Câu chuyện về người phú ông, vị thiền sư và 99 con dê
Xưa có một phú ông nọ, mặc dù có trong tay cả gia tài nhưng chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Trong nhà ông có một đàn dê gồm 99 con béo tốt, nhưng ông cho rằng thế vẫn chưa đủ, nhất định phải có thêm một con nữa thì mới thấy vẹn tròn.
Vì quá sốt sắng làm sao để có thêm một con dê, mà ngày nào phú ông cũng trằn trọc mãi không ngủ được. Cho đến một hôm vào lúc đêm hôm khuya khoắt, phú ông bỗng nhớ ra là trong ngôi chùa trên ngọn núi sau thôn có nuôi một con dê. Thế là sáng sớm ngày hôm sau, ông đến khẩn cầu thiền sư từ bi hãy cho ông đem con dê đó về nuôi. Lúc đó thiền sư đang nhắm mắt đả tọa, nhưng cũng nói nhẹ nhàng rằng: “Dắt nó đi”.
Một tháng sau, phú ông lại đến cầu kiến thiền sư. Thiền sư thấy phú ông mặt mày nhăn nhó, sắc mặt tiều tụy, bèn hỏi tại sao lại rầu lòng như vậy?
Phú ông tỏ ra khổ sở nói: “Bây giờ con đã có 105 con dê rồi”. Thiền sư ngỡ ngàng không hiểu: “Nếu vậy thì ông nên vui mừng mới phải chứ?”.
Phú ông lắc đầu: “Nhưng đến bao giờ con mới có đủ 200 con dê đây?”.
Thiền sư lặng yên không nói mà chỉ quay người bước đi, lát sau thiền sư mang một chén trà để vào tay phú ông.
Phú ông vừa uống một hớp liền nói: “Sao chén trà này lại mặn như vậy?”.
Thiền sư không thay đổi nét mặt, chỉ bình thản đáp: “Chén trà mặn là vì có muối ở trong đó. Người đời chẳng ai thích trà muối, còn ngài thì ngày nào cũng tự pha cho mình chén trà muối, nên càng uống mới càng khát, càng có thì lại càng mong cầu có được nhiều hơn. Chẳng phải như vậy sao?”.
Con người luôn cảm thấy thiếu
Trong cuộc sống, có rất nhiều thời điểm người ta luôn cảm thấy không thỏa mãn, công danh, sự nghiệp không được như ý. Vì thế, họ oán trách trời bất công, oán giận cha mẹ không cho họ một hoàn cảnh sống sung túc, thuận lợi. Đối với đời sau, họ lại oán trách con cái không được giỏi giang, thành đạt như mong muốn. Nhưng hết thảy những bất mãn đó đều có nguyên nhân từ việc con người không biết đủ mà ra.
Vì sao con người không biết đủ? Đây chính là do dục vọng, lòng tham muốn, là những mong ước hoang tưởng hay những đòi hỏi không thực tế sinh ra.
“Biết đủ” khiến con người bình tĩnh hơn, an tường, lạc quan và siêu thoát hơn. Ngược lại, không biết đủ sẽ khiến con người rối loạn. Người biết đủ sẽ phân biệt được rõ điều gì nên làm thì làm, điều gì không nên làm thì dừng lại. Sự khác biệt giữa họ chính là hạn độ. Hạn độ chính là sự đúng mực, là trí tuệ, là một loại trình độ. Người biết đủ luôn có một hạn độ nên họ không dễ phạm phải lỗi lầm và đánh mất lương tâm.
“Biết đủ” là một loại cảnh giới. Người biết đủ sẽ luôn mỉm cười đối mặt với cuộc sống. Trong mắt của người biết đủ sẽ không có điều gì là không thể giải quyết được trên thế gian này. Bởi vì họ sẽ luôn vì chính bản thân mình mà tìm kiếm một cách giải quyết phù hợp nhất, tốt đẹp nhất.
“Biết đủ” là một loại rộng lượng. Lòng dạ rộng lượng có thể dung nạp được thiên hạ, cho nên trong mắt người biết đủ, mọi sự tranh giành và đòi hỏi quá mức sẽ là không cần thiết. Cũng chính bởi vì thế mà tâm lý của người biết đủ luôn có sự cân bằng, họ luôn thấy thỏa mãn và giàu có.
“Biết đủ” còn là một loại khoan dung. Khoan dung đối với người khác, khoan dung đối với xã hội, khoan dung chính mình, như vậy mới có được một không gian sinh tồn bao la và rộng lớn. Chính vì thế mà cổ nhân mới luôn dạy: “Thấy đủ thường vui!”