Cuống cuồng với con nhỏ bệnh chồng lên bệnh lúc giao mùa

11:05, Thứ năm 31/03/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vẫn lo lắng, vợ chồng chị lại đưa cháu ra phòng khám tư. Kết quả cháu bị đồng thời viêm hô hấp và rối loạn tiêu hóa.

(Phunutoday) - Trong thời tiết lạnh kéo dài và chuyển mùa, nhiều ông bố bà mẹ cuống cuồng vì con chưa khỏi bệnh này, bệnh khác đã chồng lên.

Viêm hô hấp, thêm rối loạn tiêu hóa

Tại một phòng khám tư trên đường Giải Phóng, theo ghi nhận của chúng tôi trong vòng một giờ có đến hơn 10 trẻ vào phòng khám với các triệu chứng ho, sốt, tiêu chảy.

Vợ chồng chị Bùi Thị Ngọc (ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đưa con đi khám bệnh khi cháu vừa bị ho, vừa sốt, kèm theo tiêu chảy. “Mấy hôm trước tôi đã phải nghỉ làm hẳn, ở nhà để chăm sóc con vì cháu bị ho và sốt nhẹ. Từ tối qua đến nay, cháu không ngủ mà khóc rả rích, kèm theo tiêu chảy. Nửa đêm đã phải đưa vào bệnh viện nhưng các bác sĩ cho biết không phải trường hợp cấp cứu vì không nguy hiểm. Vợ chồng lại đưa con về từ trong đêm” – chị Ngọc cho biết.

Vẫn lo lắng, vợ chồng chị lại đưa cháu ra phòng khám tư. Kết quả cháu bị đồng thời viêm hô hấp và rối loạn tiêu hóa phải uống thuốc vài ngày.

Chị Nguyễn Thị Hòa (Yên Phong, Bắc Ninh) đưa cháu Ly (16 tháng tuổi) đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương than thở, từ đầu tháng (tháng 2 âm lịch) số ngày mẹ con chị ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Cháu Ly bị sốt, biếng ăn, chỉ sau vài ngày anh chị thấy mặt con sưng múp vùng mắt, miệng. Vợ chồng chị còn nghĩ cháu bị sưng là do không hợp thuốc, lại chuyển sang cho con uống thuốc thầy lang.

Khi biết không thể đùa với bệnh, vợ chồng chị đưa con đi viện tỉnh, ở dưới tỉnh các bác sĩ điều trị nhưng không khỏi. Cuối cùng gia đình chị lại bồng bề nhau lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ cho biết cháu ly bị chứng thận hư. Vừa điều trị thận hư, cháu Ly còn thường xuyên bị các bệnh về viêm phế quản hành hạ.
 
Trẻ em chật khoa Nhi
Trẻ em chật khoa Nhi vì bệnh chuyển mùa

Tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, trẻ em nhập viện trong điều kiện thời tiết không ổn định chủ yếu do các bệnh viêm hô hấp. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện này, cho hay, trong điều kiện thời tiết như hiện nay trẻ nhập viện tăng đáng kể trong đó 50% là trẻ bị các bệnh về đường hô hấp.

Bố mẹ tiến sĩ chăm con đến viêm màng não

Nhiều trường hợp bố mẹ là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng vẫn điều trị bệnh cho con bằng phương pháp dân gian hơn là  điều trị bằng tây y, điều trị bệnh một cách thái quá, thiếu khoa học – Một vị bác sĩ nhi khoa búc xúc kể ra vài ca cấp cứu vừa xảy ra.

Trường hợp của cháu Đinh Văn H. (6 tuổi) nhà trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội khiến nhiều bác sĩ phải tiếc nuối và đau lòng. Bố mẹ của cháu H, là giảng viên của một trường đại học lớn, khi con bị sốt nhưng bố mẹ cháu thực hiện theo phương pháp chườm đá lạnh để giảm sốt, xông nước lá. Mẹ cháu thà thức cả đêm chườm đá cho con còn hơn cho cháu uống thuốc vì sợ con nhờn thuốc.

Vài ngày sau cháu có dấu hiệu đau đầu, chân tay đau nhức mỏi, buồn nôn gia đình mới đưa con vào bệnh viện cấp cứu. Lúc này các bác sĩ cho biết cháu bị viêm màng não. Nếu gia đình đưa cháu đi điều trị sớm thì khả năng sống của cháu là rất lớn.

Cháu Ngô Thị Lan A. (5 tuổi, ở Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bệnh sởi. Bố mẹ cháu nghĩ bệnh sởi chỉ cần kín gió, tránh nước, ăn kiêng là tự khỏi nên không đưa con đi bệnh viện. Trong nhà có người làm nên bố mẹ cháu cứ đi làm phó mặc cho người giúp việc chăm sóc cháu.

Người giúp việc từ quê lên với mớ kinh nghiệm dân gian đã tự điều trị sở cho con anh chị bằng cách nhốt vào phòng kín mít, cửa đóng, rèm che suốt ngày. Cháu bé chỉ được đi lại trong phòng vì sợ lây sang anh lớn của cháu.

Hàng ngày, người giúp việc sẽ mang cơm vào phòng để bón cho cháu ăn, sau đó lại đóng kín cửa. Chưa đầy một tuần sau, cháu Lan A. chuyển sang sốt và co giật. Gia đình mới cuống cuồng đưa con đi cấp cứu. Sau khi xét nghiệm các bác sĩ cho biết cháu Lan A. bị viêm màng não nước trong do biến chứng của sởi. Cháu phải điều trị trong bệnh viện gần một tháng.
 
 
Đừng đùa với tính mạng con

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện Bạch Mai, cho rằng nếu phát hiện trẻ có dấu hiện của các bệnh rõ ràng thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Bố mẹ tự điều trị cho trẻ chỉ làm cho bệnh thêm biến chứng khác, điều trị vừa tốn kém, vừa lâu dài, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Dấu hiệu đơn giản để nhận biết những bệnh thường gặp ở trẻ như: bệnh sởi là do nhiễm virus cấp tính, biểu hiện ban đầu sốt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho và có nốt ở niêm mạc miệng. Sau đó, các nốt ban đỏ sẽ xuất hiện từ ngày thứ ba đến ngày thứ 7. Còn ở sốt phát ban, quá trình mọc ban đỏ không theo trình tự nào, có thể sau sốt 1 – 2 ngày.
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết đầu tiên là trẻ bị sốt trong 7 ngày trở lại. Trẻ không ho, không sổ mũi, không tiêu chảy. Trên người nổi những nốt xuất huyết, thường là ở cánh tay, cẳng chân. Các nốt này tròn, nhỏ như vết muỗi cắn nhưng khác ở chỗ khi căng ra những điểm này không biến mất.

Theo PGS - TS Dũng, nếu trẻ sốt cao từ 38,5 độ C, có kèm theo nhiều triệu chứng khác như ho, nôn trớ, đau đầu thì cần đưa đến khám tại các cơ sở y tế ngay.


Phương Anh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc