Nhiều chuyên gia trong nước đã cảnh báo lỗ của dự án bauxite Tây Nguyên từ nhiều năm về trước. Đã có đề xuất dừng hai dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Càng làm càng lỗ
Phát biểu trên báo chí ngày 21/2/2013, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin) phân tích, việc Tân Rai không chạy đủ công suất thiết kế (mới đạt khoảng 20 - 40%) do chưa có đầu ra khiến chi phí khấu hao tăng, và lỗ cũng tăng tương ứng.
Toàn cảnh công trường xây dựng tổ hợp bauxite nhôm tại Tân Rai. Ảnh: Lamdongonline. |
Giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai nếu đạt 100% công suất cũng phải xấp xỉ 375 USD/tấn. Nhưng theo thông tin mới đây từ Vinacomi, dự kiến cả năm 2013 Tân Rai sẽ sản xuất được 300.000 tấn alumin (tức mới đạt 50% công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm), chủ yếu dành cho xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia. Nhưng do giá xuất khẩu theo đàm phán chỉ đạt 340 USD/tấn nên dù xuất khẩu vẫn lỗ.
Ông Sơn cho rằng, với việc phải điều chỉnh lại phương án vận chuyển bauxite không qua cảng Kê Gà, cần rà soát lại tổng thể hiệu quả của cả 2 dự án là Tân Rai và Nhân Cơ, đặc biệt là Nhân Cơ.
Tháng 9/2012, khi dự án Tân Rai mới bắt đầu thực hiện, ông Sơn đã cảnh báo lỗ. Theo đó, sau khi cộng trừ các chi phí đầu tư, hoạt động, lãi vay ngân hàng… giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai thấp nhất cũng khoảng 375 USD/tấn. Trong khi giá thành xuất khẩu khẩu alumin của Vinacomin ở ven biển tối đa khoảng 345 USD/tấn (giá hợp đồng Vinacomin bán hiện nay thực tế chỉ được 340 USD/tấn - PV).
Nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc, dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu theo quy định là 20%, thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD, Vinacomin lỗ 74,4 triệu USD/năm. Trong trường hợp “thuận buồm xuôi gió” nhất (được miễn cả thuế xuất khẩu và tạm thời chưa nộp ngân sách), mỗi tấn alumin sẽ lỗ ít nhất 55 USD, và mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD.
Khẩn trương thi công đưa tổ hợp bauxite nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) đi vào hoạt động. Ảnh: Lamdongonline. |
Nghiên cứu dự án nói lãi lớn
Trong khi đó, để bảo vệ quan điểm đầu tư dự án bauxite Tây Nguyên sẽ có lãi vào ngày 1/10/2010, ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm - Titan (Vinacomin) cũng đưa ra tính toán rất khả thi: Dự án tính đủ chi phí giá thành tiêu thụ là từ 265-287 USD/tấn alumin. Trong khi giá bán khoảng 315-330 USD/tấn alumin, Dự án sẽ có hiệu quả. Giá bán alumin từ 2011- 2020 sẽ tăng từ 340-650 USD/tấn alumin, như vậy các dự án trên sẽ có hiệu quả kinh tế cao.
Cùng thời điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng, Bộ Công Thương khẳng định chắc chắn: “Chúng tôi ý thức rằng sẽ là thiếu trách nhiệm với đồng bào Tây Nguyên nếu không dũng cảm, quyết đoán tận dụng cơ hội để triển khai dự án đảm bảo hiệu quả KTXH và an toàn môi trường, góp phần giúp Tây Nguyên nhanh thoát nghèo; nhưng cũng sẽ có tội lớn với đất nước nếu không đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường”.
Cuối tháng 10/2010, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang khẳng định nếu xét hiệu quả kinh tế thuần thì hai dự án này không cao. Tuy nhiên, quan điểm chủ đạo khi xem xét việc đầu tư là phải tính hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội-quốc phòng-an ninh. Vì Vinacomin là Tập đoàn Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, nên không thể coi hiệu quả kinh tế là thước đo duy nhất.
“Tôi thấy không có lý do gì để ngừng triển khai dự án, ngược lại, phải phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để bù đắp lại thời gian đã mất, sớm phát huy hiệu quả của dự án, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân địa phương”, ông Quang nhấn mạnh.
Tính tới ngày 21/2, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chính thức phát biểu trên báo chí, đồng tình với đề xuất dừng hai dự án bauxite Tây Nguyên.
- Hữu Lê (Tổng hợp)