Đào bới kho báu Yoshida ở Tánh Linh

07:23, Thứ năm 18/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Lần này thành phần đào bới gồm cả những nhà khoa học với “Dự án truy tìm “khoáng liệu quý” hẳn hoi. Kết quả, cửa kho báu đã gần đến mức cuối cùng tỉnh Bình Thuận phải phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công an vào cuộc kiểm tra.

(Phunutoday) - Những tưởng sự thật bẽ bàng về kho báu Chămpa ở suối La Ngâu sẽ làm lụi tắt những ảo tưởng vàng kho bạc khối của những kẻ phiêu lưu. Nhưng không, “gáo nước lạnh” chỉ khiến “lửa khát khao” thấp ngọn xuống một thời gian rồi lại bùng lên mãnh liệt hơn, cách kho báu huyền thoại kia một cự ly không xa lắm.

[links()]
Công cuộc lần tìm kho báu mới diễn ra vào cuối năm 2007. Nơi tham vọng được đào xới là Căn cứ 6, xã tân Đức, Hàm Tân, Bình Thuận. Khác những lần truy tìm vô vọng trước, lần này thành phần đào bới gồm cả những nhà khoa học với “Dự án truy tìm “khoáng liệu quý” hẳn hoi. Kết quả, cửa kho báu đã gần đến mức cuối cùng tỉnh Bình Thuận phải phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công an vào cuộc kiểm tra.

Cuộc đột nhập lúc nửa đêm

Tháng 3/2007, trong khi rà tìm phế liệu dưới sông La Ngà, một nhóm người dân huyện Tánh Linh đã tìm được một số cổ vật có giá trị.  Tuy không có bạc vàng châu báu, nhưng một số hiện vật nằm dưới lớp bùn chìm đáy sông cũng liên quan nhiều đến lịch sử các triều đại trước. Trong số này có 24… khẩu súng thần công triều Nguyễn.

Tánh Linh từ cổ chí kim vẫn là  một mảnh đất heo hút, mãi đến năm 1957, trong chủ trương kiến lập một số tỉnh tân lập trên toàn miền Nam của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nó mới được biết đến như một trong 4 quận hợp thành tỉnh Bình Tuy, nay thuộc Bình Thuận. Khi mới thành lập, cả quận Tánh Linh lẫn quận Hoài Đức (nay là huyện Đức Linh) đều không có người Kinh sinh sống. Cư dân bản địa của Tánh Linh chỉ là một số nhóm đồng bào các dân tộc Rac lây, K’ho, Chàm… nằm rải rác giữa rừng già. Lỵ sở hành chính của các triều đại phong kiến cũng chưa bao giờ được đặt ở Tánh Linh. Vậy thì súng thần công, đạn chì, một ít giáo gươm xưa cũ trầm nê đáy sông ở đâu ra?

Ở đâu không quan trọng. Quan trọng, đó là những vật dụng rất không bình thường. Và nếu đã có những điều bất bình thường bằng sắt, bằng đồng, bằng chì thì hà tất lại không có những thứ cũng bất bình thường khác bằng vàng, bằng bạc hay bằng ngọc quý?

Tham vọng được đánh thức, câu chuyện kho báu ngủ yên hơn mười ba năm lại trỗi dậy. Để tăng độ khả tín, lần này nó dựa vào một truyền thuyết mới mẻ hơn, gần với biến cố lịch sử hơn - gần đến mức người ta đoan quyết là có thể kiểm chứng được, dù chưa hề, đúng hơn là không hề có ai chịu đưa ra chứng cứ xác thực.

Một đêm cuối năm 2007, tại vườn điều sau nhà của ông Hùynh Văn Cư ở xóm 2, thôn 5, xã Tân Đức (Hàm Tân, Bình Thuận) đèn đuốc bỗng sáng choang như ban ngày.

Người ta nhìn thấy hàng chục người, nam có, nữ có thắp nhang xì xụp thành kính vái lạy vạt đất đầy cỏ dại. Sau phần nghi lễ trịnh trọng, một chiếc máy xúc loại lớn hiệu Mitsumitsi của Nhật Bản tiến vào đưa chiếc gàu múc 1,2m cắm phập vào chiếc cọc đánh dấu vị trí. Từng gàu đất to đùng được múc lên trong sự cầu nguyện lẫn xuýt xoa của nhóm người đứng ngồi lố nhố xung quanh. Thế nhưng vàng tấn trong “kho báu” chưa được lấy lên khỏi lòng đất thì lực lượng CA xã Tân Đức xuất hiện. Cả nhóm đi tìm kho báu… ù té bỏ của chạy lấy người để lại một hiện trường đào bới nham nhở.

Theo ông Trần Kim Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Đức thì nhóm người trên đều có quê quán ở Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang. Qua xác minh thì một người trong nhóm tin rằng mình có trong tay tấm mật đồ kho báu Căn cứ 6 hay còn gọi là “Kho báu Yoshida” nên tất cả thống nhất đầu tư chi phí để khai thác trái phép định chia nhau nhưng sớm bị chính quyền địa phương phát giác.

 Ông Trần Kim Tân cho biết từ lúc nhóm người trên đến đào bới lén lút đã khiến cho người dân địa phương hết sức xôn xao và hoang mang. Ngay từ  ngày mới  lập tỉnh Bình Tuy (năm 1957), câu chuyện về “Kho báu Yoshida” đã hoành hành một giai đoạn dài ở cả Bình Tuy cũ lẫn tỉnh Thuận Hải sau này. Nhưng, tất cả các cuộc kiếm tìm sau đó đều thất bại, người ta đã gần như quên hẳn nó suốt hàng chục năm. Lần này, sự xuất hiện của nhóm người lạ lại khiến nó thức giấc. Kẻ liên quan lẫn người vô can, vì lòng tham lại thấy ước mơ đời mình chao đảo. Họ bàn tán, xôn xao không ít.

Bỏ của chạy người chừng 4 tháng, đến tháng 3/2008, nhóm người nói trên lại tiếp tục xuất hiện. Lần này họ còn đông người hơn. Thành phần tham gia được bổ sung cả một đoàn nhà khoa học từ Hà Nội, TP. HCM. Không lén lút mà hoàn toàn công khai, họ đến bằng xe hơi đời mới và giới thiệu là người của Viện VIPTAM (tên viết tắt của Viện Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ phát triển tài nguyên lãnh thổ, dự phòng thiên tai và bảo vệ môi trường, một tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín thuộc Hội Hóa học Việt Nam).

Tấm không ảnh của viên tỉnh trưởng

Tháng 5/1945, thời điểm Nhật sắp sửa đầu hàng quân Đồng minh có nhiều nguồn tin cho rằng chính Đại tá Yoshida, thuộc cấp của Tướng Yamashita đã thu gom nhiều tấn vàng vòng, châu báu cướp được tại Việt Nam  và chở bằng xe lửa từ Sài Gòn ra Suối Kiết (Tánh Linh). Người ta nghi ngờ rằng Yoshida đã chỉ đạo cho thuộc cấp cùng một nhóm người Raglai chôn giấu đâu đó tại khu vực Căn cứ 6 rồi sau đó thủ tiêu tất cả những người tham gia, chỉ có một người tộc trưởng Raglai may mắn sống sót nhờ chạy thoát.

Một trong số những người xác tín nguồn tin quan trọng này có thật là ông Năm Thuận, người gốc Quảng Ngãi, chủ của một cơ sở chế biến gỗ thuộc loại lớn ở căn cứ 5, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân ngay từ những  ngày đầu tiên tỉnh Bình Tuy vừa thành lập.

 Trước năm 1945, ông Năm Thuận là Trung uý thông ngôn cho quân đội Nhật Bản. Năm Thuận khẳng định, chính ông ta đã nhiều lần phiên dịch cho Đô đốc Tomoyuki Yamasita, Tư lệnh quân Nhật ở Châu Á – Thái Bình Dương, Đại tá Io Yoshida, một sĩ quan cao cấp chỉ huy quân đội Nhật tại Việt Nam và một số quan chức tai to mặt lớn, tay chân thân tín người Việt về chuyện chôn giấu kho báu tại Bình Thuận. Chỉ là sĩ quan thông ngôn, ngoài nhiệm vụ phiên dịch, Năm Thuận không được phép tham gia gì thêm vào những cuộc kiến tạo kho báu, cũng không được đi đến nơi chôn giấu để tận mắt nhìn thấy vị trí những kho báu.

Nhưng địa điểm chung chung thì Năm Thuận biết. Chúng nằm ở 3 nơi: một ở Núi Lớn, Vũng Tàu, một ở núi Tàu, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận  và “kho báu thứ 3” nằm ở Căn cứ 5 hoặc Căn cứ 6, thuộc xã Tân Minh hoặc Tân Đức, tỉnh Bình Tuy. Trong số ít ỏi người được Năm Thuận tiết lộ “thông tin tuyệt mật” có hai ông Lê Bửu và Trần Phương Tiệp, đều là những  người kinh doanh có máu mặt tại Bình Tuy từ những năm đầu tiên mới thành lập.

Sau khi chôn xong các kho báu và xoá sạch dấu vết khiến kẻ khác có thể lần ra manh mối. Nhân công trực tiếp chôn giấu đều bị lính Nhật chở đi nơi khác thủ tiêu. Ngoài một số rất ít những sĩ quan cao cấp của Nhật trực tiếp chỉ huy việc chôn giấu kho báu, những người khác đều không được phép biết, dò hỏi hay tiết lộ tin tức. Để sau này có cơ hội sẽ chiếm lại kho báu, người Nhật  đã lập 3 tấm bản đồ 3 kho báu, mỗi tấm giao cho một sĩ quan cao cấp giữ.

Nhưng thời cuộc đã không cho người Nhật cơ hội chiếm hữu số bạc vàng ăn cướp. Biết rõ điều đó, năm 1957, viên sĩ quan Nhật Bản giữ bản đồ kho báu Bình Tuy đã sang Việt Nam. Nhân vật này đã tìm gặp Năm Thuận, nhờ ông ta móc nối với Lê Văn Bường, Tỉnh trưởng Bình Tuy để thông qua Bường bán lại bản đồ kho báu cho Ngô Đình Nhu.

bà Vũ Thị Thanh Xuân, vợ bé Tỉnh trưởng Bình Tuy Lê Văn Bường, người phụ nữ gắn liền tên tuổi, số phận vào kho báu Căn cứ 6
Bà Vũ Thị Thanh Xuân, vợ bé Tỉnh trưởng Bình Tuy Lê Văn Bường, người phụ nữ gắn liền tên tuổi, số phận vào kho báu Căn cứ 6

 

Theo Năm Thuận, người phiên dịch cho cuộc mặc cả giữa Ngô Đình Nhu và viên sĩ quan Nhật Bản là luật sư Vũ Văn Mẫu (lúc đó đang là Phó Thủ tướng của nền Đệ nhất Việt Nam Cộng hoà). Ngay sau khi hoàn tất vụ mua bán với giá 1 samsonite đầy vàng, viên sĩ quan Nhật Bản đã lăn đùng ra chết, nhiều khả năng là do bị đầu độc.

Câu chuyện này không chỉ mình ông Năm Thuận biết mà nó còn được lưu truyền bởi rất nhiều người. Trong cả hai cuốn tiểu thuyết tình báo nổi tiếng của cùng tác giả Đặng Thanh là “X.30 phá lưới” và “Tấm bản đồ bị thất lạc”, nhân vật viên sĩ quan Nhật Bản và thương vụ mua bán tấm bản đồ kho báu kết thúc bằng ly cà phê có bỏ thuốc độc đều được đề cập khá chi tiết.

Tất nhiên những thông tin cơ mật này, dù được kể lại bao nhiêu lần và ly kỳ đến bao nhiêu thì người kể cũng vẫn là người ngoài cuộc. Điều có thể chắc chắn là các kho báu, nếu có, đều được chính quyền Ngô Đình Diệm nắm rõ. Những người quan tâm đều khẳng định, chính vì chuyện kho báu nên năm 1957, anh em Diệm – Nhu mới  quyết định cắt một phần phía Nam tỉnh Bình Thuận để thành lập tỉnh Bình Tuy, giao cho tay chân thân tín coi sóc để dễ bề tìm kiếm và chiếm đoạt kho báu.

Đại úy gốc Quảng Bình Lê Văn Bường vốn là Quận trưởng quận Tiên Phước (Quảng Nam). Xuất thân là một đảng viên đảng Đại Việt, Bường đã nhận chỉ thị của đảng này gây ra vụ thảm sát Cây Cóc giết chết hàng trăm người dân xã Tam Lãnh, Tiên Phước (nay là xã Tam Lãnh, Tam Kỳ, Quảng Nam). Tội ác chồng chất, Bường bị dân chúng lên án dẫn đến việc mất chức Quận trưởng. Thay vì bị tống giam và chờ ngày ra Tòa đền nợ máu, Lê Văn Bường đã bất ngờ được điều khẩn cấp bằng Quyết định số 17/NV do Diệm ký ngày 10/01/1957 vào Bình Tuy làm Tỉnh trưởng với quân hàm Thiếu tá.

Ngày 24/1/1957, Thiếu tá Lê Văn Bường chính thức về Bình Tuy nhậm chức. Từ khi Bường về, mỗi tháng “ngài Cố vấn” Ngô Đình Nhu lại tổ chức đi săn ở khu vực Căn cứ 6. Mỗi cuộc “đi săn” của Nhu luôn có “lực lượng liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống” trang bị đến tận răng đi kèm. Gọi là “đi săn” chứ kỳ thực Nhu chỉ xua quân dò la trong một khu vực chỉ vài cây số vuông, chủ yếu là tìm kiếm kho báu. Còn muông thú trong rừng già, “ông Cố vấn”, không hề để mắt. Một toán lính địa phương có nhiệm vụ bắn sẵn sau đó chất lên xe tuỳ tùng theo Ngô Đình Nhu ra khỏi cửa rừng.

Gần một tháng sau, ngày 20/2/1957 theo lệnh của Diệm-Nhu, tân Tỉnh trưởng Lê Văn Bường bắt tay vào thành lập khẩn cấp quận Tánh Linh. Bường cũng nhận nhiệm vụ tối mật là phải đưa tay chân thân tín vào giữ các chức vụ trọng yếu trong quận Tánh Linh để bằng mọi giá phải tìm được người Tộc trưởng Raglai thoát chết khi tham gia chôn giấu kho báu. Cuối năm 1959, nhờ một tin mật báo, Lê Văn Bường may mắn tìm được người Tộc trưởng lúc đó đã hơn 60 tuổi. Một bức điện mật lập tức gởi về Phủ Tổng thống từ Tiểu khu Bình Tuy thông báo tin mừng. Và chỉ ba ngày sau, thêm một bông mai vàng nở trên ve áo của Bường, tân Tỉnh trưởng Bình Tuy được vinh thăng Trung tá.

 Gần một tuần sau, đích thân Trung tá Bường lái xe đưa vị Tộc trưởng vào Dinh Độc lập yết kiến “ngài Cố vấn”. Sau ngày anh em Diệm –Nhu đã bị bắn chết, Bường mới kể lại cho vợ bé là Vũ Thị Thanh Xuân biết: sau khi chỉ địa điểm, vị Tộc trưởng được Nhu mời rượu và ôm bụng quằn quại ngã xuống chết tức thì. Riêng Bường chỉ dám đứng im không dám hé một tiếng vì quá hiểu sự tàn nhẫn không gớm tay của ngài Cố vấn!

Tuy nhiên, trước khi đưa người Tộc trưởng vào gặp Nhu, Bường đã ranh ma thực hiện không dưới bốn chuyến bay thám sát bí mật bằng máy bay L19 cùng với người Tộc trưởng Raglai. Với những chuyến bay đó, người ta tin chắc rằng trong tay Bường đã có tấm không ảnh về kho báu cụ thể bằng những tọa độ được đánh dấu chính xác trong khu vực khoảng một cây số vuông. Chính những chuyến bay thám sát này mà Bường mang họa. Nếu là người khác đã bị xử bắn nhưng cho dù có là người thân cận mà lại dám qua mặt nên ngày 10/05/ 1961, Nhu đã cố vấn cho Diệm “đày” Bường về Lao Bảo, Quảng Trị sát biên giới Việt - Lào.

Cuộc đào thoát ly kỳ và cái chết bí ẩn của viên tỉnh trưởng

Trong quyết định, Bường bị điều chuyển ra Vùng I chiến thuật vì 4 tội tày đình.

 Một, tham nhũng 28 triệu đồng tiền viện trợ cho dân xây dựng khu dinh điền.

Hai, tham ô khét tiếng, tiếp tay cho tư nhân phá tanh bành rừng Tánh Linh – Hoài Đức.

Ba, lo ăn chơi trác táng, không lo phận sự, dẫn đến 3 cứ điểm ở hai quận Tánh Linh, Hoài Đức lọt vào tay Việt Cộng.

Và cuối cùng là một tội tày đình: để cho Việt Cộng cài được người vào bộ máy chóp bu cấp tỉnh, đó chính là kỹ sư Nguyễn Nhẫn, Trưởng ty Giao thông Công chánh Bình Tuy, người khai sinh ra tỉnh lộ 3 dẫn từ quốc lộ 1 tại căn cứ 6 (xã Tân Minh) đi vòng qua các khu dinh điền Sông Phan, Tánh Linh, Suối Kiết, Võ Xu, Võ Đắc thuộc hai quận Tánh Linh và Hoài Đức rồi lại nhập trở lại quốc lộ I tại ngã ba Ông Đồn, thị trấn Sông Ray (thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ngày nay).

Trên báo cáo, con đường mở ra sẽ tạo cơ hội thông thương phát triển cho hai quận mới thành lập. Nhưng đã có ý đồ sẵn nên bản vẽ con đường này luôn có những vòng cua ôm sát chân các rặng núi, đồi trong khu căn cứ của cách mạng. Hơn nữa, cứ mỗi lần qua cầu, tỉnh lộ lại ngoặt cua khiến tốc độ xe cơ giới bắt buộc phải giảm xuống, tạo điều kiện cho quân giải phóng tấn công chớp nhoáng. Chỉ trong vòng 1 năm kể từ sau ngày khánh thành, ba đại đội biệt động quân đã bị tấn công và xoá sổ trên “tử lộ” này.
1
 

 

Mở cuộc điều tra, Phủ Đặc uỷ tình báo của bác sĩ Trần Kim Tuyến đã phát hiện ra người chịu trách nhiệm thiết kế con đường chính là điệp viên Cộng sản. Một cuộc rượt đuổi ngoạn mục đã diễn ra trên tỉnh lộ 3. Con đường đã đưa chính người khai sinh ra nó, kỹ sư Nguyễn Nhẫn đào thoát an toàn vào vùng giải phóng, trong khi 4 xe chở lính Cộng hoà truy đuổi thì bị bắn cháy rụi. Sau giải phóng, ông Nguyễn Nhẫn là Bí thư Huyện uỷ huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Thuận Hải.

Cùng ngày 10/05/ 1961, Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng ký quyết định 503/NV cử Đại úy Nguyễn Văn Tý về giữ chức Tỉnh trưởng Bình Tuy. Thời gian sau đó, “những cuộc đi săn” của Ngô Đình Nhu vào khu vực Căn cứ 6 ngày càng dày đặc hơn. Tuy nhiên, ngày 1/11/1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị đảo chính và một ngày sau, Đại úy Nguyễn Văn Nhung, tùy viên của Tướng Dương Văn Minh đã bắn chết anh em Diệm –Nhu, kết thúc giấc mơ gia đình trị của anh em họ Ngô và kết thúc luôn giấc mơ về “kho báu” của Nhu.

Ra vùng I chưa được bao lâu, đột nhiên Lê Văn Bường bị Phủ Tổng thống ra công vụ lệnh triệu về Sài Gòn. Tưởng được xoá tội và vinh thăng,  nhưng không dè vừa trình diện “ông Cố vấn” Ngô Đình Nhu xong, Trung tá Lê Văn Bường đã lập tức bị chính người của lực lượng đặc biệt bắt giữ. Viên cựu Tỉnh trưởng lập tức bị tống giam vào trại Lê Văn Duyệt chờ ngày ra Tòa như bất kỳ sĩ quan phạm tội tầm thường nào khác.

Khổ nỗi, Bường lại là tay chân của Ngô Đình Cẩn. Cả miền Nam đều vãi linh hồn trước tiếng ho của Cố vấn Ngô Đình Nhu, nhưng ông em Ngô Đình Cẩn thì chắc chắn là không. Trị tội kẻ ăn người ở của Cậu Út Trầu thì có khác gì uy hiếp chính Cậu. Tóm lại, luật gì, tội gì thì Ngô Đình Cẩn không thèm biết. Nhưng tuyệt đối không thể có chuyện chặt tay chặt chân Cậu bằng cách đưa tay chân Cậu ra Tòa.

Trại giam trong trại Lê Văn Duyệt là nơi giam giữ các tội phạm đặc biệt đã từng là những vị tai to mặt lớn của chế độ, thường xuyên được 1 tiểu đoàn cảnh sát đặc biệt canh giữ trong điều kiện cẩn mật nhất. Về mức độ kỷ luật và trình độ thiện chiến, đơn vị này không hề thua kém gì Lữ đoàn phòng vệ Phủ Tổng thống do Đại tá Lê Quang Tung chỉ huy. Vậy nhưng giữa năm 1963, trước khi anh em Diệm - Nhu bị lật đổ 5 tháng, Lê Văn Bường đã bất ngờ vượt thoát khỏi buồng giam ở trại Lê Văn Duyệt.

Người ta đồn rằng, cuộc đào thoát ngoạn mục của Bường là do chính Ngô Đình Nhu ra lệnh sắp đặt. Không có lệnh của ông Cố vấn, một chuyện tày trời như vậy sẽ không bao giờ có cơ hội xảy ra.

Ai tổ chức cho Bường đào thoát? Đào thoát bằng cách nào? Bán tín bán nghi vô số, nhưng câu trả lời thật sự thì sẽ không bao giờ xuất hiện. Bất chấp lệnh truy nã, Lê Văn Bường cùng vợ bé Vũ Thị Thanh Xuân và các con vẫn đột nhiên biến mất không để lại bất kỳ dấu vết nào. Tại Bình Tuy, Năm Thuận – tay cựu sĩ quan thông ngôn quân đội Thiên Hoàng cũng bất ngờ bỏ trại cưa đang rất ăn nên làm ra và cũng biến bặt bóng chim tăm cá.

Sau ngày anh em họ Ngô bị đảo chính, phe đối lập đã ráo riết truy lùng Lê Văn Bường để đoạt lại những tấm không ảnh kho báu. Cuộc lùng kiếm này do chính Dương Văn Minh ra lệnh và đích thân Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy. Tội nhân bị tầm nã gắt gao của cả hai nền Cộng hoà, thật ngạc nhiên, vẫn không sủi tăm.

Đầu năm 1971, sau hơn 10 năm biệt tích, Bường đột ngột xuất hiện tại Bình Tuy với lai lịch mới toanh mang tên Tôn Thất Bình, cư ngụ tại đường Võ Tánh, Sài Gòn. Viên cựu Tỉnh trưởng hùn với ông Năm Khôi mở trại cưa ở Căn cứ 5 (giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai) và chung vốn với ông Trần Phương Tiệp làm một trang trại ở Căn cứ 6 hay còn gọi là cây số 58 (tính từ thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

 Thực chất, ông cựu Tỉnh trưởng không thạo nghề nông, quen nhảy đầm, uống rượu mùi và săn gái chắc chắn chẳng ham gì chuyện trồng trọt với lập đồn điền. Xin giấy phép, chọn đất lập trang trại chỉ là động tác che mắt để Bường dấn thân vào mục đích duy nhất mà vì nó, cuộc đời ông ta đã chất đầy thăng giáng bi kịch: tìm kiếm kho báu Yoshida.

Những bức không ảnh xưa chụp nơi nào, nơi đó được Bường chọn làm nơi đặt trang trại. Người hùn vốn với ông là một trong số người ít ỏi đã từng được tay thông ngôn Năm Thuận cung cấp thông tin về kho báu Nhật Bản, đồng thời đã từng trực tiếp dò hỏi và được luật sư Vũ Văn Mẫu xác nhận về vụ mua bán bản đồ kho báu của Ngô Đình Nhu, kết thúc bằng cái chết bất đắc kỳ tử của tay cựu sĩ quan Thiên Hoàng ngay sau buổi mặc cả.
1
Ngày Lê Văn Bường đến Bình Tuy nhận chức Tỉnh trưởng và cắt băng khánh thành quận Tánh Linh

 

Công việc đang tiến triển thì cuối năm 1973, Bường được một số người Nhật mời vào Sài Gòn tiếp kiến. Sau tiệc rượu bàn “đại sự” đầy bí mật, viên cựu Tỉnh trưởng về nhà trên đường Võ Tánh bỗng ôm ngực kêu khó thở và ngã quỵ trên sàn nhà tắm. Vũ Thị thanh Xuân tức tốc đưa chồng đến Bệnh viện Nguyễn Văn Học (Gia Định) cấp cứu. Nhưng chưa đến nơi, Bường đã tắt thở mà không kịp trối lại câu nào. Khi “bạn làm rẫy” Trần Phương Tiệp hay tin chạy đến thì ông cựu Tỉnh trưởng đã nằm cứng đơ. Kết quả khám nghiệm tại bệnh viện ghi rằng Lê Văn Bường bị đột quỵ dẫn đến suy tim, nhưng ông Tiệp vẫn tin chắc - cho đến tận ngày nay - rằng người hợp tác với mình đã bị đầu độc.

Sau cái chết đầy uẩn khuất của Lê Văn Bường, mọi chú ý đều đổ dồn vào bà Vũ Thị Thanh Xuân, vợ bé viên cựu Tỉnh trưởng. Bởi bà Xuân là người gắn bó suốt thời gian ông Bường về nhận chức Tỉnh trưởng Bình Tuy cùng những họat động sau này của chồng trên vùng đất Căn cứ 6. Nhiều tin tức lúc đó còn khẳng định chính bà Xuân mới là người đang giữ tấm không ảnh “Kho báu Yoshida”.
(còn tiếp)
  • Thanh Trúc- Phương Nam

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc