Trạm kiểm dịch Thủ Đức nhận bằng khen của Bộ Y tế

( PHUNUTODAY ) - Ngày 9/8, Bộ Y tế trao tặng bằng khen cho trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) vì thành tích xuất sắc trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật trái phép.

(Đời sống) -  Ngày 9/8, Bộ Y tế trao tặng bằng khen cho trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) vì thành tích xuất sắc trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật trái phép.

Cán bộ trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức tiến hành tiêu hủy lô heo sữa bẩn - Ảnh: Hoàng Lộc
Cán bộ trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức tiến hành tiêu hủy lô heo sữa bẩn

Theo báo Tuổi trẻ, từ năm 2010 đến nay, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 1.149 trường hợp vi phạm vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật trái phép với số tiền gần 2,5 tỉ đồng. Tang vật vi phạm buộc phải tiêu hủy là 634 trường hợp gồm 51.833 con gia cầm, 3.726 con gia súc, 623.073 quả trứng gia cầm và 101.178kg sản phẩm động vật.

Qua công tác kiểm tra, trạm kiểm dịch kịp thời phát hiện ngăn chặn các loại virút như PRRS độc lực cao chủng Trung Quốc (còn gọi là heo tai xanh), virút dịch tả heo trên các sản phẩm động vật. Đặc biệt, vụ điển hình là trong năm 2012 trạm phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện xe đông lạnh vận chuyển gần 14 tấn gồm chân gà và vú heo. Lô hàng này không có nguồn gốc, giấy kiểm dịch và biến chất bốc mùi hôi thối.

Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức là cửa ngõ - nơi các loại thịt bẩn từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung thường xuyên tìm cách tuồn vào TP.HCM tiêu thụ. Tuy nhiên, các cán bộ trạm đã trực chiến ngày đêm chặn đứng nhiều vụ vận chuyển sản phẩm động vật trái phép.

Với sự nhiệt huyết trong công việc, bà Đặng Thị Tuyết - trạm trưởng trạm kiểm dịch - được mệnh danh là Tuyết "lửa”,  nhân vật trong phóng sự: “Tuyết lửa” chống hàng lậu.

Việc Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức - nơi đươc mệnh danh là cửa ngõ ngăn chặn các loại thịt bẩn từ miền bắc, miền trung tuồn vào TP. HCM nhận bằng khen của Bộ Y tế đã ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của trạm trong đấu tranh với thực phẩm bẩn độc.

Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, tỷ lệ thực phẩm nhiễm độc, thực phẩm bẩn các tỉnh miền bắc, miền trung luôn cao hơn nhiều so với miền nam thì nhiệm vụ của Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức lại càng khó khăn, phức tạp.

Theo số liệu thống kê tại Hội nghị quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ngày 7/10 tại Hà Nội, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP Hà Nội và các tỉnh, thành ở miền Bắc tổ chức, 90% thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Bắc chưa được kiểm soát giết mổ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu đã nhận định, trong khi các tỉnh, thành ở phía Nam từ nhiều năm nay đã thực hiện khá tốt việc kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển và buôn bán thịt gia súc, gia cầm thì ở các tỉnh phí Bắc, cho tới thời điểm này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo kiểm kê, trong tổng số 11.485 điểm giết mổ nhỏ lẻ và 59 cơ sở giết mổ tập trung hoặc bán công nghiệp ở 12 tỉnh, thành phía Bắc (tính từ Thừa Thiên-Huế trở ra) thì hiện mới chỉ có 8,05% cơ sở được cơ quan thú y kiểm soát hoạt động giết mổ hàng ngày. Đó là tỷ lệ trung bình, còn tính cụ thể thì số cơ sở giết mổ trâu bò được kiểm soát chỉ có 5,34%; heo là 6,35% và gia cầm là 14,77%. Còn lại 92% cơ sở không được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ.

Điều đó cũng có nghĩa hoạt động kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở các tỉnh, thành khu vực phía Bắc hiện nay rất yếu. Do vậy, đã để xảy ra tình trạng tư thương lợi dụng giết mổ, tiêu thụ gia súc gia cầm lậu, chết, bị dịch bệnh, làm lây lan dịch và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Hơn nữa, việc ngăn chặn tình trạng nhập khẩu, nhập lậu thực phẩm, gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc vào nội địa thông qua kiểm soát tại các cửa ngõ biên giới và chợ đầu mối gia súc, gia cầm cũng vô cùng khó khăn.

Không chỉ có tình trạng thịt bẩn đáng lo ngại, thực phẩm bẩn cũng đang 'bủa vây' gây sự hoang mang lớn với người tiêu dùng các tỉnh miền bắc. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2013 người tiêu dùng dồn dập “thất kinh” khi 100% mặt hàng thực phẩm làm từ gạo (bún, phở, bánh canh…) có chứa hóa chất tinopal dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, bột giặt; DEHA phát hiện trong màng bọc thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có thể phá hỏng hệ sinh dục và hệ nội tiết...

Tuy nhiên, những vụ việc bị phát hiện mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm bởi trên thực tế việc sử dụng hóa chất, phụ gia vô tội vạ đang trở thành trào lưu khá phổ biến trong trồng trọt chăn nuôi. Thống kê của ngành y tế cho thấy trong năm 2012, trên cả nước xảy ra 168 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.541 nạn nhân trong đó có 34 người tử vong. Theo phân tích của tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm Việt Nam đang tiêu tốn hơn 200 triệu USD để khắc phục hậu quả do thực phẩm bẩn gây ra.

Trong thực trạng thực phẩm bẩn gây những hoang mang lo lắng lớn như vậy, những đóng góp lớn trong cuộc chiến chống thịt bẩn nói riêng, thực phẩm bẩn nói chung của Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức quả thật là vô cùng đáng tuyên dương, ghi nhận.

  • Nguyệt An (Tổng hợp từ TTO, SGGP)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn