Cứ sau mỗi loạt trận giao hữu, đặc biệt là giao hữu giữa các ĐTQG là y như rằng Cơ quan Cảnh sát quốc tế (Interpol) lại có việc để làm. Đơn giản vì các trận đấu kiểu này rất hay có “mùi”. Rõ ràng, các trận đấu giao hữu là cơ hội không thể tốt hơn cho những tay trùm siêu độ thò chiếc vòi bạch tuộc để dàn xếp tỷ số.
[links()]
360 kiểu… làm độ
Dàn xếp tỷ số đem lại những khoản siêu lợi nhuận cho những tay trùm và các tổ chức cá độ và vì thế chúng tìm mọi cách để can thiệp vào tỷ số của các trận đấu. Cuối năm trước, làng túc cầu thế giới bị một phen ngã ngửa sau khi những tài liệu tuyệt mật về mua bán độ trong bóng đá bị trang mạng Wikileaks phơi bày bằng hàng chục văn bản.
Wikileaks chỉ rõ phương thức mà các nhà cái và các trùm độ nhúng bàn tay bẩn vào các trận đấu một cách rõ ràng và tường tận như thế nào. Đầu tiên, chúng tác động vào một mắt xích trong nội bộ các ĐTQG rồi từ đó móc nối đến HLV trưởng, các cầu thủ và trọng tài.
Các trận giao hữu chỉ để… dàn xếp tỷ số |
Hoặc đơn giản hơn, chúng chỉ mua độ một tổ trọng tài điều khiển trận đấu hay cầu thủ của một đội, đặc biệt là thủ môn nhưng vì tính an toàn, chúng thường mua tất cả các bên liên quan.
Theo công bố của Wikileaks trong năm 2011, đã có 13 trận đấu giao hữu giữa các ĐTQG có sự dàn xếp tỷ số với tổng số tiền “bẩn” lên tới 36,5 triệu USD – con số thực sự khiến các nhà chức trách phải giật mình.
Ngay lập tức, FIFA và Interpol xây dựng một chương trình chống dàn xếp tỷ số với kinh phí lên tới 20 triệu USD. Tuy nhiên khả năng thành công của siêu dự án này là không cao bởi những mánh khóe của chúng ngày càng tinh vi hơn.
Đá cho vui, bỏ túi đống tiền
Những trận đấu giao hữu chỉ mang tính chất thử nghiệm và gần như vô thưởng vô phạt. Bởi vậy, những tay trùm cá độ hay các nhà cái luôn coi đây là mảnh đất màu mỡ để thực hiện những phi vụ dàn xếp tỷ số đầy ngoạn mục.
Theo thống kê của tờ Manchester Evening News – tờ báo hàng đầu nước Anh, gần như tất cả các loạt trận giao hữu quốc tế đều có dấu hiệu sắp đặt bởi những bàn tay mafia, những thế lực ngầm.
Nói đâu xa, đến nhà ĐKVĐ thế giới Tây Ban Nha hay hai ông vua Nam Mỹ là Brazil và Argentina còn bị nghi ngờ, thậm chí bị Interpol và FIFA điều tra thì thử hỏi còn đội bóng nào khác không bị mua độ?! Vào sân đá cho vui rồi tranh thủ kiếm thêm cả triệu USD, đội nào chẳng muốn.
Argentina là đội bóng đầu tiên bị tờ Manchester Evening News đích danh chỉ mặt gọi tên trong việc bị nghi ngờ làm độ, đặc biệt là trận đấu với Nigeria ngày 1/6/11. Trong trận đấu này, các cầu thủ Argentina thi đấu như thể họ đang mơ ngủ, để thủng lưới tới 4 lần và chỉ gỡ được 1 bàn danh dự vào phút… 98.
Đặc biệt hơn, nó lại là một quả penalty được trọng tài “biếu không”. Theo cáo buộc, ĐT xứ Tango bỏ túi tới 3,5 triệu USD, Nigeria nhận được 1 triệu USD và tổ trọng tài điều khiển cũng “thủ giỏ” tới 450.000 USD.
Trích dẫn cho cáo buộc, tờ báo xứ Sương mù chỉ rõ các dấu hiệu bị làm độ trong trận đấu này. Đầu tiên là việc trọng tài Ibrahim Chaibou đưa ra 2 quyết định gây tranh cãi, đó là quả penalty ở phút thứ 27 cho Nigeria và pha lập công của Mauro Boselli cho Argentina ở phút bù giờ thứ 8, cũng trên chấm 11m. Cả hai quả penalty đều là những lỗi mà vị trọng tài này đã “tưởng tượng” ra.
Thêm nữa, việc cho một trận đấu giao hữu không quá căng thẳng mà bù giờ đến 8 phút cũng rất đáng nghi. Nhiều người cho rằng Ibrahim Chaibou đã cố tình cho trận đấu kéo dài đến bao giờ Argentina có được bàn thắng thì mới thổi hồi còi kết thúc.
Không những vậy, cho đến phút 86 của trận đấu, các nhà cái cho kèo rung (có thêm bàn thắng) chỉ được ăn có 0,45. Đây là một kèo rất lạ bởi khi trận đấu càng trôi về những phút cuối thì khả năng có được bàn thắng lại càng thấp.
Sau Argentina, đến lượt Tây Ban Nha cũng lọt vào tầm ngắm của các tay trùm làm độ và cả… Interpol. Người ta đã cố tìm hiểu nguyên nhân những trận thua như kẻ nhược tiểu của ĐT xứ Bò tót với tỷ số 0-4 trước Argentina hay 1-4 trước Bồ Đào Nha. Chỉ có một cách giải thích, đó là… bán độ và số tiền mà các tay trùm phải chi cho 2 trận đấu này lên tới cả chục triệu USD.
Nói về dàn xếp tỷ số, không thể không kể đến những Hy Lạp, Rumania và đặc biệt là Ba Lan. Từ lâu, bóng đá Ba Lan đã trở thành miếng mồi ngon cho những tay trùm cá độ. Chúng có thể nhúng tay vào mọi trận đấu và dàn xếp tỷ số một cách dễ dàng.
Vì thế, việc mua độ cả ĐTQG cũng không quá khó khăn. Còn với Hy Lạp, tình hình tài chính eo hẹp khiến các cầu thủ và cả HLV nước này phải tranh thủ “kiếm thêm” bằng những tấm séc lót tay có giá trị cực lớn. Thế mới biết, thực chất của các trận giao hữu hóa ra chỉ để làm độ và kiếm tiền.
- Sơn Hạp