Chuyện tình buồn của nữ điệp viên huyền thoại là hoa hậu

06:16, Thứ hai 11/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Murdoni hỏi Granville sẽ đi trong bao lâu. Cô đáp, khoảng 2 năm. Không đợi người phụ nữ dứt lời, Murdoni rút dao đâm vào giữa ngực cô. Murdoni sau đó còn đâm thêm nhiều nhát nữa.

Với cuộc đời tình báo bí ẩn và đầy huyền thoại, Christine Granville trở thành nguyên mẫu của nhân vật nữ trong chương đầu tiên cuốn tiểu thuyết “Điệp viên 007” của Ian Flemming - tình nhân một thuở của cô. Thế nhưng, chương cuối cùng trong cuộc đời của Christine Granville lại đầy bi kịch khi cô bị chính một người tình khác giết chết.
[links()]
Kết cục thảm của một điệp viên hoa hậu

Ngày 15/6/1952, Peter Colesberg, chủ một khách sạn nhỏ ở phía Tây thủ đô London của nước Anh, phát hiện cô hầu phòng 37 tuổi bị giết chết trong phòng ngủ của mình. Cô gái bị đâm nhiều nhát dao trên người, cho thấy kẻ giết hại cô đã lâm vào một cơn cuồng loạn.

Cảnh sát ngay lập tức vào cuộc điều tra và biết được rằng, người đâm Christine Granville không ai khác chính là George Murdoni – người tình của cô.

Christine Granville là một cô gái xinh đẹp lạ thường. Mặc dù làm hầu phòng và đã cố giấu nhan sắc của mình trong những bộ quần áo rẻ tiền nhưng Christine Granville vẫn luôn tỏa sáng và thu hút người đối diện bằng vẻ đẹp cuốn hút và đầy quý tộc.

George Murdoni say nàng như điếu đổ. George Murdoni vốn là một gã thất nghiệp, lang thang trong thành phố. Từ khi phát hiện ra Christine Granville, ngày nào gã cũng bám đuôi và nằng nặc theo tới tận nơi Christine Granville làm việc.

Điệp viên huyền thoại Christine Granville
Điệp viên huyền thoại Christine Granville

Kì thực, cả hai quen nhau từ trước đó, khi Granville làm tiếp viên trên một con tàu viễn dương và Murdoni là một vị khách quyền quý. Vốn là một người ân cần, chu đáo với tất cả mọi khách hàng nhưng những cử chỉ của Granville khiến Murdoni lầm tưởng nó là dấu hiệu của một sự quan tâm lãng mạn.

Trở lại London, Murdoni bị ám ảnh về người đẹp và bắt đầu theo dõi mọi chuyển động của cô. Việc bỗng dưng mất việc càng khiến Murdoni rơi vào cùng quẫn và nhất quyết phải sở hữu bằng được Granville.

Mặc dù thời gian và thân phận ở hiện tại khiến Granville phần nào xuôi lòng trước tình cảm của Murdoni, nhưng cô vẫn còn lưỡng lự. Ngày 15/6/1952, Granville sửa soạn rời khỏi khách sạn nơi cô làm việc cho một chuyến xa để gặp một người tình cũ.

Đúng lúc đó thì Murdoni tới. Murdoni hỏi Granville sẽ đi trong bao lâu. Cô đáp, khoảng 2 năm. Không đợi người phụ nữ dứt lời, Murdoni rút dao đâm vào giữa ngực cô. Murdoni sau đó còn đâm thêm nhiều nhát nữa.

Người đàn ông chỉ thức tỉnh khi nhìn thấy máu lênh láng và người tình bất động trên tay mình. Sau này, khi trình bày trước tòa án Old Bailey, Murdoni nhận tội và nói rằng giết Granville là cách cuối cùng để sở hữu Murdoni sở hữu người anh ta yêu mãi mãi. Hung thủ giết người nhận bản án cao nhất: tử hình.

Mặc dù cái chết được xác định là vì tình, nhưng còn nhiều nguồn tin cho rằng, Graville thực chất bị giết vì nắm giữ nhiều bí mật tình báo trong suốt thời gian làm điệp viên cho Anh và Ba Lan trước đó.

Năm 1995, Vera Atkins, một nữ điệp viên kỳ cựu của tình báo Anh, người phụ trách bộ phận tuyển dụng, đào tạo điệp viên của Cục Hành động đặc biệt (SOE), một đơn vị tình báo đặc biệt được chính Thủ tướng Winston Churchill thành lập vào năm 1941 nhằm thực hiện những chiến dịch tình báo tại những quốc gia bị Đức Quốc xã chiếm đóng, cho xuất bản cuốn sách dạng hồi ký có nhan đề “Đi tìm sự thật về những cái chết của các đồng đội”.

Trong cuốn sách của mình, Vera Atkins đã tiết lộ chính Tình báo Anh đã tổ chức sát hại Christine Granville vì cô biết quá nhiều những bí mật cần phải giấu kín của SOE.

Trước đó, cựu điệp viên tài sắc của Tình báo Anh thời Thế chiến II bị sa thải khỏi ngành tình báo sau khi chiến tranh vừa kết thúc để rồi phải bôn ba khắp nơi trước khi bị giết chết một cách bi thảm. Không biết thực hư nguyên nhân cái chết vì đâu, nhưng nó đã kết thúc cuộc đời của một điệp viên xinh đẹp mang tên Granville trong bi kịch.

Nguyên mẫu người tình trong “Điệp viên 007”

Trước khi chấm dứt cuộc sống trong tay của một gã si tình, Graville đã trải qua 2 cuộc hôn nhân và nhiều mối tình khác. Cuộc sống tình ái của Granville ly kì và lắt léo nhưng cũng đầy huyền thoại như chính cuộc đời điệp viên của cô.

Chẳng ai biết chính xác, Christine Granville có tổng cộng bao nhiêu người tình, chỉ biết rằng cô đã trải qua 2 cuộc hôn nhân và đều tan vỡ.

Sinh ra trong một gia đình có bố là Bá tước Jerzy Skarbek, mẹ là con gái một chủ ngân hàng người Do Thái (trong gia đình Goldfeder) tại vùng ngoại ô Warszawa, Ba Lan, ngay từ năm 17 tuổi, Christine Granville đã nổi đình đám khắp vùng về nhan sắc.

Cô giành vương miện Hoa hậu Ba Lan vào năm đó và sớm lọt vào mắt xanh của nhiều anh chàng quyền quý. Đó cũng chính là lý do mà Granville kết hôn từ rất sớm. Năm 19 tuổi, cô lên xe hoa cùng Karol Getlich.

Nhưng cuộc hôn nhân không kéo dài được bao lâu. Năm 23 tuổi, Granville đã li dị với người chồng trẻ con để kết duyên cùng Jerzy Gizycki, một quan chức ngoại giao. Cùng với người chồng đầu tiên, Granville trải qua một cuộc phiêu lưu đến Mỹ, Ethiopia, Anh.

Chính cuộc hôn nhân đầu tiên cũng là định mệnh đưa cô đến với con đường điệp viên. Có sắc đẹp, nói thông thạo nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Đức, hiểu biết phong tục tập quán của nhiều quốc gia nên cô được Tình báo Anh tuyển dụng để hoạt động điệp báo trong lòng các quốc gia bị Đức Quốc xã chiếm đóng.

Trong thời gian ở Budapest, Hungary, Christine Granville đã cung cấp nhiều tin quan trọng cho tình báo Anh và một trong những tin tức quan trọng nhất, có giá trị nhất đó là giúp nước Anh nhận định: Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô trong tháng 6/1941.

Không những thế, Christine Granville còn cứu sống nhiều chiến binh đến từ các nước đồng minh. Thủ tướng Anh Churchill từng thốt lên rằng: Christine Granville là nhân viên tình báo tôi thích nhất từ trước đến nay.

Mặc dù sự nghiệp tình báo vô cùng xuất sắc nhưng cũng chính vì lý do chiến tranh và nghề nghiệp, Granville và chồng lại lạc mất nhau.

Họ không còn gặp gỡ khi chồng Granville ở lại Anh, còn cô quyết định đến Hungary để thực hiện nhiệm vụ tình báo và hỗ trợ các máy bay kháng chiến của Ba Lan qua biên giới Hunggary. Chính trong những tháng ngày này, Granville gặp gỡ người anh hùng Ba Lan Andrzej Kowerski.

Cùng chung một môi trường chiến đấu, cùng quê hương đã khiến cả hai nhanh chóng bắt nhịp tâm hồn và trở thành người yêu. Mặc dù cuộc hôn nhân với chồng cũ Gizychi coi như đã kết thúc nhưng cô và Kowerski không bao giờ kết hôn.

Tháng 1/1941, cả hai bị mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã bắt giữ tại biên giới Ba Lan - Hungary. Granville lại lạc mất người tình một lần nữa và cả hai không gặp nhau thêm bất cứ lần nào cho đến lúc Granville qua đời.

Christine Granville từng 2 lần rơi vào tay cơ quan mật vụ Đức quốc xã, nhưng đều thoát khỏi bàn tay của chúng. Mặc dù lập được nhiều công trạng lớn, thậm chí là điệp viên từng được Thủ tướng Anh Churchill ngưỡng mộ, yêu quý, nhưng chỉ một tháng sau Đại chiến thế giới lần thứ II kết thúc, Christine Granville đã bị cả Ba Lan và Anh đối xử lạnh nhạt.

Chính phủ Anh từng tìm mọi cách để ngăn không cho Christine Granville quay về Ba Lan mặc dù bị tình báo Anh thải hồi. Bà tìm mọi việc làm để tự mưu sinh và tìm cách để quay về lại phục vụ quê hương Ba Lan nhưng luôn bị Chính phủ Anh ngăn cản.

Với nhan sắc trời phú của mình và một khát vọng yêu đương mãnh liệt, Granville không dừng các cuộc tình tại đó. Ngay cả khi vẫn còn tình cảm sâu đậm với Koweski, Granville vẫn có những mối quan hệ mới cho mình.

Một trong những người tình nổi tiếng nhất của Granville là Ian Flemming, nhân viên tình báo Anh, tác giả của những cuốn tiểu thuyết với nhân vật chính James Bond trong loạt phim hành động “Điệp viên 007”. Ian Flemming và Christine Granville thường xuyên gặp nhau từ những năm 1950 trở đi.

Năm 1951, trong một chuyến du lịch đến Ai Cập cùng Fleming, Christine Granville toan tính trở về Ba Lan nhưng không thành. Có nhiều nguồn tin nói rằng, mối tình giữa hai người sâu sắc tới mức, Ian Flemming đã viết thư định chia tay người vợ sắp cưới.

Ian Fleming cũng lấy cảm hứng từ cuộc đời huyền thoại của Granville để tạo nên nữ điệp viên hai mang Vesper Lynd trong tác phẩm đầu tay của ông về điệp viên 007 được hoàn thành vào năm 1953 có nhan đề "Sòng bạc hoàng gia".

Tuy nhiên, sau đó, tình yêu với Granville vẫn chưa đủ lớn để tiểu thuyết gia quyết định phản bội hôn thê của mình. Việc Fleming kết hôn với người phụ nữ khác khiến Granville suy sụp và rơi vào trầm cảm. Không chỉ thế, cô còn bị chấn thương do va chạm với một chiếc xe hơi.

Cuộc sống khó khăn sau khi bị cả hai phía Anh và Ba Lan quay lưng càng khiến Granville rơi vào khốn khó. Cô làm đủ mọi nghề, từ tiếp viên trên tàu đại dương, tới phục vụ tại khách sạn.

Cuối cùng, nhờ tình yêu của một gã si tình, Granville bị đâm chết và được chôn cất trong một nghĩa trang của Công giáo La Mã tại Anh, kết thúc sự nghiệp tình báo và tình trường lẫy lừng nhưng đầy bi kịch của mình.

  • Hoàng Lê
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc