“Độc thủ đại hiệp”– võ sư Mã Vĩnh Trinh

15:14, Thứ năm 22/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Bắt đầu làm thơ từ năm 1960, đến nay ông đã cho ra mắt 3 tập thơ: Bến vắng chiều xưa, Tiếng gọi mưa đêm, Gió vọng rừng chiều với hơn 400 bài. Có thể nói thơ và võ đã hoà làm một trong ông.

Niềm an ủi lớn nhất của vị võ sư này là hiện có hơn 300 môn sinh miệt mài luyện tập Quảng Nam võ đạo ở trong và ngoài nước.  Ngoài ra, làm thơ là niềm vui lớn của ông và cũng là phương cách tốt nhất giúp ông thoát khỏi những muộn phiền, hiu quạnh.
[links()]
Thành danh Mã Vĩnh Trinh

Năm 18 tuổi, ông bà nội đều qua đời, thời buổi chinh chiến, Võ Đình Quý lìa quê, bắt đầu những tháng ngày phiêu bạt. Cũng có lúc quá tuyệt vọng, anh xuống tóc núp bóng cửa thiền mong tìm quên trong lời kinh tiếng kệ.

Thế nhưng, dòng máu võ đạo vẫn nung chảy trong nhiệt huyết chàng trai trẻ, thúc giục anh lên đường Nam tiến.

Trong cái rủi có cái may, ngoài công việc mưu sinh, hầu hết thời gian Quý dành cho võ học. Những tháng năm rày đây mai đó, Quý may mắn được thụ giáo những bậc thầy trong làng võ như “Hàm xám miền Trung” Hà Trọng Sơn, Kim Sang, Huỳnh Tiền –vô địch Đông Dương, Dương Văn Quảng, Mã Thành Long…

Với vốn võ học đa dạng, kết tinh từ dòng võ Quảng Nam Võ đạo, Bình Định, An Thái, Thiếu Lâm, quyền Anh, tự do, năm 23 tuổi Võ Đình Quý bắt đầu bước lên võ đài, ấn chứng thành quả khổ luyện.

Để nhắc nhở tinh thần mã thượng của người võ sĩ cùng cái chết  thảm khốc của song thân tại đập nước Vĩnh Trinh, anh lấy biệt danh “Mã Vĩnh Trinh” khởi đầu võ nghiệp.

Mã Vĩnh Trinh vẫn miệt mài võ luyện và truyền đạt cho hậu bối
Mã Vĩnh Trinh vẫn miệt mài võ luyện và truyền đạt cho hậu bối

Rút tỉa những đòn thế tinh hoa của nhiều môn phái, Mã Vĩnh Trinh dần hình thành một lối đánh riêng với phương thức tấn công áp sát, kỹ thuật cận chiến điêu luyện, phù hợp với thể trạng vốn không phải là cao lớn của anh.

Trong thập niên 60, cái tên Mã Vĩnh Trinh nổi lên như một hiện tượng của làng võ với những chiến thắng vang dội nối tiếp để trở thành ‘mãnh hổ miền Trung”.

Một trong những trận đấu để lại ấn tượng mạnh của Mã Vĩnh Trinh là trận quyết đấu một mất một còn với Đinh Khơ Lông, người được mệnh danh “chàng Tarzan của Tây Nguyên”.

Suốt 3 đêm thủ đài, Đinh Khơ Lông liên tiếp hạ gục nhiều đối thủ sừng sỏ bằng những loạt đòn đánh xa như vũ bão, cộng thêm những hành động múa may bùa chú trông rất đáng sợ. Đến đêm cuối cùng thì không còn võ sĩ nào dám thi đấu với Đinh Khơ Lông.

Ban tổ chức đang lo thì võ sư Lê Kỳ đề cử Mã Vĩnh Trinh. Theo ông, Mã Vĩnh Trinh chưa có tên tuổi, nhưng đởm lược, lối đánh tấn công áp sát của chàng võ sĩ nhỏ con này, luôn làm nản lòng nhiều đối thủ. Khi được hỏi “có dám đấu với Đinh Khơ Lông không?”

Mã Vĩnh Trinh bình tĩnh phân tích: “Đúng là anh ta có tài, toàn diện cả ba mặt thể hình, thể lực, và kỹ thuật, nhưng nhiều đối thủ tài nghệ ngang tầm lại thua anh ta vì tâm lý.

Chính những cử chỉ niệm bùa chú của anh ta làm đối phương hoang mang, nhụt nhuệ khí…”. Trận quyết đấu diễn ra vào ngày 21/6/1967 tại Cẩm Lệ, Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam.

Đây là trận đấu chấp cân, Mã Vĩnh Trinh chỉ 55kg, trong khi Đinh Khơ Lông đến 68 kg. Thời đó, trận then chốt phải đánh 6 hiệp, võ sĩ hao tốn rất nhiều sức lực.

Trận đấu quyết liệt từ đầu đến cuối. Gần cuối hiệp chót, Mã Vĩnh Trinh vẫn kiên trì đấu pháp đeo bám đối thủ ráo riết, buộc Đinh Khơ Lông phải di chuyển rộng, hạn chế đòn hãm công của đối phương.

Bỗng anh ta nhảy ra xa, khoa tay, miệng lâm râm “niệm bùa”. Chính đòn tâm lý này đã khiến nhiều võ sĩ thua ngược anh ta. Không để mắc mưu Mã Vĩnh Trinh lập tức áp sát, nhập nội, tung đòn chỏ lật “Phượng dực hoành phong” khiến Đinh Khơ Lông bị “knock out” tức khắc.

Trong những chiến thắng oanh liệt nhất, trận đụng độ với võ sĩ Campuchia được xem trận đấu để đời của Mã Vĩnh Trinh. Tháng 7/1967 đoàn Võ đài lưu động Phương Nam của võ sư Mút tây da người Campuchia đến dựng đài tại Hòa Khánh, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Tổ đường Quảng Nam võ đạo
Tổ đường Quảng Nam võ đạo

Từ lâu làng võ Việt Nam đã biết tiếng Mút tây da có cú “Nghịch lân cước” có thể đá chết một con bò. Ngọn độc cước này được truyền lại cho người học trò tâm đắc là Mút tây đô. So về sức vóc, ngọn cước của Mút tây đô còn đáng sợ hơn cả thầy.

Đêm đầu tiên, hai thầy trò người Campuchia thay nhau thủ đài, hạ hầu hết võ sĩ Việt Nam. Qua đêm thứ hai, làng võ đất Quảng cử một võ sĩ dày dạn là đội Quế đương đầu với Mút tây đô. Qua 5 hiệp đấu cả hai võ sĩ ngang sức ngang tài bất phân thắng bại.

Đến cuối hiệp 6, Mút tây đô tung sở trường “Nghịch cước liên hoàn” tống đội Quế rớt xuống đài, bất tỉnh. Làng võ đất Quảng rúng động. Liên đoàn Võ thuật miền Trung họp khẩn cấp, tìm đối sách.

Nếu đêm thứ 3 không có võ sĩ Việt Nam xứng tầm thượng đài, các tay đấm miền Trung không chỉ thất bại ngay tại sân nhà, còn mất mặt làng võ Việt Nam. Cuộc họp gần như bế tắc thì Mã Vĩnh Trinh vào đăng ký thi đấu.

Lúc này, về danh tiếng Mã Vĩnh Trinh mới nổi lên, nhưng xét về thành tích, kinh nghiệm trận mạc lẫn thể lực, thể hình đều không thể sánh với Mút tây đô. Mọi người phân vân nhưng Mã Vĩnh Trinh vẫn cương quyết, mong gỡ gạc thể diện cho người xứ Quảng.

Đêm ngày 11/7/1967, trận đài then chốt trong đêm võ đài thứ 3 diễn ra giữa Mút tây đô và Mã Vĩnh Trinh. Nhìn qua sức vóc hai võ sĩ, mọi người không khỏi lo ngại cho Mã Vĩnh Trinh. Thế nhưng, chàng võ sĩ Việt Nam đã chơi lấn lướt ngay từ đầu khiến mọi người cổ vũ hết mình cho trận đấu hấp dẫn.

Qua hiệp 2, Mã Vĩnh Trinh tỏ ra nôn nóng áp đảo đối phương ráo riết, buộc Mút tây đô phải lui về phòng thủ. Dù thấp bé hơn đối thủ, Mã Vĩnh Trinh lại nhanh nhẹn, đòn đánh tốc độ, chiêu thức đa dạng, áp đặt lối chơi, buộc đối phương phải thụ động chống đở vất vã.

Thấy khó hy vọng, Mút tây đô lại giở độc chiêu “Liên hoàn nghịch cước”, tung liên tiếp nhiều cú đá hiểm hóc về phía đối phương. Mã Vĩnh Trinh phải biến thế “Hộ thân thiên cang” mới tránh được cú đá thứ ba. Bỗng Mút tây đô hét lên, tung hết sức vào ngọn cước chết người.

Như đã dự tính, Mã Vĩnh Trinh hơi ngửa người, tránh đòn đá rồi nhập nội tung ra đòn hiểm “Chấn động càn khôn”, song quyền như gọng kềm đấm xốc vào hai mạn sườn làm Mút tây đô đo ván.

Năm 28 tuổi, Mã Vĩnh Trinh bắt đầu dạy võ tại Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). Cũng năm này, một tai họa đến với anh. Một mảnh pháo lạc đã tiện đứt bàn tay phải và một phần bụng, tưởng như anh phải vĩnh viễn rời xa nghiệp võ.

Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường, Mã Vĩnh Trinh phải làm lại từ đầu với một bàn tay. Anh phải bắt đầu tập lại từ cái ăn, cái mặc, tập viết và nhất là tập quyền cước với bàn tay phải đã mất.

Lòng kiên trì, ý chí vươn lên của người võ sĩ được đền đáp Tháng 5/1970, tức 2 năm sau đó, Mã Vĩnh Trinh được Tổng cuộc quyền thuật Sài Gòn cấp bằng võ sư, được phép đào tạo môn sinh lúc vừa tròn 30 tuổi.

Mã Vĩnh Trinh đã ra sức luyện thành tuyệt kỹ “độc thủ xuyên sơn”, biến cánh tay cụt trở nên lợi hại như một đoản côn bằng thép. Nếu tung đòn chính xác thì vô cùng lợi hại, địch thủ không thể bắt, giữ hay khoá được. Vì thế những người ái mộ đã gọi ông với biệt danh “Độc thủ đại hiệp”.

Sau năm 1975 mọi sinh hoạt võ thuật tạm đình chỉ, Mã Vĩnh Trinh vào TP.HCM mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Vợ qua đời năm 1980, để lại hai đứa con mà đứa lớn mới 4 tuổi.

Lúc ấy gia cảnh khốn khó, ông làm không biết bao nhiêu nghề, ở không biết bao nhiêu gầm cầu xó chợ và không biết bao nhiêu lần lả đi vì đói. Có lúc người ta bắt gặp chàng võ sĩ danh tiếng ngày nào sống dưới gầm cầu hay ngủ trên thớt thịt, bán thuốc lá bên đường…

Năm 1990, Mã Vĩnh Trinh được võ sư Hà Châu, chưởng môn Hồng gia quyền giúp đỡ, trở thành hội viên Hội Võ cổ truyền TP.HCM. “Hằng ngày tôi đứng bán thuốc lá trên đường Kỳ Đồng kiếm tiền nuôi con, tối dạy võ ở Quận đoàn quận 3” – MÃ Vĩnh Trinh từng kể. Cũng từ đó ông quyết chí khôi phục và chính thức truyền bá Quảng Nam Võ đạo.

Nhiều môn sinh của Mã Vĩnh Trinh đã trở thành võ sư như: Nguyễn Thanh Bạch Nhựt, Đoàn Ý Giao Linh, Nguyễn Văn Chương, Võ Văn Ung, trọng tài quốc gia Nguyễn Tấn Dũng…Điều ông tự hào và vui nhất là nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của lãnh đạo ngành và các cấp, trong đó có nhận xét của Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền TP.HCM Võ Minh Thế:

“Đã nhiều năm, nói về kỷ luật thì Quảng Nam võ đạo là môn phái luôn về nhất toàn thành”; còn phụ huynh thì phấn khởi vì con em họ ngày một tiến bộ về mặt thể chất lẫn đạo đức.

Năm 1991, môn sinh Nguyễn Thanh Bạch Nhựt đoạt huy chương bạc giải toàn thành phố, năm sau cũng ở giải này, Nguyễn Văn Tư lại giành huy chương bạc thứ 2. Trong giải Phù Đổng 2006 quận 12, 10 môn sinh thi đấu thì có 9 môn sinh đoạt giải nhất.

“Văn  không võ, văn nhu nhược/ Võ  không văn, võ bạo tàn”. Những người tà tâm thì không nên biết võ. Vì thế mà ông từ chối và đuổi thẳng thừng những môn sinh học võ mà không có cái tâm trong sáng. “Học võ không chỉ để biết võ mà còn để giúp ích cho đời.

Võ cổ truyền trong lịch sử đã làm được những việc vô cùng vĩ đại: phục vụ  sự nghiệp bảo vệ non sông, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước. Học võ ngày nay, chí ít cũng phải giúp đỡ được người khác” - ông luôn dặn học trò như vậy.

Điều trăn trở lớn của Mã Vĩnh Trinh là làm sao để võ cổ truyền Việt Nam trở thành quốc võ đúng với bản chất của nó. Theo ông, các môn phái võ cổ truyền Việt Nam đã phát triển mạnh, có mặt ở hơn 30 nước trên thế giới, như vậy đã có nền tảng để phát huy. 

Nếu chúng ta biết cách làm, có đội ngũ quản lý thể thao thiết tha với võ cổ truyền thì khả năng đưa võ cổ truyền thành môn thể thao hiện đại mang bản sắc Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu theo chương trình quốc tế,  trở thành môn thi đấu chính thức trong SEA Games, Asiad... là trong tầm tay.

Từ ngày 1/3/ 1991 đến nay Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam đã thống nhất 10 bài quyền, binh khí quy định lấy từ các kỳ thi của triều Nguyễn và một vài bài của cá nhân các võ sư còn lưu giữ để đại diện cho cả làng võ Việt Nam.

Tuy nhiên do cách tổ chức chưa thống nhất, bài quy định chưa bao gồm được tinh hoa võ thuật của các dòng võ Việt Nam, vì thế sức lan toả không rộng. Các võ đài đối kháng của Võ cổ truyền hiện nay chưa có nét đặc trưng riêng như các môn phái khác từ hình thức se đài (bái tổ), hiệu lệnh, trang phục đến đòn thế.

Mã Vĩnh Trinh đã từng gửi thư lên Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam rằng ông chỉ xin một điều ước là “trả lại Võ cổ truyền Việt Nam về với nguyên thuỷ”. Trước hết, về hình thức, theo ông nên khôi phục lại sàn đài thi đấu theo quy cách võ bị được truyền từ triều Lê.

Trải qua bao cuộc thăng trầm, khói lửa đao binh, người Việt vẫn giữ được hình thức sàn đài cổ truyền của cha ông để lại. Nhưng đến năm 1993 thì Võ cổ truyền Việt Nam bỏ đi sàn đài, thi đấu trên sân trống như môn Pencat Silat của Malaysia.

Thứ hai, đặc trưng Võ cổ truyền Việt Nam xưa nay trong thi đấu võ sĩ thường sử dụng những bộ ngựa (chân, tấn) rất linh hoạt như ngựa trấu, ngựa trảy, ngựa chảo mã…để nhập nội tấn công đối phương bằng chỏ, gối, đầu với nhiều chiêu thức độc đáo không tìm thấy trong các môn võ khác trên thế giới.

Thế mà hôm nay võ cổ truyền lại không cho sử dụng chỏ, gối, đầu; bộ ngựa không còn thấy ém bộ,  triệt bộ, xuất nhập mà cứ nhảy đại vào tấn công đối phương, đôi chân cứ nhảy chập chờn như quyền Thái, bộ đá thì giống Thái cực đạo (Taekwondo), còn bộ tay thì đấm như kiểu quyền Anh (Boxing)…

Tóm lại kiểu võ này gọi là võ tự do chứ không thể gọi là võ cổ truyền Việt Nam được.

Niềm an ủi lớn nhất của vị võ sư này là hiện có hơn 300 môn sinh miệt mài luyện tập Quảng Nam võ đạo ở trong và ngoài nước.  Ngoài ra, làm thơ là niềm vui lớn của ông và cũng là phương cách tốt nhất giúp ông thoát khỏi những muộn phiền, hiu quạnh.

Bắt đầu làm thơ từ năm 1960, đến nay ông đã cho ra mắt 3 tập thơ: Bến vắng chiều xưa, Tiếng gọi mưa đêm, Gió vọng rừng chiều với hơn 400 bài. Có thể nói thơ và võ đã hoà làm một trong ông.

Trong căn nhà nhỏ giăng đầy côn kiếm, dưới bóng hoàng hôn, vị “độc thủ đại hiệp” cất giọng sang sảng đọc những vần thơ chất chứa tình quê với đôi mắt nhoà đi vì lệ:

…Cũng từ nguồn trên cao xuôi xuống
Hai dòng sông cách trở hai miền.
Nhớ Thu Bồn không khỏi nhớ Duy Xuyên
Dâu xanh mướt và tơ tằm óng ánh

Bến sông quê nghe câu hò lanh lảnh
Chuyến đò xuôi về phố cổ Hội An.
Đêm đêm gối mộng mơ màng
Quê người mà ngỡ trăng vàng bến xưa…

Chuyện đời “độc thủ đại hiệp”– võ sư Mã Vĩnh Trinh )

  • Hoàng Tường Phong
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc