Trong buổi giao lưu, qua những câu trả lời của những nhân chứng lịch sử gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Trung tướng Lê Hữu Đức, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng LLVT Lê Mã Lương, Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý trọn đời cho Đại tướng, Đại tá Trần Trọng Trung, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, tác giả cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh", Đại tá Trần Hồng, người cả đời chụp ảnh Đại tướng với kho ảnh vô giá 2.000 bức... đã chia sẻ những câu chuyện cảm động về chân dung vĩ đại nhưng cũng vô cùng bình dị của vị Đại tướng đáng kính của dân tộc Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 103 tuổi |
Chân dung vị Đại tướng đáng kính của dân tộc
Đại tá Trần Trọng Trung đã chia sẻ câu chuyện ông tâm đắc nhất trong hơn 1.000 trang sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Rất nhiều, nhưng tâm đắc nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhớ và vận dụng đầy đủ hai lời dạy của Cụ Hồ: dựa vào dân và dựa chắc vào dân thì không kẻ thù nào làm gì được. Cái đó bây giờ có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ hai, “dĩ công vi thượng”. “Công” ở đây là việc chung, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, không phải việc tư. “Dĩ công vi thượng” là đặt việc chung lên trên việc tư. Đại tướng đã vận dụng lời dạy trên vào việc họp và triển khai đường lối. Nhờ đó mà nội bộ đoàn kết vì việc chung, nếu không thì dễ sinh ra mâu thuẫn, thậm chí rạn vỡ, mà khi đó kẻ địch sẽ lợi dụng. Đại tướng đã biết đặt cái chung lên trên, cái gì có lợi cho kháng chiến, cho dân tộc thì làm.
Ví dụ, quan điểm của Đại tướng, mà như ông vẫn thường hay nói đó là “không giấu dốt”. Khi tác chiến, nếu phát hiện chủ trương tác chiến mà sai thì lập tức phải sửa ngay. Trong chiến dịch Việt Bắc cuối năm 1947, khi phát hiện kế hoạch chuẩn bị sai, sửa ngay. Hay như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phát hiện kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” không khả thi, Đại tướng đã sửa ngay cho phù hợp, chuyển sang kế hoạch “tiến ăn chắc, đánh ăn chắc”.
Trong quan hệ với nhân dân, cái gì có lợi cho dân thì làm, chính vì vậy mà dân tin và yêu. Đại tướng có uy tín với nhân dân chính là chỗ ấy. Đại tướng đi đến đâu là giải quyết những vấn đề cho dân ở chỗ ấy. Ngay cả những năm trước khởi nghĩa, giai đoạn 1941 – 1945, đại tướng được Cụ Hồ giao cho nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, ông đã cùng ăn với dân, cùng ở với dân, làm với dân, học tiếng của các đồng bào dân tộc thiểu số để mà nghe, hiểu và nói với dân. "
Tham gia buổi giao lưu trực tuyến độc giả Hồ Hữu Ninh đã chia sẻ: "Tướng Giáp là một vĩ nhân tôi được biết không chỉ qua những chiến công hiển hách mà cả vì nhân cách của một "Con người" hết lòng vì đồng bào mình. Tôi đã từng chứng kiến ông dừng xe thăm hỏi một cụ già chăn trâu ngay gần nhà tôi trong chuyến về thăm quê hương Quảng Bình năm 1993. Hành động rất nhỏ nhưng thể hiện nhân cách vĩ đại. Kính chúc ông trưòng thọ để tiếp thêm niềm tin cho lớp trẻ chúng tôi trước cuộc sống hiện đại ngày nay đây cám dỗ và xô bồ."
Chia sẻ thêm những kỷ niệm về Đại tướng cùng độc giả trong số những bức ảnh mà mình chụp được khiến ai cũng cảm động, Đại tá Trần Hồng cho biết: "Nếu anh có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp chắc chắn anh sẽ thường xuyên được bắt gặp những hình ảnh xúc động như vậy từ Đại tướng. Khi nào có cơ hội gặp mặt, tôi sẽ chia sẻ cho anh xem một số những bức ảnh mà ai xem xong cũng phải cảm thấy ngưỡng mộ những cử chỉ của Đại Tướng.
Ví dụ: Trong chuyến thăm Điện Biên Phủ nhân kỉ niệm 50 năm chiến thắng, trên đường ra thăm Nghĩa trang đồi A1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cúi xuống nhặt 1 thẻ hương mà ai đó đã vô tình đánh rơi. Tay Đại tướng cầm hương nhưng mắt ông rớm lệ.
Trong số ảnh mà tôi chụp được, đã rất nhiều lần đại tướng đã khóc vì khi ông có hội tiếp xúc với đồng bào, ông thấy người dân Việt Nam còn quá khổ và cảm thấy vô cùng thương sót trước những hoàn cảnh éo le.
Những lần ông trở về thăm Việt Bắc, Tây Bắc, ông đều nói bằng tiếng dân tộc nên tất cả những ai có cơ hội được tiếp xúc cùng Đại tướng đều cảm thấy rất gần gũi và xúc động.
Chính tôi cũng đã phải rơi nước mắt khi chứng kiến bữa ăn vô cùng đạm bạc của Đại tướng cùng với người dân nơi đây."
Đại tá Nguyễn Huyên cũng đã có những chia sẻ quan điểm về người mà mà ông đã đảm nhận vai trò trọ lý trong gần 40 năm: "Tôi có khoảng thời gian gần 40 năm giúp việc cho đại tướng. Tôi thấy Đại tướng là người rất dân chủ, thương yêu cán bộ chiến sỹ, thân thiện với cấp dưới, gần gũi và kính trọng đồng bào. Tôi thích nhất đó là "có suy nghĩ gì thì nói cái ấy" với Đại tướng. Đại tướng thích người có chính kiến và phát biểu ý kiến của mình.
Tôi chưa bao giờ bị Đại tướng mắng. Tôi cũng chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu gắt với con cháu trong gia đình. Khi có việc gì đó không bằng lòng thì Đại tướng không mắng mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng thôi."
Đại tướng Nguyễn Huyên cũng nhớ lại những kỷ niệm về lần đầu tiên gặp Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: "Tôi làm cán bộ nghiên cứu trong quân đội, khi được lệnh của cấp trên điều về làm việc với Đại tướng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được tiếp xúc với Đại tướng, được học hỏi nhiều điều, còn lo vì không biết có làm được việc không. Nhưng tôi có niềm tin vào bản thân vì đã trải qua thời kỳ làm công tác nghiên cứu nên tin là có thể giúp Đại tướng.
Lần đầu tiên gặp Đại tướng, tôi được gọi là anh Văn một cách rất thân thiết. Bình dị và gần gũi là những ấn tượng đầu tiên của tôi về con người Đại tướng.
Lúc chưa gặp Đại tướng, tôi nghĩ rằng chắc Đại tướng là nghiêm nghị lắm và sợ Đại tướng hỏi mà không trả lời được. Nhưng cảm giác khi gặp thì lại trái ngược so với trước khi gặp."
Không cho bất cứ kẻ nào xâm chiếm Trường Sa
Trả lời câu hỏi: "Khi chỉ thị ông ra giành lại chủ quyền Trường Sa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói gì với ông và câu nói nào khiến ông ghi nhớ nhất?", Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng, nguyên Tư lệnh binh chủng đặc công huyền thoại, người trực tiếp chỉ huy đơn vị giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975 đã chia sẻ những kỷ niệm của mình.
Ông cho biết: "Tôi không được nghe trực tiếp mà qua Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân có nhắc lại chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng mọi các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó”.
Sau khi nghe chỉ thị này, anh em mới bàn nhau: “Xa mấy cũng đi, khó mấy cũng đến, đến là đánh và quyết đánh thắng ngay trận đầu”.
Có cái khó là anh em hầu hết là dân không đi biển, xuống say sóng. Nhưng khi có lệnh chuẩn bị chiến đấu, tất cả đều vùng dậy và muốn được tham gia và đi đánh ngay trận đánh.
Câu nói nhớ nhất: “Đặc công là công tác đặc biệt, nhưng trước hết là đặc biệt trung thành với Đảng và nhân dân. Nhiệm vụ khó khăn đặc biệt nào cũng hoàn thành đặc biệt cao”. Đó là kỉ niệm không chỉ với tôi mà với tất cả anh em đặc công. Đây là câu nói của Bác Hồ và được đại tướng truyền Võ Nguyên Giáp “truyền lửa” cho anh em đặc công trong trận giành lại chủ quyền Trường Sa tháng 4/1975.
Và chính câu nói đó đã trở thành tiềm thức, suy nghĩ, lý trí và quyết tâm của mỗi người luôn luôn suy nghĩ và sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ thắng lợi."
Thiếu tướng Mai Năng cũng đã nhớ lại và chia sẻ về quân trang mà chúng ta có khi quân đội ta vào giải phóng quần đảo Trường Sa: "Khi đánh vào đó chủ yếu mình có nội dung kĩ thuật đặc biệt của bộ đội đặc biệt: Trung với Đảng hiếu với dân cũng là ở đây.
Khi tiến quân giải phóng Trường Sa chúng ta chỉ có vũ khí thô sơ: súng chỉ có tiểu liên, súng hỏa lực dùng chủ yếu B41 vì tiện nhất, bắn chính xác nhất; cũng có trang bị cối, DKZ nhưng đó chỉ là dùng cho phòng thủ chứ không phải dùng cho tấn công.
Trang phục chủ yếu quần áo lót để tiện cho bơi. Phao bảo hiểm luôn ở trong người nhưng khi nào cần mới bật lên.
Hải quân đưa vào chiến trường miền Nam trên 5000 quân được huấn luyện ngoài Bắc đưa chi viện chiến trường sông biển miền Nam. Đây cũng là thành công của Bộ tư lệnh đặc công đã suy nghĩ, nghiên cứu và xây dựng lực lượng đặc công của Hải quân."