

Đầu tiên là cách chọn hoa. Khi bạn mua cả bó hoa ở ngoài chợ, gánh hàng rong thì bao giờ cũng có khoảng 30 – 40% là những cành to khỏe, dài mập. Những cành còn lại chia ra một phần có chiều cao trung bình, một phần là những cành hoa phụ. Những cành hoa phụ không phải bỏ đi nếu như các bạn tận dụng được tối đa vẻ đẹp mềm mại của chúng khi kết hợp với những cành hoa chính khỏe khoắn. Sự hài hòa sẽ mang lại vẻ đẹp tự nhiên cho bình hoa cắm.

Bình hoa cắm gồm một lọ nhỏ lồng bên trong một chiếc lọ to bên ngoài. Chúng ta chỉ cắm hoa tết ở bình nhỏ phía bên trong.  Tiếp theo, một bình hoa đẹp cần có không gian giữa từng cành hoa với nhau. Mật độ thưa thoáng sẽ đẹp hơn là cắm hoa dày đặc.Một bình to như của anh Vy Anh đang cắm gồm 50 bông to nhỏ khác nhau.

Cành hoa cao nhất thường sẽ có chiều cao gấp từ 1,5 đến 2 lần chiều cao của bình cộng với đường kính bình. Quy tắc sẽ là “Lọ ba, hoa bảy”, tức là diện tích hoa chiếm 7 phần thì bình lọ chiếm 3 phần. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào không gian bày hoa và cảm xúc muốn diễn đạt mà có thể thay đổi.

Khi xếp các cành hoa sát miệng lọ đầu tiên nên xếp xiên chéo (không để thẳng) theo một chiều như kiểu đan quạt. Sau đó xếp lớp thứ 2, 3 cũng đan chéo gài vào nhau theo cùng một chiều. Hoa cắm sẽ to dần từ ngoài vào trong. Những cành thẳng, khỏe ở trung tâm bình hoa. Cách đan cành theo lớp và cùng chiều như vậy sẽ giúp các bạn dễ dàng khi rút 1 cành hoa ra để điều chỉnh mà không làm xô lệch, phá vỡ kết cấu của những cành đã cắm.

Sự khác biệt giữa cách cắm xiên chéo kiểu đan quạt (trái) giúp dễ dàng điều chỉnh khi có sai sót

Các cành đan quạt ở hình trên có khá nhiều khe trống. Sang hình này, bạn cắm thêm các cành vào khoảng trống. Độ nghiêng và độ xiên bớt dần khi vào trung tâm bình hoa. Nghĩa là lớp đầu tiên – sát miệng bình có độ nghiêng và xiên nhất nhằm tạo ra sự lả lướt mềm mại. Các lớp tiếp theo bớt dần vào trong.

 Ý Nghĩa Hoa Thược Dược

Tương truyền, tác dụng chữa bệnh của bạch thược đã được danh y Hoa Đà phát hiện ra trong một tình huống rất ly kỳ. Để nhận biết và tránh nhầm lẫn các vị thuốc, ông đã trồng đủ thứ cây thuốc quanh nhà. Một hôm có người đem biếu ông cây hoa lạ, nói rằng có thể dùng chữa bệnh nhưng không rõ chữa được bệnh gì. Hoa Đà đem trồng ở góc sân bên cửa sổ.
Xuân tới, cây ra những bông hoa rất to, trắng muốt, thơm như hoa hồng. Ông thử hái hoa sắc uống nhưng không nhận thấy có gì khác lạ. Ông lại hái lá rồi hái cành đem thử cũng không phát hiện điều gì đặc biệt. Nghĩ rằng cây hoa này tuy đẹp nhưng không có tác dụng chữa bệnh nên mấy năm liền, Hoa Đà không để ý đến nó nữa.

Một đêm thu, Hoa Đà đang ngồi đọc sách, bỗng nghe thấy ngoài cửa sổ có tiếng con gái khóc thút thít. Nhìn ra, ông thấy dưới ánh trăng mờ, có một người con gái rất đẹp đang đứng đó khóc. Ông tự hỏi, không biết con gái nhà ai, chắc có nỗi oan ức nào đây. Ông khoác áo ra ngoài nhưng nhìn trước nhìn sau không thấy bóng người nào nữa, chỗ cô gái đứng khóc chỉ còn một cây thược dược.

Hoa Đà đi vào và tự nhủ: "Cho dù nhà ngươi có linh tính thì bây giờ cũng đang là mùa thu, hoa đã tàn, lá đã rụng, còn sử dụng được vào việc gì?".

Nhưng ông vừa ngồi xuống tiếp tục đọc sách thì lại nghe tiếng khóc thút thít, nhìn ra vẫn là cô gái ban nãy. Hoa Đà bước ra, cô lại biến mất, vẫn chỉ có cây bạch thược. Sự việc cứ lặp đi lặp lại mấy lần khiến Hoa Đà vô cùng ngạc nhiên. Ông bèn đánh thức vợ đang ngủ say dậy kể lại chuyện.

Bà nói: "Tất cả các cây trong vườn đều được ông sử dụng làm thuốc cứu người, chỉ có cây bạch thược này bị bỏ quên, chắc là nó có nỗi oan ức". Hoa Đà bảo: "Tôi từng thử tất cả các bộ phận của nó thấy chả có tác dụng, vậy còn oan ức nỗi gì?".

Bà vợ nói: "Ông mới thử những thứ trên mặt đất, còn rễ của nó thì sao?". Nhưng danh y gạt đi: "Hoa lá cành còn chẳng có gì đặc biệt, vậy thì còn thử rễ làm gì?". Dứt lời, ông nằm xuống ngủ thiếp đi. Bà vợ suốt đêm không sao chợp mắt, nghĩ rằng chồng mình đã thay đổi, không còn lắng nghe ý kiến của người khác như trước kia nữa.

Vài hôm sau, bà vợ Hoa Đà bỗng nhiên bị đau bụng, băng huyết rất nhiều, uống đủ thứ thuốc không đỡ. Bà liền lén ra vườn đào rễ cây bạch thược đem sắc uống. Chỉ nửa ngày sau, bụng đã hết đau, máu cũng không còn chảy nữa. Nghe vợ kể lại, Hoa Đà rất cảm kích: "Cảm ơn bà đã thức tỉnh ta, nếu không thì ta đã để mai một cây thuốc quý".

Sau sự kiện đó, ông thử nghiệm và nhận thấy ngoài tác dụng giảm đau, cầm máu, rễ bạch thược còn có tác dụng dưỡng huyết và chữa được nhiều bệnh phụ khoa. Cây hoa lạ này ban đầu có tên bạch thược, sau đó Hoa Đà thêm chữ "dược" thành bạch thược dược.

Cùng với thời gian, Đông y phát hiện thêm nhiều công dụng nữa của cây bạch thược. Nó trở thành thuốc bổ huyết thiết yếu, phổ tác dụng rộng và tần suất sử dụng rất cao. Bạch thược chủ trị kinh nguyệt rối loạn, vã mồ hôi, mồ hôi trộm, đau đầu, chóng mặt. Trên lâm sàng y học hiện đại, nó chữa tử cung xuất huyết, viêm thận mạn tính, tăng huyết áp, tiểu đường, viêm võng mạc, cường tuyến giáp...

Thược dược đỏ : Tình yêu của người là hạnh phúc của tôi.

Thược dược vàng: Trái tim tôi tràn đầy hạnh phúc.

Thược dược nhiều màu sắc ( panaché ): Tôi chỉ nghĩ về người.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn