Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Y tế về việc từ chức

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vị “tư lệnh” ngành y đối diện với câu hỏi chất vấn không giống các lần trước và không giống các vị đứng đầu các ngành khác...

Vẫn là một trong số các vị bộ trưởng được nhiều vị đại biểu gửi văn bản chất vấn nhất, nhưng lần này vị “tư lệnh” ngành y đã đối diện với câu hỏi không giống các lần trước và không giống các vị đứng đầu các ngành khác của một vị đại biểu Quốc hội:

“Một trong những vấn đề bức xúc, bất bình, kể cả phẫn nộ mà cử tri cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng khi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13 là dịch sởi diễn ra trong thời gian vừa qua, gây số trẻ em chết cao bất thường xảy ra ngay tại bệnh viện đầu ngành nhi giữa thủ đô Hà Nội nhưng Bộ Y tế xử lý quá chậm, như công luận xã hội đã lên tiếng...

bo-truong-bo-y-te-nguyen-kim-tien

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao các vụ việc tiêu cực liên tục xảy ra ở ngành y, giống như “nạn đại dịch”, hết vụ rút ruột vắc-xin ở Trung tâm y tế Hà Nội, đến vụ nhân bản phiếu kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện huyện Hoài Đức, thay thiết bị đục thủy tinh thể giả ở Bệnh viện Mắt, tiêm nhầm vắc-xin ở Quảng Trị, thẩm mỹ viện Cát Tường …

Với tư cách là “tư lệnh ngành” trên mặt trận “nóng bỏng này”, đã liên tục để xảy ra “những tai họa” cho đất nước và cho gia đình nạn nhân, Bộ trưởng có thấy tình trạng trên có phần trách nhiệm chính do công tác điều hành của mình hay không? Ở các nước khác, nếu để xảy ra tình trạng trên, Bộ trưởng phải từ chức. Đến thời điểm này Bộ trưởng có nghĩ đến điều này hay không?”.

Cử tri Đà Nẵng còn kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu ban hành “luật từ chức” đối với những người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị khi không hoàn thành nhiệm vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Bên cạnh chất vấn nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhận được 10 văn bản chất vấn khác của các vị đại biểu. Trong đó, một vị đoàn Tiền Giang cũng hỏi suy nghĩ của Bộ trưởng về trách nhiệm khi trong thời gian qua, nhiều dịch bệnh xảy ra liên quan đến công tác y tế dự phòng như: bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết... đều là những bệnh có thể phòng ngừa được nếu làm tốt công tác dự phòng, chủ động các nguồn lực phòng bệnh.
 
Một vị đại biểu khác ở đoàn Vĩnh Long thì gửi tới Bộ trưởng yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế trong việc khống chế dịch sởi thời gian vừa qua.

Bộ trưởng cho biết Cục Y tế dự phòng có trách nhiệm gì trong việc để dịch sởi bùng phát mạnh trong những tháng đầu năm 2014? Nếu có thì biện pháp xử lý là gì? Nếu không thì trách nhiệm thuộc về ai? Cơ quan nào? Đây là chất vấn của một vị khác ở đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Thuận.

Thế nhưng, trong danh sách dự kiến trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này của Quốc hội không có Bộ trưởng Tiến. Điều này đã khiến một số vị đại biểu cho rằng, chọn người chất vấn phải trên cơ sở độ nóng của các vấn đề được cử tri quan tâm, chứ không phải là Bộ trưởng đã đăng đàn bao nhiêu lần.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ 29/4, PV cũng đã đặt câu hỏi đã bao giờ Bộ trưởng nghĩ đến từ chức? Bà khẳng định: "Thật lòng, đến thời điểm này tôi không nghĩ đến từ chức ngay”.

Theo Bộ trưởng, lúc này không thể từ chức vì toàn ngành y tế đang tập trung tối đa nhất để giành giật sự sống cho các cháu. "Chúng tôi đi thăm các bệnh viện, nói với các bác sỹ bằng mọi cách hãy cứu lấy các cháu. Lúc này, toàn ngành chúng tôi, bất kể ngày đêm, kể cả ngày lễ đều phải làm việc", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tiến nói rằng, việc bổ nhiệm bộ trưởng là qua quá trình quy hoạch và công tác của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và được Quốc hội phê chuẩn.

“Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, nếu mình không đủ năng lực, trách nhiệm, niềm đam mê. Nếu theo cấp trên, theo quy trình của cán bộ, tôi không làm được nữa thì cũng nhẹ nhàng thanh thản, quay trở về với một công việc nào đó có ích nhất cho đời", bà Tiến phát biểu.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn