Chuyện hôn nhân trong con mắt vua Khải Định (II)

( PHUNUTODAY ) - Việc hôn nhân, cưới hỏi thời vua Khải Định ở ngôi vẫn tuân theo các quy tắc từ đời Gia Long hoàng đế. Ở lĩnh vực này, người xưa thường dùng chữ “Quan thư” là tên một bài thơ trong Kinh Thi để chỉ tình yêu nam nữ

(Phunutoday) - Cùng với việc gia phong tước hiệu, Khải Định còn có những đánh giá, nhận xét tốt đẹp về những ưu điểm của mỗi người vợ. Điều này khác hẳn với sự khắt khe của nhiều vị vua đối với phi tần của mình, như trường hợp Đồng Khánh (cha Khải Định) là một thí dụ điển hình.

[links()]

Tháng 12 năm Mậu Ngọ (1918), Khải Định tấn phong cho Tam giai Huệ tần Hoàng Thị Cúc, người đã sinh ra hoàng tử Vĩnh Thụy lên làm Nhị giai Huệ phi vì “Tam giai Huệ tần thể lòng hiếu thảo của trẫm mà hầu hạ Lưỡng cung, làm hài lòng bề trên, thật là hiền thảo, chăm chỉ đáng khen”.

Một người vợ khác là Phạm Thị Hoài được làm Ngũ giai Diễm tần vì “vừa được chọn đưa vào đại nội mà đã nhanh chóng biết phép tắc trong cung, xem ra cũng thông minh, sáng dạ”. Một năm sau, trong buổi thiết triều, Khải Định nói với các quan bộ Lễ rằng:

“Vũ Thị Dung là ái nữ của quan đại thần, trẫm xem tư cách tính tình rất nền nếp gia giáo, đáng được ban ân mệnh cho có cấp bậc để thị càng thêm tận tâm hầu phụng Lưỡng cung. Truyền tấn phong làm Tứ giai Du tần”.

Mùa xuân, tháng giêng năm Nhâm Tuất (1922) vua Khải Định tấn phong Ngũ giai Diễm tần Phạm Thị Hoài làm Tam giai Diễm tần, Nguyễn Thị Đình Liên làm Ngũ giai Diễm tần và dụ rằng: “Ngũ giai Diễm tần Phạm Thị Hoài gần đây hầu hạ rất được lòng Lưỡng cung, trẫm lấy làm khen ngợi, bữa rồi vâng theo từ chỉ rằng nên thăng cho thị làm Tam giai Diễm tần. Khâm thử.
 
Ngoài ra, quan Thượng thư, sung Cơ mật viện tham tá Nguyễn Đình Hòe cũng vừa đem cháu gái là Nguyễn Thị Đình Liên dâng tiến vào nội đình. Trẫm nghĩ rằng, viên quan ấy vốn là cựu thần của tiên đế, nay đang làm việc rất cần mẫn. Vậy truyền tấn phong Nguyễn Thị Đình Liên làm Ngũ giai Diễm tần để thị được đội ơn cao dày”.
 
Vua Khải Định với chuyện hôn nhân của thần dân
Vua Khải Định
Vua Khải Định
Các quy tắc, nghi thức hôn nhân thời Nguyễn về cơ bản vẫn theo truyền thống từ xa xưa, cũng như tuân theo quy chế được ban ra từ thời Lê. Khi lên ngôi, nhận thấy tình hình xã hội có những thay đổi nên vua Gia Long đã cho điều chỉnh một số nghi thức cho phù hợp, như vào năm Giáp Tý (1804) định lại lệ cheo: “Về tiền cheo thì nhà giàu phải nạp một quan năm tiền, nhà trung thì nộp sáu tiền, nhà nghèo nạp ba tiền.
 
Nếu lấy người làng khác thì nộp gấp đôi”; hoặc cùng năm đó có một đạo dụ quy định các lễ vật trong giá thú phải tương đương với tư lực của gia đình. Nhà gái không thể bắt buộc nhà trai túng thiếu phải ký văn tự nợ hay cầm cố ruộng đất. Tiền cheo cũng không thể thu quá luật. Nếu người con gái chửa hoang, người ấy phải nộp 30 quan tiền và cha hay anh người ấy chỉ nộp 3 quan tiền.
 
Trong bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ) cũng có nhiều điều khoản có nội dung liên quan đến hôn nhân, giá thú như điều 94 quy định việc hôn thú trong trường hợp xa nhà: “Nếu một người ty ấu là quan chức hay buôn bán làm ăn xa nhà, đã tự ý làm giá thú mà trong khi ấy, ở nhà ông bà, cha mẹ, hay chú bác, cô ruột, anh chị không biết, lại làm hôn nhân khác trong khi người ấy vắng mặt thì hôn nhân nào làm trước sẽ có giá trị”.
 
Hay như trường hợp giá thú khi chỉ còn bà con xa, tại điều 109 trù liệu một trường hợp trong đó người nam đóng vai trò tích cực, tỏ rõ sự ưng thuận của mình. Khi người chủ hôn không là bậc tôn trưởng như cha mẹ, ông bà, chú bác, anh chị hay ông bà ngoại, nếu giá thú do chính hai bên nam nữ quyết định, những người này sẽ bị coi là chính phạm và người chủ hôn chỉ là tòng phạm tội được giảm một bậc.
 
Việc hôn nhân, cưới hỏi thời vua Khải Định ở ngôi vẫn tuân theo các quy tắc từ đời Gia Long hoàng đế. Ở lĩnh vực này, người xưa thường dùng chữ “Quan thư” là tên một bài thơ trong Kinh Thi để chỉ tình yêu nam nữ, vì thế, trong một bài dụ năm Đinh Tị (1917), Khải Định đã viết: “Quan thư là điểm khởi đầu của vương đạo; cung tường chính là nơi phong hóa bắt nguồn”.
 
Như vậy ông cũng thừa nhận rằng tình yêu nam nữ, vợ chồng chính là gốc của xã hội; về chuyện hôn nhân theo vua Khải Định chỉ cần tuân theo nghi thức truyền thống là giữ được nền nếp phong tục tốt đẹp ngàn đời, tuy nhiên, ông cho rằng, có một điểm cần phải thay đổi mạnh mẽ đó là bài trừ tệ hoang phí, phù phiếm trong hôn lễ và cần cổ vũ tinh thần tiết kiệm.
 
Tháng 9 năm Kỷ Mùi (1919) vua ban dụ rằng: “Trị nước, dạy dân vốn phải nương tùy theo phong tục, thi hành chính sự cần trừ tệ để cải cách… Nước ta vốn là nước văn hiến nhưng trong phong tục còn ưa chuộng nhiều cái phù phiếm xa xỉ, như trong các nghi lễ quan hôn, tang chế thường làm cỗ bày tiệc linh đình thết đãi các thân bằng cố hữu tới chúc mừng hay phúng viếng để tỏ ra long trọng, hoành tráng.
 
Đối với người giàu có, điều đó không khỏi là sự hoang phí vô bổ, còn với hạng nghèo hèn ắt phải khổ vì vay nợ trả lãi… Tiếng là nước văn hiến nhưng rốt cuộc vẫn làm ăn sa sút yếu kém, chính là vì vậy. Trẫm nghĩ nước ta đất đai cằn cỗi, nhân dân nghèo đói, tài nguyên thì ngày thêm cạn kiệt.
 
Trong thời buổi văn minh ngày nay dân trí phải dần dần mở mang ra… Vậy, truyền từ nay trong dân gian, phàm những dịp lễ quan hôn, tang chế,…, tùy theo gia cảnh giàu nghèo đều phải thực hành tiết kiệm, việc qua lại mừng chúc, phúng viếng châm chước làm cốt sao cho hợp lễ thì thôi”.


Trong một buổi thiết triều năm đó, Khải Định lại nhắc nhở các quan ở bộ Lễ về vấn đề tiết kiệm trong hôn nhân cũng như trong các nghi thức lễ Tết khác và lệnh rằng: “Bộ Lễ cần phải định rõ thành điều lệ đối với các lễ nghi này, cái nào phải bỏ, cái nào thì cho tiếp tục duy trì, cốt sao cho giản dị tiết kiệm rồi thông báo cho dân biết mà tuân hành”.
 
Đến tháng 12, bộ Lễ theo ý chỉ của vua đã định từng khoản về các nghi thức, đối với hôn lễ quy định như sau: “Hạn trong 3 tháng (trừ khi có duyên cớ riêng) thì được cử hành sính lễ. Nhà giàu thì được dùng hoa tai và vòng tay bằng vàng, mỗi thứ một đôi, trầu cau và rượu mỗi thứ một mâm, nến hoa chúc một đôi.
 
Nhà trung bình thì hoa tai bằng vàng một đôi, trầu cau và rượu một mâm, nến hoa chúc một đôi. Nhà nghèo thì cho dùng trầu cau, rượu một mâm (trừ những nhà nghèo khó quá tự ý mua sắm thì không kể). Còn chuyện bày cỗ khoản đãi thì tùy theo nhà giàu hay nhà nghèo làm sao cho phù hợp nhưng không được xa hoa, lãng phí quá đáng. Còn các khoản khác thì tuân theo quy định đời Gia Long”.
 
Sau khi xem xét bản đệ trình của bộ Lễ, Khải Định đã phê chuẩn rằng: “Những quy định về quan hôn, tang chế do bộ Lễ đề xuất cũng đã khá hợp lý, truyền thông tri rộng rãi thi hành, nhưng trong dân gian các phong tục, lề thói hủ lậu vẫn còn nhiều, triều đình tiến hành cải cách không phải chỉ đưa ra quy định chỉnh đốn một lần là đủ mà phải duy trì làm dần dần từng bước một. Sau này nếu còn nghĩ định thêm điều khoản nào khác mà hợp lý thì sẽ giáng dụ riêng để thi hành”.
 
Theo vua Khải Định, việc chấn chỉnh lại các nghi thức nói chung và hôn lễ nói riêng là “để giữ gìn luân lý cho mai sau”
 
)
  • Lê Thái Dũng

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn