Chưa một lần bắt quả tang, nhưng vì những lời xì xào của thôn xóm, Nguyễn Thị Út (SN 1963, trú tại thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đã không dưới 1 lần gặp trực tiếp chị Nguyễn Thị G. (SN 1964) để cảnh cáo.
Rồi Út quyết định triệu tập thêm em chồng cùng cháu gái tìm lên nơi chị G. đang làm việc để “nói chuyện phải quấy”. Tại đây, người phụ nữ ghen chồng đã có những màn đánh ghen khủng khiếp, gây chấn động cả khu công nghiệp Nội Bài cùng các vùng lân cận…
Vụ đánh ghen kinh hoàng
Phải từ rất lâu rồi những người dân sống bám tỉnh lộ 131 gần khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội) mới được chứng kiến một vụ đánh ghen khủng khiếp đến như vậy. Theo miêu tả của những người tận mắt chứng kiến, vụ đánh ghen xảy ra giữa bốn người phụ nữ, một phe 3 và một phe chỉ có 1.
Nhóm 3 người đánh đấm, cắt tóc rồi xé toang quần áo của người còn lại trong sự bất lực gần như hoàn toàn của nạn nhân.
Vụ đánh ghen táo tợn giữa ban ngày, lại ngay trên con đường tỉnh lộ đông đúc khiến cho lượng xe qua lại kẹt cứng, nhiều người dân đã hiếu kỳ dừng lại theo dõi cuộc ẩu đả khiến đoạn đường trong khoảng gần 1km không thể lưu thông được.
Chị G. với những vết bầm tím sau trận đòng hội đồng của Út cùng đồng bọn. |
Kể lại câu chuyện đánh ghen chấn động chiều ngày 6/3/2012 với chúng tôi, chị Lệ, một người dân sống gần đó kinh hoàng nhớ lại: “Lúc ấy khoảng 15h30’, chị G. đang ngồi bán dứa trên trục đường 131, đoạn trước cửa khu công nghiệp Nội Bài thì 3 người phụ nữ từ đâu hằm hằm tiến đến.
Ban đầu họ xúm vào xỉ vả chị G. bằng những lời lẽ hết sức tục tĩu rồi hất tung hết cả hàng của chị ấy xuống ruộng. Mặc cho nạn nhân van xin, 2 người khóa chặt tay chị G. lại, còn một người thì vừa chửi vừa đánh đấm chị G. thậm tệ.
Sau đó, chúng còn dùng kéo cắt tóc chị G. nham nhở và cũng cắt luôn bộ quần áo chị ấy đang mặc. Rồi cứ bắt chị ấy tồng ngồng giữa đường, nhất định không cho mặc áo lại…”
Cũng theo chị Lệ, trong số hàng trăm người đứng lại để xem cuộc đánh ghen hôm ấy có không ít người bất bình, họ xúm vào can ngăn nhưng thấy những đối tượng kia quá dữ dằn và hung hãn lại lăm lăm chiếc kéo nhọn hoắt trên tay nên cũng chỉ dám nói đôi lời ngăn cản.
Sau khi hả hê vì đã hạ nhục “tình địch” trước mặt bàn dân thiên hạ, 3 đối tượng trên bỏ đi và chị G. cũng được một người dân tốt bụng cho mượn chiếc áo để mặc tạm về nhà.
Quá đau đớn trước nhân phẩm bị bôi nhọ cũng như thể xác bị xâm phạm, người phụ nữ khốn khổ Nguyễn Thị G. đã quyết định đâm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng. Nhận thấy đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, làm tổn hại danh dự của người phụ nữ, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã vào cuộc và đang trong quá trình điều tra làm rõ.
Thôn xóm bất bình
Ít ngày sau vụ đánh ghen ồn ào, chúng tôi tìm về thôn Bắc Thượng, nơi cả 4 người phụ nữ liên quan đến vụ đánh ghen đang sinh sống. Được biết, trước khi xảy ra vụ đánh ghen, cả nạn nhân lẫn chủ mưu của vụ việc đau lòng vẫn giữ mối thân tình của người cùng làng, không quá vồn vã mỗi khi gặp nhau nhưng lần nào chạm mặt cũng buông lời hỏi han nhau.
Nhà chị G. nằm cuối một con đường nhỏ và khá ngoằn ngoèo. Thấy khách lạ vào đến đầu ngõ, nhiều người dân xóm đã xúm xít chỉ chỏ, họ lờ mờ đoán biết mục đích của chúng tôi khi bỗng dưng xuất hiện vào thời khắc “nóng bỏng” này.
Kể chuyện với chúng tôi, một người hàng xóm của chị G. chắc nịch cho biết: “Có, tiếng đồn về việc chị G. thậm thụt đi lại với anh Tr. (SN 1959, chồng Nguyễn Thị Út) là có. Cả làng ai cũng nghe thấy thế nhưng tuyệt nhiên chúng tôi chưa từng bắt gặp”.
Người phụ nữ này cũng cho chúng tôi biết thêm, những đồn đại về chuyện loằng ngoằng giữa hai người xuất hiện cách đây chừng 1 năm, từ mùa dứa năm trước.
Mặc dù cả chủ mưu lẫn nạn nhân đều là người cùng làng, nhưng điều dễ dàng nhận thấy trong dư luận thôn Bắc Thượng là hầu hết người dân đều đứng về phía nạn nhân. Họ thương cảm cho người phụ nữ vốn đã trắc trở chuyện tình duyên bao nhiêu thì lại càng phẫn nộ với những hành động của Út và đồng bọn bấy nhiêu.
“Mặc dù đúng là có những lời xì xào đó thật, nhưng việc không bắt được quả tang mà lại đánh đập rồi làm nhục chị ấy giữa đường giữa chợ như vậy là không thể chấp nhận được”.
Trong đám đông đứng bao quanh lấy chúng tôi bày tỏ sự bức xúc ngày hôm đó có một người tự xưng là người nhà của chị G.
Chị này càng bức xúc hơn khi kể lại thái độ của Út và đồng bọn sau khi từ hiện trường vụ đánh ghen trở về làng (nơi xảy ra vụ đánh ghen cách thôn Bắc Thượng chừng hơn 1km): “Lúc gặp tôi ngoài ruộng, con Út còn thẳng thừng tuyên bố rằng nó vừa đi đánh em tôi về.
Cái mặt nó lúc ấy rất vênh váo, nó còn nói hôm nay mà không có người can thì nó còn đánh cho em tôi chết. Em tôi là gái không chồng, đàn ông trong làng có đôi lời ong bướm là điều không tránh khỏi, vậy cớ gì vì một việc mà chẳng hề có chứng cứ lại đánh đập em tôi rồi làm nhục nó giữa đường như vậy. Chúng tôi tha thiết kính mong các cơ quan pháp luật nghiêm minh trừng trị điều sai trái”.
Cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ không chồng
Chia tay đám đông đang sôi sục phẫn nộ, chúng tôi tìm đến nhà chị G. Trong căn nhà 1 tầng rộng rãi còn rất mới, chị G. ngồi bó gối ở chiếc chiếu trải ngoài phòng khách, cơ thể tím bầm, mặt mũi buồn thảm, chưa hết sợ hãi sau trận đòn chí mạng ngày hôm ấy.
Chị G. mặc một chiếc áo khoác rộng để che đi những vết bầm tím khắp cơ thể, mái tóc dài ngang lưng ngày nào lởm chởm và cụt lủn. Chị phải buộc lên cho đỡ sợ hãi mỗi lần đối diện với tấm gương trong phòng tắm.
“Kể từ hôm ấy, tôi đau đớn lắm. Đau thể xác một thì đau tinh thần mười. Ngần này tuổi đầu bị làm nhục giữa hàng trăm hàng nghìn người như vậy.
Đêm nằm tôi chẳng ngủ được, nước mắt cứ trào ra chua xót cho số phận. Tôi còn chưa đủ bình tĩnh để đi sửa lại mái tóc nham nhở này nữa”, chị G. tâm sự, hai đôi mắt ầng ậng nước. Xét ở lứa tuổi của mình, phải nói chị G. còn khá đằm thắm.
Những vết sứt sẹo trên gương mặt sau trận đòn thù hôm nào mặc dù nghiêm trọng nhưng không đủ sức làm mờ đi nét mặn mà vốn có của người phụ nữ nông thôn đã gần 50 tuổi.
Bên cạnh chị G. lúc đó còn có mẹ chị, bà cụ Trần Thị Chục, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Bà cụ già nua và móm mém, đau đớn nói với chúng tôi rằng, từ ngày xảy ra sự việc đau lòng, cụ đành qua đây ở luôn với con gái, sợ con gái thân cô thế cô không thể chống lại kẻ thù vào thời điểm nhạy cảm này.
Thương con tình duyên đã sớm trái ngang, nay lại vận vào người hạn lớn này, bà cụ Chục chỉ biết lặng lẽ nhìn con trong nỗi xót xa cùng cực. Tâm sự với chúng tôi, cụ Chục thở ngắn than dài kể về cuộc đời lận đận của chị G.
Theo lời kể, chị G. ngay từ thời còn trẻ đã có nhan sắc mặn mòi, chị G. đã đẹp lại càng đẹp hơn khi vào tuổi đôi mươi, trai làng bao nhiêu đám rập rình chị chẳng ưng lại trót đem lòng yêu thương một gã trai phong trần, từ tỉnh xa đến đất Sóc Sơn lập nghiệp.
Hai người cứ thế mà quấn rịn lấy nhau, chẳng bao lâu sau cái tin chị G. có mang gây chấn động cả vùng quê thanh bình. Cha đứa trẻ thì ai cũng biết, nhưng một đám cưới thì chẳng thể nào diễn ra.
Bà cụ Chục đành nuốt nước mắt vào trong để con mình mang tiếng với làng xóm không chồng mà chửa, để đứa cháu trai ra đời mà chẳng bao giờ biết được tiếng gọi cha.
“Ngay từ lúc chúng yêu nhau tôi đã hết lời khuyên nhủ bởi tướng tá cậu ta phong lưu, khó hy vọng được ở sự chung tình, nhưng con bé G. cứ như phải bùa mê thuốc lú của nó, rồi điều gì đến cũng phải đến”, bà cụ Chục buồn bã nhớ lại.
Nhiều năm tháng trôi qua, cái dư âm về tiếng xấu đã được thời gian làm cho phôi pha nhạt nhòa. Gái một con trông mòn con mắt, chị G. không biết tự bao giờ lọt vào tầm ngắm của những người đàn ông xa gần.
Nhưng sau mối tình đầu cay đắng, chị G. quyết tâm cự tuyệt tất cả, một tay nuôi nấng đứa con trai trưởng thành, giờ đã gần 30 tuổi và đi làm ăn ở xa, đóng góp không nhỏ vào căn nhà rộng rãi khang trang chúng tôi đang ngồi nói chuyện.
Từ khi con trai làm ăn xa, một mình chị G. cô quạnh trong căn nhà vắng hơi đàn ông, hoàn cảnh ấy càng khiến chị lại một lần nữa lọt vào tầm ngắm của những gã đã “chán cơm thèm phở”.
Và chẳng biết vì lý do gì, ông Tr. gần một năm nay đã bị dư luận địa phương để ý, họ xì xào với nhau rằng hai người có tình ý, mặc dù theo tìm hiểu, chưa ai nhìn thấy họ có biểu hiện gì khác lạ ngoài tình làng nghĩa xóm.
Phải động viên thật nhiều, chị G. mới mở lòng để tâm sự với chúng tôi về câu chuyện đau lòng ngày 6/3. Theo chị G., Nguyễn Thị Út chính là chủ mưu ngày hôm đó, đi cạnh Út còn có Nguyễn Thị Chi (SN 1961) và Nguyễn Thị Giang (SN 1972), là em gái chồng và là cháu họ của Út.
“Bọn họ nhục mạ tôi bằng những lời nói hết sức tục tĩu và chợ búa, nói tôi cướp chồng người khác rồi sau đó xông vào đánh đấp, cắt tóc và xé toang toàn bộ áo sống của tôi”, chị G. nghẹn nghào nhớ lại.
Vừa kéo tay áo để lộ ra những bết tím bầm trên bắp tay, chị G. cũng cho chúng tôi xem một vết thủng khá sâu.
Theo chị G., đã có những lúc Út cầm kéo đâm thẳng vào mặt chị, song phản xạ đưa tay lên đỡ khiến chị không bị tổn thương phần mặt, thay vào đó là một vết thủng sâu đang mưng mủ tấy đỏ trên bàn tay phải.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi ngày hôm đó, chị G. cũng phủ nhận việc có quan hệ tình cảm với anh Tr.
“Tôi chưa từng làm điều gì quá đáng, bản thân chị Út cũng chưa từng bắt gặp tôi đi lại với ông Tr. Lần trước đến gặp tôi để nói chuyện, chị ấy cũng rất lịch sự chỉ nói với tôi rằng nếu có hãy bỏ đi, và tôi nói rằng chị hãy cứ yên tâm vì không có gì. Vậy mà chị ấy lại nỡ đối xử với tôi thế này…”, chị G. bật khóc khi nghĩ lại những tủi nhục vừa qua.
- Hoa Liên
[links()]