Trung Quốc thật sự rất muốn. Từ cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough, Trung Quốc muốn dùng quân đội “dạy cho Philippines một bài học về tính dân tộc hung hăng” như Thời báo Hoàn Cầu “phẫn nộ”. Từ góc độ chiến lược lâu dài, Trung Quốc muốn “xử”Philippines vì mục đích như Mỹ và NATO “xử” Libi mà đài truyền hình CCTV “lỡ thốt nên lời” vậy.
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải cứ muốn là được, mơ không phải sẽ thành sự thực.
Bài học cho Philippines: Tôn Tử vừa ăn cướp vừa la làng
Philippines là 1 trong số 6 nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông gây tranh cãi và căng thẳng nhất với Trung Quốc.
Philippines có tranh chấp trên biển với Trung Quốc 2 nơi là Bãi Cỏ Rong và Scarborough mà chưa có một công dân Philippines nào phải đổ máu vì chủ quyền thiêng liêng của đất nước mình.
Căng thẳng gần đây nhất (và đang tiếp diễn) là tranh chấp khu vực bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.
Đã gọi là tranh chấp thì ai cũng cho là mình có lý. Muốn chứng minh bên nào có lý hay phi lý thì chỉ còn cách phân xử.
Thế nhưng Trung Quốc không muốn phân xử, đơn phương cho rằng đó là của mình. Và, bằng lực lượng bán vũ trang và dân sự, 34 tàu lớn nhỏ của Trung Quốc đã bao vây, xua đuổi tàu của Philippines ra khỏi bãi cạn, khu vực ngư trường truyền thống của Philippines.
Trung Quốc đã hoàn toàn làm chủ (chiếm giữ) bãi cạn và ngang nhiên phát lệnh cấm đánh bắt. “Chấm dứt việc đánh bắt của ngư dân Philippines quanh bãi cạn Scarborough”.
Bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc hơn một tháng qua. Ảnh vệ tinh: Google |
Người Philippines hoặc bất cứ người có lương tri nào trên thế giới cũng coi hành động này là không công bằng, ỉ mạnh hiếp yếu. Hành động này được định nghĩa là ăn cướp.
Oan ức thay cho Philippines, họ chỉ biết đứng nhìn ngư trường truyền thống của mình như trước cửa nhà giờ tấp nập thuyền bè kẻ khác.
Philippines, quả thật, mặc dù cả nước như sôi lên, nhưng chưa có một hành động nào, một lực lượng nào khả dỉ có ý định chiếm lại bãi cạn Scarborough trong thực tế lúc này.
Thế nhưng hoạt động của giới truyền thông Trung Quốc, phát biểu của các tướng lĩnh, quan chức cấp cao Trung Quốc răn đe Philippines, đổ tội cho Philippines thì hết công suất.
Câu để đời, coi thường trình độ dân trí của Trung Quốc nhất là của ông Đới Quốc Bình, rằng “Philippines ức hiếp Trung Quốc”. Có lẽ từ “tư tưởng lớn” của ông Đới-UVTVBCT mà các tướng lĩnh, báo chí thi nhau trút lửa hờn căm vào Philippines.
“Quân khu Quảng Đông sẵn sàng đợi lệnh”; “Hạm đội Nam Hải hình thành 2 gọng kìm hướng vào Philippines”.
Họ sung sướng khi Nhật Bản phát hiện có 5 tàu chiến Trung Quốc mang theo 48 quả tên lửa hướng về phía Philippines; Thời báo Hoàn Cầu cũng không kém, đòi “dạy cho tính dân tộc hung hăng của Philippines một bài học”…
Cứ như Philippines đang chuẩn bị lực lượng Hải quân hùng hậu cùng Mỹ chuẩn bị mở cuộc tấn công xua đuổi tàu thuyền Trung Quốc ra khỏi khu vực bãi cạn kia không bằng.
Một chuỗi các hành động của Trung Quốc như thế này, người Philippines khái niệm nó là gì thì không rõ, nhưng ở Việt Nam có câu: Vừa ăn cướp, vừa la làng.
Các tàu cá Trung Quốc bị hải quân Philippines chặn lại. |
Philippines được trao trả độc lập từ năm 1946. Cho đến nay chưa kinh qua một cuộc chiến nào.
Trong khi đó Việt Nam dù không mong muốn nhưng liên miên, hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, vì thế, Philippines nếu như tra từ điển quân sự Việt Nam thì không tìm thấy từ “sợ” trong đó.
Đằng sau hành động của Trung Quốc chiếm giữ ScarboroughHoàng Nham
Scarborough/Hoàng Nham là một bãi cạn mà không có ý nghĩa gì về quân sự. Nó không nổi trên mặt nước, cho nên hiểu rằng Trung Quốc chiếm nó là dùng làm căn cứ quân sự là viễn vong, không thực tế.
Philippines có Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ ký năm 1951. Sự trở lại của Mỹ ở châu Á-TBD khi sức mạnh suy giảm, có những hành động tỏ ra kiềm chế, bao vây Trung Quốc, cho nên Trung Quốc muốn dùng Philippines để thử khả năng can thiệp của Mỹ.
Hiểu theo cách này càng không đúng tâm lý và bản chất của Trung Quốc. Trung Quốc quá hiểu Mỹ, không dại gì “mang búa thử kính” xem có dễ vỡ hay không hoặc không dại “đi xỉa răng cho Hổ”.
Vậy nguyên nhân nào có vụ Scarborough/Hoàng Nham căng thẳng như hiện nay?
Trung Quốc có 11 cơ quan chấp pháp khác nhau thuộc chính phủ ở Biển Đông, trong đó có 5 cơ quan hoạt động mạnh nhất, đó là: 1) Cục quản lý đánh bắt cá; 2) Hải giám; 3) Chính quyền địa phương; 4) Hải quân Giải phóng Nhân dân (PLAN); 5) Bộ Ngoại giao. Hầu hết các cơ quan này không có kinh nghiệm về đối ngoại (Trừ bộ Ngoại giao) và đầy rẫy lợi ích cục bộ, nhóm.
Một số cơ quan thường có hành động hiếu chiến để cạnh tranh với các cơ quan khác trong việc xin phân bổ ngân sách.
Một số cơ quan khác (chủ yếu là chính quyền địa phương) cố gắng mở rộng các hoạt động kinh tế trong các vùng tranh chấp nhằm mục tiêu tập trung vào tăng trưởng kinh tế…
Trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên biển với một cơ sở pháp lý là “lập luận lịch sử” rất mập mờ, thiếu minh bạch thì đây chính là chỗ cho 5 cơ quan này lợi dụng đưa Chính quyền Trung ương vào chuyện đã rồi.
Và, chắc chắn 5 cơ quan này đã tạo nên vụ Scarborough/Hoàng Nham đã nói trên.
Rõ ràng, bãi cạn Hoàng Nham chỉ là một nguồn lợi về đánh bắt hải sản. Trong tình thế khu vực hiện nay mà đưa tình hình tranh chấp leo thang như bây giờ chỉ vì mấy con ngêu, sò, ốc, hến thôi thì về chiến lược Trung Quốc quả là có vấn đề. Nhưng như phân tích trên thì Trung ương chỉ “chữa cháy” mà thôi.
Bởi, trước hết dễ nhận thấy Trung Quốc luôn bị động đối phó, mặc dù chủ động dùng lực lượng lớn để trấn áp, xua đuổi nhưng không có biện pháp cụ thể để ổn định tình hình.
Trước một Philippines kiên trì, có sách lược đối phó nhất quán, có rất nhiều biện pháp như cầu cứu viện trợ từ Mỹ, thay tên, loại bỏ tiêu chí của Trung Quốc trên đảo, đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế…nhũng dấu hiệu chứng tỏ Philippines sẽ theo tới cùng.
Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài dọa dẫm, răn đe hòng “khuyên răn” Philippines không được mạo hiểm dùng biện pháp quân sự trước để tránh sự can thiệp của Mỹ.
Làm thế nào để tranh thủ lá phiếu ủng hộ của cấp dưới khi Đại hội đến gần? Làm thế nào cho khỏi mất mặt, êm đẹp khi xử lý cuộc tranh chấp rắc rối không đáng có lúc này…
Đây là một bài toán hóc búa, phức tạp mà chính quyền Trung ương Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả do sự quản lý không chặt chẽ của mình gây ra. Việt Nam có câu: “Mũi dại thì lái phải chịu đòn” là vậy.
Tấn công Philippines ư? Đây là ý tưởng của mấy vị tướng chắc rất giỏi chơi Games mà thôi. Trung Quốc đang tìm cách thoát ra chưa xong là còn xui Trung ương lao vào lửa.
Lê Ngọc Thống
[links()]