Kể từ khi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ vào ngày 11/9/2001, Osama Bin Laden trở thành “kẻ thù số 1” của Mỹ. Với người Mỹ, Osama là hiện thân của cái ác, một tên quỷ dữ giết người hàng loạt.
Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm, tất cả mọi thông tin về Osama từ nguồn gốc xuất thân, quá trình trở thành trùm khủng bố cho tới thông tin về những người mang họ Bin Laden trên khắp thế giới được báo chí khai thác một cách triệt để. Cái tên “Bin Laden” trở thành tấm vé đảm bảo cho lượng phát hành của mọi tờ báo trên đất Mỹ. Thế nhưng đối với Wafah Dufour, trong suốt 10 năm qua, cái họ Bin Laden đã mang tới cho cô khá nhiều rắc rối.
Wafah Dufour vốn tên thật là Wafah Bin Laden, là cháu ruột của trùm khủng bố Osama Bin Laden. Cha cô, Yeslam Bin Laden một tỷ phú Ả rập là anh trai cùng cha khác mẹ của Osama. Còn mẹ cô bà Carmen Dufour là một người Thụy Sỹ.
Vào năm 1973, khi gia đình Yeslam đến nghỉ tại Geneva và thuê lại tầng một trong ngôi nhà của mẹ Carmen, cô thiếu nữ nhà Dufour đã chết mê chết mệt chàng thiếu gia Trung Đông 24 tuổi. Khi mối tình bồng bột ấy kéo dài chưa được bao lâu, Yeslam nói rằng, anh ta sẽ cưới cô nếu như cô đồng ý.
Và vì vậy, Carmen đã rời bỏ quê hương mình để đến Jeddah, quê hương của Yeslam và làm đám cưới với anh ta mà không lường trước được tất cả sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. Cô con gái đầu lòng Wafah chào đời một vài năm sau đó tại Santa Monica khi Yeslam và Carmen đang theo học tại đại học Nam California.
Wafah lớn lên tại Thụy Sĩ trong biệt thự nhiều triệu đô của ông bố giàu có. Lớn lên, cô theo học tại trường đại học Gevada trước khi sang mỹ học bằng thạc sỹ tại Columbia. Vào năm 2001, cô sống trong một căn hộ giá 6.000 đô mỗi tháng trên phố Spring.
Tuy nhiên, trước khi vụ khủng bố 11/09 xảy ra tại Mỹ, Wafah đã rời New York để trở về Gevada sau khi cô lấy được tấm bằng thạc sỹ luật tại Đại học Columbia. Wafah nói rằng, khi sự việc xảy ra, một người bạn đã gọi điện báo cho cô biết. Cô cảm thấy hốt hoảng thực sự khi báo chí nói rằng, đối tượng tình nghi số một chính là Osama Bin Laden.
Tuy nhiên, sự “vắng mặt” ngẫu nhiên này của Wafah và mẹ cô đã khiến nhiều tờ báo đặt ra nghi vấn rằng, liệu có phải hai mẹ con cô đã được cảnh báo trước về vụ khủng bố. Và điều này khiến cô và mẹ trở thành đối tượng chỉ trích của giới truyền thông cũng như người dân Mỹ.
Lần đó, hai mẹ con cô đã phải lên truyền hình và tuyên bố, họ không có bất cứ mối liên hệ nào với vụ khủng bố cũng như tên trùm Al-Qeada. Tuy nhiên, tất cả dường như không làm thay đổi những định kiến của người dân Mỹ với những người có liên quan tới Bin Laden.
Các phóng viên vẫn liên tục gọi điện đến nhà Dufour trong khi bạn bè, xóm giềng ngày càng xa lánh họ. Thậm chí, các nhà hàng, khách sạn còn không muốn phục vụ họ khi biết cô gái mang họ Bin Laden.
Trong suốt thời gian đó, Wafah bị trầm cảm nặng nề và nhiều lần phải tới gặp các bác sỹ tâm lý. “Tôi đã khóc cả ngày và chỉ muốn mình biến mất”, Wafah nói trong một lần trả lời phỏng vấn.
Và thực sự, cô đã có một cuộc “chạy trốn” khỏi những định kiến của dư luận cũng như sự săn đuổi của báo chí. Wafah gần như đã ở lỳ trong nhà suốt 6 tháng trước khi cô chuyển tới Lodon cùng mẹ và các em.
Trên thực tế, ngay cả với Yeslam, hai mẹ con Wafah cũng dường như không có nhiều mối liên hệ. Kể từ sau khi bà Carmen sinh cô con gái thứ 3, Yeslam đã bắt đầu chán nản cuộc hôn nhân của họ. Nhà tỷ phú Ả rập muốn có một cậu con trai nối dõi và ông ta bắt đầu tìm đến những người phụ nữ khác. Khi biết được điều này, Carmen và ba cô con gái của mình đã rời về Thụy Sĩ. Họ sống ly thân từ đó.
Tuy nhiên, trong suốt 12 năm sau đó, Yeslam không đồng ý ly hôn với bà Dufour và tìm mọi cách ngăn cản chuyện tình cảm của bà với một người đàn ông khác. Trong khi đó, nhà tỷ phú nhất định không trả cho cô con gái đầu lòng của mình một đồng học phí nào khi cô quyết định theo học thạc sỹ tại Columbia.
Wafah khẳng định rằng, trong suốt 10 năm kể từ khi cha mẹ cô ly thân, cô chỉ nói chuyện với cha ruột của mình hai lần, bằng điện thoại. Còn với người chú tai tiếng của mình, Wafah chưa từng một lần gặp mặt cho tới khi hình ảnh ông ta tràn lan trên các tờ báo nước Mỹ.
Cho tới mùa thu năm 2004, ba năm sau vụ khủng bố của người chú tai tiếng, Wafah Bin Laden quay trở lại New York để đeo đuổi sự nghiệp âm nhạc của mình. Vừa có thể hát vừa có khả năng sáng tác, Wafah hy vọng cô có thể trở thành một Madona của thế giới Ả rập. Tuy nhiên, lúc này cái tên Bin Laden vẫn trở thành một chướng ngại lớn đối với cô ca sĩ nhiều tham vọng.
Các hãng thu âm từ chối cô ngay khi biết cô là cháu gái của “kẻ thù số 1” của nước Mỹ. Thậm chí, một vị giám khảo nổi tiếng của chương trình American Idol, Simon Cowell còn tuyên bố rằng: “Sẽ chẳng có cái họ nào tệ hơn họ Bin Laden cho một người nuôi tham vọng trở thành một ngôi sao ca nhạc ngoài họ Hitler”. Chỉ chừng ấy cũng đủ biết, cái họ Bin Laden mang đến cho Wafah bao nhiêu rắc rối. Cũng có lẽ vì thế mà Wafah luôn cho rằng, chính ông chú Osama tai tiếng của mình là người đã hủy hoại giấc mộng ca sĩ của cô.
Mặc dù không thỏa mãn ước mơ trở thành Madona của thế giới Ả rập, tuy nhiên, Wafah lại nhận được lời mời làm người mẫu đồ lót của một tạp chí nổi tiếng. Trên thực tế, với chiều cao chỉ 1m60 thì hợp đồng làm người mẫu cho tờ tạp chí này của Wafah lại bắt nguồn từ ông chú tai tiếng của mình.
Với những tiêu đề kiểu như “Sexy Osama”, tờ tạp chí này gần như muốn mượn tiếng tăm của trùm khủng bố để đánh bóng tên tuổi cho cô người mẫu không có nhiều điểm khác biệt vượt trội ngoài khuôn mặt Trung Đông khá lạ lẫm.
Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà Wafah muốn từ bỏ cái họ Bin Laden của mình.
Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi nhắc đến họ của mình, Wafah thường dùng chữ Binladin thay vì Bin Laden. Tuy nhiên, cho tới khi cô trở thành người mẫu nội y cho tạp chí, cô quyết định không sử dụng họ Bin Laden mà lấy họ của mẹ cô Dufour làm họ của mình.
Mặc dù cô người mẫu giải thích rằng, bản thân cô không có nhiều mối liên hệ với người cha ruột nên cô không muốn sử dụng họ Bin Laden trong nghệ danh của mình. Tuy nhiên, thực tế thì ai cũng thấy, những phiền phức mà cái họ Bin Laden mang đến cho cô bắt nguồn chủ yếu từ ông chú tai tiếng. Và nếu có lý do nào đó cho quyết định này thì đây mới là lý do chính đáng nhất.
Đến ước mơ “một công dân Mỹ”
Ngày 1/5/2011, sau gần 10 năm trốn chạy khỏi sự truy lùng gắt gao của quân đội Mỹ, Bin Laden đã bị tiêu diệt khi đang lẩn trốn tại một căn hộ ở ngoại ô thủ đô Islamabad của Pakistan. Khi thông tin này được truyền đi, một lần nữa, cái tên Osama Bin Laden lại làm rúng động cả thế giới. Và đến lúc này, cô người mẫu Wafah một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Người ta nói rằng, ngay sau cái chết của Osama Bin Laden, dù đã đổi thành họ Dufour, cô người mẫu cao 1m60 Wafah bỗng nhiên trở nên đắt giá. Các tạp chí bắt đầu săn đón mời mọc và lựa chọn cô làm biểu tượng cho danh hiệu “sexy Osama”. Tuy nhiên, sự nổi tiếng bất ngờ này vẫn không làm vừa lòng cô người mẫu đã bước sang tuổi 35.
Kể từ sau vụ khủng bố cách đây 10 năm, Wafah vẫn khẳng định rằng, cô sinh ra trên đất Mỹ và là một người Mỹ. Khi cô nghe tin về vụ khủng bố, cô cảm thấy hoảng loạn giống như chính quê hương của mình bị đánh bom vậy. Cho đến tận hôm nay, sau khi người chú của cô, kẻ chủ mưu trong vụ khủng bố cách đây 10 năm đã bị tiêu diệt, Wafah vẫn tuyên bố, cô không có bất cứ mối liên hệ nào với ông ta và rằng cô không muốn mọi người cho rằng, cô sử dụng tiếng xấu của Osama để có được danh tiếng như ngày nay.
Mới đây, Wafah đã nhận lời mời tham gia một chương trình truyền hình kể về những khúc mắc trong cuộc sống của một người danh tiếng. Judith Regan, nhà sản xuất chương trình này - cho biết: "Wafah Dufour là một phụ nữ trẻ xinh đẹp, có tài và muốn tìm chỗ đứng trong cuộc sống, muốn được công nhận như một nghệ sĩ nghiêm chỉnh. Nhưng trên con đường của cô, người chú gây ra nhiều điều khủng khiếp, nên cô phải vượt qua định kiến. Câu chuyện của cô ấy sẽ xóa lấp khoảng cách mà người ta cho là đang tồn tại giữa các nền văn hóa".
Trong cuộc sống này, không ai được tự chọn cha sinh mẹ đẻ và dòng tộc cho mình. Nhưng khát vọng vượt lên khỏi những ám ảnh của cha chú để trở thành một nghệ sĩ chân chính của Wafah cũng rất đáng để cảm thông và trân trọng.
Hà Phương