Chủ nhật thực chất là đầu tuần hay cuối tuần? Sao không là thứ 1 hay thứ 8 mà lại là chủ nhật?

06:35, Thứ ba 08/10/2024

( PHUNUTODAY ) - Cho đến nay hầu hết chúng ta gọi chủ nhật là cuối tuần nhưng sự thực có lẽ không phải như vậy.

Tại sao là chủ nhật, chúa nhật?

Trong cách gọi thông thường ngày này là chủ nhật và một số nơi một số người gọi là chúa nhật. 

Có người giải thích rằng Chủ nhật và Chúa nhật đều là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ chữ 主日 (zhǔ rì) trong Hán ngữ. Chữ 主 trong tiếng Hán có phiên thiết là chi dũ thiết = chủ. Chữ chủ là âm Hán Việt, chữ chúa là âm Hán Nôm.

Trung Quốc có 4 cách gọi chính về tuần lễ: Thất diệu là 7 ngày trong tuần, ngày chủ nhật được gọi là Thất diệu nhật; Lễ bái có nghĩa là thờ cúng; Chủ nhật được gọi là Lễ bái nhật; Tinh kỳ có nghĩa là kỳ sao, Chủ nhật được gọi là Tinh kỳ nhật hoặc Tinh kỳ thiên; và Chu: có nghĩa là chu kỳ, Chủ nhật được gọi là Chủ nhật. Như vậy chữ chúa nhật có thể xuất phát từ người Công giáo Việt Nam nghĩa là ngày của Chúa. 

Chủ nhật hay Chúa nhật?

Chủ nhật hay Chúa nhật?

Từ 主 trong Hán ngữ có 2 âm Hán Việt là chủ và chúa. Chủ và chúa đều có thể có nghĩa là người đứng đầu hoặc có những nghĩa không giống nhau:

Với âm đọc “chủ” cũng có thể hiểu theo các nghĩa sau: 1. Vua, chúa (như trong quân chủ); 2. Người tiếp khách trong quan hệ với khách (như trong chủ khách); 3. Kẻ thuê người làm trong quan hệ với người làm thuê (như trong chủ tớ); 4. Người sở hữu tài sản (như trong địa chủ); 5. Người lãnh đạo (như giáo chủ)…

Với âm đọc “chúa”, từ này có các nghĩa: 1. Người chủ; 2. Người có quyền lực cao nhất trong một miền hoặc một nước có vua thời phong kiến (như Chúa Trịnh); 3. Đấng tạo hóa của đạo Thiên Chúa; 4. Con cái chuyên lo việc sinh đẻ ở một số loại côn trùng (như ong chúa)

Theo đó hai âm này có những gần gũi về âm và nghĩa nhưng cũng có những biểu hiện khác nhau. Một số người cho rằng chúa nhật mới là đúng.

Mặc dù Chủ nhật và Chúa nhật đều có thể là âm Hán Việt của 主日, song không thể kết luận hai từ này đồng nghĩa, bởi vì Chủ nhật là Ngày chính (từ dùng phổ biến hiện nay), còn Chúa nhật là Ngày của Chúa (sử dụng trong cộng đồng Công giáo).

Trong tiếng Anh, thuật ngữ 主日 có thể có 3 cách hiểu tương ứng:

- Ngày Sa-bát (Sabbath) là ngày nghỉ và ngày thứ bảy trong Do Thái giáo, tuy nhiên, hiện nay, ngày Sa-bát có thể hiểu là thứ bảy hoặc chủ nhật tùy theo quan điểm tôn giáo.

- Chủ nhật (Sunday) là ngày đầu tuần, có nghĩa gốc là Ngày của Mặt trời (Sun’s day) trong tiếng Anh.

- Chúa nhật (Lord’s day) là ngày đầu tuần, được xem là Ngày của Chúa trong nhiều nền văn hóa.

Nhiều người cho rằng chữ chúa nhật mới đúng vì tên các ngày trong tuần trong tiếng Việt xuất phát theo nguồn gốc cách gọi phương Tây. Theo đó thì ngày chủ nhật trong đạo thiên chúa được lưu truyền là ngày của Chúa. Trong Kinh Thánh, trong buổi sáng thế, Chúa Trời dựng nên trời đất và muôn loài trong sáu ngày đầu tiên. Ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi và lấy ngày này làm ngày thánh. Từ đó, đối với người theo đạo Thiên Chúa, ngày này được gọi là “ngày của Chúa”. Theo cách hiểu này thì gọi Chúa nhật mới đúng nhưng do gần âm với chủ nên lâu ngày thành chủ nhật.

Chủ nhật là đầu tuần hay cuối tuần?

Hiện nay trong lối sống quen thuộc chúng ta cho thứ bảy chủ nhật là cuối tuần. Nhưng  ở phương Tây, nhiều nước cũng xem chủ nhật là ngày đầu tuần nghĩa là ngày chính. Tuy nhiên Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) quy định thứ hai là ngày đầu tuần nên phần lớn các nước trên thế giới hiện nay cũng theo chuẩn này, chủ nhật lại trở thành ngày cuối tuần.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: An Nhiên
Từ khóa: chủ nhật