"Tôi thấy đầy người nước ngoài rồi sinh viên tình nguyện đi nhặt rác nhưng chúng tôi quét rồi thì họ nhặt được mấy cái rác?", một công nhân vệ sinh môi trường nhận xét về việc một số người Nhật cùng các em nhỏ đi nhặt rác quanh hồ Gươm (Hà Nội).
[links()]
Họ nhặt được mấy cái rác?
Chị M. (đề nghị giấu tên) là công nhân Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã 20 năm. Chị đã nhiều lần chứng kiến nhiều người nước ngoài rồi sinh viên tình nguyện của các trường đại học đi nhặt rác quanh hồ Gươm.
"Tôi thấy đầy người nước ngoài rồi sinh viên tình nguyện đi nhặt rác nhưng chúng tôi quét sạch hết rồi thì họ nhặt được mấy cái rác? Họ muốn nhặt rác thật sự thì đi từ 4 rưỡi sáng, có quét thì quét luôn cả thể cũng được. Chứ tầm 7 rưỡi, 8 giờ khi chúng tôi quét xong mới đi nhặt thì ích gì? Mà nhặt kiểu ấy chả có tác dụng gì".
Chị M. cho rằng việc những người nước ngoài đi nhặt rác quanh hồ Gươm cũng chẳng có tác dụng gì |
Chị M. cho biết, một ca của các chị thường bắt đầu từ 4h sáng và kéo dài đến 11h trưa. "Nếu những người kia đi nhặt rác sớm như chúng tôi thì chẳng bao giờ nhặt xuể. Quét quanh bờ hồ này đã được bao nhiêu xe rác rồi".
Chị M. cũng thừa nhận, khi các chị quét rác ở bờ hồ, thi thoảng cũng còn sót những rác nhỏ như ống hút, vỏ kẹo...: Rộng thế này làm sao soi từng tý một được. Bảo các ông ấy nhặt được cả túi rác to à? Tích tiểu thì thành đại thôi. Cứ đi một vòng hồ kiểu gì chẳng bới bèo ra bọ.
Ông Ninomiya, một doanh nhân người Nhật Bản cùng nhiều đồng nghiệp và em nhỏ cặm cụi nhặt rác quanh bờ hồ Gươm |
Sáng sớm người ta đi tập thể dục, ăn sáng rồi vứt rác luôn ra đấy. Rồi nhiều người ra hồ chơi, ăn xong cũng bỏ rác xuống ngay cạnh. Bao lần chúng tôi vừa quét xong, quay trước quay sau đã thấy họ vứt ra.
"Ý thức người dân mình quá kém. Bao nhiêu con người như thế nhắc làm sao được, mà nhắc cũng chả giải quyết được gì.
Ngay như hoa chúng tôi cắm ở đây, mấy cô cậu thấy đẹp, nhổ cả lên để xem hoa thật hay hoa giả rồi vứt bừa bãi, có người còn nhổ mang đi. Mà toàn sinh viên có học cả đấy.
Báo hại chúng tôi lại phải đi mua hoa về cắm lại. Cũng có bảo vệ đấy nhưng họ cũng phải đi nhiều điểm, ai ở mãi một chỗ mà trông được, sểnh ra 1 tý là mất hoa. Sài Gòn, Đà Lạt cắm hoa nơi công cộng có cần bảo vệ đâu", chị M. bức xúc.
Việt Nam là như thế
Anh Phong bán sáo trước cửa đền Ngọc Sơn đã 5-6 năm nay. Thừa nhận thấy xấu hổ khi thấy người nước ngoài đến Hà Nội lại nhặt rác cho mình nhưng anh bảo "phải chấp nhận vì đó là thực trạng rồi, không làm gì được".
"Học sinh học trong trường, ăn kẹo bánh rồi vứt vỏ ra nền lớp học, hay viết nháp xong cũng không bỏ thùng rác mà bỏ luôn đấy. Bé đã thế, lớn lên thì người ta cứ thấy tiện đâu vứt đấy thôi", anh Phong lý giải.
Anh cũng cho rằng, việc những người nước ngoài và một số bạn trẻ đi nhặt rác ở hồ Gươm cũng chỉ là phong trào, mà các phong trào bao giờ cũng chỉ để hô hào rồi đâu lại vào đấy.
Những người tích cực hoạt động vì môi trường như người Nhật kia có thể khi làm công việc này họ mong muốn người khác nhìn vào rồi có hành động tích cực hơn nhưng điều đó chỉ thành công trong một xã hội mà mọi người phải có ý thức.
Như ông Tây phân làn giao thông ở Hà Nội dạo trước, ông ấy cũng chỉ làm được một chốc, một lát, ở một địa điểm ấy thôi chứ không thể làm thay việc cho CSGT được và rồi lại mạnh ai người nấy đi. Việt Nam là như thế.
Bản thân tôi, biết là có người nước ngoài nhặt rác ở quanh mình đấy nhưng tôi cũng sẽ chẳng làm gì, bỏ đi cho xong, thậm chí tôi không vứt rác bừa bãi cũng không làm cho Hà Nội sạch hơn bởi quanh tôi còn bao nhiêu người ý thức kém.
Ngày 10/10 nó lại như một bãi chiến trường
Anh Trung - Đội viên đội An ninh Trật tự - Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm cho biết, vào cuối tuần thường gặp nhóm người nước ngoài nhặt rác quanh hồ Gươm.
Anh cho biết, tham gia cùng với nhóm người này còn có một số sinh viên.
Nữ công nhân môi trường này phải đeo băng bảo vệ để trông hoa, dù là hoa giả vì lo ngại có người nhổ. |
"Việc làm của họ có ích đấy chứ, nó làm cho hồ Gươm sạch hơn. Nhưng người nhặt cứ nhặt còn người vứt cứ vứt thôi. Nhiệm vụ của tôi là nhắc nhở xe máy, xe đạp, không cho bán hàng rong. Còn quét, nhặt rác là việc của lao công, công nhân vệ sinh môi trường.
Thấy rác, tôi chỉ nhắc người ta có thùng rác ở kia thì bỏ vào. Rác to đập vào mắt thì tôi nhặt, rác nhỏ thì thôi vì cũng ngại, chẳng nhặt xuể", anh Trung cho biết.
Một đồng nghiệp của anh Trung chỉ vào bạn ở bên cạnh: "Như cái thằng này này, uống xong nó vất luôn chai nước ra đây... Bây giờ Hà Nội nhìn rất sạch nhé, nhưng ngày 10/10 nó lại như một bãi chiến trường".
Hà Nội bẻ hoa anh đào, người Nhật dọn rác Hồ Gươm |
- Thành Luân