Điệu múa linh thiêng của đất nước Phù Tang
Bon-Odori là một điệu múa truyền thống trong lễ O-Bon – vốn một nghi lễ đơn giản, nhằm mục đích tưởng nhớ ông bà tổ tiên, xua đuổi tà ma, cầu nguyện bình an cho bản thân và gia đạo. O-Bon là sự giao thoa, tiếp nỗi giữa truyền thống của Nhật Bản và Ấn Độ, còn có cái tên khác là Xá tội vong nhân.
Tương truyền, mỗi năm một lần, linh hồn tổ tiên sẽ trở lại dương thế, mang theo những lời cầu an cho con cháu về quá khứ, hiện tại và tương lai (quá khứ là sự nhẹ nhõm, hiện tại là lòng trân trọng, tương lai là chí tiến thủ). Và để chào đón cũng như tạo tạo điều kiện thuận lợi cho những linh hồn vừa trở về ấy, con người quyết định sẽ cất lên những bài ca và điệu múa nhiều màu sắc.
Đến cuối thế kỷ 14, người dân Nhật Bản vẫn bắt chước những linh hồn lang thang. Họ đi từ nhà này sang nhà khác, chúc tụng, và nhảy những điệu múa theo nghi lễ để cầu chúc cho tổ tiên của gia đình. Theo thời gian, những bộ trang phục hành lễ đã rũ bỏ dần lớp vải trang trọng, thay vào đó là những chiếc đèn lồng hình hoa đăng được kết cài sặc sỡ. Vải vóc, tiền tài chỉ là phù du, nặng gánh, hữu sắc vô hương. Người dân Nhật hy vọng, bằng những chiếc đèn lồng này, song hành cùng điệu múa của mình, có thể soi rọi và mang lại niềm an yên cho những “hồn khách” mới trở lại dương thế. Cùng với thời gian, điệu múa và các bài hát cầu nguyện đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành lễ, bầu không khí tưởng niệm đã dần nhường chỗ cho tính chất lễ hội, và cứ thế, nó trở thành Bon như bây giờ.
Nét đẹp truyền thống vẫn vươn lên mạnh mẽ giữa hơi thở hiện đại
Ngay nay, đón tiếp tổ tiên của gia đình đã không còn là chuyện riêng của mình ai. Điệu múa Bon – Odori đang được hồi sinh và phát triển rộng rãi. Đó vốn là một nét đẹp văn hóa, cần được bảo tồn và phát huy. Dưới bầu trời đen huyền, lấp lánh ngàn vì sao, một điệu múa thanh tao khoe sắc, cùng những chiếc đèn lồng rực rỡ, hòa cùng mùi tương, bỏng ngô và mực nướng, đám đông đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ tròng những bộ quần áo Yukata (bộ Kimono mùa hè bằng vảo bông). Tất cả đã tạo thành bầu không khí của lễ hội. Không xô bồ, không ồn ã, vừa dân dã, nhưng không dung tục.
Bon-Odori không có quy định chính thức nào về trang phục. Song vì muốn hòa nhập thực sự vào bầu không khí lễ hội, nên đa số người tham gia sẽ mặc Yukata (bộ Kimono mùa hè được may bằng vải bông, mỏng và mát). Nếu có thêm quạt tròn hoặc quạt xếp thì sẽ càng tạo thêm sự trang nhã. Người tham dự cũng có thể giắt quạt vào Obi (tên gọi tiếng Nhật của thắt lưng Kimono, Yukata) để tránh vướng víu và tăng thêm sự điệu đà. Obon vốn là ngày tưởng nhớ người đã khuất, cũng như là dịp đoàn viên của cả gia đình, nên một bộ Yukata đơn giản là phù hợp Nhất.
Tổ chức Bon – Odori không cần cầu kỳ. Chỉ cần một bãi đất trống, một chiếc trống cái đặt trên đó để hòa nhịp với nền nhạc sống hoặc phát ra từ băng đĩa, là một sân khấu được tạo thành. Thông thương, nếu sân khấu lớn, ban tổ chức sẽ mời một nhóm nhảy mẫu. Họ thường là các thành viên trong câu lạc bộ địa phương, đóng vai trò dẫn dẵn, điều hướng cho cả đám đông. Nếu không, họ sẽ kết thành một vòng tròn nhỏ, quanh sân khấu, trình diễn nhiều điệu nhảy và đơn giản. Khi đó, phần lớn những người tham dự kết thành vòng tròn lớn ở bên ngoài chỉ cần bắt trước hoặc nhảy theo người ở bên trong. Không ai nhảy đôi mà cả một tập thể sẽ trở thành vòng nhảy, thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng. Do những bước nhảy ngược chiều kim đồng hồ nên tất cả tạo thành một vòng tròn sặc sỡ, nhiều màu, nhẹ nhàng dịch chuyển quanh tâm của sàn nhạc.
Dù nhiều thế kỷ đã qua đi, song vào dịp tháng tám hằng năm, hàng triệu người dân Nhật sẽ tạm dừng tất cả các công việc dang dở để hành hương về quê cùng vui chung với cộng đồng địa phương, thả hồn theo tiếng nhạc và điệu múa. Đó là một truyền thống tốt đẹp, một sự tri ân tưởng nhớ của người đương sống dành cho những người đã khuất, về công ơn dưỡng dục, sinh thành.