Đôi vợ chồng được Bác Hồ tác thành trong Tết Độc lập

06:11, Thứ bảy 23/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Bà trầm ngâm nhớ lại: “Có lẽ trong tâm tư anh Kháng coi Bác Hồ như người cha của mình. Mà trong tâm tư của Bác cũng có phần nào đó coi anh Kháng như con.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng (1912-1993) tên thật Nguyễn Văn Cao, quê xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Thái Bình là nơi đánh tiếng trống mở màn cho phong trào Xô viết 1930 ở miền Bắc. Đó cũng là năm Hoàng Hữu Kháng 18 tuổi, vừa làm công nhân nhà máy dệt Nam Định đồng thời vẫn tham gia hoạt động Nông hội đỏ ở quê nhà.
[links()]
Tháng 10/1939, Đảng bộ tỉnh Thái Bình tổ chức một cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, có diễn giả đến nói chuyện. Đồng chí Nguyễn Văn Cao phụ trách đội tự vệ, có nhiệm vụ bảo vệ diễn giả. Khi thực dân Pháp kéo đến, ông tham gia giải vây nên bị bắt, kết án tù 5 năm đày đi Sơn La.

Suốt ba năm từ 1939 đến 1941, thực dân Pháp giam ông ở các nhà tù Thái Bình, Hỏa Lò, Sơn La, Chợ Chu. Trong tù, ông tham gia vào tổ bảo đảm hậu cần cho các cuộc đấu tranh của tù nhân, từ xay thóc, giã gạo, nấu ăn...

Có sức khỏe tốt nên mỗi khi thực dân Pháp đàn áp tù nhân hoặc những trận đòn thù giáng xuống đầu những chiến sĩ cách mạng yêu nước, ông lại lấy thân mình chịu đòn cho đồng đội.

Tháng 2/1942, Nguyễn Văn Cao được kết nạp vào Đảng. Ông quý mến một người bạn trong tù là Đàm Văn Lý (anh ruột Thượng tướng Đàm Quang Trung) nên đã lấy tên bạn làm tên mình (Nguyễn Văn Lý) sau khi Đàm Văn Lý bị lính dõng chặt đầu vì trốn tù và Công sứ Sơn La là Cousseau đem bêu trước cổng nhà tù.

Tháng 8/1944, Xứ ủy Bắc Kỳ bắt liên lạc, tổ chức các cuộc vượt ngục ở căng Bá Vân – Nghĩa Lộ, nhà tù Chợ Chu, nhà tù Sơn La… Trong chuyến vượt ngục cùng Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng có 11 người, sau này họ đều trở thành những tướng lĩnh cao cấp của quân đội:

Thượng tướng Song Hào, Trung tướng – Bộ trưởng Lê Hiến Mai, Thiếu tướng Trần Thế Môn, Thiếu tướng Tạ Xuân Thu…

Gia đình Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng.
Gia đình Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng.

Tháng 4/1945, Hoàng Hữu Kháng được cử bảo vệ đoàn cán bộ từ Tân Trào về Bắc Giang dự Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ: Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình… Hội nghị này đã ra nghị quyết về xây dựng căn cứ, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang và chuẩn bị khởi nghĩa…

Kết thúc Hội nghị, ông quay về lại được điều sang phụ trách công tác chuẩn bị đón Bác Hồ về Tân Trào và phụ trách huy động dân công, xây dựng Trường Quân chính (tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân I) và quản lí Khu giải phóng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Với con mắt nhìn xa trông rộng, Người biết rằng sẽ còn trở lại Việt Bắc. Hồ Chủ tịch đã đề nghị các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Giản, Trần Thị Minh Châu và Hoàng Hữu Kháng ở lại Tân Trào để tiếp tục xây dựng và bảo vệ căn cứ.

Tháng 10/1945, trước yêu cầu của cách mạng, Hoàng Hữu Kháng được triệu tập về Thủ đô. Do rất giỏi võ, từng là võ sư, nên ông được giao làm Đội trưởng Đội bảo vệ phụ trách bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân duyên đẹp được Bác Hồ tác thành

Cuối năm 1945, bọn phản động quấy phá dữ dội. Đơn vị bảo vệ Bắc Bộ Phủ trước đó do đồng chí Đàm Quang Trung trực tiếp chỉ huy, được lệnh tăng cường cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.

Công tác bảo vệ Bác được Thường vụ Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm và giao cho các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh trực tiếp phụ trách.

Để bảo đảm an toàn cho Bác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn bí mật thuê một ngôi nhà cách dốc Cống Vị (ngược về phía chợ Bưởi), theo hướng từ Quần Ngựa đi lên chừng 300 mét bên bờ sông Tô Lịch.

Đây là biệt thự của gia đình chủ trường đua ngựa được dùng để tiếp khách và nghỉ ngơi khi ra ngoại thành.

Do yêu cầu của Thường vụ Trung ương Đảng, Đội tự vệ Thành bộ Việt Minh Hà Nội đã chọn ra 5 thanh niên trung kiên nhất túc trực tại đây để bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có một nữ thanh niên Trần Thị Thái, 19 tuổi, vừa được kết nạp Đảng tháng 10 năm đó.

Theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, cơ sở này đã đóng giả là một gia đình. Ông bố (tức Hồ Chủ tịch) cả ngày đi làm vắng nhà, chỉ đến tối mới về. Còn lại 5 người: anh Bình, anh An, anh Thử là con trai; con gái út là cô Trần Thị Thái và anh Tuất là người giúp việc nấu ăn của gia đình…

Một ngày gần cuối tháng 12/1945, đã muộn, xe đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống ngôi nhà ở Cống Vị, có anh Lý (tức Hoàng Hữu Kháng), anh Chuẩn (tức Vũ Kỳ) cùng đi. Hôm đó, Bác cho gọi cho Thái lên hỏi chuyện về hoàn cảnh gia đình, điều kiện công tác…

Bác hỏi đến đâu cô Thái trả lời đến đấy. Cô không suy nghĩ điều gì khác ngoài việc đây là thủ trưởng tìm hiểu những người phục vụ mà thôi. Khi biết cô chưa có gia đình, Bác đề nghị làm mối.

Bác nói: “Có chú Lý làm bảo vệ cho Bác, người ở Thái Bình, hoạt động từ sớm. Chú ấy cũng có gia đình rồi nhưng nhưng thực dân bắt đi đày, ở nhà vợ chú đã đi lấy chồng. Bây giờ chú ấy là người tự do. Bác làm mối cho, cô có bằng lòng không?

Cô Thái thưa thật: “Nếu được Bác thương tác thành cho thì con theo ý Bác”.

Vì chiến tranh, gia đình đi sơ tán hết không còn ai, cô Thái cũng không biết gia đình ở đâu nên lúc đó, ngày Tết đến gần, Hồ Chủ tịch đã thay mặt gia đình cả bên cô dâu và cả bên chú rể làm chủ hôn.

Sau đó, Bác nói với đồng chí Nguyễn Lương Bằng và cô Lê Thị Thanh (tức cô Chín kim cương): “Bác giao cho chú Cả với cô Thanh lo đám cưới. Khách mời chỉ mời chú Văn (tức Võ Nguyên Giáp), chú Tô (tức Phạm Văn Đồng) thôi, đừng mời ai nữa”.

Đám cưới của vợ chồng đồng chí Hoàng Hữu Kháng và Trần Thị Thái được Bác cho tổ chức đúng vào ngày ngày Tết dương lịch 1/1/1946 tại ngôi nhà dốc Cống Vị.

Hôm ấy, cô Lê Thị Thanh mua một cân thịt bò về xào, đồng chí Nguyễn Lương Bằng mua một chiếc bánh ga tô, đồng chí Võ Nguyên Giáp mang đến mừng chú rể và cô dâu một chai rượu. Trong buổi liên hoan, cô Thanh nói:

“Thưa Bác, hôm nay là ngày vui của anh Lý chị Thái, xin mời Bác làm chủ hôn cho ạ”. Bác nâng cốc, đọc hai câu thơ: “Chúc ông rồi lại chúc bà / Con cháu vui nhà cả gái lẫn trai”. Xong Bác nhấp một chút rượu rồi nói chuyện vui với cô dâu, chú rể, với khách mời.

Đám cưới xong, cô dâu ở lại tiếp tục bảo vệ ngôi nhà ấy, còn chú rể thì vẫn cứ đi theo làm nhiệm vụ bảo vệ Bác mọi lúc, mọi nơi. Riêng ngôi nhà cách dốc Cống Vị, chỉ sau đám cưới khoảng một tháng, phe Việt Quốc – Việt Cách biết được đây là cơ sở bí mật của Đảng nên đã đến thăm dò.

Thấy cơ sở đã không còn đảm bảo bí mật, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cho chuyển địa điểm ngay trong đêm. Sau đêm phát hiệu lệnh Toàn quốc Kháng chiến (19-12-1946), kẻ thù đã cho giật bom phá hủy ngôi nhà.

Vị tướng được Bác Hồ đặt tên

Cụ bà Trần Thị Thái – phu nhân Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng
Cụ bà Trần Thị Thái – phu nhân Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng

Ngày 6/3/1947, trên đường hành quân trở lại căn cứ địa Việt Bắc, tại nhà ông Nguyên ở xóm Đồi, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, gọi những chiến sĩ theo giúp việc văn phòng, hậu cần, bảo vệ, liên lạc... để hội ý.

Bác nói: “Tình hình chiến sự ngày càng mở rộng. Hôm nay Bác đặt lại tên cho các chú, vừa để giữ bí mật, vừa ngày ngày gọi tên các chú thành một khẩu hiệu sống nhắc nhở nhiệm vụ, nêu cao quyết tâm vượt khó khăn, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn...”

Bác chỉ tay từ người đầu phía bên phải, lần lượt theo một khẩu hiệu: Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi.

Đồng chí Nguyễn Văn Cao (tức Lý) mang tên là Kháng từ ngày đó. Và để tưởng nhớ người chiến sĩ cộng sản, vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ tài năng là Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi) đột tử sau đó một tháng, ông lấy họ Hoàng Hữu để thành tên của mình là Hoàng Hữu Kháng.

Từ tháng 2/1951 đến năm 1953, Bác Hồ điều ông sang phụ trách ban An toàn khu. Năm 1953 đến năm 1956, ông về công tác tại Thứ Bộ Công an, giữ chức vụ Cục phó Cục Cảnh vệ.

Từ năm 1959 cho đến khi nghỉ hưu, Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cảnh vệ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an.

Trong cuộc đời mình, Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng không khi nào quên kỷ niệm rất đẹp giữa hai Bác cháu trên đường công tác vào dịp Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947:

“Đêm qua Bác dự hội nghị rất khuya. Suốt cả ngày và đêm lại đi miết, nhưng Người vẫn dẻo dai. Chừng gần sáng thì hai Bác cháu qua một cánh đồng rộng. Thấy một cái lều gần bìa rừng bỏ trống, Bác bảo vào nghỉ một chút cho đỡ mệt rồi sẽ đi. Vừa cởi ba lô ra, Bác đã nói ngay:

- Chú đi ngủ trước, đến năm giờ thì dậy gác thay, để Bác ngủ.

Chỉ có hai Bác cháu mà Bác cũng cắt gác!

Bác đã bảo là phải nghe, nên mặc dầu rất áy náy, tôi cũng đành phải vâng lời. Mệt quá, nằm xuống tôi đã thiếp đi luôn. Đến năm giờ mười phút Bác mới gọi tôi dậy thay gác.

Trời sáng dần. Tôi ngồi ngoài cửa nhìn Bác ngủ. Kỳ này Bác khỏe nên đi bộ cả ngày là chuyện thường…

Thương Bác suốt ngày vất vả, tôi định để Bác ngủ tới sáu giờ ba mươi sẽ gọi. Nhưng đúng sáu giờ Bác đã thức dậy. Người hỏi:

- Sáng hẳn chưa chú?

Lúc này trời bỗng có sương mù nên cũng đỡ ngại địch nhảy dù sớm. Bác cháu tiếp tục lên đường”.

Giờ đây, 88 tuổi đời, có thể ví cụ bà Trần Thị Thái như vạt nắng ấm cuối trời đông còn sót lại. Nhớ lại kỷ niệm xưa, thời gian hai ông bà làm cảnh vệ bảo vệ sự an nguy cho vị Chủ tịch nước giữa lúc thế nước hiểm nguy, ngàn cân treo sợi tóc, dòng ký ức nơi miền xa thăm thẳm cứ lần lượt nối nhau về đan quyện lại.

Bà trầm ngâm nhớ lại: “Có lẽ trong tâm tư anh Kháng coi Bác Hồ như người cha của mình. Mà trong tâm tư của Bác cũng có phần nào đó coi anh Kháng như con.

Quan sát ở bên ngoài thì tôi hiểu rằng sự tin cậy của Bác đối với anh Kháng là tuyệt đối. Bác giao cả tính mệnh của mình cho anh Kháng: khi ăn, khi ở, khi đi tắm, khi đi đường, khi đi công tác, khi ngủ…”.

Người thủ trưởng mát tính, người cha nghiêm khắc

Đại tá Nguyễn Lương Sơn - người con trai trưởng của Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng chia sẻ những ký ức về cha:

“Bố tôi giáo dục một nếp sống trong nhà cực kỳ đơn giản, chân thực, theo nếp chung, con cái lớn lên là của Đảng và Chính phủ. Trong nhà tôi thống nhất quan điểm: Mình là một con người trong một tổ chức thì phải chịu sự phân công của tổ chức”.

Chính vì vậy, khi Nguyễn Lương Sơn đang công tác trong ngành cán bộ kỹ thuật, đơn vị có dự định điều động ông đi học một khóa có tính chất chuyển hệ, để làm cán bộ chỉ huy. Khi tổ chức đến nhà hỏi ý kiến, bố ông trả lời chân tình:

“Con tôi đã là sĩ quan quân đội, làm gì là do quân đội phân công. Quân đội phân công việc gì cũng chấp hành”.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng có năm người con, bốn trai, một gái, thì cả năm người đều được rèn luyện và trưởng thành trong quân đội, trở thành những cán bộ của Nhà nước.

Năm 1972, người con trai thứ hai là Nguyễn Lâm hi sinh tại trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Hai năm sau (1974), người con gái duy nhất là Nguyễn Bích Hải vốn là học sinh giỏi được quân đội tuyển vào trường Đại học Kỹ thuật quân sự, chuẩn bị đưa đi học ở nước ngoài.

Khi cán bộ tổ chức đến hỏi ý kiến, ông nói giản dị: “Con cái lớn, do Đảng sử dụng để phục vụ xã hội”. Vậy là Nguyễn Bích Hải gia nhập lực lượng vũ trang.

Nhớ lại những ngày cha mình còn đương chức, Đại tá Nguyễn Lương Sơn vẫn không quên một quy định bất thành văn nhưng thành điều lệ bất di bất dịch trong gia đình:

khi đi công tác trong nước cũng như đi công tác nước ngoài, tất cả quà tặng Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng đều nộp hết vào công quỹ của cơ quan. Sau đó công đoàn cơ quan phân phối cho gia đình món quà nào thì nhận chứ gia đình Cục trưởng không hề có chút ưu tiên, ưu đãi.

Một lần, phái đoàn lãnh đạo của Nhà nước CHDCND Triều Tiên sang thăm nước ta đã tặng rất nhiều vải vóc. Gia đình Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng được chia một cái tạp giề để làm bếp.

Làm Cục trưởng Cục Cảnh vệ - Bộ Công an nhiều năm nhưng trong đối xử, quan hệ với nhiều nơi, nhiều người, Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng không hề to tiếng, nặng lời với bất cứ cán bộ cấp dưới nào.

Đại tá Nguyễn Lương Sơn kể: “Ông cụ có tinh thần thương anh chị em. Có những lần trời mưa to, bố tôi đội áo mưa đi thăm, kiểm tra những trại gác trong khu vực. Trong sinh hoạt hàng ngày, ông quan tâm đến đời sống vật chất của đơn vị.

Sau những lần đi tản cư trở về nhà, tôi biết bố quan tâm đến việc tổ chức tăng gia trong đơn vị: nuôi cá, nuôi lợn, chăn bò… Khi những con vật nuôi ấy lớn lên, công đoàn cơ quan giết mổ chia cho các bộ phận, các gia đình.

Ngoài việc quan tâm đến đời sống vật chất, bố tôi còn chú ý đến đời sống tinh thần, tham gia xây dựng chương trình văn nghệ, trong đó có lần biểu diễn trực tiếp cho Bác Hồ xem dịp Tết năm 1968 – 1969”.

Ở cơ quan là một người mát tính như vậy nhưng trong gia đình, Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng lại rất nghiêm khắc với các con. Ông dạy con cái về tinh thần lao động, làm việc hăng say.

Khi gia đình còn ở trong Phủ Chủ tịch, đất đai nhiều nên suốt ngày ông hô hào các con ra cuốc đất trồng khoai, tăng gia sản xuất, nuôi gà, rèn luyện tinh thần lao động khắc phục khó khăn.

Con yên nghỉ nơi đâu cũng là đất nước mình

Có lẽ ít người biết Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng còn có người con trai thứ hai hi sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ. Đó là liệt sĩ Nguyễn Lâm.

Tháng 8/1965, Nguyễn Lâm cùng Lưu Kim Oanh (diễn viên nhí của Đoàn Xiếc TW) là 2 gương mặt thiếu niên lao động, chiến đấu điển hình được được mời về dự “Đại hội Ba sẵn sàng chống Mỹ cứu nước” do Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh tổ chức.

Nguyên là trước đó, Nguyễn Lâm đã dũng cảm cứu một bạn học sinh và cô giáo thoát khỏi đuối nước ở Thuận Thành – Bắc Ninh, nơi sơ tán. Chính hành động dũng cảm này, anh đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu và được ngồi với Bác trên hàng ghế chủ tịch đoàn.

Học xong trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Lâm xung phong vào chiến trường chiến đấu. Anh hi sinh ngày 5/9/1972 trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị khi mới 19 tuổi.

Chuẩn bị vượt sông Bến Hải, Nguyễn Lâm gửi thư về cho gia đình. Từ đó, cha mẹ và anh trai Nguyễn Lương Sơn không còn nhận được tin tức gì của anh. Cho đến một ngày có giấy báo tử gửi về nhà, không rõ nơi đặt mộ phần, chỉ vẻn vẹn một thông tin mơ hồ, xa xăm: hi sinh tại mặt trận phía Nam.

Kể lại cho tôi về người con hi sinh tròn 40 năm, có lẽ trong lòng người mẹ già đã gần 90 tuổi vẫn chưa khi nào nguôi nỗi đau mất con. Bà bảo nhận được tin con hi sinh bà đã khóc nhiều rồi.

“Trước đây, tôi cứ tưởng con mình hi sinh trong thành Quảng Trị. Tôi có vào các nghĩa trang tìm nhưng không có. Tìm ở danh sách liệt sĩ cũng không có. Sau này một vài người còn sống họ nói: nhiều người bị bom đạn giặc bắn khi vượt sông Thạch Hãn… Tôi đoán có lẽ con tôi hi sinh ở dưới lòng sông rồi.

Bởi vì đơn vị con tôi làm nhiệm vụ bổ sung quân cho trong thành. Khi qua sông như thế, có khi 10 người qua chẳng ai trở về. Sau này có người đã làm bài thơ: “Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi hai mươi thành sóng nước / Vỗ đôi bờ sóng mãi nghìn năm”.

Tôi hỏi: “Bà có nhờ nhà ngoại cảm để tìm mộ chú Lâm không ạ?”

Bà khẽ trả lời là không. “Tôi coi ở đâu cũng là đất nước mình, con mình nằm yên nghỉ nơi đâu thì đấy cũng là đất nước mình thôi”.

Điều bà hạnh phúc là con cái ông bà đều trưởng thành: con trai cả là Đại tá Nguyễn Lương Sơn, nguyên cán bộ Cục Nhà trường – Bộ Tổng tham mưu, con gái là Trung tá Nguyễn Bích Hải công tác tại Công an Thành phố Hà Nội, con trai thứ ba Nguyễn Lương Hà sau nhiều năm công tác trong quân đội được chuyển ngành về Viện Công cụ và dụng cụ, con trai út Nguyễn Lương Bình đương nhiệm Trưởng khoa Âm nhạc – Học viện Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Các cháu của ông bà lớn lên, vẫn tiếp tục theo truyền thống gia đình, cô cháu nội hiện công tác tại Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Hà Nội, 9/6/2012

  • Kiều Mai Sơn
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc