Giang Thanh và chuyện chữa bệnh của Mao Trạch Đông

( PHUNUTODAY ) - Giang Thanh tiếp tục can thiệp. Lấy lý do là “nơi ở của chủ tịch, không có sự đồng ý của chủ tịch, không ai được tới”, Giang Thanh buộc Diệp Kiếm Anh không thể thực hiện vai trò đốc thúc quá trình điều trị của Mao Trạch Đông được.

Nhờ có sự động viên của Diệp Kiếm Anh, mọi người cảm thấy rất tự tin với việc chữa khỏi bệnh viêm phổi cho Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, không ngờ lúc bấy giờ Giang Thanh lại tiếp tục xuất hiện can thiệp. Lấy lý do là “nơi ở của chủ tịch, không có sự đồng ý của chủ tịch, không ai được tới”, Giang Thanh tìm cách để buộc Diệp Kiếm Anh không thể thực hiện vai trò đốc thúc quá trình điều trị của Mao Trạch Đông.
[links()]
Trước cách mạng Văn hóa, sức khỏe của Mao Trạch Đông rất tốt. Đúng như những gì giới truyền thông Trung Quốc lúc bấy giờ tuyên truyền “tinh thần quắc thước, sắc mặt hồng hào”. Cũng có nhiều lúc, Mao Trạch Đông cũng bị cảm hay mắc các bệnh viêm khí quản, đau dạ dày,…

Liên quan tới tình hình bệnh tật của Mao Trạch Đông những năm cuối đời có lẽ là lần Mao Trạch Đông bị mắc bệnh viêm phổi vào năm 1956. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, do việc điều trị được tiến hành kịp thời nên bệnh viêm phổi của Mao Trạch Đông được khống chế nhanh chóng.

Cho mãi tới sau cách mạng Văn hóa, căn bệnh này mới tái phát trở lại. Sự kiện thể hiện rõ nhất sức khỏe của Mao Trạch Đông có lẽ là việc vui chơi trên sông Trường Giang năm 1966.

Trước năm 1966, căn bệnh gây nhiều khó khăn cho Mao Trạch Đông nhất chính là chứng mất ngủ và táo bón. Chứng mất ngủ được hình thành do một thời gian dài Mao Trạch Đông thức đêm làm việc.

Trong thời gian này, một ngày, Mao Trạch Đông dành tới mười mấy tiếng để xử lý công việc. Việc nghỉ ngơi không có quy luật cộng thêm thói quen làm việc ban đêm đã làm loạn đồng hồ sinh học của Mao Trạch Đông.

Sau khi nội chiến kết thúc, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử một bác sĩ chuyên trách tới quẩn lý việc đi ngủ đúng giờ của Mao Trạch Đông đồng thời tổ chức các chuyên gia nghiên cứu điều trị bệnh mất ngủ của Mao Trạch Đông.

Chủ tịch Mao Trạch Đông và bà Giang Thanh
Chủ tịch Mao Trạch Đông và bà Giang Thanh

Rất nhiều phương án đã được đưa ra, tuy nhiên, hiệu quả đạt được lại rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là vì, cường độ công việc của Mao Trạch Đông sau nội chiến vẫn không hề giảm. Một nguyên nhân khác là vì thời gian này Mao Trạch Đông ỷ lại quá nhiều vào thuốc ngủ.

Một khi liều lượng của loại thuốc này không ngừng gia tăng, nó sẽ sinh ra sự kháng thuốc. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng để giảm lượng thuốc ngủ của Mao Trạch Đông, tuy nhiên không hề mang lại hiệu quả gì.

Từ năm 1960 trở đi, Mao Trạch Đông bắt đầu xuất hiện chứng táo bón ở người già. Căn bệnh này càng ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là từ năm 1970 trở về sau, cuối cùng trở thành một trong những căn bệnh gây nhiều phiền toái nhất cho sức khỏe của Mao Trạch Đông.

Người ta nói rằng, trong những năm cuối đời, việc đại tiện của Mao Trạch Đông gặp phải rất nhiều khó khăn. Thi thoảng được một lần “thuận lợi”, cả Mao Trạch Đông lẫn các y tá chăm sóc của Mao đều vô cùng vui sướng.

Mặc dù vậy, cả bệnh mất ngủ lẫn bệnh bệnh táo bón đều không phải là căn bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của Mao Trạch Đông. Căn bệnh thực sự cướp đi sinh mạng của Mao Trạch Đông thực sự phát sinh kể từ năm 1970 trở về sau.

Sau Hội nghị Trung ương 2 khóa 9 Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào đầu năm 1970, Mao Trạch Đông bỗng cảm thấy cơ thể không khỏe. Kể từ khi từ Giang Tây trở về Bắc Kinh, Mao thường sốt nhẹ và ho.

Ngoài ra, cơ thể Mao cũng xuất hiện những triệu chứng chưa bao giờ xuất hiện trước đó như chân tay bủn rủn và khó đi tiểu tiện. Sau khi các bác sĩ tiến hành khám, cho rằng, Mao Trạch Đông có thể bị viêm phổi. Tuy nhiên, để xác định chắc chắn, vẫn cần phải tiến hành chụp X-quang.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Mao Trạch Đông đã 77 tuổi. Những năm tuổi già, Mao Trạch Đông cực kỳ ghét việc kiểm tra sức khỏe. Phải tới khi Chu Ân Lai tới khuyên, Mao Trạch Đông mới đồng chụp X-quang phần ngực.

Kết quả chụp X-quang khẳng định, căn bệnh mà Mao Trạch Đông mắc phải là bệnh viêm phổi. Sau khi được các bác sĩ nỗ lực tìm mọi cách điều trị, tới mùa hè năm 1971, căn bệnh viêm phổi của Mao Trạch Đông mới được chữa khỏi.

Tới ngày 15/8/1971, Mao Trạch Đông bắt đầu chuyến công tác dài ngày ở cả hai vùng Nam Bắc. Mục đích của chuyến đi này chính là cuộc vận động nhằm chống lại âm mưu đoạt quyền của Lâm Bưu. Tuy nhiên, không lâu sau đó thì xảy ra sự kiện dẫn tới tai nạn máy bay khiến Lâm Bưu và cả gia đình tử nạn ở biên giới Mông Cổ.

Trong thời gian xử lý sự việc của Lâm Bưu, bệnh viêm phổi của Mao Trạch Đông lại tái phát, thậm chí dấu hiệu còn rõ ràng hơn rất nhiều so với hồi tháng 10 năm 1970. Vào thời điểm này, nhiều loại vi khuẩn virus mà với người bình thường thì có thể chống lại được song với Mao Trạch Đông thì rất dễ bị nhiễm bệnh.

Vào thời điểm giao mùa giữa Đông và Xuân, thời tiết ở miền bắc Trung Quốc rất lạnh lại hay biến đổi, do vậy, Mao Trạch Đông liên tục bị cảm, ho và ra mồ hôi.

Bà Giang Thanh
Bà Giang Thanh

Trong tình hình sức khỏe lúc bấy giờ, nếu như tiêm các loại kháng sinh không chế viêm phổi hoặc dùng các loại thuốc tăng cường sức khỏe như nhân sâm thì có lẽ bệnh tình của Mao Trạch Đông sẽ thuyên giảm phần nào, thậm chí có thể chữa khỏi triệt để.

Tuy nhiên, từ trước tới nay, Mao Trạch Đông từ chối dùng các loại thuốc bổ đồng thời Mao cũng từ chối tiêm kháng sinh để trị viêm phổi. Vì thế, các bác sĩ chỉ còn cách là cho Mao Trạch Đông uống một số loại thuốc trị viêm phổi để điều trị bệnh cho Mao.

Các loại thuốc uống có thể khống chế phần nào chứng viêm phổi, tuy nhiên, không thể trị được một cách triệt để. Tới tháng 1 năm 1972, bệnh tình của Mao Trạch Đông ngày một nặng hơn.

Lúc bây giờ, triệu chứng rõ ràng nhất là việc đi lại của Mao ngày một khó khăn và nặng nề hơn. Dù đi lại trong phòng Mao vẫn cần có y tá dìu, thói quen ra ngoài tản bộ của Mao Trạch Đông cũng gần như bị bỏ.

Việc vận động của Mao ngày một ít đi. Tới đầu năm 1972, các bác sĩ phát hiện ở chân của Mao Trạch Đông xuất hiện nhiều chỗ sưng phù. Huyết áp của Mao Trạch Đông không ngừng tăng lên. Trước đây huyết áp của Mao Trạch Đông luôn duy trì ở mức bình thường.

Tuy nhiên, từ tháng 1/1972, huyết áp của Mao Trạch Đông lúc cao nhất lên tới 180, lúc thấp thì dao động ở mức 100. Huyết áp ở mức cao khiến cho thể lực của Mao Trạch Đông không ngừng giảm sút. Lúc này, hàng ngày, Mao Trạch Đông đều phải nằm nghỉ ngơi trên giường theo chỉ dẫn của bác sĩ khiến bệnh táo bón ngày một nặng thêm.

Có lần, hai ba ngày liên tục mà Mao Trạch Đông không hề đi đại tiện. Trong thời gian này, khẩu vị của Mao Trạch Đông lại không tốt. Việc ăn uống bị giảm thiểu khiến sức đề kháng của cơ thể Mao Trạch Đông lại càng thêm giảm sút.

Vào ngày 10/1/1972, lễ truy điệu Trần Nghị được tổ chức ở Bắc Kinh. Ngay trước thời gian lễ truy điệu diễn ra, Mao Trạch Đông quyết định sẽ tham gia.  Lúc bấy giờ, người ta không nghĩ rằng một người đang bị bệnh như Mao Trạch Đông sẽ tham gia, vì thế, không cách nào giải quyết được vấn đề nhiệt độ trong phòng tổ chức tang lễ quá thấp.

Thêm vào đó, do Mao Trạch Đông đưa ra quyết định quá sát giờ khiến các nhân viên y tế cũng không có thời gian để chuẩn bị. Lúc bấy giờ, Mao Trạch Đông chỉ mặc thêm một chiếc áo khoác to rồi ra ngoài. Điều này khiến cơ thể Mao một lần nữa bị nhiễm lạnh.

Sau khi dự tang lễ của Trần Nghị, sức khỏe của Mao Trạch Đông càng trở nên yếu hơn. Bệnh viêm phổi càng có dấu hiệu nặng hơn. Hai ngày sau, các vết sưng phù ở chân của Mao Trạch Đông cũng có dấu hiệu nặng hơn.

Các vết sưng dường như bắt đầu lan rộng ra. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện, cùng việc xuất hiện các tạp âm ở phổi, tim của Mao Trạch Đông cũng xuất hiện hiện tượng nhịp đập không đều. Mặc dù bệnh tình có dấu hiệu ngày một nặng hơn nhưng Mao Trạch Đông vẫn không đồng ý tiêm kháng sinh, chỉ đồng ý uống thuốc.

Do không ngừng ho, Mao Trạch Đông không thể nằm ngủ trên chiếc giường thẳng bình thường nữa. Buổi tối, Mao Trạch Đông chỉ có thể ngồi dựa vào ghế sô pha trong phòng ngủ để ngủ. Ngày 18 tháng 1, Mao Trạch Đông đột nhiên hôn mê.

Điều này khiến các nhân viên y tế vô cùng hốt hoảng. Việc Mao Trạch Đông hôn mê là hiện tượng mà trước nay người ta chưa từng thấy kể từ khi Mao mắc bệnh vì thế, các bác sĩ không dám coi thường. Chính vì thế, dù đang họp nhưng Chu Ân Lai cũng vội vàng tìm tới.

Khi Chu Ân Lai tới nơi ở của Mao Trạch Đông ở Trung Nam Hải thì Mao đã tỉnh lại. Nghĩ tới bệnh tình của Mao Trạch Đông đã tới mức nguy cấp, Chu Ân Lai quyết định lập hẳn một tổ công tác để điều trị bệnh cho Mao Trạch Đông.

Ngoại trừ các y bác sĩ ở bên cạnh Mao trước đây, Chu Ân Lai cho điều rất nhiều các y bác sĩ nội ngoại khoa có nhiều kinh nghiệm ở các bệnh viện lớn tại Bắc Kinh tới chịu trách nhiệm kiểm tra và chẩn trị bệnh cho Mao Trạch Đông.

Tổ công tác sau khi tiến hành kiểm tra và hội chẩn với căn bệnh phổi nghiêm trọng của Mao Trạch Đông, đã thống nhất với nhau rằng, cần có một cuộc kiểm tra tổng thể về sức khỏe đối với Mao Trạch Đông.

Chu Ân Lai cũng ra chỉ thị, yêu cầu tổ công tác sớm tiến hành một cuộc kiểm tra tổng thể từ điện tâm đồ tới X-quang vùng ngực để đưa ra kết luận chính xác nhất về bệnh tình của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, khi tổ công tác đưa ra yêu cầu này, Mao Trạch Đông vẫn nhất định từ chối không làm kiểm tra tổng thể.

Nguyên nhân khiến Mao Trạch Đông vẫn cố chấp dù bệnh tình đang ngày một năng hơn là vì trước nay Mao có thói quen phản đối việc làm phức tạp hóa bệnh tật. Sau đó, phải đích thân Chu Ân Lai tới giải thích, Mao Trạch Đông mới thay đổi thái độ tiêu cực đối với việc điều trị bệnh.

Chu Ân Lai nói với Mao Trạch Đông: “Bây giờ điều trị ngay thì bệnh tình không chỉ có chuyển biến tốt mà còn có thể hồi phục nhanh hơn. Nếu như vẫn còn kéo dài tình trạng này không điều trị dứt điểm thì bệnh viêm phổi có thể chuyển sang những bệnh khác.

Từ tình hình hiện tại thì chủ tịch nhất định phải thực hiện cuộc kiểm tra điện tâm đồ”. Sự lo lắng của Chu Ân Lai hoàn toàn có cơ sở. Suy nghĩ của Chu Ân Lai và các bác sĩ là giống nhau, đều lo rằng, bệnh viêm phổi của Mao sẽ dẫn tới các biến chứng về tim mạch.

Nếu như thực sự xảy ra các biến chứng về tim mạch thì hậu quả sẽ cực kỳ khó lường. Mao Trạch Đông cũng trọng ý kiến của Chu Ân Lai, tuy nhiên, Mao chỉ đồng ý một lần điện tâm đồ, còn những chuyện kiểm tra phức tạp khác, Mao Trạch Đông nhất định không chịu thực hiện.

Sau khi các bác sĩ cật lực thuyết phục, cuối cùng, Mao Trạch Đông cũng đồng ý thực hiện một cuộc kiểm tra điện tâm đồ và một lần chụp X-quang.

Kết quả kiểm tra cho thấy rằng, phổi của Mao Trạch Đông đã bị viêm nặng. Các bác sĩ còn phát hiện ra rằng, do bộ phận bị viêm ở phổi trong một thời gian dài không được điều trị hiệu quả nên bắt đầu có những ảnh hưởng tới tim.

Kết quả điện tâm đồ cũng cho thấy, Mao Trạch Đông có dấu hiệu bệnh tim và phổi. Không chỉ như vậy, các bác sĩ còn khẳng định, kết quả điện tâm đồ chứng minh rằng, bệnh tình của Mao Trạch Đông đang chuyển sang giai đoạn nặng hơn.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ cũng khẳng định, việc Mao Trạch Đông bị hôn mê vào hôm 18 tháng 1 chính là vì căn bệnh viêm phổi gây ra. Bởi lẽ, bệnh tim phổi có thể trực tiếp khiến ngực thiếu không khí dẫn tới tinh thần không thoải mái cũng như ngủ mê mệt của Mao Trạch Đông thường ngày.

Mặc dù vậy, Mao Trạch Đông thì vẫn tin rằng, bệnh tình của mình không nặng như những gì các bác sĩ nói. Mao cho rằng, các bác sĩ chỉ đang làm quan trọng hóa vấn đề mà thôi. Khi các bác sĩ đưa ra các phương án giúp trợ tim, tiêu viêm và lợi tiểu, Mao Trạch Đông miễn cưỡng đồng ý nhưng vẫn nói thêm:

“Không cần phải làm mọi thứ căng thẳng như vậy”. Khi các bác sĩ bắt đầu tiêm penicillin và cho Mao uống thuốc kháng viêm, Mao Trạch Đông lại cho người tới hỏi Khang Sinh (Khang Sinh là thư ký của Mao Trạch Đông, lúc này đang nằm viện) về phương án trị liệu được thực hiện.

Khi Mao nghe nói, Khang Sinh chỉ tiêm thuốc kháng sinh mà không dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào khác, ngay lập tức Mao trở lại lập trường cố hữu của mình, quyết định dừng việc tiêm thuốc.

Do không có cách nào sử dụng một lượng lớn thuốc tiêu viêm để điều trị, từ trung tuần tháng 1 năm 1972, bệnh Mao Trạch Đông không những không giảm mà bắt đầu nặng hơn. Ngày 21 tháng 1, Chu Ân Lai và Giang Thanh, vợ của Mao cùng tới nơi ở của Mao ở Trung Nam Hải.

Khi nghe các bác sĩ báo cáo tình hình sức khỏe và điều trị của Mao, Chu Ân Lai vẫn cảm thấy rất lo lắng về bệnh tình của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, Giang Thanh thì lại phê bình các bác sĩ thuộc tổ công tác, nói:

“Các anh không cần phải tạo không khí căng thẳng như vậy. Sức khỏe của chủ tịch chẳng phải lâu nay vẫn rất tốt đó sao. Cơ thể của chủ tịch trước nay vẫn rất khỏe manh, lẽ nào các anh phải làm to chuyện mới hả?”

Khi Chu Ân Lai và Giang Thanh tới phòng ngủ của Mao để cùng Mao bàn về phương án điều trị tiếp theo, Mao Trạch Đông vẫn cho rằng, bệnh của mình không hề nghiêm trọng như những gì các bác sĩ nói. Thêm vào đó, Giang Thanh lại đứng bên cạnh cố ý ngăn cản, khiến cuộc nói chuyện lần đó giữa Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mãi không đi vào được chủ đề chính.

Do bệnh tình của Mao Trạch Đông đang ngày một nặng hơn, vào đêm hôm đó, Chu Ân Lai quyết định tổ chức một cuộc họp của Bộ Chính trị, đem vấn đề bệnh tình của Mao Trạch Đông và ý kiến của các bác sĩ ra để thảo luận, từ đó có thể nhanh chóng đưa ra một phương án chữa trị mà Mao Trạch Đông có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, ngay khi vừa mới bắt đầu hội nghị, Diêu Văn Nguyên đã tìm tới chỗ của các bác sĩ thuộc tổ công tác đang ngồi đợi, lạnh như băng nói với các bác sĩ rằng: “Tôi nhân lời ủy thác của đồng chí Giang Thanh và Bộ Chính trị tìm các vị bàn một chút.

Mọi người đều biết sức khỏe của Mao chủ tịch trước này rất tốt. Mỗi ngày chủ tịch đều tham gia các hội nghị, tiếp các sứ đoàn ngoại giao. Thông tin chúng ta công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng một lần nữa chứng minh, Mao chủ tịch tinh thần quắc thước, sắc mặt hồng hào.

Đây hoàn toàn không phải là nói cho có, các anh có thể xem những bức tranh chụp chủ tịch tiếp các đoàn khách nước ngoài. Cái nắm tay của chủ tịch có lực thế cơ mà! Nay chủ tịch bị cảm nhẹ cũng chẳng phải là bệnh tình gì lớn lắm.

Thế mà các anh dựa vào đâu nhất định nói rằng phổi và tim của chủ tịch đang có dấu hiệu biến chứng? Lại còn nói cái gì gọi là tâm lực suy kiệt? Rõ ràng là các ngươi đang nói dối! Các anh là bác sĩ, tôi chưa kể tới thái độ chính trị tuy nhiên, các anh cũng cần có chút lương tâm chứ. Các anh phải chịu các trách nhiệm về chính trị với việc làm của mình”.

Các bác sĩ của tổ công tác vốn muốn đem tình hình bệnh tật của Mao Trạch Đông báo cáo chi tiết với trung ương những mong nhận được sự trọng thị của các lãnh đạo. Không ngờ, họ lại nhận được một những lời dọa nạt của Diêu Văn Nguyên, nên đành phải chôn chặt những gì mình muốn nói trong lòng.

Vì thế, trong hội nghị của Bộ chính trị đã hủy bỏ những báo cáo từ phía các bác sĩ điều trị cho Mao Trạch Đông từ trước tới nay. Bốn giờ sáng ngày hôm sau, hội nghị của Bộ Chính trị về bệnh tình của Mao Trạch Đông mới kết thúc.

Ngay sau đó, Diệp Kiếm Anh và Lý Tiên Niệm mới tới gặp các thành viên chủ chốt của tổ công tác, đồng thời yêu cầu họ báo cáo chi tiết tình hình bệnh tật của Mao Trạch Đông. Nhận được lời đề nghị của Diệp Kiếm Anh và Lý Tiên Niệm, các bác sĩ đã đem toàn bộ tình hình báo cáo lại một cách chi tiết.

Diệp Kiếm Anh từng làm qua công việc kiểm tra tim mạch, do vậy, sau khi xem lại kết quả điện tâm đồ của Mao Trạch Đông, đã xác định những gì các bác sĩ báo cáo về bệnh trạng của Mao Trạch Đông là hoàn toàn có thật.

Trong cuộc họp của Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định Chu Ân Lai, Vương Hồng Văn, Trương Xuân iều và Uông Đông Hưng sẽ phụ trách công việc điều trị bệnh cho Mao Trạch Đông. Do là người có quan hệ tình cảm rất tốt với Mao Trạch Đông, Diệp Kiếm Anh được mời làm người trực ban đốc thúc trong quá trình điều trị của Mao Trạch Đông.

Chiều ngày 22 tháng 1, Diệp Kiếm Anh tới nơi ở của Mao Trạch Đông để bàn bạc với các bác sĩ về phương án điều trị có hiệu quả nhất đối với bệnh tình của Mao.

Sự xuất hiện của Diệp Kiếm Anh khiến các bác sĩ của tổ công tác phấn chấn hơn hẳn, dù Mao Trạch Đông vẫn từ chối điều trị và đã dừng uống thuốc mấy ngày liền. Nhờ có sự động viên của Diệp Kiếm Anh, mọi người cảm thấy rất tự tin với việc chữa khỏi bệnh viêm phổi cho Mao Trạch Đông.

Tuy nhiên, không ngờ lúc bấy giờ Giang Thanh lại tiếp tục xuất hiện can thiệp. Lấy lý do là “nơi ở của chủ tịch, không có sự đồng ý của chủ tịch, không ai được tới”, Giang Thanh tìm cách để buộc Diệp Kiếm Anh không thể thực hiện vai trò đốc thúc quá trình điều trị của Mao Trạch Đông được.

(Còn nữa)

  • Đại Nam
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn