(Phunutoday) - Kết hôn từ năm 1967, đến năm 2008, vợ chồng GS Đỗ Nguyên Phương (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) và TS Võ Hồng Nga đã có 41 năm chung sống. 3 năm qua, kể từ ngày GS Đỗ Nguyên Phương đột ngột qua đời đến nay, với bà Võ Hồng Nga - vợ ông, đó là những ngày tháng buồn nhất và nhiều nuối tiếc nhất. Đến giờ, bà vẫn chỉ ao ước một điều: giá ông sống được thêm vài năm, để con cháu còn có cơ hội báo hiếu, để ông bà có thể an hưởng tuổi già thanh thản bên nhau sau những năm tháng bận bịu với công việc và cống hiến cho xã hội.
Chuyện tình của chàng trai miền Bắc và thiếu nữ miền Nam
Cố GS Đỗ Nguyên Phương (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) |
Ngày đó, GS Đỗ Nguyên Phương không chỉ là một giảng viên trẻ có năng lực của bộ môn giải phẫu trường Đại học Y Dược, mà còn là một Bí thư Đoàn trường năng nổ, nhiệt tình. Những buổi cùng sinh hoạt chung trong BCH Đoàn trường đã khiến tình cảm giữa chàng giảng viên trẻ Đỗ Nguyên Phương và cô sinh viên Võ Hồng Nga dần nảy nở.
Bà Võ Hồng Nga kể, ngày đó, bà cảm mến ông bởi tính cách điềm đạm, hiền lành, bởi lối ăn nói chín chắn cùng cách cư xử nhũn nhặn và sự nhiệt tình hết mình với công tác giảng dạy và công tác Đoàn. Nhưng tình yêu của ông bà ngày ấy gặp rất nhiều sự ngăn cản của gia đình và bạn bè, chỉ bởi ông là trai miền Bắc, còn bà là con gái miền Nam.
Ngày ấy, rất nhiều chàng trai là đồng hương miền Nam theo đuổi bà nhưng không được sự đáp lại đã phản ứng rất dữ dội trước việc bà yêu một thanh niên miền Bắc: “Cha mẹ tôi cũng không ủng hộ tình yêu của tôi, bởi cha mẹ tôi tin rằng, một ngày rất gần, đất nước sẽ thống nhất và cả gia đình tôi sẽ quay trở lại quê hương miền Nam. Nếu tôi lấy một chàng trai người Bắc, nghĩa là tôi sẽ mãi mãi ở lại đây, không về miền Nam được nữa.
Tôi là con gái cả trong gia đình nên cha mẹ tôi không muốn tôi là “tiền lệ”, là “tấm gương” cho các em. Bởi ông bà không muốn sau này khi trở về quê hương sẽ không có con cái đi cùng. Yêu nhau trong sự ngăn cản của gia đình và các đồng hương miền Nam, nhưng tình yêu của chúng tôi lại được các đồng nghiệp ở trường Đại học Y và trường Đại học Dược (nơi tôi công tác sau khi ra trường) nhiệt tình ủng hộ. Trước sự quyết tâm của con gái, ba mẹ tôi cuối cùng đã phải đồng ý tác thành cho chúng tôi”.
Tháng 8/1967, đám cưới của ông bà diễn ra tại Hội trường Bệnh viện Việt Đức. Để bày tỏ tình cảm và sự biết ơn với bác sĩ Đỗ Nguyên Phương, toàn bộ thiếp mời trong đám cưới đó đều do một bệnh nhân là cán bộ tại Nhà in báo Nhân dân tình nguyện in giúp. Đám cưới diễn ra vào đúng những ngày Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Nên dù bận rộn chuẩn bị cho đám cưới, chú rể Đỗ Nguyên Phương vẫn phải nằm trong ban trực chiến của bệnh viện, do vậy, ngay cả lúc đám cưới đang diễn ra vui vẻ, ông vẫn luôn sẵn sàng tư thế để cứu chữa bệnh nhân bất cứ lúc nào, khi có thông báo.
Vợ chồng cố GS Đỗ Nguyên Phương |
Bà Võ Hồng Nga tâm sự, cả hai vợ chồng ông bà rất hợp nhau ở quan điểm phấn đấu hết mình cho sự nghiệp và cho đất nước. Năm 1971, khi chiến tranh đang vô cùng ác liệt, dù là một cán bộ triển vọng của trường Y, ông vẫn tình nguyện lên đường vào chiến trường Quảng Trị. Khi đó, dù biết Quảng Trị là chiến trường ác liệt, “dễ đi, khó về”, bà vẫn ủng hộ chồng. Ngày ông lên đường, bà nở nụ cười tiễn ông mà lòng thắt lại vì lo lắng cho sự an nguy của ông. Năm đó cũng là năm bà nhận được quyết định đi tu nghiệp ở Hungari.
Điều khiến bà biết ơn ông nhiều nhất chính là việc ông luôn động viên bà phấn đấu cho sự nghiệp, rèn luyện, bồi dưỡng năng lực chuyên môn. Bà được cử đi tu nghiệp ở Hungari đúng lúc ông vào chiến trường, cậu con trai nhỏ mới 3 tuổi, nhưng ông vẫn động viên bà lên đường. Sự khích lệ của ông đã khiến bà có đủ dũng cảm gửi lại cậu con trai nhỏ 3 tuổi cho bà nội chăm sóc. Nhưng ngày bước lên máy bay sang Budapest, bà vẫn nước mắt lưng tròng khi nghĩ đến cảnh ly tán của gia đình. Khi đó, gia đình bà 3 người, mỗi người ở một nơi.
Những năm tháng tu nghiệp ở Hungari, ngoài giờ học tập, nghiên cứu ở trường, cứ chiều về là bà lại vùi mặt vào gối khóc vì thương nhớ và lo lắng cho chồng con. Khi đó, ông đang có mặt ở Quảng Trị - chiến trường nóng bỏng nhất cả nước; còn ở Hà Nội, nơi con trai bà đang sống cùng bà nội, cũng đang bị Mỹ rải bom bắn phá ác liệt cả ngày cả đêm. Thời đó, tin tức liên lạc rất khó khăn. Những lá thư ông bà gửi, phải đến tận 2 năm sau mới đến tay nhau, chính vì vậy ở Budapest, bà chỉ biết thắc thỏm lo âu cho sự an nguy của chồng con mình.
Bà kể, ngày đó, cứ mỗi lần nghe tin chiến tranh ở Việt Nam là mỗi lần bà lo lắng đến thắt gan, thắt ruột. Khi Mỹ rải thảm B52 bắn phá nhà máy điện Yên Phụ và trường An Dương, gần nơi ông bà nội và và con trai bé bỏng của bà đang sống, bà thậm chí đã lên Đại sứ quán làm đơn xin về nước. Khi ấy, đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm (lúc đó là đại sứ Việt Nam tại Hungari) đã phải trấn an, khuyên nhủ bà, bà mới từ bỏ ý định ấy.
Sau ngày đất nước thống nhất, khi bà hoàn thành 5 năm tu nghiệp ở Hungari và ông từ chiến trường trở về, gia đình ông bà mới được đoàn tụ trong căn hộ rộng 18 mét vuông của tập thể. Cũng năm đó, ông bà đón cậu con trai thứ 2 chào đời.
Nhân cách của một Bộ trưởng
Sống với nhau mấy chục năm trời, bà Võ Hồng Nga luôn trân trọng nhân cách của chồng. Khi trở về gia đình, ông không bao giờ nặng lời với vợ con. Dù là cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhưng ông luôn dạy con cái phải biết tự phấn đấu bằng chính năng lực của mình và không được ỷ lại, cũng không được kiêu căng, hợm hĩnh vì có “bố làm to”.
Bà Nga kể, ông đã luôn là tấm gương cho con cái bằng chính những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Bận bịu với công việc của ngành thì thôi, nhưng hễ về đến nhà, ông lại đi chơi với bà con hàng xóm xung quanh. Trong số họ, có anh công nhân, có chị lao công. Nhưng nói chuyện với họ, ông luôn gần gũi, cởi mở, hoàn toàn không phân biệt, không khoảng cách.
Khi ông đang làm Bộ trưởng Bộ Y tế, bố ông ốm nặng phải nằm ở bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô suốt 4 tháng trời. Ban ngày, ông ở trên Bộ giải quyết công việc. Đến chiều tối, khi công việc xong xuôi, ông vào viện ăn cơm ở bếp ăn tập thể rồi ngủ lại bệnh viện trông bố. Sáng hôm sau, ông lại tiếp tục đi làm, cứ như thế, ròng rã suốt 4 tháng trời. Chuyện vị Bộ trưởng ngành Y ngủ suốt 4 tháng trời trong viện chăm sóc bố đã khiến chính các y, bác sĩ ở bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô bất ngờ và cảm động về tình cảm và sự hiếu thảo của ông với bố mẹ.
Giữ cương vị Bộ trưởng Bộ y tế từ năm 1996 - 2002, nhưng GS Đỗ Nguyên Phương đã để lại nhiều dấu ấn trong thời gian tại nhiệm của mình bởi sự tâm huyết của ông với ngành Y. Luôn coi trọng quan điểm “lương y như từ mẫu”, ngay năm đầu tiên làm Bộ trưởng, GS Đỗ Nguyên Phương đã ký quyết định ban hành 12 điều y đức, làm chuẩn mực để các cán bộ ngành Y cùng thi đua phấn đấu, phục vụ chữa bệnh cho các bệnh nhân.
Hiểu rõ tầm quan trọng của y tế cơ sở, chính GS Đỗ Nguyên Phương là người đi đầu trong việc thực hiện chủ trương xóa bỏ “cở sở trắng” về Y tế, phấn đấu không có xã nào, kể cả các xã vùng sâu, vùng xa là không có cơ sở y tế và cán bộ y tế để khám chữa bệnh cho bà con nhân dân. Thời còn làm Bộ trưởng, người ta vẫn thấy ông xông xáo đi đến những huyện, xã miền núi, vùng sâu vùng xa khó khăn nhất cả nước như Mèo Vạc (Hà Giang), Si Mai Ca (Lào Cai), Cư rút (Đắk Lắk), Mù Cang Chải (Yên Bái),… để trực tiếp nắm tình hình và phát triển y tế cơ sở.
Vì sự xông xáo, nhiệt tình và tấm lòng với ngành Y, đến giờ, dù đã qua đời và đã nhiều năm rời khỏi cương vị Bộ trưởng Y tế, nhưng nhiều cán bộ y tế cơ sở ở các huyện vùng sâu vùng xa cả nước vẫn nhắc về ông đầy kính trọng và trìu mến.
TS Võ Hồng Nga tâm sự rằng, bà đã chứng kiến chồng mình trăn trở với ngành Y và khao khát cống hiến cho xã hội cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Cả đời, ông lo việc chăm lo cho sức khỏe người khác, nhưng vì mải mê với công việc đó nên ông lại lơ là với chính sức khỏe của mình. Ngay cả khi nghỉ hưu, ông vẫn làm việc hết mình nên chẳng có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân.
Những năm tháng cuối đời, dù có những lúc mệt mỏi, có những lúc cơ thể, chân tay đau đớn, đi lại khó khăn, ông vẫn chủ quan không đi khám bệnh vì quá ham mê công việc. Khi về già, bà vẫn muốn có một tấm ảnh chụp chung cả gia đình nhưng vì ông quá bận bịu công việc, nên đến khi ông mất, mong muốn giản dị đó của bà vẫn chưa thực hiện được. Bức ảnh ông bà chụp với 2 cháu nội 1 năm trước khi ông qua đời là tấm ảnh hiếm hoi bà và ông có cơ hội chụp chung với nhau.
Khi còn là Bộ trưởng, ông sống rất giản dị. Đến các địa phương, ông luôn yêu cầu cơ sở ăn uống đơn giản, giảm thiểu chi phí tiếp đón đến mức tối đa vì ông hiểu, địa phương còn nhiều khó khăn. Đi công tác trong, ngoài nước, bao giờ, ông cũng tự tay giặt và là quần áo của chính mình. Mỗi dịp lễ Tết, có khách khứa đến biếu quà, ông lại mang hết quà cáp đó lên chia cho cán bộ, công nhân viên chức trên Bộ và dưới cơ sở.
Vì cách sống giản dị, gần gũi đó, ông được cán bộ ngành Y vô cùng yêu quý, kính trọng. Sau này dù đã nghỉ hưu, nhưng vào ngày nhà giáo Việt Nam, ngày Thầy thuốc Việt Nam, trong nhà ông bao giờ cũng ngập tràn hoa chúc mừng. Bà Võ Hồng Nga kể, năm 2008, khi ông mất, trong số rất nhiều đoàn khách và cá nhân đến viếng có cả những bệnh nhân của ông, những anh công nhân, những chị lao công, những người lao động từng quen biết và trò chuyện với ông cũng đến chia buồn. Có người viếng 5000 đồng, có người viếng 10 000 đồng, nhưng bà hiểu, đó là tấm lòng và sự yêu quý mà những người lao động nghèo ấy dành cho ông - một cựu Bộ trưởng không quan cách.
Kể cả bây giờ, khi ông đã mất 3 năm, mỗi dịp ra viếng mộ ông vào ngày 20/11 hay ngày 27/2, bà vẫn thấy trên mộ ông luôn rất có rất nhiều hoa của học trò, của những đồng nghiệp cũ, những cán bộ dưới quyền ông một thời. Đó là những điều khiến bà và hai người con trai của ông luôn cảm thấy tự hào về người chồng, người cha đức độ, nhân ái của mình.
- Hương Thảo Nguyên