Vào thời Trung Hoa cổ đại, từ bá quan văn võ triều đình đến các thương gia giàu có, thậm chí là thường dân, nhà nào sinh con gái cũng đều mong muốn khi con mình lớn lên sẽ được tiến cung vua ứng tuyển phi tần.
Họ xem việc có con gái được trở thành “vợ” vua là phước may có thể giúp gia đình thay đời đổi phận. Nhưng mấy ai biết về sự thật nghiệt ngã về số phận người con gái “ôm mộng” phi tần phải trải qua ở thời ấy.
Những người được chọn làm phi tần của hoàng thượng sẽ được sống trong thâm cung lầu son gác tía, hàng ngày được ăn ngon, mặc đẹp có kẻ hầu người hạ.
Nhưng đó chỉ là sự hào nhoáng vẻ ngoài. Mấy ai biết được sự thật nghiệt ngã về đời sống của các phi tần chốn thâm cung. Khi được chọn làm phi tần, thì cũng là lúc các nàng sẽ bắt đầu tham gia vào một cuộc chiến “tranh sủng” vô cùng tàn khốc.
Cho dù là được sủng ái hay phải tranh giành để được sủng ái thì cũng đều gam go, ác liệt và nguy hiểm không kém gì chiến trường, thậm chí cũng phải đổi cả tính mạng.
Trong cuộc chiến này, họ đều phải sử dụng đủ các thủ đoạn, các kỹ xảo để được hoàng thượng để mắt đoái thương. Những việc này cũng lấy đi của họ rất nhiều thời gian, trí lực và cả những giọt nước mắt cay đắng, thậm chí có cả đổ máu. Sống kiếp hậu phi, họ thật sự rất đáng thương.
Đôi khi chính những phi tần còn giết hại nhau để tranh sủng
Thời xưa, hoàng đế nổi tiếng phong lưu Lý Long Cơ lại dùng chiêu“ điệp hạnh” để chọn phi tần lâm hạnh.
Minh hoàng cho đám phi tần cài hoa tươi lên đầu, sau đó đích thân bắt bướm, và thả ra. Nếu con bướm đậu vào đầu ai, đêm người đó sẽ được lâm hạnh với hoàng thượng.
Ngoài ra, ông ta còn lệnh ném tiền, các phi tần thi nhau tranh giành, ai nhặt được đồng tiền người đó sẽ có vinh hạnh đuợc hoàng thượng lâm hạnh đêm hôm đó.
Về phần các phi tần, đa phần đều đành an phận, phó mặc cho số phận. Nhưng trong lịch sử, cũng có rất nhiều cung tần mỹ nữ tìm cách chủ động để được hoàng thượng sủng hạnh.
Một số cách tiêu biểu như: “thác mộng tự cử” (nhờ giấc mộng tự tiến cử), chị em cùng giúp nhau tiến cử, thế thân thay mình hầu hạ hoàng thượng, dùng lời kể nỗi ai oán để động lòng trắc ẩn của hoàng thượng...
Nhưng dù là theo hình thức nào thì họ cũng vẫn chỉ như món đồ mua vui cho các thiên tử, chứ hiếm ai được hưởng niềm hạnh phúc thật sự và có được tấm chân tình từ các bậc đế vương.