Ghi bên linh cữu Đại tướng: Người Việt đưa tiễn Người Thân…

09:33, Thứ ba 15/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong Lễ tang Bác Giáp, một người Hà Nội chợt khám phá: những người Việt thực sự quả là “con một nhà”.

Hàng vạn người dân từ khắp nơi đổ về xếp tới hàng mười kéo dài 3-4km qua các phố Hàng Chuối, Phạm Đình Hổ rồi quay ngược trở lại qua phố Hàn Thuyên tới Trần Thái Tông... đợi vào nhà tang lễ viếng Đại tướng hôm 12/10. Ảnh: Tuổi trẻ

Lại gặp “cán bộ”

Sáng 13 tháng 10, tôi tháp tùng song thân đi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mẹ tôi là một người thân của phu nhân Đại tướng, còn cha tôi là một cán bộ Tiền Khởi nghĩa. Nhờ có tới hai “chế độ” ưu đãi như vậy nên ba chúng tôi nhanh chóng lọt vào sân trước của Nhà Tang lễ. Bố tôi, theo phong cách nhà binh, nói chờ đến lúc người ta thông báo gia quyến Đại tướng vào viếng thì mình hẵng vào. Tôi đứng cạnh song thân, ngắm các chính khách, cả đã về hưu và người còn đương nhiệm, xếp thành hàng chờ vào viếng. Tôi là người quen dùng và thích chữ ‘cán bộ” hơn chữ “chính khách”, nên nhận thấy họ (các thành viên của bộ máy công tác Đảng, các nhà lập pháp và các thành viên của chính phủ) lúc đó có vẻ “cán bộ” hơn. Trừ một bà tầm tuổi các mệnh phụ của Ballzac, ngực độn cứng, có phong thái của một “ngôi sao”  hơn là đi viếng.

Mẹ tôi nói bà muốn vào chỗ họ hàng. Tôi xăm xăm đi trước, mẹ tôi theo sau, cha tôi đi sau cùng – ông vốn quen làm theo mệnh lệnh. Các sĩ quan công an và bộ đội nhìn tôi, không ai hỏi. Lúc đó tôi chưa biết rồi họ sẽ làm nhiệm vụ từ mờ sáng tới canh khuya, chắc chỉ có vài ngụm nước chiêu miếng bánh khô.

Mẹ tôi đúng, vì gia quyến vừa vào viếng xong, nên chúng tôi cũng được viếng Bác Văn ngay. Tuy nhiên tai tôi nghe thế nào đó, nên tưởng mình (hậu duệ) sẽ viếng sau nên quay người đi về hướng họ hàng, làm một anh lớn phải đẩy tôi theo hướng ngược lại.

Tôi đi sau cùng, hướng lên phía ảnh Bác Văn, thầm nhắc lại một câu tôi thường tâm nguyện từ trước: “Cháu sẽ làm đúng lời Bác dặn”. Tôi chạm tay vào thành áo quan, trong đầu vẫn hiện lên hình ảnh Bác Văn khi còn sống. Vâng, tôi không nghĩ rằng Đại tướng đã “mất”: với tôi, ông đang bắt đầu một chuyến đi xa. Và đến đón ông đi, chắc vẫn là những người đồng chí: Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Cao Văn Khánh, Nguyễn Hữu An..., và những người thân đã khuất núi trước.

Chúng tôi lưu lại trong gian đại sảnh của Nhà tang lễ không lâu. Tôi được gặp lại một người rất thân thuộc với Đại tướng: Đại tá Hoàng Minh Phương, từng gắn bó với Bác Văn trong những thời khắc của những “Quyết định khó khăn nhất” (tôi dùng số nhiều). Ông Hoàng Minh Phương có lẽ là một trong những người hiểu Bác Văn nhất: ông từng là trợ lý lâu năm của Bác, cho tới khi trở thành một người chỉ huy trận mạc rất có uy tín trong một cuộc chiến sau hai cuộc chiến tranh Đông Dương. Tôi rất kính trọng Đại tá Hoàng Minh Phương vì cách tư duy mạch lạc của ông – một phong cách tư duy giống của Đại tướng Giáp, và giống tướng Hồng Sơn (một danh tướng tôi biết khá rõ, mới mất gần đây thôi).

Buổi chiều tôi làm việc trong thấp thỏm, vì đại diện (còn đi lại khá vững vàng) của Việt Nam Giải phóng quân là Đại tá Kim Sơn quyết định vào viếng Bác Văn. Thấp thỏm vì ông Kim Sơn trên thực tế vừa trải qua hai đợt phẫu thuật do trọng bệnh, nên cái sự “đi lại khá vững vàng” của ông thực ra là một phạm trù thuộc về ý chí. Ông bắt đầu đi từ 1h chiều, và mặc dù được người dân liên tục nhường chỗ, nhưng phải ba tiếng sau mới vào được Nhà tang lễ. Còn các đồng đội khác của ông thì “tan tác” trong đám đông người đi viếng. Vào sân Nhà tang lễ khá lâu, họ mới tập hợp được “đội hình” vào viếng người chỉ huy đầu tiên, cũng là chỉ huy tối cao của họ, kể từ bước khởi đầu Việt Nam giải phóng quân, giữa 1945, mãi cho tới hôm nay. 

Vừa yên tâm vì ông Kim Sơn báo đã về đến nhà, khoảng 5h chiều, chuông điện thoại lại réo. Các anh chị trong họ thông báo tôi phải vào trực bên linh cữu từ 12h đêm 12 đến 6h rạng sáng ngày 13. Quen tác phong lính (dù ra quân đã lâu) tôi chỉ nói “vâng”. Sau đó họ lại gọi điện báo tôi chỉ phải trực từ 7h tối đến 12h đêm.

Khoảng 6h40 tối, tôi bắt đầu tìm cách vượt qua hàng rào công an để vào Nhà tang lễ. Ngoài bộ quần áo màu tối, tôi không có một giấy tờ gì chứng thực mình là họ hàng bác Giáp. Tôi trình bày với ba công an viên lần lượt gặp trên đường ở “vòng ngoài”, cả ba vị này, không hẹn mà nên, chỉ nhìn thẳng vào mắt tôi, rồi cho đi vượt lên đoàn người mà không phải xếp hàng. Một đặc ân làm tôi hơi xấu hổ, vì những tấm lưng còng, những mái tóc bạc, và những bóng hình thấp nhỏ của những em bé, những người tàn tật, những chiếc xe đẩy… vẫn thấp thoáng trong hàng người dày đặc trong đêm.

Một lần nữa các sĩ quan công an và bộ đội bên trong Nhà tang lễ cũng lại để tôi đi qua – họ có một khả năng nhớ mặt tuyệt vời, một thứ năng khiếu dường như thuần Việt, kẻ từng lang thang hải ngoại như tôi thầm nhận thấy.

Đồng bào tôi

Tôi nhanh chóng đứng vào hàng ngang, của “họ hàng” Bác Giáp. Phía trên kia là linh cữu của Bác Giáp, đối diện với dòng người cuồn cuộn tuôn chảy. Họ chỉ có vài giây để nhìn về phía linh cữu, vái di ảnh của Bác, rồi bị đám đông đấy đi qua mặt hàng rào, là “gia đình” của Bác Giáp. Lúc này nó chủ yếu gồm những bà con xa – các anh chị con Bác Giáp có trăm ngàn việc phải làm, và cũng đã quá mệt sau hơn một tuần “tang gia bối rối”.

Trong khoảng 5h đồng hồ, có lẽ khoàng vài nghìn người đã đi qua trước mặt chúng tôi. Phần lớn trong họ ăn mặc khá lam lũ. Ai đó dường như vừa tan buổi chợ về, dúi quang gánh vào đâu đó rồi tất tả vào hàng, cố “đi thăm” Bác Giáp lần cuối. Một số người không còn dép, chúng đã mất khi chủ chúng bước thấp bước cao, lao đi trong những sóng người. Thấp thoáng những trí thức, nghệ sĩ, nổi bật lên giữa những “phó thường dân” vì dáng đi cố giữ vẻ khoan thai. Những cựu chiến binh và sĩ quan còn tại ngũ cố đi đều, giơ tay chào kiểu nhà binh khi đi qua trước linh cữu, một số người đeo quân hàm cao cấp… Đã lâu lắm rồi tôi mới chứng kiến một cuộc biểu dương lực lượng tuyệt vời của công – nông – binh – sĩ – thương, thực sự biểu lộ “lòng dân”.

Tôi chưa từng nghe tiếng nhạc hiếu như trong Tang lễ này. Có đoạn bính boong như tiếng chuông, làm bật lên những tiếng khóc đau đớn ít thấy, những tiếng khóc một người thân thuộc nhất, yêu kính nhất. Đến giờ tôi vẫn nổi da gà khi những tiếng khóc ấy lại vẳng bên tai: ai oán, có phần tuyệt vọng, cố nén lại mà vẫn trào ra. Thất vọng phần vì dòng người trôi nhanh quá, người Việt, vốn hay đà đận, không hiểu vì sao xếp hàng ngần ấy tiếng đồng hồ lại chỉ được dừng trước linh cữu của bác trong khoảnh khắc, rồi bị trôi đi. Khi nhạc chuyển sang những tiếng trống đều đều, thì dòng người như bình tĩnh hơn, có dịp để ý đến những người đi bên cạnh mình: có người già nào cần đỡ, có em bé nào cần bế đỡ vài phút vì cha, hoặc mẹ chúng như sắp lả đi…

Những “giọt mưa sa”

In vào mắt tôi là những khuôn mặt phụ nữ tầm 30 – 40 tuổi, thường với vẻ mặt của đồng bằng Bắc Bộ. Dưới những sợi tóc loăn xoăn là những gương mặt giông giống nhau, méo đi trong đau khổ. Họ nhìn chúng tôi, tuyệt vọng, có phần cầu cứu. Lẽ nào Bác đã mất thật rồi ư? Chúng tôi cúi chào, hiểu rằng số phận tình cờ sắp đặt chúng tôi được đứng bên linh cữu Bác Văn lâu hơn họ, và chúng tôi sẽ cố xứng đáng với họ, với Đồng bào mình. Một cảm giác kỳ lạ: những gì “Việt” nhất tôi được cảm thấy, là trong đám tang này. Cả giọng khản đặc của nhà tổ chức ở trên loa cũng có gì trìu mến. Trong mất mát chung, người Việt chúng tôi như gần nhau hơn. Những nhà sư lầm rầm cầu nguyện, đi bên cạnh những cô gái Hà Thành ăn mặc đài các, khóc thút thít như đứa trẻ. Có cả những người mặc trang phục kiểu đạo Cao Đài, bên những cậu trai mặc áo phông in hình tướng Giáp, đi ngửa mặt lên trời, cố giấu khuôn mặt đầm đìa nước mắt…

Tiếng khóc nghẹn ngào hơn khi đêm về khuya. Mọi người như cảm thấy có chút may (lẫn áy náy vì đã may hơn người kẹt ở ngoài), vì đã kịp vào viếng Bác Giáp. Từ sau 10h, Ban tổ chức liên tục thông báo sắp hết giờ vào viếng, trong khi các cán bộ đứng gần chúng tôi bảo nhau: chắc khó kết thúc vào 12h đêm…

Nhưng mọi sự rồi cũng kết được đúng dự kiến. Đang bước nhanh trên lối ra, chợt nghe: “Anh để bọn tôi đưa về nhà nhé”, một người lái xe trực đêm của Ban tổ chức nài nỉ. Dù hơi “oán” Ban tổ chức vì đã đẩy dòng người đi quá nhanh, tôi thực sự bất ngờ trước cách tổ chức nghiêm trang và thật chu đáo của Lễ tang Bác Giáp. Nhiều người trong họ đã làm không nghỉ mười mấy tiếng đồng hồ, và vẫn giữ nghiêm nghi lễ đến phút cuối cùng. 

Ra đến ngoài, tôi sững người vì vài trăm người còn đứng vòng trong vòng ngoài ở lối vào, trong hẫng hụt. Họ không muốn tin là không còn cơ hội được vào viếng Bác Giáp. Nhiều người Hà Nội rồi cũng quyết định đi về nhà, còn những ai từ những địa phương khác chắc “màn trờ chiếu đất”, đợi sáng…

Chùa rách phật vàng

Sáng nay tôi đi trên phố, thấy những dòng người tất tả mưu sinh. Chợt mong trời mưa, vì bỗng nước mắt chứa chan, nhớ hàng giờ đứng trong Lễ tang Bác Giáp, liên tục cúi chào, tri ân đồng bào mình.

Bác Giáp có lẽ là người nghèo nhất trong số những chính khách mà tôi biết (thời Cụ Hồ không có khái niệm chính khách). Suốt đời, ông luôn xa lạ với sở hữu vật chất. Đến với ông vào giây phút cuối trước khi ông “về đất” có rất nhiều dân nghèo thành thị, hoặc nông dân, công nhân. Người ta nói ông là người “Mohicant cuối cùng” của “thế hệ vàng” (điển cố  “Mohican cuối cùng” dùng chỉ người cuối cùng của một bộ tộc thiểu số, hoặc một trào lưu cách mạng, ở đây chỉ các nhà cách mạng của thế kỷ XX). Nhưng thế hệ vàng dù đã mất đi đi chăng nữa, thì bác Giáp, bằng lễ tang của Người, như nhắc tôi: đừng lo, vẫn còn những “tấm lòng vàng” của đồng bào mình.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: