Đời sống) - Trong hai ngày 8-9/9, tại khu vực biển nằm phía tây thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; hàng trăm ngư dân trong và ngoài tỉnh đổ về "hôi của” tàu chở đồ cổ bị đắm.
Tại khu vực biển nằm phía tây thôn Châu Thuận, trên khoảng diện tích 1000m2 xung quanh khu vực chiếc tàu cổ bị đắm nằm cách bờ chưa đến 40m, ước trên 30 chiếc tàu lớn nhỏ đang neo đậu chen chúc nhau.
Cùng với máy hút cát nổ ầm ĩ, phun những cột nước đục ngầu; trên các khoang thuyền hàng trăm ngư dân đang tất bật với các công việc: Thả dây hơi cho thợ lặn, người thì canh chừng cho tàu khỏi va đập vào nhau; một số khác thì đang vội vàng đeo chì vào lưng, rồi mang gương, ngậm ống hơi để chuẩn bị nhảy xuống biển thay thế cho số thợ lặn vừa lên...
Người và phương tiện đang đậu chen nhau xung quanh khu vực tàu chở đồ cổ bị đắm để tìm kiếm |
Trong buổi chiều cùng ngày 8-9, gần trăm người dân ở địa phương hiếu kỳ tập trung bờ biển. Trong khi đó, nhiều thương lái buôn đồ cổ trà trộn vào người dân địa phương tìm mua cổ vật. Theo nhiều người dân cung cấp thông tin, một số cổ vật người lấy trái phép được thương lái ra giá hàng triệu đồng.
Theo nhiều người dân địa phương cho biết, cách đây vài hôm, một số người vớt được nhiều tấm ván gỗ nổi trên mặt nước. Những tấm gỗ này khác thường, giống ván đóng tàu cổ. Cho đến khi một nhóm thợ lặn phát hiện tàu cổ bị chìm trong lòng cát.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi - cho biết: Qua kiểm tra một số cổ vật tô men ngọc sứ được phát hiện trong tàu bị chìm cho thấy các gốm sứ thuộc thời Minh (Trung Quốc), ở thế kỷ XV”.
Và cho biết thêm, địa điểm khu vực Bình Châu, huyện Bình Sơn, hàng trăm năm trước đây tàu buôn bán gốm, sứ thường đi qua lại giao thương. Giai đoạn này, các thuyền buồm từ Trung Quốc giao thương trên con đường tơ lụa đến vùng Đông Nam Á, Ấn Độ Dương.
Hưng thịnh nhất là vào thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Có thể do gặp thời tiết xấu, thuyền buồm đã chìm tại vùng biển này. Theo ông Khôi, năm 1999, Bảo tàng Quảng Ngãi cũng đã phát hiện nhiều gốm, sứ của một tàu gỗ bị đắm tại khu vực biển Bình Châu.
Một số đồ cổ ngư dân vớt được |
Do nhiều người tranh thủ mò lặn cùng nhiều máy hút cát hoạt động tối đa trước khi cơ quan chức năng phát hiện, hàng trăm đồ gốm, sứ trong tàu gỗ bị vỡ trước khi đưa lên bờ.
Khi Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Biên phòng tỉnh ngăn chặn không cho các tàu cá và người dân lấy cổ vật trái phép, người dân đã la ó, phản ứng lại.
Sau khi được lực lượng Công an vận động, tuyên truyền về việc không được xâm phạm trái phép cổ vật, người dân và các tàu mới lần lượt rời khỏi khu vực tàu cổ bị đắm.
Có những tin đồn cho rằng thợ lặn ở Châu Thuận đã thu được hàng trăm triệu, rồi cả tỉ đồng từ vớt đồ cổ. Những lời đồn đã trở thành thỏi nam châm cuốn hút không chỉ ngư dân địa phương, mà nhiều thợ lặn ở vùng lân cận, như huyện Lý Sơn và cả tỉnh Bình Định cũng đưa phương tiện về khu vực trên lặn tìm.
Rất nhiều người dân địa phương hiếu kỳ tập trung ở bờ biển, trong đó có cả thương nhân buôn đồ cổ trà trộn |
Mặc dù lực được lượng Biên phòng và Công an bảo vệ, nhưng trong tối ngày 8/9, nhiều tàu thuyền vẫn lảng vảng khu vực tàu cổ đắm.
Với số lượng người và phương tiện tham gia tìm kiếm chen chúc trong một phạm vi hẹp như vậy là thật sự rất nguy hiểm. Anh Hải, một người dân ở đây, nói: "Nước thì bị máy hút, thổi khuấy đục ngầu; trong khi đó thợ lặn thì đông, đó là chưa kể nhiều người còn sử dụng cào, móc sắt... để bới tìm nên không bị thương tích mới là lạ."
Được biết sáng 9/9, đã có một thợ lặn ở đảo Phú Quý bị thương tích vào mặt phải đưa đi cấp cứu. Thiết nghĩ cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường lực lượng để giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực trên.
Có thể nói, trong thời gian gần đây, hiện tượng lợi dụng lợi dụng sự hỗn loạn, mất cảnh giác của người bị nạn hay các cơ quan chức năng để hôi của đã diễn ra khá phổ biến. Hành động này dù không được nhiều người ủng hộ, nhưng nó lại đang diễn ra một cách khá thường xuyên trong cuộc sống thường nhật.
Trước đó, vào ngày 12/8, hiếc xe tải BKS 77K - 9622 chở khoảng hơn 20 tấn thức ăn hỗn hợp cho vịt đẻ hiệu Green Feed đang lưu thông trên Quốc lộ 19 theo hướng từ thị trấn Tuy Phước về TP Quy Nhơn (Bình Định) đến địa phận thôn Phong Thạnh bất ngờ lật nhào xuống ruộng.
Hàng hóa văng tung tóe, lợi dụng việc xe bị tai nạn, nhiều người dân địa phương đã xông vào hôi của, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngày 6/5, một vụ hôi của vô cảm tương tự cũng diễn ra trên đường tránh TP Vinh. Vào thời điểm đó, chiếc xe tải chở gần 200 con lợn mang BKS 36M-9945 do tài xế Vũ Văn Sơn (SN 1972, trú Thanh Hóa) điều khiển bị gãy nhíp, lật chỏng chơ giữa đường.
Những người dân quanh đó và người qua đường thấy vậy đã ùa lại lùa bắt lợn tạo ra một cảnh tượng nhốn nháo và gây tắc đường cục bộ. Dù bị thương nhưng tài xế cũng cố trườn ra ngoài để lùa lợn vào khuôn viên của một công ty gần đó. Theo tài xế Sơn, lợi dụng lúc hỗn loạn một số người dân đã bắt lợn và lấy một số ống típ sắt của mình.
Một vụ việc khác là vào 15 giờ chiều 16/6/2011, một người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã năm An Dương Vương (đoạn giao nhau của các đường An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh thuộc phường 8 và 9, quận 5, TP.HCM) thì bị hai tên cướp đi xe máy từ phía sau giật túi xách.
Nhưng người đàn ông đã giằng lại được giỏ xách để không bị rơi vào tay hai tên cướp. Sự giằng co khiến quá quyết liệt khiến túi xách bị rách, số tiền bị bung ra đường.
Lợi dụng tình cảnh đó, nhiều người đi xe máy gần đó đã lao vào nhặt tiền trước sự thẫn thờ bất lực của người đàn ông bị nạn.
Chỉ trong vòng chưa tới hai phút, số tiền của người đàn ông ấy đã bay vào túi của những người “hôi của” quá vô tâm và họ thản nhiên...đi mất.
Theo Điều 137 Bộ luật Hình sự, đối tượng có thể bị xử lý hình sự về tội này nếu tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Trường hợp vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính với mức “phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng” theo Khoản 1b Điều 18 Nghị định 73/2010 của Chính phủ.
Trước một hiện tượng diễn ra thường xuyên như vậy, liệu đã đến lúc cơ quan chức năng chấm dứt việc coi đây chỉ là chuyện bình thường để có những biện pháp xử lý mạnh tay theo pháp luật nhằm ngăn chặn, tiến tới việc chấm dứt nạn hôi của trong xã hội?
- Ngọc Lê (Tổng hợp)
[links()]