Để mất tình yêu đẹp vì mải nghề ’bán phấn buôn hương’

( PHUNUTODAY ) - Chỉ khi bước chân vào trại phục hồi nhân phẩm, cô mới choàng tỉnh nhận ra tình yêu quý báu và cơ hội hoàn lương đã bị chính bàn tay cô vứt bỏhellip;

Dù biết cô làm nghề “bán phấn buôn hương”, nhưng chàng sinh viên nghèo vẫn dành cho cô tình yêu chân thành đến khó tin. Chàng sinh viên đó đã cố dùng tình yêu của mình những mong người yêu có ngày “quay đầu” trở lại cuộc sống lương thiện...
[links()]
Chỉ khi bước chân vào trại phục hồi nhân phẩm, cô mới choàng tỉnh nhận ra tình yêu quý báu và cơ hội hoàn lương đã bị chính bàn tay cô vứt bỏ…

Những mối tình dang dở

Sinh ra ở miền quê nghèo Thái Nguyên, Đinh Thị N. (SN 1987) sớm tìm đường lên thành phố, những mong có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một mình mẹ N. phải gắng gượng nuôi 5 chị em cô vì cha mất sớm, nhưng bà là người chiều con, chẳng bao giờ dám mở miệng ngăn cản các quyết định của con cái bao giờ.

 Lo lắng cho thân gái phải bươn trải chốn thị thành, nhưng mẹ N. vẫn không dám ngăn cô con gái mới lớn rời bỏ mình để đến “miền đất hứa”.

Lên Hà Nội năm 18 tuổi, N. vào làm chân bưng bê cho 1 tiệm ăn. Nơi đô thị, N. đã trải qua mối tình đầu với 1 người đàn ông đã có vợ, làm nghề lái xe.

Sau 8 tháng say trong men tình, N. mới nhận ra người yêu mình chỉ là kẻ lừa dối. Khi biết được sự thật về việc anh ta đã có vợ con, N. trốn chạy bằng cách bỏ về quê, không để lại một lời nhắn gửi.

Về quê, cô xin vào làm ở 1 quán cà phê gần Đài truyền hình tỉnh. Và một lần nữa, trái tim cô lại rung động trước chàng phóng viên của đài truyền hình gần đó.

Thế nhưng một lần nữa tình yêu của N. lại dang dở khi bố mẹ người yêu cho rằng, cô không xứng đáng với con trai họ nên đã ra sức cấm cản.

Tình yêu của chàng phóng viên cũng không đủ lớn để anh vượt qua sự ngăn cản từ phía gia đình. Vậy nên, một lần nữa, N. lại phải ôm trái tim đau. Lần này cô lại chạy trốn. Cô bỏ lên thành phố tìm việc làm.
 
Con đường thành gái bán dâm

N. dọn đến ở chung với 1 người bạn cùng quê. Cô gái này được bạn trai giàu có mở cho một quán cà phê để làm chủ. Sau một thời gian làm ở chỗ bạn, N. nhận ra đó là quán cà phê trá hình, thực chất là nơi hành nghề của những cô gái “bán phấn buôn hương”.

Quay lại chốn phồn hoa đô hội, cô gái tỉnh lẻ như N. bị choáng ngợp bởi những thứ vật chất nơi đô thị. Và rồi cô sa ngã sau những lời tỉ tê của bạn.

Lần đầu cô bán “cái ngàn vàng” cho 1 đại gia. Trinh tiết của cô đáng giá 8 triệu đồng. Cầm trong tay số tiền 8 triệu đồng - số tiền nhiều nhất mà cô từng được sở hữu, N. không biết nên vui hay nên buồn.

Nhưng rồi cái cảm giác hổ thẹn đó nhanh chóng qua đi. Có tiền, cô mua sắm cho mình đủ thứ quần áo, phấn son, những thứ đồ mà trước đó cô chỉ dám mơ mà chưa một lần đủ tiền để chạm tay đến.

Đinh Thị N


Giải thích về việc mình bước chân vào con đường làm gái bán dâm, N. nói: “Em cũng không biết tại sao mình lại theo cái nghề đó nữa. Có lẽ là vì em ham chơi bời quá, muốn có cái này cái kia, những thứ mà bạn bè đồng lứa đều có nhưng em có mơ cũng không có được...”

Và sau lần đầu bán “cái ngàn vàng” đó, N. bước chân vào nghề làm gái bán dâm với mỗi lần đi khách từ 2-3 triệu đồng. Cuộc đời cô kể từ lúc này hiếm khi có được nụ cười trên môi dù tiền tiêu rủng rỉnh.

Nuối tiếc tình yêu đẹp

Trong những năm tháng làm gái bán dâm đó, N. liên tục thay đổi chỗ ở, bởi mỗi khi đến thuê trọ ở đâu đó, cô không thể chịu nổi ánh mắt khinh thị của những người hàng xóm khi họ biết cô làm gái bán dâm.

Và lần thay đổi chỗ trọ cuối cùng, cô đã gặp được tình yêu của mình, mối tình đẹp mà cô bước vào như đi trong mơ khi người yêu cô là 1 chàng sinh viên nghèo, ở cùng xóm trọ. N. nhớ lại ngày đầu tiên cô gặp chàng sinh viên nghèo.

Đó là ngày 20/10/2010, khi cô mới dọn đến ở xóm trọ ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. “Hôm đó các nhân khẩu nam của xóm trọ tổ chức ăn mừng ngày dành cho chị em phụ nữ. Trong bữa tiệc đó, em đã gặp anh ấy”, N. kể.

Ngay lần đầu gặp gỡ, chàng sinh viên nghèo đã bị N. hớp hồn. Nhìn cô trong bộ quần áo giản dị, gương mặt hiền, đôi mắt biết cười và hàm răng trắng đều, không ai nghĩ N. làm nghề “bán phấn buôn hương”.

Tình yêu đến với N. và chàng sinh viên hết sức tự nhiên. Đầu tiên là những giúp đỡ thông thường như, khi N. đi làm chưa về, gặp hôm trời mưa, chàng sinh viên luôn thu gom quần áo, gấp cẩn thận rồi tối về giao lại cho chủ nhân của nó.

Rồi những cử chỉ quan tâm, chăm sóc nho nhỏ, khi là bắp ngô, lúc là cái bánh rán dúi vội... Những việc làm nhỏ bé đó đã đưa 2 người xích lại gần nhau hơn, rồi họ yêu nhau lúc nào không biết.

Khi yêu N., chàng sinh viên năm cuối biết cô làm thứ nghề mà xã hội vốn không tôn trọng, thế nhưng anh vẫn không thể ngăn trái tim mình thôi rung động trước cô gái xinh đẹp, có nụ cười thật duyên.

Chàng sinh viên thì chân tình, nhưng N. cho biết, cô bước vào tình yêu với nỗi mặc cảm to lớn về thân phận “làm gái” của mình. Khi biết N. có tình yêu mới, những “đồng nghiệp” của cô cho rằng: “Khi đã làm nghề này rồi thì làm gì có người thật lòng với mình”.

Đem mặc cảm tự ti đó, N. cũng không dám rộng lòng đón nhận tình cảm chân thành của chàng sinh viên. Cô vừa yêu vừa đề phòng, chỉ sợ có ngày mình bị tổn thương.

Món quà mà chàng sinh viên dành cho N. không phải là những thứ hàng hiệu đắt tiền, nhưng N. vẫn luôn quý trọng những món quà xuất phát từ tấm chân tình của chàng sinh viên nghèo.

“Khi thì anh ấy mua áo đôi cho 2 đứa, có lúc anh mua liền 4 đôi giầy cho em đi thay đổi”, N. kể.

Tình yêu của họ không màu mè, chỉ là những buổi cùng ngồi chơi games, cùng ra đầu ngõ ăn những món quà vặt bình dân, nhưng cũng đủ cho N. thấy ấm lòng, không giống như khi ở bên những gã đàn ông lắm tiền nhiều của nhưng chỉ coi cô là công cụ để thỏa mãn dục vọng.

Để  chứng minh tình cảm thật lòng của mình dành cho người yêu, chàng sinh viên đã đưa N. về quê ra mắt mẹ. Vậy mà cậu sinh viên nghèo vẫn không khiến N. tin tưởng.

“Em không nghĩ là người ta thật lòng với mình. Khi đó em nghĩ, tình cảm của anh ấy dành cho mình chỉ là gió thoảng mây bay thôi nên bản thân em không dám hết lòng đón nhận tình yêu của anh ấy”, N. nói.

Yêu N., chàng sinh viên khổ sở khi không thể khuyên cô bỏ nghề. Nhiều đêm, cậu sinh viên nhẫn nại chờ N. đi làm về. Cậu ta đứng ngồi không yên, nhắn tin cho cô: “ Đừng nên đi chơi khuya, mọi thứ cần có điểm dừng...”.

Thế nhưng N. đã không biết đến điểm dừng đó. Cô bị công an bắt quả tang khi đang bán dâm cho khách tại 1 nhà nghỉ. Đó là lý do cô bị đưa vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 Ba Vì – Hà Nội.

 N. tiếc nuối nhớ lại: “Hôm đó em đã định ở nhà, chờ anh ấy đi dạy thêm về rồi cả hai đi chơi. Nhưng gần đến giờ anh về, em có khách gọi, lưỡng lự một lát rồi cuối cùng em lại nhận lời “đi khách”. Kể từ hôm đó, em không được gặp anh ấy nữa...”

N. bị đưa vào Trung tâm 2 đã được 5 tháng. Từ đó đến nay cô bặt tin về người yêu. “Hôm chị em đến dọn đồ của em, anh ấy buồn lắm, có sang hỏi thăm thì chị em bảo em vào TP HCM rồi...”, N. nói.

Trong màu áo xanh của học viên Trung tâm 2, gương mặt Đinh Thị N. (SN 1987, ở Thái Nguyên) sáng bừng khi kể về tình yêu của mình với chàng sinh viên nghèo lúc cô còn là 1 gái bán dâm.

Giờ thì hạnh phúc đã vuột khỏi tay cô. Những ngày tháng phải lao động ở Trung tâm 2, kỷ niệm tình yêu với chàng sinh viên nơi xóm trọ nghèo như thứ kẹo được N. cất giấu kỹ, thỉnh thoảng lại lôi ra nhấm nháp vị ngọt của nó.

Cô tiếc lắm khi có được tình cảm chân thành của chàng sinh viên dành cho mình nhưng cô đã không biết quý trọng, không biết điểm dừng để có được hạnh phúc.

“Đôi khi em nhớ và muốn gặp lại anh ấy, thế nhưng em nghĩ mình không nên gặp lại anh thì hơn. Bởi em thấy hổ thẹn với anh ấy vô cùng. Hơn nữa không gặp lại em thì tốt cho anh ấy hơn”.

Lúc này đây, N. vẫn hàng ngày lao động chăm chỉ để mong sớm có ngày tự do. Mỗi ngày trôi qua, cô đều cầu chúc cho người yêu mình sớm tìm được tình yêu mới, xứng với anh hơn...
 

  • Hoài Anh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn