Tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, trẻ em ngày càng trở nên ích kỷ, lãnh cảm và ưa bạo lực, đây được xem là mặt trái của sự phát triển nhanh chóng của ngành thiết bị điện tử. Những trò chơi game đang đẩy các em rời xa cuộc sống chính thường, thay vào đó là cách thức sinh hoạt và nhận thức như những người máy; nó thật sự đã trở thành mối nguy hại lớn của xã hội hôm nay và mai này. Đó không còn là nỗi lo của mỗi ông bố bà mẹ, mà còn trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Cha mẹ phải làm sao khi con cái của mình ngày càng trở nên hư hỏng và không nghe lời?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ lớn lên có những hành vi đạo đức kém, nhưng phần lớn đều là trẻ không nhận được phương pháp giáo dục đúng cách từ gia đình và xã hội. Rất nhiều ông bố bà mẹ gần như đã bất lực trong việc dạy bảo con cái, nhà trường và xã hội bó tay trước những tệ nạn xã hội như bạo lực học đường, nghiện hút, phá thai… Vậy đâu là câu trả lời cho mối nan giải này?
Giáo dục thông qua nghệ thuật truyền thống, là câu trả lời không chỉ trên lý thuyết, mà đó còn là bài học thực tế đã được áp dụng tại Nhật Bản, một siêu cường quốc về công nghệ điện tử của thế giới.
Trong suốt gần 10 năm qua, Chính quyền và Hội đồng Nghệ thuật thành phố Tokyo đã hợp sức với Geidanlyo (Hội đồng về quyền của diễn viên và các tổ chức hoạt động nghệ thuật) để mở các lớp học cho trẻ em với sự tham gia của các nhạc sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng của thành phố. Để khuyến khích các em tham gia lớp học, Hội đồng sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí đầu tư nhạc cụ, trang phục cầu kỳ và học phí cho bất kỳ em học sinh nào tham gia. Mục tiêu của chương trình là gieo mầm và nuôi dưỡng nhận thức cho các em về vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống và định hướng tương lai.
Và thành quả của nỗ lực này đã đem đến một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Hơn 3.000 em nhỏ đã đăng ký tham gia lớp học các môn nghệ thuật khác nhau trong vòng 6 tháng.
Một điều kỳ lạ ở Tokyo, đó là một vài lớp học nghệ thuật truyền thống nổi tiếng đến nỗi các em học sinh cần phải bốc thăm để được nhận vào họ. Kotoha Yamada (10 tuổi), một trong những học sinh, ăn nói lưu loát và duyên dáng, kể rằng khi em xin mẹ cho bốc thăm để được vào lớp. “ Một lần con được chụp ảnh chân dung trước một chiếc đàn koto,” Kotoha nhớ lại. Nhưng con được nhắc rằng: “Không được chạm vào cây đàn”. Vậy hóa ra, những lớp học nghệ thuật này không chỉ thỏa mãn nhu cầu được chạm vào cây đàn cổ của lũ trẻ mà còn truyền đi nguồn cảm hứng cho một số em nhỏ như Kotoha có cơ hội nhận biết thêm về di sản văn hóa của đất nước mình.
Chính quyền thành phố Tokyo đã làm tốt trách nhiệm của mình, bởi họ nắm rất rõ điều cơ bản: Giáo dục con người trước tiên cần giáo dục nhân cách, trẻ em cần biết cách học làm người chân chính trước khi học kiến thức. Lớp học nghệ thuật đã bồi dưỡng tâm hồn các em lòng yêu thiên nhiên, vạn vật, biết tiết chế cảm xúc, giữ tâm khí bình hòa và hành xử theo phép tắc lễ quy. Từ đó đắc được trí huệ thông suốt mở ra con đường thênh thang cho sự nghiệp tương lai.
Sở dĩ nước Nhật được cả thế giới khâm phục vì sự phát triển kinh tế thần kỳ chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng với những ai đã từng sống hay nghiên cứu về Nhật Bản đều nhận ra rằng, sự khâm phục đó phải xuất phát từ cách người Nhật giáo dục đạo đức con người.
Trẻ em Nhật được giáo dục về đạo đức không chỉ từ nhà trường mà còn bởi xã hội. Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức chứ không chỉ có những môn tương tự như môn Giáo dục công dân. Học sinh từ khi học mẫu giáo đã được rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như cách nói cảm ơn cha mẹ, tự nguyện giúp đỡ và phục vụ các bạn xung quanh, vệ sinh trường lớp…
Khi trẻ lớn hơn bắt đầu bước vào hệ thống giáo dục phổ cập từ lớp 1 đến lớp 9, các em sẽ được học và thực hành các bài học đạo đức với một chương trình được phân ra làm 4 nhóm liên hệ từ gần đến xa, từ dễ đến khó. Nhóm 1 là liên quan đến bản thân, nhóm 2 là liên quan đến người khác, nhóm 3 liên quan đến tập thể, xã hội và nhóm 4 là liên hệ với thế giới tự nhiên. Học sinh ở các độ tuổi khác nhau sẽ học đủ cả 4 nhóm này nhưng với mức độ khác nhau. Ví dụ như với nhóm liên quan đến bản thân, học sinh lớp 1- 2 sẽ được học về “sự cần cù, chăm chỉ” thì học sinh lớp 7-9 sẽ được học về “yêu quý sự thật”.
Chương trình giáo dục đạo đức của Nhật xác định đúng mục đích là rèn luyện cho học sinh chứ không phải để lấy điểm lên lớp. Người Nhật cũng không tham lam ôm đồm nhiều kiến thức mà chỉ chọn ra những điều cơ bản thiết thực nhất để dạy cho con trẻ, để trẻ có được căn bản vững chắc mà phát triển còn hơn dạy cho chúng những điều to lớn viển vông.
Hệ quả của phương pháp giáo dục toàn diện này đã được chứng minh bằng ý thức của cả một cộng đồng người Nhật và ngay cả trên văn bản. Chỉ tại Nhật người ta mới tìm thấy cuốn “Cẩm nang hành động cho toàn dân”, gồm hơn 200 điều, ghi rõ việc cần làm, việc cấm làm, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Ví dụ: "Thấy bất kỳ nơi nào vòi nước chảy không người dùng, đóng vòi ngay; gặp quạt, gặp ánh sáng điện không người dùng, phải tắt điện ngay".