Tập huấn, thi đua nhiều, Bộ Y tế vẫn xếp hạng bét

08:54, Thứ ba 28/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Với kết quả bét bảng, có lẽ sang năm Bộ Y tế nên tính toán để có thể phát động tập huấn, thi đua mỗi tháng 1 lần, thậm chí là mỗi tuần một lần nhằm phát huy tinh thần của các phong trào một cách sâu rộng và mạnh mẽ nhất.

Theo báo Tuổi trẻ thì chỉ số đạt 64,78% đang khiến Bộ Y tế xếp cuối bảng về cải cách thủ tục hành chính. Bám sát sau đó là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (67,06%), Ủy ban Dân tộc (67,19%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (69,75%). Thông tin này vừa được Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình công bố tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ chiều 25/1 về báo cáo kết quả bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, cơ quan ngang bộ năm 2012 (PAR Index 2012).

Mô tả ảnh.
Bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải ngủ cầu thang, y đức xuống dốc.. là những nguyên nhân khiến Bộ Y tế mất điểm

Việc đánh giá, chấm điểm để xác định PAR Index được thực hiện theo phương pháp tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh theo thang điểm quy định. Bộ Nội vụ thẩm định điểm tự đánh giá đó với sự tư vấn của Hội đồng thẩm định và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học. Điều đó cho thấy kết quả của bảng xếp hạng có tính khoa học và chính xác lớn.

Tuy nhiên, thông tin Bộ Y tế đứng bét bảng xếp hạng về cải cách thủ tục hành chính lại khiến không ít người bất ngờ, thậm chí ngỡ ngàng. Vì thực tế cho thấy so với rất nhiều ban ngành, Bộ Y tế là đơn vị tổ chức tập huấn, thi đua cho nhân viên trong ngành nhiều nhất.

Tháng 3/2013, Bộ Y tế tổ chức tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Đại diện Bộ Y tế cho rằng mục tiêu của cuộc tập huấn để vị thế của người bệnh được nâng cao, mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân thân thiện hơn, chắc chắn tiến tới việc bác sĩ cảm ơn bệnh nhân!

Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm, Bộ Y tế tổ chức tập huấn về quy tắc ứng xử của nhân viên y tế, do tình hình giậm chân tại chỗ và người bệnh vẫn phàn nàn nhiều về tinh thần thái độ của nhân viên y tế.

Bộ trưởng Bộ Y còn tế yêu cầu, các cơ sở y tế công phải ký cam kết “nói không với phong bì” từ giám đốc BV đến trưởng phó khoa và nhân viên. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị còn sau khi điều trị lại là vấn đề khác.

Đến tháng 10/2013 Bộ Y tế lại tiếp tục phát động thi đua y đức sau loạt bê bối gây rúng động dư luận như rút ruột vắc xin, nhân bản xét nghiệm.. 

Theo đó, Bộ phát động phong trào thi đua thực hiện các điều y đức, các quy định chuyên môn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chấp hành pháp luật phòng, chống tham nhũng… Song song với phong trào này là phong trào tố giác các sai phạm khi thi hành công vụ, nhiệm vụ của cán bộ trong ngành Y, qua đó, có biện pháp chấn chỉnh ngay từ cấp cơ sở.

Mà chưa hết đâu nhé, chỉ một tháng sau Bộ Y tế còn gây bất ngờ cho dư luận khi cùng lập thiết lập 3 đường dây nóng để người dân phản ánh những bức xúc liên quan tới y đức, thái độ thăm, khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sỹ.

Cụ thể, đường dây thứ nhất đặt tại các khoa khám bệnh, chữa bệnh nối với các trưởng khoa và bộ phận trực 24/24h. Thứ 2 là đường dây nóng nối đến giám đốc bệnh viện. Nếu người dân không liên hệ được hoặc không được giải quyết thỏa đáng thì gọi đến đường dây nóng thứ 3 đặt tại Báo Sức khỏe & Đời sống.

Thậm chí, Bộ Y tế còn lên kế hoạch sẽ ban hành thông tư về quy tắc ứng xử để có hành lang pháp lý cao hơn về thực hành quy tắc ứng xử của y bác sỹ đối với bệnh nhân. Khi người dân phát hiện tiêu cực thì trưởng khoa phải chịu trách nhiệm với giám đốc bệnh viện; giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm với giám đốc sở y tế và lãnh đạo Bộ Y tế.

Có thể thấy, hàng loạt cuộc tập huấn, phong trào thi đua đã được ngành Y tế liên tục tổ chức nhằm cải thiện những vấn đề còn chưa tốt, khiến người dân, bệnh nhân liên tục kêu ca, phàn nàn. Tuy nhiên dường như số lượng phong trào phát động không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh cũng như vấn đề thủ tục hành chính của ngành y tế. 

Hoặc có thể 4,5 phong trào thi đua rầm rộ  với các ngành là nhiều nhưng với ngành y tế là chưa thấm.

Cho nên với kết quả bét bảng này, có lẽ sang năm Bộ Y tế nên tính toán để có thể phát động tập huấn, thi đua mỗi tháng 1 lần, thậm chí là mỗi tuần một lần để tinh thần của các phong trào có thể lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ nhất.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông