Theo đó, Việt Nam nằm trong top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng Internet nhanh nhất. Tính đến tháng 6/2012, Việt Nam có 31 triệu người sử dụng Internet, xếp thứ 7 châu Á, thứ 19 trên toàn thế giới.
Trong bảng xếp hạng trong báo cáo đánh giá về xã hội thông tin của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), chỉ số phát triển CNTT-TT của Việt Nam năm 2012 tiếp tục tăng 5 bậc, xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 12/27 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Số thuê bao Internet băng thông rộng cố định đạt 4,78 triệu thuê bao. Có 99% doanh nghiệp kết nối Internet và Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp có website. Ở khối cơ quan nhà nước, 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trang/cổng thông tin điện tử.
Nếu như chỉ cách đây khoảng 15 năm, việc đơn giản như liên lạc giữa các vùng trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, thời gian chờ đợi kéo dài thì hiện nay mọi thứ đã trở nên đơn giản vô cùng. Điện thoại, máy tính, mạng internet đã khiến cho nhu cầu giao tiếp của người Việt trở nên vô cùng dễ dàng, nhanh chóng không chỉ trong nước mà là cả quốc tế.
Với những thành tựu tin học to lớn như trên, có thể nói các nhà mạng đã vượt qua mọi rào cản, đưa công nghệ về tận tay người dân kể cả vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Top 10 các nước gõ từ khóa "sex" nhiều nhất trong giai đoạn 2004-cuối 1/2013. |
Bên cạnh đó, theo kết quả thống kê của Google, các từ khóa “sex” được tìm kiếm nhiều nhất từ các máy tính có địa chỉ IP tại Việt Nam và tất nhiên khi đã tìm được thì phải truy cập để đạt được mục đích cuối cùng, Việt Nam đứng thứ 6 trong top 10 nước có số lượng người truy cập tìm kiếm sex nhiều nhất thế giới trong giai đoạn từ 2004 đến đầu năm 2013 cũng là một minh chứng rất rõ ràng cho nỗ lực phi thường của các nhà mạng đáp ứng tốt, thỏa mãn mọi nhu cầu lón bé của người dân.
Trong khi đường trên mạng thì thông thoáng, thênh thang, phí sử dụng ở mức cạnh tranh với các nước trên thế giới thì giao thông ngoài đời thực cả mấy năm nay quẩn quanh với tắc đường và tai nạn. Bài toán khó giải và liên đới nhiều ngành tới mức tư lệnh ngành giao thông đã phải thốt lên rằng: "Đừng có tắc đường là gọi tôi!". Đó là chưa kể vấn nạn giao thông gia tăng không mệt mỏi, đóng quỹ bảo trì đường xấu nhưng tai nạn do đường xấu không vì thế mà giảm đi. Tất cả nỗ lực giảm thiểu tai nạn đều không đạt được hiệu quả như mong muốn, "tất cả mọi cái đều đúng nhưng tai nạn vẫn xảy ra...".
Đằng sau sự phát triển của một đất nước, chênh lệch giữa các ngành kinh tế là bình thường và rất dễ hiểu, tuy nhiên, nếu chênh lệch quá lớn như đường ảo và đường thật như nước ta hiện nay quả thật là một thực trạng đáng lo ngại. Phải chăng ngành giao thông... quá yếu kém và không chịu nỗ lực phi thường, không chịu cố gắng vượt bậc như các nhà mạng thông tin?
Trong vấn đề này các nhà quản lý có thể đưa ra rất nhiều lời giải thích khác nhau để lý giải về khoảng các này. Tuy nhiên, cho dù là với lý do gì thì giao thông cũng cần phải cố gắng và học ngành công nghệ thông tin nhiều hơn nữa để không những đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực của mình mà quan trọng hơn là hạn chế những kêu ca, càm ràm, mang lại cho người dân sự hài lòng, thoải mái.