Nàng La Gioconda bí ẩn
Cho tới hiện tại, vẫn chưa có bất cứ kiệt tác hội họa nào có thể thay thế được vị trí của bức tranh Mona Lisa, hay còn gọi là bức họa La Gioconda (La Giô-công) trong lịch sử hội họa thế giới. Hình ảnh người phụ nữ bí ẩn với đôi mắt lạc quan, yêu đời nhưng nụ cười lại nghiêm nghị, rắn rỏi, rồi từng chi tiết, từng lớp màu cho tới những “mật mã” ẩn chứa trong đôi mắt nhân vật từ lâu đã trở thành đề tài cho những lời ca ngợi cũng như những cuộc tranh cãi bất tận của giới họa gia. Đã có rất nhiều bài hát, nhiều tiểu thuyết, nhiều bộ phim đã được xây dựng xung quanh bức tranh này nhưng những cuộc tranh cãi dường như vẫn chưa dừng lại.
Một trong những chủ đề được tranh cãi nhiều nhất, chính là người phụ nữ bí ẩn làm mẫu trong bức tranh. Nhiều người cho rằng, nhân vật trong bức tranh là mẹ của chính danh họa Leonardo, có người lại so sánh bức tranh với rất nhiều chân dung của chính bản thân người họa sĩ rồi rút ra kết luận, đó chính là một bức chân dung tự họa của chính da Vinci.
Mới đây nhất, có người lại khẳng định rằng, nguyên mẫu của người phụ nữ trong bức tranh chính là một người đàn ông có tên là Gian Giacomo Caprotti, còn được gọi là Salai, một họa sĩ học việc, bạn lâu năm, thậm chí là người tình của da Vinci. Người ta cho rằng, Salai có một mối “quan hệ” đặc biệt với da Vinci và là người mẫu ưa thích của danh họa này, vì vậy, chắc chắn hình ảnh của người phụ nữ bí ẩn trong bức họa Mona Lisa ít nhiều bắt nguồn từ nam người mẫu này. Suy đoán này được nhiều người ủng hộ khi trong tiểu sử của mình, danh họa người Ý từng bị bắt vì đã có quan hệ tình dục với một người đàn ông làm mẫu vẽ vào năm 1476, khi mới 24 tuổi. Tuy nhiên, đây là một suy đoán rất khó chấp nhận đối với một danh họa và là một thiên tài như Leonardo.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi, song phần lớn mọi người đều cho rằng, nguyên mẫu của người phụ nữ trong bức tranh chính là Lisa Gherardini hay còn gọi là Lisa Giocondo, là vợ của Francesco del Giocondo, một một thương gia buôn lụa nổi tiếng tại thành Florence. Thông tin này được coi là đáng tin cậy vì nó được đưa ra từ năm 1550, trong cuốn sách mang tên “Cuộc đời các nghệ thuật gia” của tác giả Giorgio Vasari, nghĩa là chỉ vài chục năm sau khi da Vinci qua đời.
Trong cuốn sách này, tác giả cho biết, ông đã phát hiện ra một đoạn ghi chú trong một cuốn sách viết từ năm 1503, cùng thời với da Vinci, khẳng định, Lisa Giocondo là nguyên mẫu của bức tranh Mona Lisa. Đây cũng chính là lý do từ đó tới nay, người ta vẫn gọi bức tranh nổi tiếng của da Vinci là bức họa “Mona Lisa” hay “La Giocondo”, nghĩa là bà Lisa hoặc bà Giocondo. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều quan trọng. Điều quan trọng chính là, theo phân tích của các nhà nhân tướng học, thì nàng La Giocondo chắc chắn là người tình của vị họa sỹ lừng danh người Ý.
Và mối tình nhiều ẩn ức của họa sỹ lừng danh
Theo những tài liệu còn ghi chép lại được thì Leonardo bắt đầu vẽ nàng La Giocondo từ năm 1503 và sau đó ông bỏ bẵng đi mất bốn năm, không hoàn thành. Ông tiếp tục vẽ bức tranh trong ba năm sau khi đã rời sang Pháp vào năm 1514 cho tới trước khi ông chết vào năm 1519, bức họa mới được hoàn thành. Như vậy, tính từ thời điểm bắt đầu cho tới khi hoàn thành bức họa, Leonardo đã mất tới gần 15 năm. Đây là một điều không bình thường đối với một bức vẽ chân dung mà chỉ là chân dung của một người vợ một người lái buôn bình thường.
Nhiều người còn nói rằng, trong quá trình phác thảo bức họa La Giocondo, Leonardo còn mời rất nhiều các nhạc sỹ tới nhà để đánh đàn cho người mẫu của mình nghe, giúp cho người ngồi mẫu không cảm thấy mệt mỏi trong quá ông thực hiện bức vẽ. Đây không phải là cách mà mọi họa sỹ đối xử với người mẫu của mình.
Thêm nữa bức họa La Giocondo là bức chân dung duy nhất Leonardo tự tay hoàn thành, trong khi không hề có ai yêu cầu đặt hàng cũng chẳng có ai trả tiền cho bức họa của ông. Khi bức họa hoàn thành, Leonardo vẫn không rời bức tranh nửa bước, cho tới tận khi ông chết, người thừa kế của ông mới đem tặng lại cho nhà vua nước Pháp.
Vì sao Leonardo da Vinci lại có tình cảm đặc biệt đối với nàng Lisa cũng như bức tranh vẽ nàng đến như vậy? Các nhà nhân tướng học cho rằng, mọi chuyện bắt nguồn từ sự thiếu thốn tình cảm của người mẹ từ khi còn rất nhỏ của Leonardo da Vinci.
Mọi người đều biết rằng, da Vinci vốn là đứa con ngoài giá thú của công chứng viên Ser Piero, lúc bấy
giờ 25 tuổi và một người hầu trong gia đình, con gái một nông dân 22 tuổi, Catarina. Khi Leonardo chưa đầy một tuổi, Catarina bị đưa đi nơi khác, rời bỏ đứa con hãy còn quấn tã. Sau đó ít lâu, Catarina kết hôn với người chủ một lò gốm và có thêm 5 người con khác. Trong khi đó, Leonardo về ở với cha cho tới khi trưởng thành. Sau này, cha Leonardo có lấy thêm 4 người vợ khác, có tới 9 người con trai và 2 người con gái. Chính vì vậy, cảm giác thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của một người mẹ, một người phụ nữ ở Leonardo là điều đương nhiên. Cảm giác thiếu hụt tình cảm này khiến Leonardo luôn tìm kiếm một người phụ nữ giống với người mẹ trong ký ức tuổi thơ của mình. Và người đó chính là nàng Lisa Giocondo.
Trong một bức ký họa mà nhiều người cho là hình ảnh của mẹ đẻ da Vinci, người ta dễ dàng nhận thấy rất nhiều nét tương tự giữa người phụ nữ này và nàng La Giocondo trong bức họa nổi tiếng của Leonardo. Nói cách khác, ngoài đời thực, nàng La Giocondo chắc chắn rất giống với hình ảnh người mẹ còn lưu lại trong ký ức của Leonardo, đặc biệt là nụ cười mỉm đầy bí ẩn.
Trong nhân tướng học, trường hợp như của Leonardo và Lisa Giocondo được gọi là cặp đôi thuộc kiểu tướng mạo “thân duyên”. Theo đó, người đàn ông có xu hướng lựa chọn người phụ nữ có khuôn mặt, tính cách hoặc một đặc điểm nào đó giống với một người rất thân của mình khi nhỏ mà thông thường là mẹ của họ.
Ở Leonardo da Vinci, điều này càng đúng khi ngay từ khi ông chưa đầy một tuổi, ông đã phải rời khỏi vòng tay chăm sóc của mẹ. Leonardo đã tìm thấy hình ảnh vĩnh hằng của người mẹ mà ông giữ được trong ký ức tuổi thơ của mình trong nụ cười bí hiểm vừa quyến rũ, vừa tự tin lại vừa uy nghiêm của nàng La Giocondo. Sự giống nhau đến kỳ lạ giữa hai người phụ nữ chính là lý do khiến Leonardo da Vinci dành cho nàng La Giocondo nhiều tình cảm đặc biệt đến như vậy. Điều này cũng có thể giải thích vì sao, Leonardo lại tự nguyện thực hiện bức họa trong thời gian kéo dài suốt 15 năm như vậy mà không hề đòi hỏi món tiền thù lao nào.
Những tài liệu còn ghi chép được cho đến ngày nay còn quá ít để khẳng định mối quan hệ tình cảm giữa Leonardo và Lisa Giocondo. Người ta cũng không biết rằng, khi đó, nàng Giocondo có nhận ra được sự si mê đặc biệt mà người họa sỹ tài danh dành cho nàng hay không, chỉ biết chắc chắn rằng, Leonardo chịu ảnh hưởng rất lớn từ khuôn mặt của người phụ nữ này.
Các nhà nhân tướng học nói rằng, với những cặp đôi có kiểu tướng mạo “thân duyên”, mối quan hệ và sự ảnh hưởng của người phụ nữ đến người đàn ông vô hình tới mức gần như người đàn ông không nhận ra được. Có thể, Leonardo cũng không nhận thức được mối quan hệ đặc biệt này giữa mình và người phụ nữ đã có chồng đang ngồi làm mẫu vẽ, song những gì mà ông thể hiện trên các tác phẩm của mình đã cho thấy rất rõ điều đó. Người ta nói rằng, khuôn mặt của Lisa ảnh hưởng tới Leonardo tới mức, trong những bức tranh ông vẽ Đức mẹ sau này đều có bóng hình của nàng Lisa.
Không chỉ có thuộc kiểu tướng mạo “thân duyên”, nếu đem so sánh chân dung của Leonardo và bức họa nàng La Giocondo, sẽ thấy rằng, khuôn mặt giữa hai người có rất nhiều điểm tương tự nhau. Đây chính là lý do nhiều người cho rằng bức họa Mona Lisa thực chất là một bức chân dung tự họa của Leonardo da Vinci.
Tuy nhiên, các nhà nhân tướng học thì lại cho rằng, điều này cho thấy, họa sỹ người Ý và cô người mẫu là một cặp đôi có kiểu tướng mạo “hài hòa”. Tỷ lệ các bộ phận trên khuôn mặt của hai người khá giống nhau, cộng thêm phần trán khá cao và tròn hoàn toàn trùng khít với những tiêu chuẩn của một cặp đôi có kiểu tướng mạo “hài hòa”. Nếu như có thể kết hợp thành vợ chồng thì kiểu tướng mạo hài hòa kết hợp với kiểu tướng mạo thân duyên chắc chắn mang lại cho Leonardo và Lisa Giocondo một cuộc sống hạnh phúc. Đáng tiếc, khi gặp Leonardo, Lisa đã là phụ nữ có chồng.
Người ta nói rằng, trước khi chết, Leonardo da Vinci đã yêu cầu những người thừa kế mai táng bức ảnh nàng La Giocondo theo mình. Tuy nhiên, yêu cầu của ông đã không được thực hiện. Vì sao trong vố số những danh tác của mình, Leonardo không đòi mai táng theo bức tranh nào khác ngoài bức họa chân dung nàng La Giocondo? Điều này chỉ có thể lý giải bằng sự si mê đặc biệt mà Leonardo da Vinci dành cho người phụ nữ trong bức tranh, chứ không phải vì giá trị của bức họa. Dẫu sao, việc những người thừa kế không thực hiện yêu cầu của Leonardo cũng là điều may mắn đối với lịch sử nhân loại. Bởi vì nhờ thế, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng một kiệt tác của một họa sỹ thiên tài mà hơn thế, chúng ta còn khám phá ra được mối tình bí ẩn đằng sau bức tranh huyền thoại ấy.
- Cù Thăng