Tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm các đồng tiền chủ chốt khác đã đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, cao hơn mức trung bình 50 tuần, bất chấp số liệu việc làm tháng 4 kém khả quan hơn dự kiến.
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 164.000 công việc mới trong tháng 4, thấp hơn mức dự báo 192.000 công việc mới mà các nhà phân tích dự báo trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 4 giảm còn 3,9%, gần mức thấp nhất 17 năm rưỡi, do một số người Mỹ dừng tìm kiếm việc làm.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh USD so với rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt tăng lên mức 92,9 điểm, cao nhất từ tháng 12 năm ngoái, trước khi giảm về 92,58 điểm.
Đồng USD tăng giá mạnh thời gian gần đây khi giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác, gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sẽ hành động chậm hơn. Đến thời điểm hiện tại, đồng USD đã hồi phục hoàn toàn phần mất đi trong đợt giảm giá hồi đầu năm.
Trong khi đó, dữ liệu gần đây cho thấy sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên của châu Âu trong năm ngoái đang dần mất đà, khiến các nhà đầu cơ dần dần rời bỏ đồng EUR, dựa trên kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị kết thúc chương trình mua trái phiếu.
Tỷ giá EUR/USD ngày thứ hai là 1,1962, không thay đổi nhiều so với mức thấp nhất vòng 4 tháng qua vào cuối tuần trước - ở mức 1,1910.
Dữ liệu từ cơ quan giám sát tài chính của Mỹ, được công bố vào cuối ngày thứ Sáu, cho thấy vị thế mua đồng EUR tại sàn giao dịch hợp đồng tương lai Chicago có sự giảm nhẹ trong tuần qua. Hiện tại, số lượng vị thế bán ròng là 120.568, giảm từ mức kỷ lục 151.476 trong tháng trước.
Khi so sánh với các ngoại tệ của các thị trường mới nổi, tổng giá trị vị thế bán ròng USD giảm xuống 18,32 tỷ USD, từ mức cao nhất trong vòng 7 năm - 28,18 tỷ USD, được ghi nhận 2 tuần trước đó.
Tỷ giá GPB/USD giao dịch ở mức 1,3538, gần mức thấp nhất trong 4 tháng - 1,3487 ghi nhận vào hôm thứ Ba (1/5).
Tỷ giá USD/JPY ít thay đổi, giữ ở mức 109,10. Trước đó, thị trường đã ghi nhận đồng Yên tăng giá kỉ lục, với mức cao nhất là 110,05 trong vòng 3 tháng. Sự phục hồi của đồng Yên một phần được thúc đẩy bởi các giao dịch ký quỹ của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong kỳ nghỉ lễ vàng Golden Week của Nhật Bản.
Trong nước, tỷ giá USD/VND tại Việt Nam lại khá ổn định nhờ nguồn cung dồi dào từ xuất khẩu, kiều hối, đầu tư gián tiếp... Chốt tuần rồi, mỗi đồng bạc xanh được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 22.552 đồng, không có nhiều thay đổi so với đầu tuần.
Nguồn cung USD dồi dào khiến giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng khá ổn định trong những ngày qua. Cuối ngày 4/5, giá bán USD tại Vietcombank dao động quanh 22.735-22.805 đồng, đứng yên nhiều ngày qua.
Do nguồn cung ngoại tệ dồi dào nên các ngân hàng liên tục bán USD cho Ngân hàng Nhà nước. Tính chung trong vòng 3 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm 6 tỷ USD, đưa dự trữ ngoại hối liên tục lập kỷ lục mới.
Theo thông tin công bố đầu tháng 2/2018, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức 57 tỷ USD, sau đó tăng lên mức 60 tỷ USD vào thời điểm Tết Nguyên đán và hiện nay là 63 tỷ USD.