Tối 6/11, thai phụ xuất hiện các cơn đau bụng, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất. Bác sĩ chẩn đoán thai phụ ở tuần 37 đang trong tình trạng tử cung mềm, mất máu nặng, hội chẩn nhận định bị vỡ tử cung tự phát. Bệnh nhân được chỉ định mổ chỉ trong 11 phút sau khi vào viện.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán tử cung mềm, mất máu nặng, bị vỡ tử cung tự phát. Nhận định nếu không phản ứng nhanh để mổ cấp cứu cứu hai mẹ con, chậm trễ sẽ trả giá cả tính mạng, các bác sĩ đã hội chẩn nhanh và chỉ định mổ chỉ sau 11 phút bệnh nhân vào viện.
Khi mổ, bác sĩ thấy máu chảy đầy bụng bệnh nhân, tử cung có 2 đường vỡ. Ca mổ kéo dài gần 1,5 tiếng đồng hồ, đón em bé 2,5kg chào đời khoẻ mạnh, mẹ bé được bảo tồn tử cung. Dự kiến vài ngày nữa, bệnh nhân sẽ được ra viện.
Các bác sĩ cho biết, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân tình trạng vỡ tự cung tự phát khi mang thai của bệnh nhân. Theo đánh giá của các chuyên gia, vỡ tử cung được coi là một trong năm tai biến sản khoa thường gặp. Thông thường, khi tử cung đã vỡ, thai nhi sẽ chết và sản phụ cũng dễ bị tử vong.
Biến chứng vỡ tử cung có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong quá trình mang thai. Nhưng vỡ tử cung thường xảy ra trong thời kỳ chuyển dạ đẻ, một số trường hợp hi hữu xuất hiện vỡ trong những tháng cuối trước khi chuyển dạ. Theo các bác sĩ sản khoa, có ba nguyên nhân gây nên tình trạng này, đó là do người mẹ, thai nhi và do thủ thuật sản khoa.
Hầu hết các trường hợp vỡ tử cung xảy ra khi cơn co dồn dập, sản phụ đau nhiều. Trong trường hợp cơn co tử cung ngày một dồn dập, sản phụ đau tăng lên dữ dội rồi tự nhiên giảm, rất có thể tử cung đã vỡ… Lúc này, cơn co mất hẳn, hình dáng tử cung thay đổi, có thể sờ thấy thai nhi ở ngay dưới thành bụng người mẹ.
Mạch máu chỗ vỡ bị đứt làm máu chảy vào trong ổ bụng. Sản phụ bị sốc, da mặt nhợt nhạt, thở nông, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt. Nếu phát hiện tử cung đã vỡ, phải xử trí mổ lấy thai ra và khâu lại chỗ vỡ hoặc cắt tử cung ngay. Nếu để lâu, máu chảy nhiều, sản phụ sẽ tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng chống vỡ tử cung, sản phụ phải tự giác đến khám thai định kỳ ít nhất ba lần hoặc mỗi tháng một lần (tháng cuối mỗi tuần một lần) để phát hiện trước những nguyên nhân có thể gây vỡ tử cung.
Những người có tiền sử đẻ khó phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của cán bộ y tế, phải đến các cơ sở y tế có trung tâm phẫu thuật để theo dõi và đẻ. Trường hợp có vết mổ đẻ cũ, phải tới nằm viện trước khi chuyển dạ 10 ngày để theo dõi sát sao.
Những người có sẹo ở tử cung, ít nhất phải ba năm sau mới được có thai. Tất cả những người có nguy cơ vỡ tử cung cần được quản lý và đẻ tại tuyến có khả năng phẫu thuật. Theo dõi sát chuyển dạ, phát hiện sớm những trường hợp đẻ khó, dấu hiệu dọa vỡ tử cung để xử trí kịp thời.