Một ngày nọ, một chàng thanh niên đến gặp một người đàn ông đã có tuổi và nói với ông:
– Cháu đang rất cần lời khuyên, vì cháu đang bị dày vò bởi cảm giác vô dụng và không còn muốn sống nữa. Mọi người nói rằng cháu là một kẻ thất bại và một kẻ ngốc. Hãy giúp cháu!
Người đàn ông liếc nhìn chàng thanh niên và trả lời vội vã: “Hãy tha thứ cho ta. Ta đang rất bận và không thể giúp cậu. Ta có việc khẩn cấp đặc biệt cần giải quyết”. Nói đến đây, ông dừng lại, suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp: “Nhưng nếu cậu đồng ý giúp ta một việc, ta sẽ có thể làm được gì đó cho cậu”.
– Tất … tất nhiên rồi thưa ngài! – anh thanh niên lẩm bẩm.
– Tốt! – người đàn ông nói và lấy ra một chiếc nhẫn nhỏ với một viên ngọc tuyệt đẹp đang được đeo trên ngón tay của mình và nói: “Hãy dùng ngựa của ta và đi ra chợ lớn! Ta cần bán chiếc nhẫn này gấp để trả nợ. Cậu hãy bán nó với một mức giá phù hợp và ta không muốn bán nó với giá thấp hơn một đồng tiền vàng! Cậu đi ngay bây giờ đi và hãy trở lại khi xong việc”.
Chàng thanh niên cầm chiếc nhẫn và phi ngựa đi. Khi đến chợ lớn, cậu đã đem chiếc nhẫn đến gặp rất nhiều thương nhân khác nhau để có thể bán cho họ. Nhưng khi nghe cậu yêu cầu giá của chiếc nhẫn không được dưới một đồng tiền vàng, họ đều lắc đầu. Một số thương nhân còn cười lớn như thể cậu vừa gây ra chuyện gì nực cười, những người khác chỉ đơn giản là quay đi. Chỉ có một thương gia giải thích cho cậu rằng, giá một đồng tiền vàng là quá cao so với một chiếc nhẫn như vậy, nó chỉ có giá tương đương với một đồng bạc hoặc đồng.
– Cháu đã không thể thực hiện yêu cầu của ông. Họ đều chỉ trả một vài đồng bạc. Họ nói rằng chiếc nhẫn này không có nhiều giá trị.
– Đó là một điểm rất quan trọng đấy chàng trai của tôi! – người đàn ông trả lời. – Trước khi cố gắng bán một chiếc nhẫn, cậu nên tìm hiểu giá trị thực sự của nó. Và không ai có thể trả lời cho cậu điều này chính xác hơn những người trực tiếp làm ra trang sức. Cậu hãy đi gặp một người như thế và hỏi ông ấy xem giá trị của chiếc nhẫn này.
Chàng trai trẻ tuổi một lần nữa phi ngựa đi và tìm gặp một người thợ kim hoàn. Sau khi kiểm tra bằng kính lúp và ngắm nghía kỹ lưỡng, người thợ quay sang nói với chàng thanh niên:
– Hiện giờ tôi không thể mua chiếc nhẫn này với giá hơn 58 đồng tiền vàng. Nhưng một thời gian sau, tôi sẽ mua nó với giá 70 đồng tiền vàng.
– 70 đồng tiền vàng? – chàng thanh niên kêu lên kinh ngạc. Anh cười, cảm ơn người thợ kim hoàn và vội vã quay lại gặp người đàn ông già kia.
Khi nghe lại câu chuyện của chàng trai, ông nói: “Hãy nhớ rằng, cậu giống như chiếc nhẫn này. Quý giá và độc đáo! Chỉ có những chuyên gia thực sự mới có thể đánh giá đúng giá trị đích thực của cậu. Vậy tại sao cậu lại lãng phí thời gian của cậu và để tâm đến những kẻ ngu ngốc kia?”
Câu chuyện Phật Thích Ca Mâu Ni bị nhục mạ
Tương truyền rằng, khi Phật Thích Ca Mâu Ni hạ thế độ nhân cũng có một khoảng thời gian thường xuyên bị một người ghen ghét, nhục mạ. Nhưng đối với chuyện này, Phật Thích Ca Mâu Ni lại một mực giữ được tâm thái ôn hòa, bình tĩnh, im lặng không nói lại, ung dung thản nhiên, chỉ chuyên tâm vào việc độ nhân.
Một hôm, sau khi người kia đã mệt mỏi sau khi buông lời nhục mạ Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca Mâu Ni mỉm cười hỏi: “Thí Chủ! Xin hỏi, khi một người tặng đồ vật cho người, mà người đó không nhận thì đồ vật ấy là thuộc về ai?”
Người này không nghĩ ngợi, liền trả lời: “Đương nhiên là vẫn thuộc về người tặng!”
Phật Thích Ca Mâu Ni lại nói: “Đúng vậy. Thí chủ đã một mực nguyền rủa ta đến bây giờ. Nếu ta không chấp nhận lời nguyền rủa của thí chủ, vậy ai sẽ nhận những lời nguyền rủa đó?”
Nghe xong câu hỏi tràn đầy trí huệ và từ bi của Phật Thích Ca Mâu Ni, người kia không nói thêm được lời nào và hiểu rằng mình đã làm chuyện thật dại khờ mà không biết. Từ đó về sau, người kia cũng không còn dám buông lời nhục mạ Phật Thích Ca Mâu Ni nữa.
Khi đối mặt với lời nhục mạ của người khác, thật sự có rất ít người có thể thản nhiên đối mặt giống như Phật Thích Ca Mâu Ni và đại danh thần Phú Bật. Nhưng, nếu có thể bình tĩnh, tự hỏi lại mình một chút thì sẽ tỉnh ngộ ra rằng: Nếu dùng cách “ăn miếng trả miếng”, “nhục mạ chống trả nhục mạ” thì đó là một hành vi không khôn ngoan chút nào.
Một người khi bị nhục mạ mà có thể dùng tâm thái thản nhiên, không để tâm, ung dung mà đối đãi thì đã có phong độ của bậc trí giả, bậc đại trí huệ. Để có thể đạt được đến cảnh giới này, phải là người thực sự tu dưỡng mới làm vậy được.