Tẩm bổ “của quý” bằng… ve sầu chiên bột
Loài ve sầu có tiếng ca buồn não ruột réo gọi mùa hè đến đang trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người nên chúng bị “thịt” ngay khi còn non hơi sữa. Những cơn mưa đầu mùa trút xuống vùng Bảy Núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài côn trùng sinh sôi, nảy nở sớm hơn mọi năm. Loài ve sầu đã bắt đầu lột xác réo gọi mùa hè đến. Đi dọc tất cả các tuyến đường từ nông thôn đến quốc lộ của hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang những ngày này đều nghe tiếng ve sầu ca hát.
Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi được một quán nhậu chào mời món “ve sữa chiên bột” với lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn. Những người này còn khẳng định đây là một trong những món ăn được chế biến từ côn trùng đang “thịnh hành” ở xứ núi. Nhìn những con ve tròn múp chưa mọc cánh với đôi mắt to lồ lộ nằm trong thùng ướp đá chúng tôi đã phát kinh. Qua lân la trò chuyện chúng tôi được giới thiệu gặp những người chuyên bắt ve sầu ở đây và có dịp tháp tùng.
Ông Tư Truyền và Hai Còn, những người chuyên đi bắt ve ở thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên dẫn chúng tôi vào một khu vườn nằm dưới chân núi Cậu. Chỉ với cây cuốc nhỏ và cái thùng đựng nước đá, ông bảo đã đủ để bắt ve. Vừa bước vào khu vườn đã nghe tiếng ve kêu inh ỏi, đồng thanh đều đặn “ve ve ve…” chẳng khác nào tiếng máy nổ đang bơm nước. Song Tư Truyền và Hai Còn không đến nơi có tiếng ve phát ra mà tìm đến những gốc cây xoài, gốc mít có bóng râm mát mẻ.
Ông Truyền bảo nơi đất tơi xốp, mềm thì ve mới ở nhiều. Nói vậy rồi ông vung tay cuốc nhẹ trên mặt đất dọn đám lá khô quanh gốc cây xoài để lộ ra những cái hang tròn nhỏ cỡ ngón tay cái. Tư Truyền quả quyết đó là hang của ve sữa còn non. Rồi ông nhanh tay ngắt cọng cỏ cắm xuống cái hang để đo độ nông – sâu cho dễ đào.
Với 2 cái hang nằm kề bên nhau nhưng một hang nuốt chửng cọng cỏ cỡ 4 tấc (40 cm), hang còn lại chỉ độ gang tay, Tư Truyền đoán chắc cả 2 đều có ve sữa. Những nhát cuốc của tư Truyền cứ xoáy quanh cái hang rồi để lộ một cột đất ngay chính giữa. Khi đã xác định được độ sâu của hang, Tư Truyền chỉ việc bồi thêm một nhát cuốc nữa để bứng cả cục đất lên bờ. Lẫn trong lớp đất xốp mềm ấy là một chú ve mập ú, tròn múp và căn đầy… sữa.
Ve sữa non |
“Đó, đó! Nó lên rồi đó, bắt nó bỏ vào thùng nước đá ướp lạnh liền. Con ve này ở hang cạn là ve sắp trưởng thành nên mập hơn những con ở hang sâu. Sau khi được nở từ ấu trùng, ve sữa sẽ đào hang ở trong lòng đất độ 1 tuần và từ từ trồi lên mặt đất. Bởi vậy muốn ăn ve sữa thì phải xới tung lòng đất lên mới bắt được”, Tư Truyền vừa thoăn thoắt tay cuốc đào bới cả khu vườn vừa giải thích cho chúng tôi.
Nhìn trên mặt đất chi chít những hang ve nhỏ li ti, ông Hai Còn bảo phen này trúng đậm. Trong lúc nói chuyện Hai Còn liên tục nhặt ve sữa do Tư Truyền quẳng lại để cho vào thùng nước đá. Đã quá chuyên nghiệp, cứ độ 3 nhát cuốc là Tư Truyền lôi lên một chú ve non tròn múp. Chuyến đi “săn” độ hơn một giờ thì chiếc thùng đựng nước đá nặng trịch, có cả trăm con ve sữa.
Hai Còn nói: “Bao nhiêu đây dư sức chiên giòn, chiên bột lai rai năm ba lít đế. Nếu chịu khó đào xới xung quanh những gốc cây mát mẻ, nơi đất xốp mềm thì còn bắt được nhiều ve non hơn nữa. Bây giờ mới vào mùa nên một số quán cũng đặt hàng ve sữa dữ lắm, có bao nhiêu họ mua hết ráo”.
Nghe quảng cáo về công dụng trên cả “tuyệt vời” của ve sữa có thể làm các đấng mày râu “vẫy vùng” không mệt mỏi, những người khách lạ đến từ TP. HCM đã quyết nán lại Bảy Núi thêm một đêm. 4 người đàn ông theo chân một người bán côn trùng ở chợ biên giới Tịnh Biên để được anh này làm một “tua” đi đào, bắt và chế biến món ve sữa non. Những người khách lạ tỏ ra vô cùng háo hức và chờ đợi được một lần làm “thợ săn” côn trùng độc đáo chốn thâm sơn này.
Anh Nguyễn Tuấn Sơn, một trong 4 người khách thổ lộ: “Tôi nghe nói ở vùng Bảy Núi này có nhiều bài thuốc nổi tiếng chuyên trị “chuyện đó” của đàn ông. Lần này đến thấy bày bán côn trùng la liệt tôi mới tin là lời đồn có thật. Hơn nữa, mấy người bán ở đây khẳng định chỉ cần ăn, uống những món ăn, rượu thuốc từ những loài côn trùng này sẽ khiến đàn ông trở nên vô cùng mạnh mẽ, mấy bà mê tít.
Không kìm được tò mò tụi này quyết định ở lại thử một phen”. Nghe vậy, người đàn ông trạc 30 tuổi đứng gần đó xen vào: “Người ta nói ăn gì bổ nấy. Mấy ông nhìn thấy con ve sữa là thấy thèm liền. Mình mẩy nó tròn múp, căng đầy sữa non sền sệt thì rõ là thứ bổ dưỡng cho đàn ông chứ còn gì”.
Xế chiều, khi ánh nắng đã bớt phần gay gắt, H., thợ săn ve cùng với một thanh niên tên B., dẫn chúng tôi và những người khách lạ đi săn ve sữa non. Họ dẫn chúng tôi vào các khu vườn dưới chân núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ sơn) ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên bắt đầu chuyến săn ve. Cây cuốc và chiếc leng xúc đất của H. và B. quần nát các gốc cây xoài, mít dưới tán rừng. Chỉ độ 45 phút đào bới, chiếc thùng đá của B. đầy ắp những chú ve non căng sữa. Lúc này trời cũng chập choạng tối, H. và B. kêu quay về để họ vào bếp chế biến món ve sữa chiên giòn.
Bằng kinh nghiệm của mình, H., giải thích: “Loài ve sầu này lạ lắm. Khi còn nhỏ chúng sống trong hang dưới lòng đất, lúc lớn lên sẽ chui lên khỏi mặt đất, bám vào thân cây. Độ khoảng 2 giờ sau thì chúng sẽ mọc cánh rồi lột xác bỏ lại và bay đi mất”. Thật vậy, dưới những gốc xoài, mít chúng tôi tìm thấy rất nhiều xác ve sầu bỏ lại, còn “hồn” thì không tìm thấy nhưng tiếng ve kêu vẫn vang vọng gần bên tai, nghe rất gần.
Chỉ một lúc sau, H. đã hoàn thành món ve sữa chiên giòn, thơm phức. Chiếc đĩa hột xoài đầy những chú ve trợn tròn đôi mắt to làm chúng tôi vô cùng ái ngại và thật sự không dám nuốt dẫu tài chế biến của H. không đến nỗi nào. Bữa tiệc kết thúc, lũ ve sữa non bị các thực khách phương xa “chén” sạch.
Họ ăn không phải vì thèm khát, cũng chẳng phải món nhắm quá ngon bởi chúng tôi nhiều lần muốn nôn ra khỏi cổ. Cái chính là họ trông chờ “thần dược” phát huy tác dụng. Song, với chúng tôi thì ngược lại. Phấn chấn đâu không thấy, chỉ thấy không dễ dàng chợp mắt mỗi lần nhớ lại hình ảnh những chú ve trợn tròn mắt như van xin, như ca thán, oán trách là chúng tôi mất ngủ cả đêm dài.
Xác ve già sau khi lột bỏ lại trên các thân cây. |
Sáng hôm sau, anh bạn đi cùng tôi ngáp vắn ngáp dài than hoa mắt, nhức đầu. Hỏi vì sau, anh nói đau bụng cả đêm nên không ngủ được, thành ra buổi sáng thức dậy người lừ đừ như đang đi trên dây. Phòng trọ kế bên, hai ông bạn mới quen mãi tới 8 giờ sáng mới thức dậy.
Ông Bình “phệ” đưa hai tay vuốt cái bụng to vượt mặt cười đắc chí: “Đúng là sung dược mấy ông ơi. Tui lâm trận với một em “hàng xịn”, làm liền một lúc hai phát em khen quá trời luôn. Xong xuôi em còn xin số điện thoại của tôi, hứa lần sau gặp lại em sẽ “khuyến mãi” tiền phòng vì lâu lắm rồi chưa có ai làm em cảm thấy sung sướng, hạnh phúc như tối qua”.
Ông Quang “hói”, người ngủ cùng phòng với ông Bình “phệ” cười ha hả: “Thôi xạo quá đi cha, tui cũng ăn như ông mà có thấy chút tác dụng nào đâu. Cái em hôm qua vào phòng với ông tui ngồi ngoài canh đồng hồ thấy chưa đầy 10 phút đã đi ra rồi. Tui trừ thời gian khởi động, mặc lại xiêm y thì chắc chắn một điều là ông cũng bình thường thôi”.
Lúc này, ông Bình “phệ” mới nheo nheo cặp mắt cười trừ: “Thì lâu lâu phải cho tui nổ với chứ. Thực ra tui cũng không thấy tác dụng của sung dược gì cả. Nhưng có lẽ do mình “đá sân khách” nên hưng phấn hơn hẳn “sân nhà” ông ạ”. Nói gì thì nói, không bổ bề dọc cũng phải bổ bề ngang chứ”…
Kéo dài thời gian “xung trận” bằng sữa mối chúa
Theo những người bán côn trùng ở chợ biên giới Tịnh Biên, mối chúa là đệ nhất “sung dược” trong giới côn trùng ở Thất Sơn. Một người chuyên bán côn trùng ở chợ này chỉ tay vào những chiếc hũ đựng mối chúa và quả quyết: “Thần dược” bổ dưỡng nhất của quý ông đó. Một con mối chúa đã có thể cải thiện “chuyện ấy” ngay tức khắc”.
Anh Sáu L., một “đại lý” côn trùng ở đây, cho biết mối chúa loại trung bình nhỏ hơn ngón tay được ngâm rượu bán 40.000 đồng/con, loại nhỏ cỡ ngón tay út từ 15.000-20.000 đồng. Một chiếc hũ nhựa đựng 10 con mối chúa to ngâm rượu được rao bán với giá 400.000 đồng. Không chỉ riêng Sáu L., tại chợ biên giới Tịnh Biên có rất nhiều người bày bán mối chúa ngâm rượu với những lời quảng cáo giống hệt nhau làm các đấng mày râu hứng chí.
Sáu L. bảo anh chuyên gom “hàng” từ cánh thợ săn côn trùng khắp vùng Bảy Núi. Qua đó, chúng tôi được biết một số người chuyên săn “vua mối” ở xã An Cư, An Phú và thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Lúc chúng tôi tìm đến nhà ông Châu Th. ở khu vực núi Phú Cường thì cũng là lúc ông chuẩn bị dẫn vài người khách đi săn mối chúa.
Ông Châu Th. cho biết những người này muốn tận mắt chứng kiến cảnh “săn” bắt và mua mối chúa còn tươi sống với giá cao gấp đôi giá bán cho bạn hàng ở chợ Tịnh Biên. Là một “thợ săn” chuyên nghiệp với hơn 10 năm trong nghề, ông Th. biết rõ nơi nào trong ngọn núi này có tổ mối.
Theo ông mối thường làm tổ ở khu vực chân và triền núi, ít khi làm tổ trên đỉnh cao vì xa nguồn nước. “Những nơi có mạch nước mát mẻ, đất xốp mềm là sẽ có tổ mối. Một tổ mối có hàng triệu con mối nhỏ li ti cỡ chân nhang làm các nhiệm vụ kiếm mồi, xây tổ… trong đó có một con mối chúa to lớn gấp hàng triệu lần những con mối khác được cả tổ chăm sóc, bảo vệ và cung phụng như … vua. “Vua mối” làm nhiệm vụ sinh sản để duy trì nồi giống”, ông Châu Th. tỏ ra am hiểu.
Men theo vạt rừng còn xanh dưới chân núi Phú Cường, ông Th. phát hiện một gò mối to tướng. Ông cho biết đã phát hiện tổ mối này từ ngày chúng mới bắt đầu xây dựng, khi chỉ là một gò đất nổi to cỡ bụm tay. Vậy mà chỉ khoảng vài tháng thôi cái gò mối đã to cỡ cái chiếc thúng giê, cao hơn 6 tấc.
“Chắc chắn là có mối chúa to tướng trong tổ”, ông Châu Th. quả quyết. Nói vậy rồi ông vung len đào thoăn thoắt. Không phải lật tung hay phá vỡ cả gò mối to lớn, ông Th. chỉ đào tập trung vào trung tâm ngay giữa tổ và đào khoét sâu vào bên trong. Những nhát leng đầu tiên xắn vào gò mối cứ bị đẩy bung ra vì đất khá cứng.
Một con mối chúa vừa đào được |
Ông giải thích đó là do lũ mối tiết nước bọt để kết đất lại xây thành tổ nên rất cứng. “Lớp đất này dày khoảng 5 phân (50 cm) là tường thành bảo vệ lũ mối ở bên trong. Song khi phá vỡ được “tường thành” này thì sẽ xâm nhập được vào hang mối, bên trong rỗng tênh rất rộng. Mối chúa ở trong một tường thành khác ngay giữa hang và lớp đất được xây kết để bảo vệ “ông vua” này còn cứng hơn lớp tường thành bên ngoài”, ông Châu Th. nói.
Khi đã chọc thủng được tổ mối, ông Châu Th. nhanh tay vỗ vỗ, dò dẫm trong hang để tìm chiếc tổ dành riêng cho mối chúa. Vui mừng vì đã túm được mối chúa lôi ra khỏi hang, ông Th. dùng leng chẻ đôi khối đất, bên trong lộ ra một con mối chúa to bằng ngón tay cái đang ngọ nguậy.
Xung quanh mối chúa có một con mối đực to như con kiến càng làm nhiệm vụ bảo vệ “vua mối” và còn có rất nhiều “binh lính mối” làm nhiệm vụ khiêng “vua” di chuyển tới lui. Chúng tôi để mối chúa nằm lại trên nửa mảnh vỡ của chiếc tổ và quan sát rất lâu. Con mối đực cứ quấn quýt bên mối chúa không chịu bỏ đi dù nhiều lần bị chúng tôi bắt bỏ ra chỗ khác.
Còn những con mối nhỏ cũng không rời bỏ “vua mối”. Khi chúng tôi lật ngược bụng mối chúa lên để chụp ảnh, con mối đực cứ chạy đến ủi ủi vào lưng mối chúa như cố sức bảo vệ cho “vua” vậy. Và chỉ đến khi mối chúa bị bắt khỏi nơi đó thì những con mối còn lại mới từ từ bò đi mất.
Nhìn con mối chúa to tướng liên tục ngọ nguậy, uốn éo thân hình béo ú chúng tôi chợt nổi … da gà. Dù ở trong đất nhưng mối chúa rất sạch, trắng toát và không hề lấm bụi, đất. Nhìn thấy con mối mập ú, căng tròn bụng đầy sữa, những người khách đi với ông Châu Th. đã cười khoái chí.
Ông Vân Thảo, một người trong nhóm lôi chai nước suối từ trong ba lô ra để “tắm rửa” cho “vua mối” trước khi chén món côn trùng rùng rợn này. Trước ánh mắt kinh hãi của chúng tôi, ông Thảo vẫn thản nhiên há mồm bỏ mối chúa vào và “ực” một cái đã nuốt gọn nó vào trong bụng. Chúng tôi lại chợt rùng mình, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Ông Thảo móc bóp xỉa ngay 50.000 đồng trả công cho thợ săn và tiếp tục cuộc hành trình.
Ông Châu Th. tiếp tục quần thảo các khu vực ven chân núi Phú Cường để tìm tổ mối. Phát hiện một gò mối to tướng nằm dưới gốc cây xoài, ông Châu Th. tiến đến dùng leng bổ mạnh. Đã quá thuần thục, chỉ chừng chục nhát leng đã công phá được tổ mối to. Ông nhanh nhảo lôi ra khỏi hang một khối đất hình nón lá khá to. Và càng bất ngờ hơn khi chẻ ra, bên trong đó có đến 2 con mối chúa tù nu, tròn múp. Những người khách đi cùng đã reo lên vì phấn khích.
Không chần chừ, hai vị khách liền chộp lấy mối chúa còn sống bỏ vào miệng rồi nuốt chửng trong ánh mắt ái ngại của chúng tôi. Sau khi nuốt gọn mối chúa, một người trong số họ còn quả quyết: “Phải nuốt sống mối chúa như thế mới bổ và sung sức chứ còn mối chúa đem ngâm rượu, đã chết thì công dụng không còn như mong muốn”. Ông Châu Th. tiếp tục đi tìm gò mối khác để san bằng, bắt “vua mối” phục vụ cho nhu cầu của những “thượng đế’ đáng gờm này.
Chuyến đi săn kết thúc vào cuối ngày, với hơn chục con mối chúa bị nuốt sống và cũng hơn 10 tổ mối tan hoang. Nét mặt những “thực khách” hiện rõ vẻ hân hoan, khoái chí và thỏa mãn. Họ cười khanh khách bảo hôm nay đúng là ngày may mắn khi mỗi người trong số họ đều “thịt” được 2 - 3 con mối chúa.
“Giờ thì phải đi tìm chỗ để “kiểm chứng” công dụng của “thần dược tình yêu” này mới được”, một người trong số 5 vị khách đề nghị và được nhất trí cao. Đêm hôm đó, các vị thực khách ham “của lạ” đã kêu anh tài xế chở hơn 30km từ Tịnh Biên đi Châu Đốc để tìm ngay các em gái “chân dài” làm thí nghiệm.
Con mối chúa bị nuốt chửng khi còn sống |
Tương tự như trường hợp của ông Bình “phệ” và Quang “hói”, 5 vị khách này đã có một đêm đập phá tơi bời nhưng không thể khẳng định được do sức khỏe được tăng cường hay do tâm lí. Hai trong số 5 người này cho biết, “phở” lâu lâu mới ăn một lần nên họ thấy “ngon” hơn “cơm” rất nhiều. “Sức chiến đấu của tôi đúng là tăng lên đáng kể, nhưng tôi nghiệm ra một điều là lần nào ăn “phở” nó cũng như thế. Thôi cứ nán lại vài ngày, kiếm chừng vài chục con mối chúa rồi đem về thử với vợ ở nhà coi có tác dụng gì không…”, một vị khách nói.
“Cậu nhỏ” bổ như bổ củi nhờ con bổ củi?
Thấy xe chúng tôi rề rề trước sân chợ biên giới Tịnh Biên, cánh bạn hàng buôn bán côn trùng đã sán đến chào mời. Có lẽ nhìn dáng vẻ ốm yếu lêu nghêu của chúng tôi mà người đàn ông đã chọn loại sản phẩm “độc” để chào hàng. Anh này chìa ra chiếc túi lưới đựng cả ngàn con bổ củi đang búng mình “bành bạch” bên trong.
Chỉ tay vào chiếc túi lưới, người bán “nổ”: “Thấy không, thấy sức mạnh của con bổ củi vô địch thiên hạ chưa? Thứ côn trùng này mạnh ghê gớm lắm, là “thần dược” bổ dưỡng làm tăng uy lực của đàn ông”. Thấy chúng tôi còn chần chừ không tiến cũng không lùi nên người bán tiếp tục “nổ” bằng những câu chuyện kể để khẳng định công dụng của con bổ củi.
Theo lời người này thì những nhân vật trong truyện kể vốn là khách hàng đã sử dụng “thần dược” do anh bán và đã quay trở lại tiếp tục mua hàng, cảm ơn anh rối rít. Khi câu chuyện chuẩn bị được “quảng cáo” cũng là lúc những chiếc xe ô tô tập lái với hàng chục học viên vào bến chợ. Thấy đông khách lại toàn là cánh mày râu, mấy người đàn ông bán hàng đã lại nổ vang trời nhằm thu hút sự quan tâm của khách.
“Năm ngoái có ông khách độ 50 tuổi ở TP. HCM ghé chợ này”, anh L., người bán côn trùng “ru” khách: “Hỏng biết nghe ai mách nước, ổng tới chợ gặp tui hỏi mua 1.000 con bổ củi sống về ngâm rượu. Ổng nói đây là loại thuốc bổ dành cho đàn ông để tăng “uy lực” chốn phòng the, “ông uống, bà khen” nức nở.
Mối chúa ngâm rượu được bày bán tại chợ Tịnh Biên |
Hồi đầu năm nay ông khách đó quay lại chợ gặp tui ổng cám ơn rối rít vì sinh lực “mạnh” hỏng khác gì thời trai trẻ. Ổng còn chỉ tui bài thuốc bắc hốt ngâm rượu chung với con bổ củi để tăng thêm hiệu quả.
Sau đó, nhiều hành khách ở thành phố tới chợ đều tìm tui mua mỗi người vài trăm con bổ củi, tất cả đều do ông khách đó giới thiệu”. Đang lúi húi mở túi lưới hốt nắm bổ củi đen lái ra cho khách xem hàng, chị B., một người bán hàng ở đây tiếp nối bằng một chuyện của một người khách khác. “Có bà khách sồn sồn ghé chợ hỏi mua loại rượu thuốc có tác dụng cường dương, hồi phục sinh lực để về tẩm bổ cho chồng.
Lần đó gặp tui, tui đưa bình rượu thuốc ngâm 50 con bổ củi sống, bà ta còn mua thêm 50 con bổ củi rang sẵn về ngâm chung. Mấy tháng sau ghé lại chợ, bà ấy đã “gom” toàn bộ số bổ củi của tất cả những người bán ở đây về để chia cho cả xóm. Bà ta nói mỗi ngày chồng bà chỉ uống một ly rượu bổ củi vậy mà chỉ chừng nửa tháng đã “bồi bổ” được sức lực và “mạnh mẽ” trong “chuyện ấy” quá trời.
Nghe bà bật mí, mấy bà gần nhà đã nhờ mua giúp bổ củi về ngâm rượu để dành cho các đấng lang quân”, chị B. thao thao kể. Cũng theo lời chị B, từ ngày bán món hàng này, mỗi ngày những con hàng “dạt” chị không vứt bỏ mà đem về cho chồng chị ngâm rượu uống.
Như quá hứng, chị B. đứng dậy vỗ bành bạch vào hai bắp đùi to như cây chuối hột cười đắc chí: “Uống có một tuần ông chồng tui bất ngờ mạnh như con bổ củi làm tôi chịu hết xiết. Không biết làm sao mới đáp ứng nổi nhu cầu của ổng, tui cũng tập uống thử ai dè tác dụng quá xá. Thấy hôn, hồi đó nhìn tướng tá tui chán lắm, nhờ uống bổ củi mà bây giờ một mình tui dám chấp 2, 3 người mấy anh cái vụ kia đó”.
Vài nữ học viên thực tập lái xe đang đứng trong nhóm nghe vậy mặt đỏ bừng bừng vì mắc cỡ, len lén bỏ đi chỗ khác. Đám thanh niên phá lên cười khoái trá. Hết người này đến lượt người khác kể một câu chuyện nhằm để khẳng định công dụng tuyệt vời của con bổ củi. Những người bán hàng tung, hứng nhịp nhàng.
Song đã quá quen thuộc với những “chiêu” cò mồi, câu khách của phường buôn, chúng tôi rỉ tai vài khách đi cùng bảo đây chỉ là chuyện viển vông, không ai kiểm chứng. Ấy vậy mà trong nhóm cũng có người móc hầu bao đếm mua cả trăm con bổ củi với giá 2.000 đồng/con về để “thử” công dụng thế nào. Chúng tôi bỏ đi, sau lưng những lời quảng cáo vẫn được phát đều đều nghe quen tai đến ngao ngán.
- Gia Bảo