Những kẻ ác mồm gọi Hoàng hậu Fabiola là “phù thủy Tây Ban Nha” và là tín đồ Công giáo bảo thủ. Nỗi buồn lớn nhất của Hoàng hậu Fabiola là không có con, song qua các buổi phát thanh nhà nước, bà nói rằng hai vợ chồng bà dành hết tình yêu để chăm sóc cho các trẻ em. Bà là Mẹ của người Bỉ cũng như là vị Nữ hoàng kính yêu của họ.
Uy tín của Hoàng hậu Fabiola đã đặt nước Bỉ vào bản đồ quốc tế. Bà là người phụ nữ phương Tây đầu tiên được phép bước chân vào điện chầu của Vua Ma-rốc Hassan II. Là Hoàng hậu nước Bỉ nhưng sau khi chồng mất, bà được dân chúng Bỉ xưng tụng như là Nữ hoàng Bỉ. Bài viết dưới đây lột tả chân thực và đầy đủ nhất về vị Hoàng hậu – Nữ hoàng huyền thoại thời hiện đại của Bỉ.
Xuất thân quý tộc nhưng tuổi thơ long đong, vất vả
Ngày thứ hai tươi đẹp, chính xác là ngày 11/6/1928, một bé gái xinh đẹp như thiên thần đã cất tiếng khóc chào đời trong toà lâu đài của gia đình De Mora y Aragon tại Calle Zurbano ở Madrid (Tây Ban Nha). Cả gia đình thống nhất đặt tên cho bé gái là Fabiola Fernanda María de las Victorias Antonia Adelaida de Mora y Aragón. Một cái tên chỉ mới đọc sơ qua đã thấy thần bí! Bé gái sơ sinh là đứa trẻ thứ 6 và là con gái thứ 3 của ngài Gonzalo de Mora Fernández Riera del Olmo và phu nhân Blanca de Aragon y Carrillo de Albornoz Barroeta Aldamar y Elio.
Ngay ngày sinh của đứa bé gái, một cái bếp dầu hoả đã phát nổ ngay trong khu nhà gia nhân của lâu đài. Một trong những gia nhân nói rằng có nhìn thấy ánh sáng phát ra từ đầu bé gái sơ sinh và khoảng 30 năm sau đó, bé gái sơ sinh đã trở thành Hoàng hậu của Vương quốc Bỉ. Fabiola may mắn vì được sinh ra trong một gia đình quý tộc và giàu có.
Cha Fabiola vốn sở hữu khối tài sản khổng lồ từ ông nội, vốn là một Hầu tước. Mẹ của Fabiola lại có xuất xứ từ một gia đình quý tộc cổ xưa. Gia đình de Mora y Aragon có mối quan hệ thân thiết đối với nhà Vua Alfonso XIII xứ Tây Ban Nha. Hoàng hậu Victoria Eugenia chính là mẹ đỡ đầu của Fabiola bé nhỏ. Fabiola có 3 anh trai: Gonzalo (hay Gonzalito), Alejandro và Jaime (hay Jimmy) và 3 chị em gái: Neva, Ana-Maria và người chị song sinh Maria del Luz (còn gọi là Maria Luz).
Trong suốt những năm đầu đời của Fabiola, Tây Ban Nha chìm trong khủng hoảng. Trong vòng 3 năm sau khi Fabiola chào đời, người Tây Ban Nha bỏ phiếu chống lại chế độ quân chủ trong một cuộc trưng cầu. Vua Alfonso XIII rời khỏi Tây Ban Nha và sống lưu vong ở Paris. Gia đình của Fabiola rời đến Biarritz (Pháp) gần biên giới Tây Ban Nha, nhằm trốn thoát cuộc khủng hoảng trong nước, nhưng vẫn qua lại Paris và giao thiệp với Vua lưu vong Alfonso XIII.
Khi Tướng Franco khôi phục lại hoà bình vào năm 1933, cha của Fabiola đã quyết định trở về Madrid, nhưng chỉ 3 năm sau đó, bất ổn lại xảy ra và cuộc nội chiến Tây Ban Nha thực sự bắt đầu. Cha của Fabiola ở Paris cùng với vợ và 2 con khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha xảy ra. Fabiola và 3 đứa trẻ khác sống tại dinh thự mùa hè ở Zarauz, gần San Sebastian.
Tất cả những đứa trẻ trong gia đình của Fabiola đều nói tiếng Anh lưu loát, cũng nói tiếng Đức lưu loát nhờ nữ gia sư Josephine và người giúp việc của họ vốn là một người Áo. Cuối cùng, 5 trong số bọn trẻ đã rời khỏi Tây Ban Nha an toàn và đến Biarritz để đoàn tụ với cha mẹ. Mới 8 tuổi, Fabiola đã lênh đênh trên đường đi tị nạn.
Gia đình của Fabiola ở Biarritz trong vài ngày, nhưng họ quyết định chờ cho đến khi kết thúc cuộc chiến để đến Paris, nơi gia đình họ sở hữu một khu nhà. Không may, cuộc nội chiến Tây Ban Nha đã lan sang thủ đô Pháp. Cha Fabiola quyết định đem cả nhà đến Lausanne (Thụy Sĩ), ở đó mãi cho đến khi kết thúc chiến tranh. Gia đình Fabiola sống ở Hotel Royal trong 3 năm. Fabiola và Maria Luz học ở Lausanne và nói tiếng Pháp rất hoàn hảo.
Hoàng hậu Fabiola thời thanh xuân |
Năm 1939, cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha kết thúc, gia đình Fabiola trở về Madrid. Ngôi nhà của họ đã trở thành trụ sở của phong trào cách mạng phụ nữ. Ở ngưỡng tuổi 18, Fabiola hăng say làm các công việc tình nguyện, dù cực nhọc nhưng không hề than thở và tỏ vẻ chán chường. Hàng đêm, Fabiola trở về nhà, mệt mỏi nhưng ánh mắt đầy lạc quan.
Khi tất cả các anh trai và chị gái lần lượt kết hôn và rời khỏi gia đình lớn, Fabiola vẫn tiếp tục sống với cha mẹ, và có lần tuyên bố rằng không bao giờ muốn kết hôn để phải sống xa cha mẹ. Fabiola nói với Maria Luz rằng chỉ kết hôn với người đàn ông nào thực sự yêu thương nàng mà thôi. Phần lớn thời gian, Fabiola giành tình yêu chăm sóc trẻ em, chăm sóc người vô gia cư và người nghèo khổ ở Madrid.
Tháng 11/1957, cha Fabiola bị té ngã trong nhà thờ địa phương và qua đời sau đó. Cái chết của ngài Hầu tước khiến cho cả gia đình không thể nào nguôi ngoai nỗi đau mất mát nhưng ngay cả trong thời điểm đó, Fabiola vẫn không khóc than nhiều mà dành thời gian chăm lo cho những người khác. Cái chết đột ngột của cha khiến cho Fabiola quyết định trở thành một nữ y tá và đã tham gia huấn luyện y tá trong một bệnh viện quân đội ở Gómez Ulla.
Kết thúc khoá học, Fabiola đã 29 tuổi. Vào năm 1958, mặc dù có phòng riêng trong toà lâu đài tại Calle Zurbano, Fabiola quyết định mua cho mình một ngôi nhà nằm không xa nhà ở của cha mẹ. Hai mẹ con nàng thường ăn sáng cùng nhau, thời giờ còn lại Fabiola làm việc miệt mài trong bệnh viện quân đội. Fabiola sống hoàn toàn độc lập, nàng tự lái xe hơi đi lại. Phong cách độc lập của Fabiola chính là khuôn mẫu của phong trào nữ quyền những năm sau này.
Hôn nhân định mệnh với nhà Vua Bỉ
Vào ngày thứ sáu, 16/9/1960, cả thế giới, ít nhất là tại Bỉ dường như lên cơn sốt. Thần dân trên khắp nước Bỉ ồn ào khi Thủ tướng Bỉ Gaston Eyskens trịnh trọng loan báo rằng vị Vua anh minh của họ sẽ đính hôn với một phụ nữ Tây Ban Nha tên là Fabiola de Mora y Aragón. Cả giới chính trị gia và giới chức triều đình, không ai biết Fabiola là ai, diện mạo như thế nào, đến từ đâu và... khi Fabiola xuất hiện tại buổi họp báo trong vườn thượng uyển của Tòa lâu đài Ciergnon, các nhà báo không thốt lên được từ nào để miêu tả về vị Hoàng hậu tương lai của họ.
Không phải là một sắc đẹp “hoa nhường nguyệt thẹn” song Fabiola đã mê hoặc cánh báo chí bằng uy tín, bằng nụ cười quyến rũ và bằng cả sự cởi mở chân thành. Còn nhà Vua Bỉ thì cười rạng rỡ một cách thoải mái. Trả lời với một trong các nhà báo, nhà Vua nói: “Hôn nhân sẽ được tiến hành như chính người mà Trẫm đã chọn”.
Họ đã gặp nhau như thế nào? Khi ai đó đặt câu hỏi về tình yêu của nhà Vua Bỉ, Hoàng hậu Fabiola và bản thân Vua Bỉ chỉ mỉm cười tình tứ với nhau và nói: “Chuyện tình này chỉ có thể nói với các con của chúng ta mà thôi”. Báo chí vào cuộc điều tra và phát giác ra nhiều câu chuyện xoay quanh việc tìm hiểu và đi đến hôn nhân của nhà Vua. Nhưng gần đây nhất, một số nguồn tin tiết lộ rằng cuộc hôn nhân của Vua Baudouin và nàng Fabiola là một cuộc hôn nhân vô cùng thuận lợi, nhưng cái khởi đầu của họ không phải là yêu nhau say đắm.
Chuyện kể rằng Vua Baudouin đi tìm người yêu chỉ bởi vì ngài đang đối mặt với sức ép của Hoàng gia Bỉ trong việc phải kiếm một người con để nối dõi tông đường, rồi duyên số đưa đẩy khiến ngài tình cờ gặp Fabiola. Thời gian trôi đi, hai người cảm thấy hợp nhau và bắt đầu yêu nhau lúc nào không biết và chính mẹ của Fabiola đã thừa nhận về mối tình của con gái bà với Vua Bỉ.
Vua Baudouin và nàng Fabiola chính thức nên duyên chồng vợ vào ngày 15/12/1960. Đó là một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, trời đầy sương mù nhưng không đủ sức ngăn cản những dòng thần dân từ khắp nơi trên Vương quốc Bỉ tưng bừng đổ ra các tuyến đường nhằm chào đón vị Hoàng hậu tương lai của họ. Lễ cưới kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Hôn lễ chính thức được cử hành hết sức long trọng tại nhà thờ lớn St Michael & St Gudula ở thủ đô Brussels.
Các chức sắc và người đứng đầu nhà nước từ khắp nơi trên thế giới đã tề tựu quanh đám cưới của nhà Vua. Hoàng hậu Fabiola đẹp lộng lẫy và thanh lịch trong ngày cưới của mình, còn nhà Vua Baudouin thì không bao giờ tắt nụ cười trên môi, chưa bao giờ người ta cảm thấy ngài hạnh phúc nhường ấy. Fabiola Fernanda Maria de las Victoria Antonia Adelaida trở thành vị Hoàng hậu thứ 5 của Vương quốc Bỉ.
Một vị Hoàng hậu bảo thủ nhưng đầy lòng nhân hậu
Không dễ dàng để có thể phác thảo đúng đắn nhất về con người của Hoàng hậu Fabiola. Bà là một sự pha trộn kỳ lạ giữa mẫu người bảo thủ song cũng rất hiện đại. Hoàng hậu chuộng kiểu tóc của mình và lúc nào cũng tuân thủ cách chải bới tóc giữ nguyên như thế trong gần 48 năm ròng. Dù bận việc, song Hoàng hậu vẫn cầu nguyện và đi nhà thờ mỗi ngày. Dù đang là Hoàng hậu tôn quý, song Fabiola vẫn không nề hà làm các công việc tình nguyện bằng cả tấm lòng của mình.
Bà vẫn gom góp đồ ăn và đi lang thang một mình trên các đường phố ở thủ đô Madrid để phân phát thức ăn và vật dụng cho các gia đình nghèo ở đây. Fabiola cũng là Hoàng hậu đầu tiên ở Bỉ tự mình thành lập một Ủy ban Thư ký chuyên trách giải quyết về các vấn đề xã hội. Ủy ban xã hội này nhận trợ giúp tài chính cho những người thực sự có nhu cầu cần được giúp đỡ. Hoàng hậu Fabiola luôn thân thiện và chân thành trong quan hệ với các thần dân, đặc biệt quan tâm sâu sắc tới những người khốn khổ.
Hoàng hậu Fabiola luôn là lá cờ đầu dũng cảm cho phong trào nữ quyền ở khắp mọi nơi. Bà luôn tin tưởng vào quyền bình đẳng giữa nam và nữ, và không ngừng khuyến khích cho sự phát triển của các tổ chức bình đẳng về giới. Ngay cả khi đã là Hoàng hậu, Fabiola vẫn thích phong cách độc lập, bà tự lái xe hơi một mình và thường hay lái xe vào trung tâm Brussels để mua sắm những thứ cần thiết. Bà đi du lịch Paris bằng tàu hoả, và cả thăm bạn bè cũng thế.
Hoàng hậu Fabiola và chồng thời trẻ |
Để bày tỏ tình thân ái, Hoàng hậu Fabiola không ngại hôn một bệnh nhân mắc bệnh AIDS ngay trước máy quay phim. Bà thành lập các “Làng Hoàng hậu Fabiola”, nơi người tàn tật có thể sống, sinh hoạt một cách độc lập, nơi họ trải nghiệm mọi thứ của cuộc sống, thậm chí yêu và cả hôn nhân. Tại những ngôi làng này, người tàn tật có thể hoà nhập vào xã hội.
Hoàng hậu Fabiola nhận được tình yêu sâu sắc và vô bờ của đức Hoàng thượng Baudouin khi cả hai cùng là bộ đôi huyền thoại trong các công tác xã hội từ thiện. Các thần dân Bỉ luôn kính trọng họ bởi vì hai vợ chồng nhà Vua Bỉ là những người cực lực chống lại nạn buôn bán phụ nữ.
Hai vợ chồng nhà Vua không bao giờ tỏ ý coi khinh những người phụ nữ bị ép buộc làm gái mại dâm, ngược lại cả hai đều nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh giành quyền sống của phụ nữ và khôi phục quyền đi bầu cử cho chính gái mại dâm đã hồi hương. Hai vợ chồng nhà Vua cùng giúp đỡ gái mại dâm các cơ hội hoàn lương, tìm hiểu và cấp giấy chứng minh thư cho họ. Hoàng hậu Fabiola luôn sẵn lòng lắng nghe trọn vẹn ý kiến của các thần dân trong vương quốc.
Ở Hoàng hậu toát lên phong thái cởi mở khi trò chuyện và rất dễ gần gũi, và sự tiếp cận giữa các quan và chính phủ cho tới thần dân bình thường diện kiến Hoàng hậu là không hề có khoảng cách. Hoàng hậu luôn quan tâm trò chuyện bằng chính trái tim đầy xúc cảm của mình. Hoàng hậu chính là người mẹ hiền bao dung đối với dân chúng Bỉ.
Mối quan hệ giữa Hoàng gia Anh và Hoàng gia Bỉ từng có thời gian dài trong tình trạng “chiến tranh lạnh”, chỉ cho đến khi hai vợ chồng nhà Vua Baudouin và Fabiola thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến điện Buckingham. Với tinh thần hoà hiệp, cởi mở, thấu hiểu và đầy trách nhiệm, Hoàng hậu Fabiola đã giúp nối lại mối giao hảo tốt đẹp truyền thống giữa hai vương quốc.
Ngoài sự nhiệt tình tham gia các công tác xã hội, Hoàng hậu Fabiola còn nổi tiếng là người phụ nữ dành nhiều tình yêu thương cho các trẻ em. Thậm chí trước khi kết hôn, trẻ em là niềm hạnh phúc đối với thiếu nữ Fabiola, nàng có thói quen viết truyện cổ tích dành cho trẻ em. Các nhân vật trong tác phẩm của Fabiola rất đa dạng từ nàng công chúa cho đến các loài muông thú, tất cả đều bỏ lại phía sau những tập tính xấu và thay vào đó là tình yêu thương và lòng vị tha. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của Fabiola thời trẻ là “Hoa loa kèn Ấn Độ”.
Sau khi thiếu nữ Fabiola đăng quang trở thành Hoàng hậu Bỉ, những câu chuyện cổ tích của bà đã được dịch chuyển ngữ sang hơn 70 loại ngôn ngữ khác nhau. Quyển truyện “Hoa loa kèn Ấn Độ” là tác phẩm văn học bán chạy nhất ở Bỉ trong suốt hàng thập kỷ. Hoàng hậu đã hiến tặng tiền bản quyền từ quyển truyện cổ tích này phục vụ cho các hoạt động từ thiện khác.
Mặc dù luôn ao ước có một đứa con để làm vui lòng nhà Vua, nhưng oái ăm thay số phận đã không như ý nguyện của Hoàng hậu. Không ai biết rằng ngoài vẻ mặt tươi tỉnh khi diện kiến các thần dân và hoàng gia thì Hoàng hậu đã từng đối mặt với không biết bao nhiêu lần sẩy thai buồn bã. Chính vì không có con nên Hoàng hậu Fabiola giành hết mọi tình cảm thân yêu cho những phụ nữ trẻ tuổi, cho tất cả các thần dân Bỉ và đặc biệt là cho mọi trẻ em.
Và tình yêu của bà đã thức tỉnh người Bỉ, họ cảm nhận rằng Vua và Hoàng hậu của họ như thật sự là cha và mẹ đẻ của cả dân tộc Bỉ. Một cảm giác mơ hồ, bồng bềnh như không muốn ai tin vào thực tại khi vị Vua Bỉ kính yêu qua đời đột ngột trong một cơn đau tim vào năm 1993 ngay tại dinh thự nghỉ mát mùa hè Villa Astrida ở Motril (Tây Ban Nha).
Sự ra đi quá đột ngột của Vua Baudouin khiến cho Hoàng hậu Fabiola chìm trong sầu khổ. Trong đám tang chồng, Hoàng hậu khoác y phục tuyền một màu trắng tinh khiết. Sự mất mát người chồng yêu quý khiến Hoàng hậu như người lạc lõng. Fabiola rời đến sống ở Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) trong suốt một thời gian dài, ẩn giấu mình trước ống kính máy ảnh và sự quan tâm của dân chúng.
Hoàng hậu hồi xuân, đảm đương trị vì đất nước
Mặc dù Hoàng hậu Fabiola hiện tại đang sống và làm việc trong chốn Hoàng cung thế nhưng không có nghĩa là bà chạy trốn các thần dân trong vương quốc. Bà vẫn tiếp tục thúc đẩy quyền phụ nữ và đấu tranh chống lại những hành vi bất công trong xã hội.
Trong cuộc sống chốn Hoàng cung, Hoàng hậu Fabiola là người cực kỳ ghét cách làm việc đúng giờ giấc, bà thậm chí bị ám ảnh vì điều đó. Ngày nay, Hoàng hậu Fabiola không còn là vợ của Vua Baudouin cho nên giao thức áp dụng cho bà trở nên dễ thở hơn. Đã có lần, bà tiết lộ thông tin gây bất ngờ cho cả thế giới về mình: “Thời gian trôi qua, ta cảm thấy mình như đang sống lại”.
Và điều này là đúng, bất chấp tuổi tác, bất chấp những mất mát về người chồng thân yêu đã quá cố, Hoàng hậu Fabiola như đang hồi xuân trở lại. Bà nhanh chóng khám phá được những ranh giới của sự tự do, tìm cách thâu tóm mọi cơ hội thu hút sự chú ý và để lại trong lòng mọi người những ấn tượng khó quên. Hoàng hậu muốn mọi người nhớ đến tinh thần và sức sống bền bỉ của bà. Bà ngày càng trở nên cởi mở hơn, hay cười hơn và hạnh phúc nhiều hơn.
Các nhà báo hầu như không thể đoán biết trước bước tiếp theo mà vị Hoàng hậu quyền uy sẽ làm gì. Không thể tưởng tượng nổi dù đang tuổi cao nhưng Hoàng hậu Fabiola vẫn hăng say nhảy múa trong suốt một tiết mục biểu diễn của một nhóm nhạc Pop Bỉ tại lâu đài Laken.
Hoàng hậu Fabiola góa bụa không bao giờ tỏ ý quan tâm đến những thứ “phù phiếm” như trang điểm, thiết kế quần áo hay những món đồ đắt tiền. So với các gia đình hoàng gia khác trên thế giới, cả Hoàng hậu Fabiola và Vua Baudouin khi còn sống luôn chuộng cuộc sống thanh đạm, giản dị và có phần khổ hạnh.
Bản thân Hoàng hậu Fabiola thường bị buộc tội làm mất đi sự quyến rũ của Hoàng gia Bỉ, và điều này đúng một phần. Hiếm khi Hoàng hậu cho tổ chức tiệc tùng xa hoa tại cung điện, và nếu nói đến ăn mặc thì Hoàng hậu lại càng khiêm tốn và tương phản hoàn toàn với người chị dâu Paola, vị phu nhân này không bao giờ mặc ít hơn 12 bộ y phục sang trọng trong vòng 4 ngày viếng thăm công quốc Luxembourg.
Một thói quen đáng kinh ngạc và không thể tin nổi rằng, mỗi khi đi đâu đó thay vì đặt mua váy áo thì Hoàng hậu Fabiola lại đi thuê váy áo để mặc và có đôi lúc ngất xỉu khi nghe ai đó nói phải tiêu tốn quá nhiều tiền để mua quần áo! Hoàng hậu Fabiola thậm chí không quan tâm lắm tới việc đẹp xấu của mình trước công chúng, trong chuyến viếng thăm của Hoàng gia Hà Lan tại Bỉ, Hoàng hậu còn diện nguyên bộ y phục của phụ nữ tầm 40 tuổi.
Hoàng hậu Fabiola cũng không quan tâm lắm đến đồ trang sức, có khi đi ra ngoài mà chẳng cần đeo món đồ trang sức nào. Đặc biệt nhất của Hoàng hậu Fabiola phải kể đến là mái tóc. Mái tóc của Hoàng hậu không hề thay đổi kiểu dáng kể từ ngày bà đi lấy chồng. Lý do? Hoàng hậu Fabiola nói rằng kiểu tóc của bà khiến người chồng quá cố Baudouin rất thích. Và ngay cả khi chồng đã qua đời nhiều năm, Hoàng hậu Fabiola vẫn chung thủy với kiểu tóc ấy và thậm chí nếu có thì chỉ là bộ tóc giả giống y chang tóc cũ.
Hoàng hậu Fabiola khi về già |
Một sự kiện phi thường cho thấy tính cách thực sự của Hoàng hậu Fabiola đã xảy ra vào ngày Quốc khánh Bỉ trong năm 2009. Một kẻ mất trí nào đó đã liên tục gửi những lời đe dọa sẽ gây sát thương cho Hoàng hậu Fabiola ngay từ đầu năm 2009, đe dọa sẽ giết chết Hoàng hậu Fabiola trong cuộc diễu hành ngày Quốc khánh.
Mặc dù rõ ràng là các lá thư được viết bởi một gã điên, an ninh được thắt chặt trong ngày trọng đại, nhưng Hoàng hậu Fabiola vẫn hăng hái mặc áo giáp chống đạn, rồi hiên ngang ra đường. Trong đám đông diễu hành, Hoàng hậu đã cầm một quả táo xanh vẫy vẫy đám đông, tình huống này vô cùng táo bạo vì rất có thể Hoàng hậu sẽ là mục tiêu của tên ám sát. Toàn dân Bỉ được phen lo sốt vó, nhưng sau đó đều bật cười vì sự hài hước quá mức của Hoàng hậu.
Dù hóm hỉnh, thông minh và vui tính nhưng rõ ràng Hoàng hậu Fabiola đang sửa soạn cho ngày tận thế của mình. Hoàng hậu không con, từng một lần tiết lộ với báo giới rằng cả 5 lần bà mang nặng đẻ đau nhưng rốt cục là 5 lần sẩy thai buồn chán.
Bất chấp những khó khăn về đời sống của một vị Hoàng hậu không con, người ta xì xầm về những bê bối trong chốn hoàng cung nhưng Hoàng hậu bỏ mặc ngoài tai và nói rằng bà chẳng quan tâm đến những lời ác miệng của thiên hạ. Cuộc sống và tình yêu của Vua Baudouin và Hoàng hậu Fabiola là không thể tách rời, ngay cả khi nhà Vua băng hà, vị Hoàng hậu goá bụa dường như vẫn tràn đầy tình yêu thương dù không có chồng bên cạnh.
Đối với Hoàng hậu Fabiola, Vua Baudouin không bao giờ chết. Hoàng hậu luôn đề cập đến chồng với những ai yêu quý ngài. Bà luôn đeo chiếc đồng hồ và một cái mề đay có khắc hình ảnh của Vua Baudouin trên đó như một kỷ niệm không bao giờ quên về những ngày tháng mặn nồng bên nhau. Hoàng hậu không sợ chết như theo cách nghĩ của bà, con người không thể sống mãi mà không chết. Và Hoàng hậu hy vọng một ngày nào đó khi băng hà, bà sẽ sum họp hạnh phúc cùng chồng dưới suối vàng.
Nguyễn Thanh Hải (Theo Historia)