Có một mối tình thơm hương mùa thu Hà Nội

13:31, Thứ hai 17/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Năm nay, Hà Nội vẫn cờ hoa rực rỡ, nắng thu vẫn vàng tươi, chỉ có điều khác biệt là ông không được ngồi trước sân rợp mát để hít thở gió thu, ngắm ánh nắng vàng và tâm sự với người bạn đời về những ngày thu năm ấy.

Với người chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Hà Nội ngay từ những ngày tiền khởi nghĩa, Hà Nội có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là nơi đã đùm bọc, che chở ông trong những năm tháng chuẩn bị thời cơ cho cuộc Tổng khởi nghĩa, là nơi đã đem lại cho ông một ngôi nhà bình yên với người vợ hiền đã trải qua bao khó khăn sóng gió. Ông là Vũ Oanh - Nguyên ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII.

Năm nay, Hà Nội vẫn lấp lánh cờ hoa rực rỡ, nắng thu vẫn vàng tươi trải dài khắp mọi ngõ phố, chỉ có duy nhất một điều khác biệt là ông không còn được ngồi trước sân vườn rợp mát để hít thở cái gió thu mát dịu, để ngắm ánh nắng vàng và tâm sự với người bạn đời, người đồng chí của mình về những ngày thu năm ấy.

Thế nhưng những ký ức về bà cũng như những ký ức về mùa thu Hà Nội vẫn luôn hiện hữu trong ông, hình ảnh người con gái nhỏ bé, đôi mắt tròn to đen nhánh và cương nghị, người luôn hết lòng vì công việc, vì mọi người, dù ở hoàn cảnh nào vẫn luôn nở một nụ cười đôn hậu.

Đối với ông đó là những kỷ niệm đẹp của những mùa thu đã qua và nó sẽ còn đi theo ông đến suốt cuộc đời.

Cô gái mang tên Chu Sa

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp ngày Tổng khởi nghĩa 19/8 và chuẩn bị ngày Quốc khánh 2/9, ông Vũ Oanh cũng dày kín lịch với các buổi gặp mặt truyền thống và tiếp đón các nhà báo.

Khi nghe tôi gọi điện và nói về ý định viết về người phụ nữ đã cùng ông gắn bó suốt khoảng thời gian dài hơn 50 năm qua, ông vui vẻ nhận lời và nói: “Cháu đến đi, bà ấy là con gái Hà Nội đấy, bà ấy hay và có nhiều điều đặc biệt lắm!”

Tôi đến gia đình ông vào một buổi chiều đầu thu, tiết trời heo may se se lạnh bởi những cơn gió báo hiệu trời sắp có mưa to. Đón tôi bằng một nụ cười đôn hậu trong ngôi nhà cũ tại khu tập thể Cống Vị, ông chậm rãi đưa cho tôi xem cuốn hồi ký, trong đó có những bức ảnh của bà rồi ông tủm tỉm cười:

“Bà xã tôi đấy, con gái Hà Nội xinh đẹp, nết na và có nhiều điều mà theo tôi là đặc biệt lắm! chỉ đáng tiếc là bà ấy không còn nữa, chứ không cô mà nói chuyện với bà ấy thì có nhiều chuyện hay lắm!” Ông nói trong tiếng cười nhẹ, nhưng trong đôi mắt ông nỗi đau của sự mất mát vẫn còn hiện rõ.

Ông là Vũ Oanh bên người vợ- người đồng chí của mình.
Ông là Vũ Oanh bên người vợ- người đồng chí của mình.

Đôi mắt ấy giờ đã không còn nhanh nhẹn như trước nữa, nhìn vào đó người ta có thể hiểu rõ những giọt lệ của sự nhớ thương tiếc nuối…! Chỉ vào bức ảnh mà 2 vợ chồng ông chụp ngày mới sinh cô con gái đầu lòng, ánh mắt ấy lại ánh lên một niềm vui kỳ lạ:

Ông kể chuyện về người con gái đã gắn bó với ông hơn nửa thế kỷ qua, người con gái đó có tên rất đẹp và kiêu sa như chính con người cô vậy, cái tên Chu Sa khiến ai đã từng được nghe được gặp đều nhớ mãi.

Ông nhớ mãi những ngày hoạt động ở Thủ đô Hà Nội những năm 1940 của thế kỷ trước, khi ông đang là một chàng thanh niên trai tráng trường Bưởi, người chủ nhiệm trẻ tuổi của Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu.

Những ngày tháng cùng hoạt động để xây dựng phong trào Việt Minh, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa sắp tới, ông cùng với ông Nguyễn Văn Trân khi ấy là Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, sau đó là Chủ tịch Ủy Ban kháng chiến Hà Nội đã trở nên thân thiết.

Những lần đến nhà ông Trân chơi và bàn cách hoạt động, ông đã có cơ hội gặp mặt và biết rõ hơn về cô gái Chu Sa của Đội thiếu nữ Tiền phong thành Hoàng Diệu.

Ngày ấy, Đội thiếu nữ Tiền phong không phải là một tổ chức lớn, thế nhưng trong và sau Cách mạng Tháng Tám, Đội cũng đã có nhiều hoạt động gây được cảm tình với tổ chức và quần chúng, đặc biệt là những buổi mít tinh, biểu tình và vận động quần chúng.

Các thành viên trong đội chủ yếu là những cô gái được sinh ra và lớn lên ở nội thành, và hầu hết còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Cô Chu Sa khi ấy đang là học sinh của trường Albert Saraut, ảnh hưởng bởi phong trào đấu tranh của quần chúng và sớm giác ngộ với những hoạt động của một số học sinh yêu nước, cô đã tham gia hoạt động từ khi chưa đến 15 tuổi.

Khi đó, ông Vũ Oanh đang là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu, hầu hết các cơ sở, các tổ chức trong thành ông đều nắm rất rõ, nên cái tên Chu Sa đối với ông cũng không phải là lạ. Chỉ có điều, công việc quá bận rộn, hơn nữa ông cũng không phải là người trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Đội nên việc gặp gỡ cũng không phải là dễ.

Phải đợi đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông về công tác ở Liên khu 3 gặp lại người đồng chí, người anh quen nhau từ hồi Tổng khởi nghĩa ông mới có cơ hội được tìm hiểu rõ cô gái đặc biệt ấy.

Lần lại hồi ức của hơn 60 năm, ông Vũ Oanh cười hóm hỉnh: “Hồi ấy tôi và ông Trân cùng hoạt động với nhau ở Liên Khu 3, khi đó tôi là Trưởng ban tuyên huấn của Liên khu ủy Khu 3, còn ông Trân là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu 3 nên thi thoảng có hay đến nhà ông Trân chơi.

Tình cờ được vợ chồng anh Trân quý mến rồi giới thiệu cho đúng cô gái mà tôi đã biết tiếng từ trước. Chu Sa là em vợ của ông Trân. Chính anh chị ấy đã tác thành cho 2 chúng tôi.” - Ông Vũ Oanh chia sẻ.

Đó là vào khoảng năm 1947, 1948, khi đó Chu Sa mới 15, 16 tuổi, đôi mắt to tròn đen nhánh và nụ cười hiền hậu, tính cách cương trực khiến ai gặp cũng quý mến.

Sau những ngày Toàn quốc kháng chiến, Chu Sa thi đỗ vào trường Sư phạm Liên khu 3, những ngày này 2 người mới có điều kiện để tìm hiểu nhau nhiều hơn. Đến năm 1950, đám cưới của 2 người đã được tổ chức tại Đại đoàn 320, khi đó ông Vũ Oanh là Phó chính ủy Đại Đoàn.

Nói là tổ chức cho oai, nhưng thực chất ngày ấy do điều kiện còn nhiều khó khăn, hơn nữa ông cũng rất bận chuẩn bị cho các chiến dịch, đám cưới của ông bà chỉ là một bữa cơm gia đình ấm cúng, sau đó 2 người ra xã đăng ký kết hôn, hôm sau mới lên đơn vị để báo cáo.

Sau ngày cưới, mỗi người vẫn tiếp tục công việc hoạt động của mình. Cũng từ đây, ông Vũ Oanh có thêm một người đồng chí, một trợ thủ đắc lực trong công tác địch vận mà ông đảm nhiệm sau này.

Của chồng công vợ

Sau khi cưới, ông Vũ Oanh tiếp tục chỉ huy đánh vùng Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình chuẩn bị cho mặt trận Việt Bắc thu đông 1948.

Thời gian này, cô Chu Sa cũng vừa tốt nghiệp trường sư phạm Liên khu 3, trong khi nhiều cô gái Hà Nội khác chọn con đường lên Việt Bắc hay ở lại Hà Nội công tác thì cô lại viết đơn xung phong vào cùng địch hậu, nơi tình hình chính trị, quân sự, kinh tế có nhiều phức tạp.

Nhưng vì yêu chồng, và mong muốn được chia sẻ khó khăn cùng chồng trong những ngày mới cưới nên cô đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm hành quân xuống vùng Trực Hòa – Nam Định để vừa dạy học, vừa làm công tác địch vận (giải thích, tuyên truyền cho những gia đình có chồng con đi lính cho giặc để họ vận động con em bỏ hàng ngũ của địch để trở về với đồng bào).

Công việc bận rộn suốt ngày đêm nên nói là xuống để được gần chồng nhưng vợ chồng cô cũng chẳng được gặp nhau. Ban ngày cô phải đi đến từng nhà người dân, cùng họ làm việc, để từ đó mà vận động và khuyên nhủ họ.

Đối với những cô gái nông thôn thì đỉa, vắt, rắn rết là chuyện bình thường nhưng với một cô gái chỉ quen đèn sách như cô thì việc tập cấy dưới những thửa ruộng đầy đỉa và vắt, những buổi diễn tập trong những căn hầm cá nhân bé tí, tối om đầy rắn rết xung quanh thì đó quả là một ác mộng đối với cô gái Hà Nội mới 18 – 20 tuổi.

Dù khó khăn, vất vả là vậy nhưng bà vẫn luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình để xứng đáng với niềm tin của chồng và tổ chức. Bà chỉ mong có dịp được gặp ông ở nơi chiến trường cho thỏa nỗi nhớ thương của người vợ trẻ nhưng suốt thời gian ấy vợ chồng ông cũng không được gặp nhau khi nào.

Chỉ có những lá thư là cầu nối của đôi vợ chồng trẻ, ở đó có cả nhớ thương, giận dỗi, có cả những kinh nghiệm trong công việc để giúp nhau cố gắng.

Sau này Trung ương đánh giá rất cao vai trò của ông trong công tác binh vận, địch vận, nhất là trong chống Mỹ , dù không nói ra bằng lời nhưng ông coi đó là thành tích mà vợ ông đã có một phần đóng góp.

Cách đây 2 năm, cuốn truyện ký “Sống với dân” do nhà văn Diệu Ân viết về cuộc đời ông được xuất bản, trong đó bà có dành 3 trang để viết về những ngày tháng khó khăn khi bà Chu Sa vào hoạt động ở vùng địch hậu.

Khi cầm cuốn sách đó trên tay, đọc những dòng viết về người phụ nữ mà ông hết mực thương yêu, ông càng cảm thấy bà là người phụ nữ đặc biệt. Đặc biệt ngay từ cách sống giản dị cho đến việc chọn công việc chẳng giống ai.

Là con gái của một gia đình khá giả ở Hà Nội, một cô gái mới 16 tuổi đã viết đơn vào vùng địch hậu với biết bao khó khăn. Rồi khi đất nước thống nhất bà cũng chọn một nghề mà ít thậm chí là không có người phụ nữ nào dám chọn, đó là kiểm tra biến thế điện.

Thế nhưng, ở bất cứ đâu, ở bất cứ lĩnh vực nào bà vẫn âm thầm, cố gắng phấn đấu làm trọn nhiệm vụ của mình. Bà đã 2 lần được nhà nước tặng thưởng huy chương chiến sĩ thi đua, và một huân chương kháng chiến. Nhờ có người phụ nữ đặc biệt ấy mà ông mới có điều kiện thảnh thơi lo cho công việc.

Do tính chất độc hại của công việc mà bà mắc bệnh ung thư và đã rời xa ông cách đây một năm, 2 người con trai của ông cũng ảnh hưởng bởi những tia phóng xạ ấy mà đã sớm từ giã cõi trần.

Đó là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời ông, khi 2 người con trai của ông ra đi, vợ ông dường như suy sụp, ông cũng mất thăng bằng trong một thời gian dài.

Nhưng dù sao khi ấy ông vẫn còn bà để mà cố gắng vững vàng làm điểm tựa cho bà trong những ngày gánh chịu nỗi đau mất mát ấy. Thế nhưng khi bà cũng từ bỏ ông đi thì cuộc sống với ông dường như cũng dừng lại.

Chỉ đến khi Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam ra đời ông mới tìm thấy một niềm vui mới để xóa lấp đi những khoảng trống. Và có lẽ đó cũng là cách để ông muốn bù đắp những mất mát và vợ con ông đã phải gánh chịu.

  • Nguyễn Thị Hải

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc