Gia đình– ’giải thưởng’ quý nhất của nhà văn được giải Nobel

14:03, Thứ hai 05/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Ông chia sẻ: Thành công lớn nhất của ông không phải là những tác phẩm văn học hay những giải thưởng danh giá, mà là một gia đình hạnh phúc, đặc biệt là vợ và con gái – những người phụ nữ ông luôn yêu thương và biết ơn.

Ngày 11/10/2012, nhà văn nổi tiếng Mạc Ngôn đã trở thành người hùng của Trung Quốc khi giành được giải Nobel Văn học. Đây là lần đầu tiên một nhà văn Trung Quốc giành được giải thưởng cao quý này. Cả Trung Quốc hân hoan chúc mừng Mạc Ngôn.
[links()]
Tuy nhiên, bản thân nhà văn lại đón nhận tin vui một cách rất bình thản, không phải vì ông không coi trọng giải thưởng, mà vì như ông từng bộc bạch: thành công lớn nhất của cuộc đời ông không phải là những tác phẩm văn học nổi tiếng hay những giải thưởng danh giá, mà là một gia đình hạnh phúc.

Nhà văn nổi tiếng tuyệt đối thủy chung với người vợ mới học đến lớp 2

Mạc Ngôn sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng đất Cao Mật nghèo khổ và lạc hậu. Thôn nhỏ nơi ông chào đời và trải qua tuổi ấu thơ, có không ít người cả đời không ra khỏi cổng thôn để lên thị trấn.

Có lẽ Mạc Ngôn cũng sẽ trải qua cả đời ở cái thôn nhỏ ấy như bao người khác, nếu như ông không có một tình yêu lạ thường với văn học ngay từ thuở ấu thơ. Nhà nghèo không có sách truyện để đọc, ông tìm đủ cách để được đọc sách.

Chẳng hạn, trong thôn có một bạn học nhà khá giả, có rất nhiều sách vở, ông đến nhà bạn xin được mát-xa thuê cho họ, cứ sau một khoảng thời gian mát-xa nhất định họ lại cho ông đọc một cuốn sách. Cứ thế, Mạc Ngôn đã đọc hết tất cả số sách truyện có trong thôn.  

Ngày 11/10/2012, nhà văn nổi tiếng Mạc Ngôn đã trở thành người hùng của Trung Quốc khi giành được giải Nobel Văn học.
Ngày 11/10/2012, nhà văn Mạc Ngôn đã trở thành người hùng của Trung Quốc khi giành được giải Nobel Văn học.

Mạc Ngôn có một ý chí phấn đấu vô cùng mạnh mẽ. Vì hoàn cảnh gia đình, ông chỉ được học đến lớp 5, sau đó phải thôi học đi ra ngoài kiếm sống. Thế nhưng bằng con đường tự học không ngừng, ông đã thi đỗ vào Học viện Nghệ thuật Giải phóng quân, rồi sau đó tốt nghiệp Viện Văn học Lỗ Tấn trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh.

Ông còn giành được văn bằng danh dự của nhiều trường đại học khác nhau, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong giới văn nghệ Trung Quốc. Nổi tiếng và thành công như vậy, nhưng ông trước sau thủy chung với người vợ mới học đến lớp 2 của mình. Điều này đã khiến mọi người phải đi từ ngạc nhiên đến kính phục.

Trong thời gian ở trong quân đội, Mạc Ngôn quen biết một cô gái tên Đỗ Cần Lan tại xưởng bông. Đỗ Cần Lan là đồng hương với ông, một cô gái nông thôn chất phác, chịu thương chịu khó, tuy mới chỉ học đến lớp 2, nhưng tình yêu thương và cách cư xử độ lượng của bà với mọi người xung quanh đã khiến trái tim của ông phải loạn nhịp.

Đỗ Cần Lan cũng rất có cảm tình với anh chàng đồng hương hiền lành thật thà, ngoài giờ lao động lúc nào cũng chúi mũi vào quyển sách. Hai người yêu nhau, rồi quyết định kết hôn. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ban đầu hết sức khó khăn.

2 năm sau họ sinh được một bé gái, đặt tên là Quản Tiếu Tiếu. Con gái ra đời là niềm hạnh phúc lớn lao với họ, nhưng cũng đặt lên vai họ một gánh nặng mới. Để có thể kiếm đủ tiền nuôi dạy con gái, hai vợ chồng phải tạm chia xa mỗi người một nơi: Mạc Ngôn ở Bắc Kinh, vừa học tập vừa làm việc, Đỗ Cần Lan ở lại Cao Mật nuôi nấng chăm sóc con gái nhỏ.    

Đỗ Cần Lan nhắc tới khoảng thời gian Mạc Ngôn sống một mình tại Bắc Kinh, vẫn còn cảm thấy vô cùng xót xa. Bà nói rằng vì sống một mình, Mạc Ngôn làm việc vất vả nhưng không biết tự chăm sóc bản thân, ông thường đọc sách và sáng tác đến đêm khuya, đói bụng đành ăn tạm hành tây và uống nước sôi, lâu ngày thành ra bị bệnh loét dạ dày mãn tính, phải uống thuốc hàng ngày.

Năm 1995, gia đình 3 người mới có cơ hội tái hợp tại Bắc Kinh. Đó chính là khoảng thời gian Mạc Ngôn đang dồn sức viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Báu vật của đời”. Cần Lan tới Bắc Kinh, hết lòng chăm sóc cho ông, chu toàn mọi việc nhà để ông chuyên tâm vào việc sáng tác.

Từ đó đến nay, sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn ngày càng rạng rỡ, những sáng tác của ông được đón nhận nồng nhiệt, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác nhau. Sau khi “Cao lương đỏ” được Trương Nghệ Mưu dựng thành phim, Mạc Ngôn càng trở nên nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới.

Giải Nobel Văn học mà ông mới giành được là giải thưởng đầu tiên được trao cho một nhà văn Trung Quốc, đã khiến cho tên tuổi ông càng trở nên chói sáng. Song, vinh quang và sự nổi tiếng cũng không làm ông quên đi dù chỉ một phút:

Bản thân ông đạt được thành công như vậy là nhờ đằng sau có một người phụ nữ bé nhỏ đã hết lòng yêu chồng thương con, đã lặng lẽ chăm sóc và hậu thuẫn cho ông suốt cả cuộc đời.

Hơn 30 năm đồng cam cộng khổ bên người vợ chỉ mới học đến lớp 2, chưa bao giờ, Mạc Ngôn ngừng biểu lộ tình yêu thương và trân trọng với bà. Vì bà không hề có sự nghiệp riêng, nên ông coi sự nghiệp và thành tựu của ông cũng là của bà.

Đã rất nhiều lần Mạc Ngôn nói, thành công lớn nhất cuộc đời ông không phải là những tác phẩm văn học nổi tiếng hay những giải thưởng danh giá, mà là một gia đình hạnh phúc nơi có một người phụ nữ đã gắn bó với ông suốt cả chặng đường dài gian nan có, vinh quang cũng có.

Con gái là “viên ngọc quý”, âm thầm nối nghiệp cha

Sau khi kết hôn với Đỗ Cần Lan được 2 năm, Mạc Ngôn có con gái Quản Tiếu Tiếu. Như các gia đình Trung Quốc khác, cô con gái một này được ông bà coi như “viên ngọc quý”, hết lòng chăm sóc và dạy dỗ. Vào cái tuổi lên 8, lên 9, bắt đầu biết đọc sách truyện, Tiếu Tiếu sống cùng mẹ tại quê hương Cao Mật, còn Mạc Ngôn đang làm việc tại Bắc Kinh.

Dù không ở cạnh cha, nhưng Tiếu Tiếu chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình cảm cha con, bởi Mạc Ngôn luôn có những cách để con gái cảm thấy đầy đủ cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Tiếu Tiếu nhớ lại, mặc dù cha cô chưa từng tỏ ý hướng cô vào nghiệp viết lách, nhưng mỗi lần từ Bắc Kinh về thăm nhà, ngoài những quà bánh đồ chơi mà mọi trẻ con đều yêu thích ra, ông đều mang cho cô một món quà đặc biệt là những cuốn sách: có truyện thiếu nhi, truyện tranh, từ điển, tuyển tập văn thơ đủ cả.

Những cuốn sách xếp chật va li trong mỗi chuyến đi về thăm nhà của ông đã lấp đầy tuổi thơ Tiếu Tiếu bằng tình yêu thương và trí tưởng tượng. Do vậy, tình yêu văn chương đến với cô một cách rất tự nhiên.

Năm 1995, khi Tiếu Tiếu 13 tuổi, cô cùng mẹ mới rời quê hương Cao Mật lên Bắc Kinh đoàn tụ với Mạc Ngôn. Từ đó, ở bên cha hàng ngày, cô càng cảm nhận được tình cảm vô bờ bến và sự trân trọng của ông với vợ và con gái.

Mặc dù mẹ chỉ là người phụ nữ nông thôn ít học ở nhà suốt ngày để chăm sóc gia đình, còn cha là nhà văn nổi tiếng được biết bao người săn đón, nhưng Tiếu Tiếu luôn thấy cha hết mực yêu thương, tôn trọng mẹ.

Vốn là người bản tính điềm đạm, Mạc Ngôn đối với con gái tuy rất yêu thương nhưng không hay thể hiện ồn ào, vồ vập, mà quan tâm chăm sóc con một cách âm thầm lặng lẽ. Tiếu Tiếu cũng nhớ lại, cha đã từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, nhưng ông có một nguyên tắc bất di bất dịch là chỉ tiêu những đồng tiền do chính sức lao động của mình kiếm ra, nên gia đình 3 người sống hết sức giản dị.

Hiện tại, nguồn thu nhập chính của nhà văn cũng chỉ là tiền lương từ chức vụ Viện trưởng Viện Văn học thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Trung Quốc. Những khoản tiền cha cô bỏ ra một cách không suy nghĩ, chính là tiền mua sách!

Ở bên cha, Tiếu Tiếu không chỉ cảm nhận được tình yêu thương thầm lặng của cha với mình, mà còn thẩm thấu được cả sự tôn sùng của cha với sách vở, với văn chương, cùng với ý chí vươn lên không ngừng trong học tập.

19 tuổi, Tiếu Tiếu thi đỗ vào Học viện Ngoại ngữ Sơn Đông, rồi sau đó theo học Thạc sĩ chuyên ngành Văn học so sánh và Văn học thế giới tại trường Đại học Thanh Hoa – trường đại học nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Còn nhớ, khi đang học đại học, Tiếu Tiếu đã âm thầm sáng tác, nhưng không cho cha biết. Mãi đến khi viết xong, cô mới đưa cho cha đọc. Đó là một cuốn tiểu thuyết miêu tả cuộc sống của giới trẻ trong trường đại học.

Mạc Ngôn vô cùng bất ngờ khi đọc sáng tác đầu tay của con gái, nhưng đọc xong, ông chỉ nói một câu: “Cũng được!”. Tiểu thuyết đó của Tiếu Tiếu về sau đã được xuất bản, và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của giới trẻ.

Hiện nay cô đã là một giáo viên, đồng thời đang theo học tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Luận án tiến sĩ của cô nghiên cứu về chính những sáng tác của cha mình. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người cha Mạc Ngôn, niềm hạnh phúc mà không một giải thưởng danh giá nào có thể thay thế được.   

Những ngày này, Mạc Ngôn đang trở thành tâm điểm của giới truyền thông, hàng ngày phải tiếp nhận rất nhiều cuộc phỏng vấn, nhưng ông chưa bao giờ quên nhắc lại: thành công lớn nhất của cuộc đời ông không phải là những tác phẩm văn học nổi tiếng hay những giải thưởng danh giá, mà là một gia đình hạnh phúc, đặc biệt là vợ và con gái – những người phụ nữ mà ông luôn yêu thương, tôn trọng và biết ơn.

  • Hiền Lương
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc