Chuyện tình chàng ’Thạch Sanh’ và ’công chúa’ khiếm thị

06:02, Thứ ba 23/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Với nhiều người, những câu chuyện cổ tích không tồn tại giữa đời thường với biết bao bon chen, tính toán. Thế nhưng trong sâu thẳm mỗi người, tình yêu thương vẫn luôn cháy và đó chính là cội nguồn của những câu chuyện cổ tích.

Giữa cuộc sống tất bật xô bồ với đầy rẫy những bon chen, toan tính, nhiều người vẫn cố đi tìm hạnh phúc, có khi tìm đến hết cả cuộc đời mà vẫn không thấy được hạnh phúc của chính mình. Thế nhưng đâu đó vẫn còn có những câu chuyện cổ tích được dệt nên từ những con người bình dị, và hạnh phúc đối với họ cũng thật đơn giản biết nhường nào. Đó là câu chuyện của chàng “Thạch Sanh” Lê Trọng Hùng và nàng “công chúa” Đỗ Lê Na.
[links()]
“Tình yêu sẽ giúp chúng mình vượt qua tất cả”

Lê Na vẫn còn nhớ như in tin nhắn mà anh gửi khi anh ngỏ lời yêu Na: “Anh nguyện làm chàng Thạch Sanh nắm tay em viết câu chuyện cổ tích về tình yêu. Anh hiểu những điều em đang lo lắng nhưng anh tin, tình yêu sẽ giúp chúng mình vượt qua được tất cả”.

Na mở đầu câu chuyện với tôi bằng một câu nói bình dị và hạnh phúc ấy. Đã 3 năm trôi qua nhưng cái cảm xúc của những ngày đầu tiên ấy vẫn hiện lên trong ánh mắt và nụ cười hạnh phúc của Na. Căn phòng nhỏ chừng 15m2 nằm trong ngõ 657 phố Minh Khai (Hoàng Mai, Hà Nội) là nơi đã chứng kiến những tháng ngày hạnh phúc của Na trong suốt mấy năm qua.

Kết quả của mối tình đẹp “như cổ tích” của Na là đứa con trai kháu khỉnh Lê Trọng Bảo Minh. Na không có may mắn được nhìn thấy rõ đứa con mình, nhưng bằng sự nhạy cảm và trái tim người mẹ, Na ve vuốt bàn tay bé xíu của con rồi cười: “Mọi người đều bảo tôi “đẻ thuê”! Thằng bé giống bố từ đầu đến chân”.

Đỗ Lê Na để lại cho tôi một ấn tượng khá đặc biệt từ những ngày cô còn là sinh viên khoa Văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô là sinh viên khiếm thị đầu tiên được tuyển thẳng vào trường đại học.

Lê Na chăm học và thông minh một cách kỳ lạ, nghe Na đọc và nói lại những bài học chính trị một cách say mê y như thầy giáo giảng trên lớp, tôi đã nghĩ có lẽ đến câu nói mà người đời vẫn thường truyền tai nhau:

Thượng đế không lấy đi của ai hết tất cả mọi thứ, họ bị thiếu hụt về mặt này thì sẽ được bù đắp ở những mặt khác. Và Lê Na là như vậy, trời đã phú cho cô một khả năng, một giác quan đặc biệt đó là khả năng cảm thụ.

 Lê Trọng Hùng và nàng “công chúa” Đỗ Lê Na
Vợ chồng Lê Trọng Hùng - Đỗ Lê Na hạnh phúc bên con trai.

Lê Na yêu văn học, thích sáng tác ngay từ nhỏ và khả năng ấy đã được phát huy cao độ khi cô không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Những bài thơ của Na được đăng trên báo Hoa Nắng của Trường Nguyễn Đình Chiểu và được chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lại mỗi tối từ khi Na còn là học sinh của trường.

Lục lại quá khứ, Lê Na bảo, cô không nhớ tình yêu của mình bắt đầu từ lúc nào và phải trải qua biết bao sóng gió, chỉ nhớ rằng, người con trai đó đã nắm tay cô bước qua rất nhiều giông bão, vượt qua những dị nghị của người đời để làm đôi vai, chỗ dựa vững chắc cho cô.

Na luôn nghĩ rằng mình là người thiệt thòi nên chưa bao giờ hi vọng sẽ lấy người sáng mắt, cũng không tin niềm hạnh phúc, tình yêu và những điều kỳ diệu sẽ ứng nghiệm vào cuộc sống của mình, Na chỉ tin có sự cố gắng, nỗ lực vươn lên bằng sự hăng say của bản thân thì sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp.

Lê Na vừa sinh ra đã bị bỏ rơi tại Bệnh viện Khe Sanh (Quảng Trị), cô y tá Lê Thị Bích Thủy (người Quảng Bình) là mẹ của Lê Na bây giờ đã đón Na về nuôi nấng và chăm sóc như con đẻ của mình. 7 tuổi, mắt của Na mờ dần, nhưng cô bé may mắn được ra trường Nguyến Đình Chiểu học tập.

Những ngày đầu mới ra Hà Nội, Na gặp phải rất nhiều khó khăn, từ việc tập đi, tập viết đến việc tự lo cho mọi sinh hoạt cuộc sống của mình. Thế nhưng Na đã nhanh chóng hòa nhập và trở thành một trong 20 học sinh xuất sắc của Thủ đô Hà Nội năm 2002.

Không những thế, Na còn là một “nhà thơ” nổi tiếng của trường, một “cây bút” chính của tờ Hoa Nắng. Những bài thơ đó không chỉ được các bạn trong trường biết đến mà còn được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trong chương trình Tiếng Thơ phát vào mỗi tối.

Sau này, khi vào Đại học, Na cũng hay làm thơ nhưng chỉ là làm cho vui thôi. Na không ngờ những bài thơ mà làm khi còn là một cô bé mới lớn ở trường Nguyễn Đình Chiểu lại làm cho một chàng trai say mê đến vậy.

Vừa nói Na vừa nghiêng nghiêng đầu nhìn về phía người chồng đang cười tủm tỉm cho con ăn, Na cười: “Có lẽ anh ấy “say” thơ của mình chứ không “mê” mình đâu!”. Ngày ấy chưa bao giờ Na nghĩ rằng Na sẽ lấy chồng vì Na luôn lo sợ và cảm thấy mặc cảm.

“Bạn thấy đấy, đến việc cho con ăn, vệ sinh cho con mình cũng không làm được, tất cả mọi việc đều một tay anh ấy lo liệu, mình thương nhưng cũng đành bất lực thôi.

Vì thế ngày anh ấy ngỏ lời yêu mình và muốn làm chỗ dựa cho mình, mình đã từ chối, và thật sự lúc đó mình nghĩ không hiểu sao lại có một anh chàng ngốc đến vậy, trong khi anh khỏe mạnh và đẹp trai (như mọi người vẫn nói), có công ăn việc làm ổn định, có cơ hội thăng tiến nơi quê nhà Lào Cai lại từ bỏ tất cả để đến với mình và làm lại từ đầu với bao khó khăn vất vả”.

Cổ tích giữa đời thường

Đối với nhiều người, những câu chuyện cổ tích không tồn tại giữa đời thường với biết bao bon chen, tính toán. Thế nhưng trong sâu thẳm mỗi người, tình yêu thương vẫn luôn cháy và đó chính là cội nguồn của những câu chuyện cổ tích.

Đối với Lê Hùng, anh không nghĩ câu chuyện tình yêu và hạnh phúc của anh là cổ tích mà đơn giản chỉ là tình yêu thương trong sáng mà thôi. Văn chương là cầu nối để anh tìm thấy tình yêu của mình, nhưng tình yêu trong sáng của một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế mới có đủ sức mạnh để làm anh thay đổi cuộc đời mình như vậy.

Lê Hùng là giáo viên dạy Hóa trường THCS Minh Lương (Văn Bàn, Lào Cai) nhưng anh lại là người có tâm hồn lãng mạn, thích thơ văn và tiểu thuyết. Một lần tình cờ, anh được nghe bài thơ “Xa rồi cổ tích” được phát trong chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, anh đã rất thích và chép lại để đọc cho các em học sinh nghe, anh còn phổ thành nhạc để các em dễ nhớ và hát trong những lúc sinh hoạt đội.

Những câu chữ trong bài thơ đã giúp anh tưởng tượng về một cô gái khiếm thị có tâm hồn đa cảm và anh cũng không hiểu vì sao cứ mỗi lần đọc bài thơ ấy, trái tim anh lại thấy thổn thức, xao động một cách kỳ lạ.

Thế rồi 3 năm sau, năm 2005, anh quyết định xuống Hà Nội để tìm cô gái “trong mộng” ấy. Vì biết Hà Nội mênh mông biển người, tìm một cô gái chắc chắn sẽ rất khó hơn nữa anh cũng muốn học để nâng cao hiểu biết, nên anh đã quyết định nghỉ dạy và đăng ký theo học tại chức ngành Luật tại trường Đại học Mở Hà Nội.

Ngày đầu tiên xuống Hà Nội, việc đầu tiên mà anh làm là đến trường Nguyễn Đình Chiểu để tìm cô gái, nhưng đến nơi, được tin cô đã đỗ đại học, anh rất hoang mang, nhiều lúc anh đã định bỏ cuộc và nghĩ rằng có lẽ mình hơi “viển vông”.

Nhưng rồi một lần tình cờ, anh gặp một người bạn học cùng Na trước đây, được cô giúp đỡ xin số điện thoại và địa chỉ liên lạc nên anh đã thêm vững tin hơn vào quyết định của mình. Từ những cuộc điện thoại ngắn, Hùng đã lấy hết can đảm để gặp Na:

“Hôm đó, tôi cố gắng ăn diện thật đẹp, đóng thùng lịch sự rồi cũng chải chuốt, ngắm nghía mãi, nhưng rồi chợt nhớ ra cô gái không nhìn thấy gì”- Hùng ngượng ngùng kể lại.

Na cười: “Lần gặp mặt đầu tiên ấy cũng để lại cho mình ấn tượng rất sâu sắc, mình nghĩ không biết khi gặp anh ấy thì biết nói gì đây. Nhưng khi nghe anh ấy kể về chặng đường đi bộ hơn 2 cây số để tìm mình, mình đã “nhìn thấy” anh ấy là một người chân thành, mộc mạc và có thể tin tưởng được”.

Thế rồi những cuộc hẹn hò, những lần gặp gỡ ngày một nhiều hơn. Hàng tuần, Hùng đến đưa Na đi dạo, tay trong tay, anh tả cho Na biết về khuôn viên, về cảnh trường nơi Na đang học.

Na bảo: “Từ ngày ra Hà Nội đến khi gặp anh ấy, chưa bao giờ mình thấy Hà Nội đẹp đến vậy!”. Với Na, anh là ánh sáng để Na nhìn thấy thế giới bên ngoài, là chỗ giữa để giúp Na không còn cảm thấy cô đơn nữa.

Ngày được Na nhận lời yêu cũng là lúc Hùng phải đối mặt với sự phản đối của gia đình. Khi anh đưa Na về nhà ra mắt, bố mẹ anh đã ngăn cản ra mặt, cả gia đình đều hy vọng vào anh vì anh là người con học hành thành đạt nhất nhà.

Ai cũng muốn anh có cuộc sống ổn định, và có một người vợ “tương xứng” để lo toan cho anh việc nhà, anh còn có cơ hội thăng tiến nữa. Sau lần ấy, Na lại tìm cách để chia tay anh một lần nữa.

Hùng không nói gì nhiều mà chỉ lặng lẽ viết tặng Na bài thơ “Cổ tích cho em” để viết lên tất cả tình yêu của anh, trong đó có câu: “Mình lại có mái nhà xinh xắn/ Mình sẽ có những thiên thần xinh xắn/ Không đến từ thiên đàng/ Mà đến từ hai ta…”.

Điều đó đã minh chứng cho tình yêu của anh và cũng chính tình yêu ấy đã cảm hóa được gia đình, cảm hóa những người xung với những lời đàm tiếu để họ hiểu và chúc phúc cho tình yêu của anh và Na trong ngày vui trọng đại của đời người.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng giáo viên giữa đất Hà Nội với bao nhiêu khoản chi tiêu, nhưng gia đình anh không lúc nào ngớt tiếng cười vui của đứa con trai kháu khỉnh và tinh nghịch.

Từ khi có cháu, gia đình anh vui hơn và vất vả cũng về anh nhiều hơn. Lê Na hay nói đùa rằng: “Anh vừa là chồng, vừa là cha, vừa là bảo mẫu luôn”, anh Hùng chỉ cười: “Được phục vụ những người mình yêu thương là hạnh phúc nhất rồi! Nhìn cái “cục vàng” trời cho này là quên hết mọi mệt mỏi”.

Nhìn cảnh gia đình Na vui đùa bên nhau, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về tình yêu, đó không phải là sự giàu sang, là sự hoàn mỹ hay tương xứng mà đơn giản đó chỉ là sự trân trọng và yêu thương lẫn nhau.

Nhìn Hùng tôi lại nhớ đến một câu nói của nhà văn Nam Cao: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ, kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”, và tôi thấy Hùng thật mạnh mẽ biết bao!

  • Nguyễn Thị Hải
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc