Công an Việt Nam xuất ngoại bắt trùm cờ bạc

06:35, Thứ bảy 16/02/2013

( PHUNUTODAY ) - Trên chuyến bay về nước, trùm cờ bạc "Hạnh Sự" có 40 đàn em, bạn bè đi cùng. Tránh sự kiểm soát, người này thường xuyên đổi chỗ ngồi trên máy bay và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo.

Trên chuyến bay về nước, trùm cờ bạc "Hạnh Sự" có 40 đàn em, bạn bè đi cùng. Tránh sự kiểm soát, người này thường xuyên đổi chỗ ngồi trên máy bay và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo.
[links()]
Tờ CAND dẫn lời các trinh sát thuộc Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an) kể, sau khi bị phát lệnh truy nã về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thị Hạnh (tức Hạnh Sự, 55 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) đã chạy trốn sang Lào và đổi tên thành Phommalath Ketsana. Chuyện Hạnh thường xuyên từ Lào bay sang Singapore để có mặt tại các sòng bài đã được các trinh sát Phòng 4 Cục C52 nắm bắt.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đoàn công tác gồm 4 người lên đường sang Singapore. Khi Đại sứ quán Lào có công hàm gửi các cơ quan chức năng của Singapore về việc Phommalath Ketsana không mang quốc tịch Lào mà dùng giấy tờ giả để nhập cảnh Singapore, hộ chiếu Hạnh dùng để xuất nhập cảnh đã bị hủy giá trị, tổ công tác triển khai nhiều kế hoạch để có thể đưa Hạnh về nước ngay sau khi bị tòa án Singapore xét xử.

dan-giai-toi-pham-ve-nuoc-Phunutoday.vn.jpg
Lực lượng Cảnh sát Việt Nam dẫn giải kẻ bị truy nã tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh minh họa.

Các điều tra viên nhớ lại, sáng 5/6/2012, ngay sau khi Tòa án Havelock Square tuyên án cho Hạnh tại ngoại, Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore đã ra lệnh bắt giữ, đồng thời trục xuất Hạnh ra khỏi lãnh thổ Singapore. Hạnh không ngờ rằng, trong những người ngồi dự phiên tòa có mặt một tổ công tác đặc biệt của lực lượng cảnh sát Việt Nam.

Chiều 7/6/2012, Cục Xuất nhập cảnh Singapore đã áp giải Nguyễn Thị Hạnh ra sân bay Changi (Singapore) để trục xuất về Việt Nam. Trên chuyến bay đưa Hạnh về nước có khoảng 40 người là đàn em, bạn bè của bà ta. Nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, Hạnh thường xuyên đổi chỗ ngồi và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo. Song, mọi hành vi đều bị các trinh sát ngồi trên máy bay đưa vào tầm ngắm.

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, 7 ôtô chở khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ đã tập kết tại địa điểm được phân công. Nhiều người thân của Hạnh cũng xuất hiện tại sân bay. Cuộc chạm trán giữa lực lượng bắt Hạnh và nhóm giải cứu cho bà ta là cuộc đối đầu quyết liệt nhưng do có kế hoạch trước nên mọi việc diễn ra đều suôn sẻ.

Biết không thể thoát tội, Hạnh đã theo chân các trinh sát xuống nhà ga bằng lối đi đã được bố trí trước. Đến nửa đêm, khi Hạnh được đưa vào trại giam, đàn em của người phụ nữ này mới biết chuyện.

Trên đây chỉ là một vụ việc điển hình về việc người Việt trốn ra nước ngoài đánh bài, tổ chức đành bài bị công an bắt và dẫn giải về nước.

Theo số liệu công bố của Bộ Công an tại Hội nghị sơ kết thực hiện kế hoạch về phòng, chống tội phạm và phối hợp giải quyết vấn đề người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc, diễn ra cuối tháng 1 vừa qua:

Từ tháng 5/2011, cơ quan chức năng đã triệt phá hai chuyên án cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật liên quan đến việc đánh bạc ở Campuchia, năm chuyên án tổ chức đánh bạc, môi giới, đưa người sang Campuchia đánh bạc. Ngoài ra lực lượng đã xử lý 507 vụ/781 đối tượng xuất cảnh trái phép có dấu hiệu đánh bạc; 65 vụ/72 đối tượng có hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động đánh bạc qua biên giới, giải cứu 21 người bị bắt giữ trái pháp luật.

Biện pháp kiểm soát hành chính cũng được tăng cường. Qua đó lực lượng phát hiện gần 1,7 triệu lượt người xuất cảnh, vượt biên trái phép, trong đó xác định hơn 235.000 lượt người có dấu hiệu tham gia đánh bạc (trong đó cư dân biên giới chiếm 25%)…

Số người Việt Nam qua Campuchia đánh bạc giảm gần 50%.

Ngày 4/12, Trung tướng Phạm Qúy Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới, nhiệm vụ của cơ quan điều tra là hướng đến đối tượng là các “đại gia” dùng tiền Nhà Nước để mang ra nước ngoài đánh bạc.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục C52, đến tháng 12/2012, có hơn 840 người mang lệnh truy nã của Việt Nam nghi trốn sang 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 170 người đã bị đề nghị Ban Tổng thư ký Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế.

Thông qua kênh hợp tác Interpol, năm 2012, Cục C52 đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt 21 người truy nã có yếu tố nước ngoài. Thông qua hợp tác về Hiệp định tương trợ tư pháp, Cảnh sát các nước đã phối hợp truy bắt và đề nghị lực lượng Cảnh sát truy nã Bộ Công an Việt Nam tổ chức dẫn giải 4 kẻ truy nã về nước…
  • P.V (tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc