Gần đây, Dương Yến Ngọc ít xuất hiện trên sàn diễn, chị cho rằng làng mẫu Việt không phát triển. Các sân khấu cũng dậm chân tại chỗ nên Dương Yến Ngọc... chán, chỉ show diễn nào đẳng cấp cô mới tham gia.
Bỏ diễn ngang xương, Hồng Quế tự làm khó mình |
Nói về người mẫu trẻ, Dương Yến Ngọc cho rằng nếu làm nghề mà không yêu nghề thì nghề sẽ tự đào thải, chẳng hạn như trường hợp hủy show của Hồng Quế, nếu lần sau Hồng Quế không chuyên nghiệp với chính bản thân thì nghề sẽ đào thải cô ấy.
PV: - So với thời của Dương Yến Ngọc, những câu chuyện ồn ào về làng mẫu gần đây dường như bùng nổ. Theo chị, hậu trường làng mẫu thời xưa và thời nay có gì khác nhau?
Dương Yến Ngọc: - Chuyện hậu trường hay cách hành xử giữa người mẫu với người mẫu ở thời nào cũng giống nhau, kể cả quá khứ, hiện tại, hay tương lai.
PV: - Vậy hành động tranh giành vedette giữa hai người mẫu trên sàn diễn nói lên điều gì?
Dương Yến Ngọc: - Hành động tranh giành này nó thể hiện sự tham vọng của người mẫu.
PV: - Có nghĩa là phải giành giật được vị trí vedette thì người mẫu mới khẳng định được tên tuổi và mới có cơ hội tăng giá cát sê, quảng bá bản thân?
Dương Yến Ngọc: - Ở nước ngoài, những người mẫu có tên tuổi mới được trình diễn ở vị trí vedette, vì vậy, người mẫu ngày nay luôn luôn tranh giành và bảo tồn vị trí vedette của họ, điều này hoàn toàn hợp lý.
Khi đã nghĩ đến vị trí vedette, người mẫu phải làm để được làm vedette, đó là động lực, là tham vọng đúng đắn. Nhưng không vì vậy mà chúng ta tranh giành nhau, tranh giành nhau chỉ làm mất đi hình ảnh của mình thôi.
Hãy để các nhà thiết kế, những người làm đạo diễn chương trình phải mời mình làm vedette chứ không phải mình đi tranh giành.
Những vị trí vedette chuẩn xác, họ là những con người làm việc rất nghiêm túc, yêu nghề, kể cả những câu chuyện lùm xùm xung quanh cũng không thành vấn đề với họ.
Đương nhiên, khi ở vị trí vedette, cát sê của họ sẽ tăng lên, vì họ đã khẳng định được vị trí, sức lao động, sự cố gắng… Chẳng hạn như Thanh Hằng, để có được vị trí vedette, cô ấy đã phải mất 4 năm trời cố gắng, nỗ lực chứ không phải đăng quang hoa hậu là cô ấy đã đứng vào vị trí vedette.
PV: - Thanh Hằng phải mất 4 năm nỗ lực, phấn đấu mới dành được vị trí vedette, nhưng gần đây một số người mẫu trẻ, tuổi teen như Bảo Trân, Hồng Quế,… vì sao họ lại dễ dàng có được vị trí vedette?
Dương Yến Ngọc: - Với Bảo Trân, tôi chưa bao giờ xem cô ấy diễn nên tôi không đưa ra nhận xét gì nhưng với Hồng Quế, cô ấy có một sắc vóc, năng lực biểu diễn trên sân khấu rất tốt, đồng thời cô ấy cũng có kinh nghiệm biểu diễn. Vì vậy, ai đó mời Hồng Quế vào vị trí vedette là bởi cô ấy có đủ tự tin để làm cho cô ấy tỏa sáng trên sàn diễn.
Việc tuổi đời và thời gian trình diễn với Hồng Quế không quan trọng, quan trọng là cô ấy có khả năng và kinh nghiệm.
PV: - Người mẫu có tài năng sẽ tỏa sáng, đâu phải tranh giành?
Dương Yến Ngọc: - Đúng rồi! Chính xác như vậy đấy! Chúng ta cứ nỗ lực hết sức thì chắc chắn sẽ có người nhận thấy điều đó.
"Suốt 10 năm trời tôi say mê trình diễn thời trang nhưng tôi không nhận thấy sự phát triển của ngành thời trang, không thấy sự phát triển của các sân khấu... " |
PV: - Thời gian gần đây, hình ảnh của chị thưa dần trên các sàn diễn, vì sao lại như vậy?
Dương Yến Ngọc: - Suốt 10 năm trời tôi say mê trình diễn thời trang nhưng tôi không nhận thấy sự phát triển của ngành thời trang, không thấy sự phát triển của các sân khấu... Một năm, hiếm hoi lắm mới được vài chương trình có đẳng cấp và chỉ những chương trình như vậy tôi mới tham gia trình diễn.
Với những chương trình, bước trên sân khấu mà không đúng với tính chất thời trang thì thật sự nó không làm cho tôi hứng thú để diễn.
Với những chương trình đúng chất thời trang, người mẫu thấy hứng thú và có sự phiêu linh để làm cho người mẫu thấy thích khi bước lên sàn diễn.
PV: - Chứ không phải chị chán làng mẫu vì những câu chuyện tranh giành, giành giật nhau của làng mẫu?
Dương Yến Ngọc: - Không! Tôi hoàn toàn không ngán ngẩm những chuyện đó, bởi đó là những chuyện đương nhiên phải có, không có thì không còn gọi là hậu trường nữa rồi.
PV: - Những chuyện hậu trường hay diễn ra trong làng mẫu cụ thể là gì?
Dương Yến Ngọc: - Rất nhiều chuyện, nghìn lẻ một đêm, sao tôi kể hết được. Tôi xem đó là chuyện rất tầm thường và vớ vẩn nên tôi không muốn quan tâm.
PV: - Với những người mẫu trẻ, tự ý hủy show, chị đánh giá thái độ của họ như thế nào?
Dương Yến Ngọc: - Đó là những người có phong cách làm việc không chuyên nghiệp, chắc chắn môi trường khắt khe sẽ đào thải những người như vậy thôi.
Nếu chúng ta làm việc mà không yêu nghề, không sớm thì muộn cũng bị nghề đào thải.
PV: - Hiện nay, người mẫu trẻ Hồng Quế đang gây xôn xao dư luận vì hành động tự ý hủy show của NTK Công Trí. Hành động này của Hồng Quế có quá hồ đồ không?
Dương Yến Ngọc: - Theo tôi được biết, đêm trình diễn của NTK Công Trí thì Hồng Quế bị bệnh. Do Hồng Quế nhịn ăn, giảm cân cấp tốc trong một thời gian ngắn nên Quế bị tụt huyết áp.
Vì vậy, Quế bị bệnh, không tham gia show diễn tôi hoàn toàn được biết. Còn thái độ ứng xử khi hủy show như thế nào thì phụ thuộc vào cô ấy và cô ấy đã công khai xin lỗi NTK Công Trí, xin lỗi BTC rồi.
Hy vọng, lần sau cô ấy sẽ hiểu ra vấn đề mà chúng ta không nên phạm phải đó là: đi trình diễn, người mẫu phải tôn trọng người khác thì người khác mới tôn trọng họ, nếu không chuyên nghiệp với chính bản thân mình thì môi trường sẽ đào thải cô ấy thôi.
Theo Dương Yến Ngọc, hậu trường làng mẫu rất nhiều chuyện, nghìn lẻ một đêm |
PV: - Có phải vì người mẫu ngày càng nhiều, nên sự đấu tranh sinh tồn ngày càng gay gắt hơn?
Dương Yến Ngọc: - Đúng vậy! Chưa bao giờ tôi thấy làng mẫu có nhiều… người mẫu như lúc này. Tôi cũng không biết rõ ai với ai, cho nên sự tranh giành, đấu đá ngày càng quyết liệt lắm.
PV: - Để phân biệt rạch ròi thật giả, theo chị, làng mẫu có cần phải cấp thẻ hành nghề hay không?
Dương Yến Ngọc: - Đúng là người mẫu ngày càng nhiều như nấm mọc sau mưa, nhưng việc cấp thẻ, tôi nhức đầu lắm, tôi không biết đâu.
Tôi thấy, ở nước ngoài, người ta có cần cấp thẻ hành nghề cho người mẫu đâu. Bởi nước ngoài, người ta có trường học, đào tạo người mẫu một cách bài bản, để trở thành người mẫu họ phải học ít nhất 3 năm chứ không phải học 1 tháng, 2 tháng là bước được lên sàn diễn đâu.
Sau 3 năm tốt nghiệp, họ đã trở thành người mẫu thực thụ và bằng của họ chính là cái thẻ hành nghề rồi!
PV: - Ở Việt Nam ngành thời trang khó phát triển là bởi không chuyên nghiệp từ khâu đào tạo?
Dương Yến Ngọc: - Đúng rồi! Khi đã không chuyên nghiệp về khâu đào tạo thì sẽ không bao giờ phát triển được.
Vậy thì tại sao các thí sinh đoạt giải của Vietnam’s Next Top Model, người ta phải đưa ra nước ngoài đào tạo mà không đào tạo ở Việt Nam?
Người ta phải đưa thí sinh ra ngước ngoài đào tạo thì cũng đủ hiểu ngành thời trang của VN nó đang ở vị trí như thế nào rồi.
PV: - Theo chị, họ có gì khác biệt với những người mẫu nước nhà không được đào tạo đến nơi?
Dương Yến Ngọc: - Ở nước ngoài, không phải cứ ai thích được học là được nhận vào trường để đào tạo đâu. Các đơn vị đào tạo model ở nước ngoài không phải cứ có tiền là họ nhận đào tạo mà họ phải nhìn được bạn có tiềm năng, tố chất thì họ mới nhận.
Ở Việt Nam, những câu lạc bộ như PL hay Venus,.. cứ có tiền là vô học được, họ hoàn toàn không kiểm soát gắt gao đầu vào, năng khiếu của người mẫu.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!
- Phương Trịnh (thực hiện)
[links()]