Ở xã Nghĩa Dũng – Tân Kỳ, Nghệ An có một mối tình được ví như “huyền thoại tình yêu” vô cùng xúc động. Anh – một chàng trai được mệnh danh là “công tử miệt vườn” để lại cả quê hương, bạn bè sau lưng, lặn lội cả nghìn cây số đi heo tiếng gọi trái tim từ Tiền Giang ra Nghệ An với cô gái bị liệt nửa người mà anh nặng lòng nhớ thương…
[links()]
Cuộc gặp định mệnh của “đôi đũa lệch”
Anh tên là Trương Văn Chín, sinh năm 1978 tại tỉnh Tiền Giang. Không phải ngẫu nhiên anh được mọi người đặt cho cái danh là “chàng công tử”, mà giữa miền sông nước vừa lam lũ, vừa nên thơ của Tiền Giang anh nổi bật hơn hẳn chúng bạn với vóc dáng cao gầy thư sinh, mái tóc rẽ ngôi phải đen xanh, nụ cười hồn hậu và nhất là đôi mắt nghệ sỹ luôn mênh mang như sóng nước.
Nhìn đôi mắt ấy, những người thân bảo số anh sau này sẽ vất lắm. Nghe vậy, anh lại cười vang như phủ nhận lời “tiên tri” của mọi người.
Học xong cấp III, anh gác lại giấc mơ đèn sách phụ giúp bố mẹ buôn bán kiếm kế mưu sinh. Năm 2000 anh tham gia nhập ngũ tại Quân Đoàn 4 đóng quân tại Bình Dương. Với vẻ ngoài lãng tử, có tài ăn nói lại hát hay nên có rất nhiều cô gái thầm thương trộm nhớ, nhưng chưa ai khiến trái tim anh thật sự rung động.
Còn chị, cô gái đến từ mảnh đất Tân Kỳ, Nghệ An đầy nắng gió khắc khổ mang trong mình trọng bệnh từ thuở thiếu niên đã bao đêm khóc hết nước mắt: căn bệnh u tủy. Chị tên là Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1979 nhà ở xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng.
Gia đình anh Trương Văn Chín |
Sinh ra trong một gia đình khó khăn, nên để giúp đỡ gia đình, Phương không nề hà bất kỳ công việc gì, miễn là nhận được chút tiền công để có thêm đồng ra đồng vào cho gia đình.
Năm Phương lên 16 tuổi, cái tuổi mà cô bé ngày nào bắt đầu trở thành một thiếu nữ phổng phao, nẩy nở xuân sắc với biết bao dự định còn ở phía trước thì biến cố lớn xảy ra.
Hai chân chị sưng to, các khớp đều đau nhức như bị ai đánh, việc đi lại hết sức khó khăn. Bác sĩ tuyến huyện với trình độ y khoa ngày ấy chẩn đoán chị bị đau thần kinh tọa nên điều trị bệnh không dứt.
Mãi đến khi Phương bị bệnh đánh gục, đôi chân cứng nhắc không đi lại được gia đình mới tá hỏa đưa chị ra Hà Nội chữa bệnh. Toàn bộ gia sản nghèo khó của gia đình cùng số tiền vay mượn được theo đôi chân chị ra thủ đô.
Sau hai tháng phẫu thuật, chị và gia đình vui sướng tới trào nước mắt khi thấy chị đi lại trên đôi chân của mình một cách dễ dàng. Khát khao một cuộc sống hạnh phúc, và nhìn gia đình tiêu điều, năm 2000 chị xin gia đình cho vào Nam làm công nhân giày da để kiếm tiền.
Nhưng căn bệnh quái ác không buông tha chị, sau khi vào Bình Dương gần 1 năm bệnh cũ tái phát và nặng hơn trước khiến chị chỉ nằm một chỗ, chẳng làm việc gì được.
Thương gia đình đã “tan hoang” vì mình một lần, Phương lặng lẽ chịu đựng căn bệnh một mình, toàn bộ số tiền lương tích cóp được cũng chỉ giúp chị cầm cự được một thời gian với sự giúp đỡ cưu mang của bạn bè.
Nhưng cô gái khốn khổ ấy cuối cùng cũng bị những cơn đau đánh gục, tới lúc ấy mẹ chị mới phát hiện và lặn lội từ Nghệ An vào Bình Dương đưa chị vào bệnh viện Quân đoàn 4 để cứu chữa.
Cũng lúc đó, anh Chín dính dịch Zôna nên cũng vào bệnh viện Quân đoàn 4 chữa trị theo chế độ quân nhân. Tại đây, tình cờ họ đã gặp nhau. Chị bảo rằng:
“Anh với tôi như đôi đũa lệch, chẳng bao giờ tôi nghĩ anh sẽ yêu tôi”, nhưng chị đâu biết đó cũng là cuộc gặp định mệnh, để sau này hai người viết nên một cổ tích tình yêu.
Quyết định “dại dột” của “chàng công tử”
Ngoài giờ điều trị, chị vẫn chịu khó đi dạo trong khuôn viên bệnh viện để khuây khỏa nỗi buồn và lưu thông máu. Khi đến chiếc ghế đá mọi hôm vẫn ngồi, chị nhìn thấy một chàng bộ đội đang ngồi ở đó, đôi mắt xa xăm.
Thấy chị ngập ngừng chưa dám ngồi xuống, anh kéo chị cùng ngồi xuống chiếc ghế. Sau những câu gượng gạo ban đầu cả anh và chị kể cho nhau nghe về cuộc đời của mình. Một ngày, hai ngày rồi cả đợt điều trị ấy ngày nào 2 người cũng ra ghế đá trò chuyện, san sẻ cho nhau từng chén nước, miếng bánh.
Anh Chín bảo: “Ban đầu anh cảm thông với hoàn cảnh Phương, nhưng qua những lần trò chuyện, nhận ra nét đẹp tâm hồn và khát vọng sống của Phương thì tình cảm trong anh ngày một khác”.
Có lẽ với tâm hồn nhạy cảm của mình, Phương cũng nhận ra điều đó. Nhưng tình cảm tới quá nhanh trong khi chị luôn tự ty về bản thân tật nguyền về sau, và hơn nữa anh lại đào hoa, có nhiều người theo đuổi nên chị chẳng tin vào tình cảm dành cho chị.
Anh ra viện trước nhưng vẫn ra vào thường xuyên thăm chị, chờ đợi ngày chị ra viện để đưa chị đi chơi vào mỗi dịp cuối tuần. Nhưng anh chẳng ngờ được đến khi chị ra viện chị lại “đào tẩu” khỏi sự quan tâm của anh.
Chị đi không một lời từ biệt. Không một dòng tin nhắn, không một dòng địa chỉ, chị hy vọng anh sẽ tìm được hạnh phúc trọn vẹn cho mình.
Nhưng bốn tháng sau, khi chị đã bình tâm dưỡng bệnh tại quê nhà cũng là lúc anh hoàn thành nghĩa vụ, ra quân. Với những nhớ thương trong lòng, anh quyết tìm bằng được Phương.
Anh trở lại Bệnh viện, nhờ các bác sĩ giúp tìm địa chỉ của Phương và vượt cả nghìn cây số từ Bình Dương ra Tân Kỳ, Nghệ An gặp chị. Lúc chiếc ba lô của anh đặt xuống nền nhà, cũng là lúc những giọt nước mắt rơi trên má chị đầy nức nở. Khoảnh khắc ấy, chị tin tình cảm của anh hoàn toàn có thật.
Để tiện bề chăm sóc chị, anh xin gia đình cho nhận làm con để ngày đêm bên chị. Ba mẹ trong quê anh đã thưa chuyện và gửi gắm anh em bà con chăm sóc, tâm nguyện lớn nhất của anh lúc này là được làm chỗ dựa cho Phương.
Nhiều người cười chê anh “dại dột”, “phí cả cuộc đời”, “lú lẫn” nên mới quyết định như vậy, nhưng ngoài anh ra, có lẽ chẳng ai hiểu được tình yêu anh dành cho Phương mãnh liệt tới chừng nào.
Trước tấm chân tình của anh, gia đình chị gật đầu ưng thuận, từ đó tới nay sắp sửa đã 10 năm trời họ chung sống cùng nhau.
Kỳ tích của cô gái liệt nửa người
10 năm qua, anh bên chị ân cần chăm sóc từng miếng cơm chén nước không một lời than thở. Chị nhiều lúc thương anh tới lặng người, chính những khó khăn đè nặng lên vai anh là động lực thôi thúc chị sống tiếp.
Chị nhớ rõ những lần bệnh cũ tái phát phải nhập viện trong hoàn cảnh không một xu dính túi. “Anh lại nắm chặt tay tôi, bảo rằng tôi còn anh thì đừng bao giờ lo sợ”.
Trong suốt thời gian từ năm 2003-2006, khi chị đi chữa trị tại Hà Nội anh đã làm cả trăm thứ nghề để có tiền chữa bệnh cho vợ và lo chi phí cá nhân, anh làm chân bồi bàn, rửa bát, trông xe, cửu vạn, rồi bảo vệ… Được chăm sóc cho chị dường như là niềm vui của riêng anh.
Tình nghĩa anh dành cho chị quá lớn, chị mong sao mình có thể làm được điều gì đó để báo đáp cho anh. Được làm vợ đã là một ân huệ của cuộc sống giành cho chị, nhưng tận sâu trong đáy lòng chưa bao giờ chị nguôi ngoai khát khao làm mẹ, dẫu biết hy vọng chỉ là 1%.
Với sự giúp đỡ của ông bác sỹ tốt bụng ở Tập đoàn Bảo Long, sức khỏe của chị đã dần đi vào ổn định, và thêm vào đó, chị còn lập nên một kỳ tích tuyệt vời mà ngay cả trong mơ cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới: thiên chức làm mẹ, làm vợ.
Sau khi cân nhắc lợi hại từ bác sỹ, mặc dù cơ thể chị lúc đó chỉ hơn 30kg nhưng hai vợ chồng vẫn quyết định để đứa bé có cơ hội trào đời. Sau 9 tháng mang thai, tháng 6/2008 chị sinh một bé trai kháu khỉnh, đặt tên là Trương Bảo Phúc.
Khi nhớ lại khoảnh khắc quan trọng ấy, chị rơm rớm nước mắt: “Niềm hạnh phúc quá lớn cùng với khát khao làm mẹ khiến chị quên hết đớn đau. Lúc ấy chỉ mong sao mau chóng được thấy mặt con”.
Sau khi sinh con, tuy sức khỏe giảm đi rõ rệt khiến chị không thể đi lại nhưng được nghe tiếng con cười, được nhìn khuôn mặt anh rạng rỡ thì chị nghĩ rằng hạnh phúc đối với mình như thế là quá đủ.
Suy nghĩ ấy không xuất phát từ mặc cảm bệnh tật trong con người chị, mà bởi tình yêu thương và sự hy sinh lớn lao của anh có biết bao nhiêu người phụ nữ, người vợ luôn mong ước?
Bảo Phúc như một luồng sinh khí mới, như một minh chứng hùng hồn cho tình yêu mãnh liệt anh dành cho chị. Cậu bé ngày một lớn lên lanh lợi, khỏe mạnh. Nhìn vợ con, anh khẽ cười:
“Ngày xưa họ bảo tôi khổ, bây giờ gặp lại họ càng khẳng định “đã nói số khổ mà”. Nhưng chút ít cực nhọc thể xác, đâu dễ đánh đổi được niềm hạnh phúc, ân nghĩa thủy chung của chúng tôi trong hơn 10 năm qua, người ngoài sao thấu?”
Nhìn nụ cười mãn nguyện trên gương mặt gày gò của chị, tôi biết quyết định của anh chẳng thể nào là sự bồng bột.
- Huệ Chi