Cẩn nghĩ rằng tất cả mọi chức vụ quan trọng đều phải nằm tại chính quyền Sài Gòn. Nhưng Cẩn không muốn xa Huế, vì ở Huế Cẩn có chỗ dựa là bà mẹ già, hơn nữa Cẩn tự biết lượng sức mình đến đâu khi vô Sài Gòn tranh quyền đoạt lợi với nhiều tên “sừng sỏ” khác.
[links()]
Kẻ ít học đam mê quyền lực
Đầu năm 1947, quân Pháp tái chiếm Trị Thiên, Huế vỡ mặt trận, lực lượng Cách mạng phải rút lên rừng xanh lập chiến khu. Lúc ấy ở Huế đời sống chính trị trở nên rối ren, nhiều tổ chức đảng phái phản động xuất hiện, nhiều phe nhóm thân Pháp, theo Nhật, đường hướng quốc gia lẫn lộn đa đoan. Đời sống kinh tế cực kỳ khó khăn đè nặng lên người dân cùng khổ.
Tại ngôi nhà Ngô Đình Cẩn ở dốc Phủ Cam, người ta thấy nhiều khuôn mặt lạ ra vào. Ngôi nhà rường 3 gian 2 chái ấy là nơi thờ tự ông Ngô Đình Khả bấy lâu nay trở thành chốn nương thân cho những nhân vật thất sủng, thân Pháp, thân Nhật, tay chân ở trong tổ chức chống cộng Sản của Ngô Đình Diệm đang lần hồi tập trung lại.
Cùng trong những ngày đầu năm ấy, Ngô Đình Diệm được phóng thích trước đó mấy tháng từ miền Bắc, lần mò trở về đây ẩn dật với thằng em ngỗ̉ ngược để bình tâm toan tính mưu kế, thành lập phe phái chống Cộng.
Đại gia đình Ngô Đình Cẩn, trong đó Cẩn đứng thứ 3 từ phải sang. |
Bao đêm dài họ chụm đầu vào nhau bàn chuyện, Cẩn được chực rìa nghe hầu chuyện chính sự. Càng nghe Cẩn càng điên tiết về mấy cha ăn học hết cơm mà nhu nhược. Cẩn bực mình xen ngang: “Mấy anh đã mần, muốn được thì mần mạnh vô. Tây, Tàu, Nhật, Pháp chi, ai giúp được mình thì cứ nhờ. Khi mô thành công tính sau”.
Xen ngang câu chuyện rồi Cẩn bỏ đi. Cẩn không ngờ chỉ ít năm sau, cái đám người “chạy rông” thu nạp chiến hữu kia lại được người Mỹ nâng đỡ tất cả. Cẩn mừng cho sự lựa chọn của họ là tất yếu.
Biến động thời cuộc đã có tác dụng làm thay đổi bản chất du thủ du thực khu trú bấy lâu trong con người lười học ham chơi Ngô Đình Cẩn. Cái tính thích chơi ngông, “không cần phải làm quan” đã và đang thay máu dần dần trong Út Cẩn.
Và mặc dù là Ngô Đình Cẩn là kẻ thất học nhưng quá trình chuyển hóa rất nhanh. Cẩn muốn làm chính trị như mấy cha hay đến thưa bẩm ông anh Ngô Đình Diệm. Cẩn ý thức việc làm của mình, nhất định không thể theo cái kiểu mấy ông anh Cẩn đã làm. Cẩn nghĩ mình phải có chút tàn nhẫn, đôi khi áp dụng cả chính sách độc tài quân phiệt thì mới thành công.
Đầu năm 1949, Ngô Đình Diệm rời Huế và ẩn dật ở Đà Lạt với vợ chồng Ngô Đình Nhu. Mình Cẩn lại thui thủi với mẹ già. Cẩn chờ đợi và hy vọng ngày trở về của các ông anh. Dốc Phủ Cam yên tĩnh được mấy năm…
Nhớ lại ngày 16/6/1954 tại Pháp, theo sự dàn xếp có tính áp đặt của người Mỹ, Bảo Đại với chức phận là Quốc trưởng trong cái Quốc gia “Độc lập trong liên hiệp Pháp” đã phải cắn răng chấp thuận ủy nhiệm cho Ngô Đình Diệm về Sài Gòn làm Thủ tướng, thay nội các Hoàng thân Bửu Lộc vừa mới từ chức.
Việc Ngô Đình Diệm được Bảo Đại cử làm Thủ tướng chính quyền Quốc gia Sài Gòn nhanh chóng bay về Việt Nam, rồi lan truyền ra Huế. Ngô Đình Cẩn được tin thì nhảy lên sung sướng, chuông nhà thờ lúc ấy cũng đổ từng hồi dài.
Khu vực Phủ Cam yên tĩnh mấy năm trong lời kinh của Chúa, giờ trở nên sôi động một cách lạ thường. Ngõ nhà “mệ Cố” hằng ngày người và xe vào ra tấp nập. Người ta nhận thấy có mặt đầy đủ các nhân vật đảng phái chính trị, những sĩ quan quân đội, cảnh sát quốc gia và cả những kẻ từng theo Việt Minh kháng chiến đã đầu hàng giặc...nườm nượp khăn áo chỉnh tề đến trình diện Út Cẩn.
Lúc đó người ta mới nhìn thấy rõ Cẩn là một người có cung cách tác phong giống y hệt với viên quan lại. Chân đi guốc mộc, bận áo bà ba lụa trắng, miệng nhóp nhép nhai trầu nhưng nói năng trịch thượng và khinh người.
Với ai Cẩn cũng gọi thằng này thằng nọ. Cẩn chê tất cả các đảng phái. Về mặt tướng mệnh Cẩn có tiếng nói to khỏe, cặp mắt sắc, đôi lông mày rậm và hơi xếch trong rất hiểm ác, là tạng người có thể dám làm những chuyện động trời.
Sức vóc Cẩn cường tráng, mạnh mẽ to khỏe như mấy anh lực điền cày ruộng cho làng. Thật lạ, mấy năm nay đang vui câu cá, đá gà trồng cây, cưỡi bò đi dạo quanh vườn, vừa nhai trầu vừa chửi cha thằng đầy tớ dặt bò; bỗng dưng sau một đêm thức dậy Út Cẩn trở thành “ông Cậu” – trở thành nhân vật quan trọng bậc nhất của gia đình họ Ngô Đình có mặt tại mảnh đất Trung phần lúc này.
Những ngày tháng cuối năm 1954, dưới quyền lực của anh trai là Thủ tướng Ngô Đình Diệm, Út Cẩn đang thay đổi dần lối sống và cách hành xử. Nhưng đến lúc ấy “ông Cậu” vẫn còn bặm trợm, chưa biết làm việc gì hiệu quả nhất ở vị trí “ông Cậu”, nhất là làm chính trị.
Nhà Cẩn ở được tăng cường một tiểu đội bảo vệ do Đại úy Tôn Thất Độ làm chỉ huy. Bởi vậy, hằng ngày Cẩn ngồi ở nhà nhai trầu, nhận quà đút lót và tiếp chuyện bọn xu nịnh, hiến kế cơ hội hoạt động mua quan bán tước.
Việc này cũng giúp Cẩn kiếm ra tiền, nhưng vẫn là sau hậu trường thế lực các ông anh. Dần dà Cẩn cảm thấy thích thú và đâm ra say mê quyền lực, mặc dù mấy năm trước chính miệng Cẩn nói “không thích mần quan”. Mà lúc ấy Cẩn có được ai cho làm quan đâu?
Muốn có được sức mạnh quyền lực, Cẩn phải có một vị trí quyền lực trong bộ máy cai trị. Từ đó Cẩn mới tạo được lực lượng và vây cánh cho riêng mình. Nhờ sự “cố vấn” của bọn xu nịnh và một số kẻ chiêu hồi, Cẩn lập dự án các tổ chức hoạt động của phe nhóm chính trị, mật vụ dưới một chức danh do Cẩn đứng đầu:
Cố vấn chỉ đạo các đoàn thể cách mạng trong và ngoài nước. Cẩn đệ trình lên Thủ tướng Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu. Hồ sơ dự án gửi vào Sài Gòn, trong khi chờ đợi sự đồng ý của Diệm thì ở Huế, Cẩn bắt tay ráo riết thiết lập bộ máy riêng nằm ngoài các tổ chức của chính quyền Sài Gòn.
Bộ máy của Cẩn gồm những tên côn đồ, dao búa, những tên sỹ quan khét tiếng gian ác, thu nạp những phần tử phản bội Cách mạng kháng chiến và cả những tên môi giới chính trị, buôn bán…thành một lực lượng kín đặc biệt. Chúng tiến hành các hoạt động bắt bớ, thủ tiêu những ai dám đối đầu chống lại Cẩn.
Để tạo thanh thế, Cẩn cho tay chân phao tin lên rằng Cẩn là môn đệ tin tưởng của cụ Phan Bội Châu: “Trước khi nhắm mắt, cụ Phan đã trao gươm thiêng lại cho Cẩn”. Không chỉ ở Huế mà ở Cao nguyên Trung phần, Cẩn muốn gây ảnh hưởng ra toàn miền Nam.
Chỉ mới mấy tháng Cẩn đã nổi danh tàn bạo với những cuộc thanh trừng với những kẻ hiềm khích trước đây với Cẩn. Thời còn lận đận lép vế, Cẩn từng tuyên bố “có quyền là thịt ngay” mấy thằng coi thường Cẩn.
Mặc dù Cẩn được tay chân tâng bốc “ông cậu hảo hớn sòng phẳng lắm” nhưng quả thực Cẩn thù dai như đỉa. Người nào đã bị Cẩn lưu tên chắc chắn sẽ bị tiêu diệt, hoặc là chết hoặc là phải quỳ gối quy thuận như dược sĩ Nguyễn Cao Thăng.
Cẩn hành xử không khoan nhượng bất cứ ai, như đồ tể xuống đao, và nhanh chóng trở thành “lãnh chúa hung thần” khét tiếng. Vai trò cai trị Trung phần của Cẩn nổi lên nhanh chóng. Cẩn coi thường tất cả các tổ chức đoàn thể, công an, cảnh sát, quân đội ở Trung phần.
Tham vọng của Cẩn đã bộc lộ quá rõ ràng qua lời tuyên truyền của đám tay chân: “Ông Cậu có “mệnh” lãnh tụ. Triển vọng không làm Quốc trưởng cũng làm Tổng thống, một khi ông Diệm mãn nhiệm kỳ”.
Do vậy Cẩn muốn có một chức vụ chính thức do Diệm phong cho, và có quyền hành động đúng mức để thực hiện nhiệm vụ nổi. Nhiệm vụ ấy có thể làm nổi bật con người “xuất chúng” của Ngô Đình Cẩn trước quốc dân miền Nam.
Cẩn nghĩ rằng tất cả mọi chức vụ quan trọng đều phải nằm tại chính quyền Sài Gòn. Nhưng Cẩn không muốn xa Huế, vì ở Huế Cẩn có chỗ dựa là bà mẹ già, hơn nữa Cẩn tự biết lượng sức mình đến đâu khi vô Sài Gòn tranh quyền đoạt lợi với nhiều tên “sừng sỏ” khác.
Vậy thì, cứ ở tại Huế mà có chức vụ đủ quyền sinh sát vẫn hơn. Cẩn quyết định bàn tính, lựa chọn phương án rồi lập ra cái tổ chức có một không hai: “Ban chỉ đạo các đoàn thể chính trị trong và ngoài nước” do Cẩn làm cố vấn.
Chỉ có địa vị của tổ chức ấy mới tạo cho Cẩn một hậu thuẫn vững vàng. Quyền hành ấy cho phép Cẩn “ban ơn” cho bọn tay chân để chúng hoạt động tích cực ở Trung thành, gây ảnh hưởng cho Cẩn.
Cẩn cũng nắm được một lực lượng hậu thuẫn đủ mạnh để đối mặt với những khó khăn sẽ xảy ra. Một khi Diệm không còn nữa thì Cẩn sẽ được tranh cử làm Tổng thống.
Vì Cẩn có công chăm nuôi mẹ già, giữ nhà thờ hương hỏa nên từ Giám mục Ngô Đình Thục, Tổng thống Diệm, Cố vấn Nhu và cả đến bà chị dâu Trần Lệ Xuân cũng phải cưng chiều Cẩn như hồi còn là Út Cẩn.
Do chỗ cưng chiều đó, cả Nhu và Diệm đều phải giả câm giả điếc mặc cho Út Cẩn tha hồ thao túng Trung phần và Cao nguyên. Lúc đầu Diệm, Nhu đều muốn cho quách Cẩn cái chức “Cố vấn chỉ đạo các đoàn thể cách mạng trong và ngoài nước”.
Bởi thực tế trong bộ máy chính quyền Sài Gòn không có chức vụ này, vừa là cách để yên thân với thằng em ngổ ngược có công “nuôi mẹ” dám làm những gì nó muốn. Hơn nữa các “đoàn thể đã hoạt động chính trị” không thể dùng chung một ông cố vấn, mà lại cố vấn bởi Út Cẩn - em của Diệm, Nhu.
Suy nghĩ vậy, Diệm, Nhu tưởng Cẩn đã lầm với cái chức hữu danh vô thực ấy. Nhưng Cẩn đã tính toán trước, cao tay hơn vì chỉ có cái chức vụ đó Cẩn có thể thọc tay vào được tất cả các cơ quan đoàn thể trong và ngoài nước. Trong khi Cẩn vẫn ngồi một chỗ tại Huế.
Thâm ý của Cẩn bị Trần Lệ Xuân phát hiện nên Cẩn gặp phải trở ngại đó là Nhu. Lệ Xuân tru tréo chửi Cẩn là đồ vô học rồi càm ràm chửi luôn cả Nhu. Nếu Diệm thôi làm Tổng thống thì Nhu phải thay thế đâu phải chờ đến tên vô học như Cẩn, thâm ý của người đàn bà làm chính trị là như thế.
Thậm chí trong một lần trước bàn đèn, Lệ Xuân mắng Nhu: “Anh thật nhu nhược, không phải mình, tranh giành gì với Cẩn nhưng nó phải nuôi mợ. Anh định bỏ cái chức Tổng thống cho kẻ khác à…? Anh phải làm sao cho xứng đáng là dòng dõi họ Ngô, chớ lúc nào cũng gục mặt vào bàn đèn như vậy thì sao ngóc đầu lên được”.
Bị Lệ Xuân giật dây bằng một liều thuốc quyền lực, máu tham vọng của Nhu nổi lên. Nhu trở thành vật cản mũi Cẩn, không cho Cẩn có điều kiện lấn lướt tên tuổi mình. Từ đó Nhu mới xuất đầu lộ diện hoạt động ngăn cản không để cho Tổng thống Diệm phong chức cho Cẩn làm “Cố vấn chỉ đạo…” như Cẩn đã từng đề xuất.
Còn tiếp
- Cao Nguyên